Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

Lãnh đạo Hà Nội muốn 'tâng công' và mặc kệ dân bất bình?

Tôi đồng ý với TS Nguyễn Quang A là Hà Nội siết chặt quản lý riêng 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng là nhằm hạn chế lây lan dịch sang các cán bộ cấp cao sống trong 4 quận này. Thực tế đa số cán bộ cấp cao sống trong 2 quận Ba Đình và Hoàn Kiếm nên họ chỉ cần kiểm soát chặt 2 quận này là đủ, nhưng nếu làm như thế thì lộ liễu quá nên họ phải đưa thêm 2 quận Đống Đa và Hai Bà Trưng vào danh sách quản lý chặt.
TS Nguyễn Quang A: Lãnh đạo Hà Nội muốn 'tâng công' và mặc kệ dân bất bình?
23 tháng 11 2021 - Quyết định không cho áp dụng chế độ cách ly tại nhà với người thuộc nhóm F1 trong phòng chống Covid tại bốn quận của thủ đô Hà Nội đã gặp phải ý kiến chỉ trích. Chính quyền Hà Nội vào ngày 23/11 lý giải rằng các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng chưa áp dụng cách ly F1 tại nhà do "đây là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt". Quyết định được đưa ra bốn ngày sau khi thành phố ban hành hướng dẫn việc cách ly F1 tại nhà ở 26 quận, huyện, thị xã.
Trả lời BBC News Tiếng Việt qua điện thoại từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà phản biện chính sách, đã chỉ trích quyết định này.

TS Nguyễn Quang A: Chính quyền Hà Nội đưa ra một quyết định rất vô lối và thực sự là phân biệt đối xử đối với người dân ở bốn quận nội đô. Họ đưa ra lý do là vì những nơi này đông người thì đó không phải là lý do chính mà lý do chính là nơi đó có các cơ quan trung ương, đầu não như cơ quan đảng, chính trị, ngoại giao… Thực ra bốn quận đó chưa chắc là có mật độ dân cư đông hơn các quận khác. Tôi thấy lý do đó là hoàn toàn không thể chấp nhận được. F1 đâu phải là người nhiễm virus Covid. Ngay kể cả nếu nhiễm và không triệu chứng hay nhẹ thì cũng nên để người ta ở nhà để tự chăm sóc hoặc tổ y tế lưu động chăm sóc. Chắc là Hà Nội này muốn tâng công với lãnh đạo hay sao mà phải siết bốn quận này.

Một vấn đề nữa mà tôi phải cảnh báo là ở những nơi cách ly tập trung thì rất có thể nơi đó lại là ổ siêu lây nhiễm. Nơi đây chính F1 lại gặp nguy cơ. Việc này đã xảy ra tại Sài Gòn thời gian vừa qua mà tôi không hiểu sao Hà Nội lại không học được bài học đó. Rất có thể họ làm vậy thì sẽ lại tạo ra nguy cơ để bùng phát dịch.

BBC: Vào ngày 12/10, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 128 "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", áp dụng thống nhất trong toàn quốc và tạm thời bỏ các chỉ thị 15, 16, 19, 20... và phân cấp nguy cơ thành bốn nhóm…thì nay các địa phương lại có các hướng dẫn riêng như vậy thì phải chăng đang tạo ra những bấp cập?

Có lẽ phải xem lại liệu chính quyền Hà Nội có vi phạm hay lạm quyền khi xét đến nghị quyết đó của Chính phủ hay không. Chứ nếu cứ để cho ông Hà Nội này ông ấy coi trời bằng vung thì rất nguy hiểm.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh giao Công an Thành phố hướng dẫn xét duyệt việc cấp giấy đi lại trong một chỉ thị ngày 6/9

BBC: Bài trên Vnxpress nói chính quyền Hà Nội cũng đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia khi đưa ra quyết định không để F1 tại bốn quận này cách ly tại nhà.

Thì bao giờ họ cũng nói vậy và khó mà kiểm tra được họ tham khảo thế nào. Vấn đề là bác sĩ nào có ý kiến đó thì ông đó lên tiếng đi, tôi tin là không có bác sĩ nào ủng hộ quyết định đó cả. Nếu dịch phát ra ở 1-2 phường thì nên làm gắt hơn ở những nơi đó thay vì áp dụng tại diện rộng bốn quận như vậy.

BBC: Thành ủy Hà Nội được dẫn lời nói rằng đây [bốn quận] là khu vực có "tầm quan trọng đặc biệt và cần phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để bảo vệ an toàn tuyệt đối với an ninh trật tự cũng như dịch bệnh".

Tôi không hiểu ý an ninh trật tự họ nói ở đây có ý nghĩa gì. Hay là các ông ấy sợ rằng những người bị nhiễm đấy lại làm lây sang các cán bộ cấp cao của họ. Nhưng cái đó cũng phi lý là vì nếu là cán bộ cấp cao thì đã được tiêm phòng, đã được bảo vệ rất kỹ và đầy đủ thuốc men. Hay là họ sợ các F1 nổi loại hay sao.

BBC: Nhìn lại đợt sóng Covid thứ tư có tỷ lệ nhiễm và tử vong rất cao ở Việt Nam thì ông có quan sát và đánh giá gì?

Biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm rất nhanh và nhiều so với biến thể Alpha và năm ngoái. Bản thân chính quyền đã từng làm rất tốt vào năm ngoái với biến thể Alpha. Nhưng cái đúng của một thời có thể trở thành cái sai, cái tai họa trong tình huống khác.

Cách ly tập trung hay bệnh viện dã chiến mà không đủ điều kiện mà nếu dồn các F1 vào đó thì không ổn. Nhiều quyết định có tính đột ngột, chẳng hạn lúc thì đưa xe người lao động về quê, lúc thì không cho đi nữa. Những việc ngăn sông cấm chợ, đòi giấy xét nghiệm…khiến nhiều người tụ tập đông và lại trở thành ổ lây nhiễm.

Có những việc như tại sao lại đưa quân đội vào TP HCM mua hàng cho dân chẳng hạn. Không rõ có ẩn ý gì khác không. Và không rõ việc siết lại bốn quận nội thành Hà Nội có cái ý đó không. Tức là để đảm bảo an toàn về trật tự an ninh tại Hà Nội hay không. Nói cách khác là có việc sợ F1 nổi loạn hay có biến động nào đó chăng.

Nói tóm lại là có những biện pháp tưởng là tốt và có thể là tốt tại một thời trước đây thì nay lại trở thành tai họa.

TP HCM hồi đỉnh dịch Covid. Cho đến nay nhiều người dân không hiểu chính quyền đưa quân đội ra phố.

BBC: Một điểm cũng gây tranh cãi là ưu tiên tiêm vaccine cho nhóm nào trước, thưa ông?

Trong đợt dịch lần thứ 4 thì có vấn đề nữa đáng chú ý là vaccine. Đáng ra phải tiêm cho những người từ 65 tuổi trở lên, những người nhiều rủi ro tử vong nếu bị nhiễm nhất thì nơi tôi ở tại Hà Nội đây lại không như vậy. Nhiều cụ còn bảo hay chúng ta ở trên 65 tuổi rồi là tuổi đáng chết rồi thì không cần phải tiêm nữa. Tức là người ta đã đi ngược lại ý kiến của các chuyên gia trên toàn thế giới.

Việc thiếu vaccine thì cả thế giới thiếu thì đã đành nhưng việc không tiêm cho những người dễ tổn thương nhất mà lại dành vaccine cho những người trẻ khỏe thì rất phi lý. Cũng có thể có cách lý giải là tiêm cho người trẻ để giữ được vế thứ hai của mục tiêu kép là kinh tế vì họ là người đóng góp cho kinh tế vì người già rồi thì không làm GDP tăng thì tôi nghĩ nếu mà suy nghĩ như vậy thì đó làm một quyết định hay một chính sách thực sự ngược đời và vô cùng khó hiểu.

BBC: Có một số người nói rằng 'giá như' TP HCM còn ông Đinh La Thăng hay Hà Nội còn ông Nguyễn Đức Chung thì tình hình hẳn đã đỡ phức tạp và có thể đã tốt hơn. Ông nghĩ sao?

Tôi nghĩ họ nói thế không phải là không có lý bởi vì các việc như đòi giấy đi đường, giao quyền cho phường…bị dư luận lên án mạnh mẽ và sau đó phải bỏ thì chắc người lãnh đạo đưa ra những cái đó là kém rồi. Và nếu mà có lãnh đạo giỏi chắc chắn người dân đã không bị khốn khổ như trong đợt dịch thứ 4 vừa qua. Có lẽ các quan chức bây giờ họ chỉ nghĩ đến việc làm sao để làm vừa lòng cấp trên của họ chứ họ không nghĩ đến dân được là mấy và những việc xảy ra làm người dân rất bất bình.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59393266

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét