Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

LỄ LÀ KÍNH TRÊN NHƯỜNG DƯỚI!

Chữ Lễ theo cách hiểu của GS Thêm là hiểu theo tư duy của những người cộng sản; tiên học lễ tức là mọi người dân điều đầu tiên phải học là biết vâng lời chính quyền, chính quyền bảo sao nghe vậy. Vì người dân chỉ biết một chiều là phục tùng nên không có óc sáng tạo. GS Thêm vì vậy đề nghị nên bỏ tiên học lễ, hậu học văn. Ngược lại, chữ Lễ của cha ông có nghĩa là “Kính trên nhường dưới”, học lễ là học đạo làm người có đức. Còn chữ Văn phải hiểu rộng ra là tri thức, từ xưa tới nay dân ta vẫn hiểu như vậy khi nói "Tiên học lễ hậu học văn".
LỄ LÀ KÍNH TRÊN NHƯỜNG DƯỚI!
FB Nguyễn Một - Mấy hôm nay cộng đồng xôn xao về việc GS Trần Ngọc Thêm đề nghị bỏ khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn”, tôi nghĩ “khẩu hiệu” có hay không chẳng quan trọng gì, quan trọng là con người có thực hiện đúng “nội hàm” của chữ “lễ’ trong cuộc sống không, nên tôi chỉ kể một chuyện tiếu lâm cho vui trên facebook thôi.
Hôm qua, một học trò cũ nhắn tin: “Thầy đọc bài trả lời của GS trên tuổi trẻ và thấy hãy viết gì đi ạ!” Tôi vào đọc bài phỏng vấn GS tôi mới giật mình, ông nói: “Bởi vì khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ "lễ" với người trên là yêu cầu số 1. Một nguồn nhân lực như vậy giỏi lắm chỉ có thể giữ cho xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển. Muốn xây dựng một xã hội phát triển thì phải có những con người sáng tạo. Để sáng tạo, phải chủ động và có tư duy phản biện.” (Trích Báo tuổi trẻ)

Thì ra GS hiểu “lễ” là “phục tùng với người trên” là “đào tạo người thừa hành” là “không có tư duy phản biện” và vấn đề không chỉ là bỏ “khẩu hiệu” nên tôi mạo muội lạm bàn:

Câu “Tiên học lễ, hậu học văn” thời VNCH - năm 1974 tôi học lớp 5 Trường tiểu học Chánh Phú, ngay ngày đầu nhập học thầy giáo Trương Hữu Tưởng viết câu này trên bảng và giảng rất ngắn: “ Các trò cần hiểu “lễ” là “Kính trên nhường dưới”.

Gần nửa thế kỷ qua tôi vẫn nhớ như in lời thầy dạy và sau này suốt 15 năm làm nghề dạy học tôi dạy điều đó cho học trò mình “Kính trên” cân bằng với “nhường dưới” không bên nào nặng hơn.

Tôi thực hành câu đó bằng sự gần gũi với các em cho các em phát biểu thoải mái ý nghĩ của mình. Tôi gần các em đến nỗi một phóng viên truyền hình nhà báo Cù Thị Thanh Huyền về trường đã ngạc nhiên khi tôi tham gia trò chơi với các em và tranh cãi luật chơi sòng phẳng, thậm chí có em còn nhéo tai tôi, nhưng khi vào lớp các em lại cực kỳ ngoan ngoãn học tập và phát biểu thẳng thắn…

Sau này lớn lên đọc Luận ngữ mới biết câu này xuất phát từ đây:

" Khổng tử nói: Này trò, ở nhà phải hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài tôn kính người hơn tuổi, cẩn thận giữ điều tín, gần gũi thân cận với người nhân đức, được như vậy mà còn dư sức thì học tập tri thức nữa." (Tử viết: Đệ tử, nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn.)

Trong Luận ngữ của Khổng tử - ông tổ của nho giáo ta cũng thấy ông cùng học trò tranh biện thoải mái chứ ông có bắt học trò “phục tùng” đâu? Không thấy ai dạy chữ “Lễ” là chỉ “phục tùng với người trên” là “đào tạo người thừa hành” như GS nhận định.

Mà chữ “Lễ” là cách thức giữ gìn “giềng mối của văn hóa ứng xử” với cách hiểu ngắn gọn là “kính trên nhường dưới” trong đời sống đã hình thành “giá trị ổn định” như chính GS đã viết trong giáo trình “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của mình:
“Văn hóa thực hiện chức năng giáo dục không chỉ bằng những giá trị ổn định (truyền thống) mà còn bằng cả giá trị đang hình thành. Hai giá trị này tạo thành hệ thống chuẩn mực mà con người hướng tới. Nhờ nó mà văn hóa đóng vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách (trồng người).” (Chú thích thêm: Chính GS dùng lại từ “trồng người” của Quản Trọng trong sách của mình trong ngoặc đơn để khẳng định thêm cho cụm từ “hình thành nhân cách” của GS)

Tôi thấy người Hàn Quốc và Nhật Bản “hành lễ” rất cẩn trọng nhưng xã hội của họ vẫn phát triển rất đáng ngưỡng mộ, nên khi bỏ nghề dạy học và nghề báo làm ở Công ty tôi “nhường dưới” và “kính trên” rõ ràng đến nỗi sếp tôi hỏi: “Ông là bạn tôi sao phải giữ lễ đến như vậy?”

Tôi trả lời:
- Nếu trái đất chỉ cần không tuân thủ vòng quay của nó thì mọi thứ sẽ đổ vỡ ngay. Vũ trụ tồn tại bằng “trật tự”, xã hội loài người tồn tại bằng “lễ phép”.Mà ngay cả bạn bè cũng có chữ “lễ” của bạn anh ạ!

Tôi chắc là GS không đọc nên những dòng này tôi dành cho các bạn face và các học trò cũ của tôi.

Hình: (Học trò cũ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét