Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Ở đâu đồng tiền ngự trị, ở đó tan nát

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh:
Ở đâu đồng tiền ngự trị, ở đó tan nát
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh không phải là con nhà nòi làm nghệ thuật. Cha ông là giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, một nhà trí thức đáng kính, đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong sự nghiệp của mình, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã làm nhiều tác phẩm sâu sắc, lay động lòng người, như: Thị xã trong tầm tay, Hà Nội mùa đông năm 46, Cô gái trên sông, Thương nhớ đồng quê, Trở về, Mùa ổi, Bao giờ cho đến tháng Mười, Đừng đốt…
                               
Bao giờ cho đến tháng Mười, một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam được Đài Truyền hình CNN (Mỹ) bình chọn là 1 trong 18 bộ phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Năm 2007, ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chuyên ngành điện ảnh. Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã chia sẻ những tâm huyết và trăn trở của mình về điện ảnh nước nhà.
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh
* PV: Chào đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, điều gì đã giúp ông sáng tạo nên những bộ phim xúc động lòng người đến thế?* Đạo diễn, NSND ĐẶNG NHẬT MINH: Trước khi làm cho người xem xúc động, bản thân người làm phim phải thật sự xúc động trước đã. Tôi chưa từng đi bộ đội, nhưng hình ảnh những người lính luôn gần gũi, thân thiết đối với tôi. Tôi làm phim xuất phát từ cảm xúc của chính mình. Điện ảnh của tôi là thứ điện ảnh của cảm xúc. 

* Nổi tiếng và thành danh từ lâu với những cống hiến xuất sắc cho nền điện ảnh nước nhà, còn những gì mà ông chưa thể thực hiện và dự định sẽ thực hiện trong tương lai?
* Khao khát của tôi là được tiếp tục làm phim như những phim như tôi đã từng làm. Nhưng cơ hội làm phim của tôi bây giờ không nhiều. Phim giải trí do tư nhân bỏ tiền thì họ không mời tôi vì biết tôi không thích, còn phim do nhà nước đầu tư nhằm kỷ niệm những ngày lễ lớn cũng không phải là “tạng” của tôi. Phim nói về thân phận con người, những người bình thường trong xã hội hôm nay hầu như không có ai đầu tư.

* Nhìn vào lĩnh vực điện ảnh hiện nay, người ta thấy rõ khuynh hướng thương mại hóa đang lấn át. Là một trong những đạo diễn hàng đầu của Việt Nam, ông có day dứt về điều này? Quan niệm của ông về một nền điện ảnh đậm đà bản sắc dân tộc?* Đó là một nền điện ảnh xuất phát từ tâm hồn của Việt Nam, tính cách Việt Nam, văn hóa Việt Nam, không lai căng, không bắt chước, Mỹ cũng không, Pháp cũng không mà Hàn Quốc lại cũng không… Cho dù đó là những nền điện ảnh phát triển.

* Giờ đây nhiều diễn viên, ca sĩ, đại gia, người mẫu, đua nhau bỏ tiền làm phim… khiến nhiều sản phẩm ra đời cực kỳ nhảm nhí. Tính sáng tạo, giá trị nhân văn, tình người, đạo đức trong văn hóa Việt đã bị coi thường. Ông có thể cắt nghĩa nguyên nhân từ đâu?
* Nguyên nhân ở khuynh hướng chạy theo lợi nhuận bất cứ giá nào. Ở đâu đồng tiền ngự trị, ở đó tan nát. Trong văn hóa, trong giáo dục, y tế …, ở đâu cũng vậy.

* So với các lĩnh vực nghệ thuật khác, chỉ điện ảnh là có hẳn một bộ luật nhưng cũng còn nhiều bất cập. Theo ông, kẽ hở của Luật Điện ảnh là ở chỗ nào?* Luật mặc dù đã tạo ra một thị trường điện ảnh sôi động nhưng cũng góp phần không nhỏ vào bức tranh hỗn loạn của điện ảnh trong nước hiện nay. Cái bất cập nhất của luật này là đã đánh đồng tất cả các phim nội cũng như phim ngoại, phim giáo dục truyền thống, phim nghệ thuật, phim thương mại, phim giải trí, phim hài, phim ma, phim kinh dị… với mức chịu thuế như nhau. Ngoài ra, luật còn cho phép tất cả chủ sở hữu rạp chiếu phim đều có quyền nhập phim nước ngoài không hạn chế số lượng và thời lượng. Đây cũng là một kẽ hở khiến cho thị trường phim nhập ngoại trở nên nhiễu loạn.

Mỗi quốc gia đều có một cơ chế để bảo vệ thuần phong mỹ tục, bảo vệ văn hóa của mình, trong đó có điện ảnh. Trung Quốc với 1,3 tỷ dân chỉ có hai cơ quan nhà nước được phép nhập phim, mỗi năm họ chỉ nhập khoảng 20 phim; trong khi Việt Nam hàng năm nhập trên 140 phim! Năm 2013 doanh thu phát hành phim (chủ yếu là phim ngoại nhập) đạt 57 triệu USD. Dự kiến đến năm 2020, con số đó có thể là 100 triệu USD nhưng nhà nước không thu được là bao với mức thuế giá trị gia tăng 5% như hiện hành. Những nhà phát hành phim nước ngoài đưa tiền lời ra khỏi Việt Nam thoải mái, chẳng có quy định nào ràng buộc.

* Tại cuộc hội thảo gần đây, ông phát biểu: Điện ảnh Việt Nam chỉ có hai thời kỳ, thời kỳ làm phim không vì tiền và thời kỳ làm phim vì tiền? Ông có thể lý giải sâu hơn? * Rất nhiều khán giả băn khoăn: Tại sao thời bao cấp, phương tiện kỹ thuật thiếu thốn mà điện ảnh Việt Nam làm được những phim hay, rung động lòng người? Câu trả lời không khó. Trước đây, người nghệ sĩ làm phim không vì tiền mà vì danh dự, vì sự rung động bên trong. Còn bây giờ thì hoàn toàn khác. Nhiều phim tràn ngập những cảnh đuổi bắt, đánh đấm, phô bày những cảnh “ăn chơi”, không thấy bóng dáng của cuộc đời thật, cuộc sống của người lao động đâu cả. Các nhà sản xuất phim kinh doanh thì phải theo thị hiếu của khách hàng (mà số đông là lớp trẻ ở thành thị), đó là những chuyện trong giới showbiz, đại gia, chân dài, ở nhà biệt thự, đi xe hơi “khủng”... Với đà này, tôi e chúng ta sẽ tụt hậu so với điện ảnh các nước trong vùng Đông Nam Á, chưa nói so với các nước có nền điện ảnh phát triển.

* Cha ông là một trí thức đặc biệt cả về tài năng, nhân cách và là một liệt sĩ. Ký ức và những phẩm chất gì ông học được từ cha mình?
* Di sản tinh thần mà cha tôi để lại cho con cháu là nhân cách, là sự gắn bó máu thịt với đất nước, nhân dân mình, là lòng thương yêu con người - những con người bình thường trong xã hội, không có quyền chức, địa vị gì.

* Ông suy nghĩ gì về đạo đức trong văn học nghệ thuật hiện nay ở nước ta?* Nhân nào quả nấy. Chính từ mảnh đất giáo dục ta có thể ươm những hạt giống tài năng cho văn học nghệ thuật tương lai. Hãy dành ngân sách để nuôi dưỡng một thế hệ trẻ từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Đó là cách tốt nhất để biến những nghị quyết của Đảng về văn hóa thành hiện thực. 

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
PHẠM XUÂN TRƯỜNG
- See more at: http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/nguoicuacongchung/2015/1/372504/#sthash.VFnN0tDB.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét