Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2020

Vụ ĐT: Chỉ có Nhà nước thua khi ‘lửa bùng lên từ đất’

Tôi đồng ý với tiêu đề bài viết dưới đây. Tại sao các vị lãnh đạo cao nhất của đất nước không tự hỏi nguyên nhân nào đã dẫn tới quá nhiều vụ tranh chấp đất đai đẫm máu ở nước ta trong nhiều thập kỷ qua, trong khi ở khắp nơi trên thế giới đều không có cảnh đau xót này, nhất là ở các nước tư bản phát triển. Nếu như đất đai thuộc sở hữu tư nhân, nếu như đất đai có chủ rõ ràng... và nhà nước đền bù thỏa đáng cho người dân khi thu hồi đất thì những cảnh như Đồng Tâm hiện nay sẽ không bao giờ xảy ra. Trong vụ Đồng Tâm, suy cho cùng, đất đó là của dân làng, chứ nhà nước này từ Việt Bắc về cướp chính quyền với bàn tay trắng thì làm gì có đất. Bây giờ người dân sẵn sàng để Nhà nước thu hồi đất, nhưng phải bồi thường xứng đáng, theo đúng quy định của luật pháp, nhất là khi Nhà nước thu hồi để giao cho doanh nghiệp Viettel làm kinh doanh, thì càng phải bồi thường xứng đáng. Vậy Nhà nước có chấp nhận không ? Hiện nay là không. Đây là cái dở của Nhà nước. Nếu Nhà nước cứ kiên trì làm theo ý mình như thế này, thì trong tương lai sẽ còn nhiều vụ tranh chấp đất đai đẫm máu nữa.
Vụ Đồng Tâm: Chỉ có Nhà nước thua khi ‘lửa bùng lên từ đất’
10/01/2020 Khánh An-VOA - 
Hầu hết những người dân theo dõi tin tức về vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm vào rạng sáng 9/1 đều nói với VOA rằng họ “sốc” vì cách Nhà nước đem lực lượng đến “giải quyết” mâu thuẫn đất đai với người dân làng vào ban đêm. Họ tin rằng dù kết quả thế nào, “bên thua cuộc” trong trận chiến giành đất đã kéo dài nhiều năm này chính là Nhà nước.
Cảnh sát chặn lối vào xã Đồng Tâm. Photo Dan Tri/VTV
“Lực lượng vũ trang, công cụ bạo lực của Nhà nước, của chính quyền mà đánh lén, đánh úp dân như vậy là không đàng hoàng, không quân tử”, một cựu chiến binh ở Hà Nội – ông Phan Tất Thành – nói với VOA vào tối 9/1 giữa lúc ông đang theo dõi lượng thông tin ít ỏi được đưa ra từ một số nguồn tin “lề dân” trên các trang mạng xã hội.

Cho đến đêm 9/1, tức gần 1 ngày sau khi xảy ra sự việc, một số trang báo chính thống Nhà nước mới chỉ đưa ra một vài thông tin nói rằng có “3 chiến sĩ công an đã hy sinh do bị tấn công bằng bom xăng” và lực lượng chức năng “đã thu giữ 8 quả lựu đạn, hàng chục dao phóng, 20 chai bom xăng chưa sử dụng và nhiều pháo nổ”.

Trong khi đó, bản tin của gốc từ trang web của Bộ Công an nói ngoài 3 công an trên còn có “01 đối tượng chống đối chết, 01 đối tượng bị thương”.

Tuy nhiên, các nguồn tin khác nhau trực tiếp từ hiện trường đang lan truyền trên mạng xã hội lại khiến công luận nghi ngờ về số người thiệt mạng được đưa ra chính thức trên vì điều kiện tiếp cận hiện trường hiện nay gần như bị cắt đứt.

"Việt Nam có khoảng 1.000 tờ báo nhưng họ cũng chỉ đăng lại thông cáo báo chí của Bộ Công an thôi, chứ không trực tiếp đến hiện trường lấy tin gì cả. Cho nên có thể nói, tất cả các tờ báo nhà nước ở Việt Nam gần như vô dụng trong vụ việc này", nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người theo dõi nhiều nguồn tin trực tiếp từ hiện trường nói với VOA.

Theo ông, "ngay cả thông tin mà phía Bộ Công an đưa ra là có 3 công an và 1 người dân chết, thì từ những chỗ tôi biết trong làng (Đồng Tâm) chưa người dân làng nào đứng ra xác nhận về thông tin này cả".

Một nguồn tin khác cho VOA biết hiện một số cơ quan ngoại giao nước ngoài đang tiếp cận với các cơ quan chức năng Việt Nam để tìm hiểu thông tin về vụ này.

Tại cuộc họp báo trong ngày, khi được hỏi về việc có cho phép phóng viên nước ngoài đến hiện trường làng Đồng Tâm để tác nghiệp nhằm đảm báo tính khách quan của sự việc hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói sự việc đã được Bộ Công an thông báo công khai.

"Yêu cầu của báo chí nước ngoài đưa tin tại Đồng Tâm sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét", báo Thanh Niên dẫn lời bà Hằng nói thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét