Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Thụy Sĩ và trận chiến ngoại hối

Thụy Sĩ và trận chiến ngoại hối
Nguyễn-Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng, RFA Sáng Thứ Năm 15/1, giờ Âu Châu, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ bất ngờ công bố hai quyết định là chấm dứt việc ràng giá đồng Phật lăng Thụy Sĩ vào đồng Euro theo tỷ giá một đồng 20, và hạ lãi suất dưới số âm thêm 75 điểm. Quyết định ấy gây chấn động cho các thị trường tài chính toàn cầu, và chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa thì gọi Thụy Sĩ là nạn nhân đầu tiên của trận chiến về ngoại hối trong năm 2015. Vì sao như vậy?
Đồng France Thụy Sĩ. AFP/DPA/Soeren Stache

Gây ảnh hưởng lớn

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong một chương trình vào cuối Tháng 11 năm ngoái, ông nói đến viễn ảnh năm tới là những trận chiến về ngoại tệ khiến một xứ như Trung Quốc cũng có thể rúng động. Tuần qua thì một xứ rất giàu mà nhỏ là Thụy Sĩ ở giữa Âu Châu đột ngột thông báo quyết định hạ lãi suất đến không bảy phần trăm dưới số không, tức là lãi suất âm, và không tiếp tục giữ đồng Phật lăng Thụy Sĩ, một loại ngoại mạnh của thế giới, ở mức trần là một đồng sẽ ăn tối đa là một Euro 22 xu. Quyết định khó hiểu ấy làm mọi thị trường tài chính trên thế giới đều bị chấn động. Thưa ông, Thụy Sĩ chỉ là một quốc gia rất nhỏ mà vì sao biến cố này của họ lại gây ảnh hưởng lớn như vậy và chuyện ấy có liên hệ gì đến điều mà ông gọi là Trận chiến Ngoại hối không?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng dù có bị trách cứ vì gây biến động toàn cầu, Thụy Sĩ là một nạn nhân đầu tiên của trận chiến ngoại hối này, theo sau là các nhà đầu tư Thụy Sĩ và các nước Đông Âu đang làm ăn gắn bó với họ, như Hungary hay Ba Lan. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu nguyên nhân và hậu quả của biến cố trước khi nhìn ra một xứ khác cũng có thể bị lôi vào cuộc là Trung Quốc.

Thụy Sĩ là một nước nhỏ có hơn tám triệu dân nhưng có mức sống thuộc loại cao nhất địa cầu và từ lâu đã là một trung tâm tài chính của thế giới. Đồng Phật lăng Thụy Sĩ, có ký hiệu CHF, là ngoại tệ mạnh được thế giới ưa chuộng như một cách bảo vệ giá trị tài sản. Do vị trí địa dư và vai trò tài chính, Thụy Sĩ cũng là bản lề của nghiệp vụ đầu tư từ các nước Đông Âu với Âu Châu. Thế rồi, khi khối Euro bị khủng hoảng năm 2010 làm tiền Âu sụt giá, người ta bán tháo đồng Euro để mua tiền Thụy Sĩ khiến đồng Phật lăng hay đồng Franc Thụy Sĩ lên giá.

Việc đồng bạc lên giá như vậy khiến cho một quốc gia nhỏ bé sống nhờ xuất khẩu như Thụy Sĩ bị thiệt hại nặng. Vì vậy, từ năm 2011 xứ này định ra hối suất tối đa của đồng bạc so với Euro và tung tiền mua Euro để bán tiền Franc hầu đồng bạc không cao quá một Euro 22 xu. Nhưng sau đó, khối Euro tiếp tục bị khủng hoảng và Thụy Sĩ càng là nơi trú ẩn an toàn của giới đầu tư khiến họ tốn rất nhiều để giữ giá đồng Franc dưới mức trần đó. Quyết định ấy của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ là một cách bứt neo để thả nổi đồng Franc chứ không ràng giá vào tiền Âu nữa.

Vũ Hoàng: Trước khi tìm hiểu thêm về các hậu quả, xin hỏi ông một chuyện nữa là việc hạ lãi suất dưới số âm đến 75 điểm cơ bản, đấy là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đấy là nếu cho Thụy Sĩ vay một ngàn đồng để kiếm lời thì ta chỉ lấy về có 925! Tức là chẳng lời mà còn lỗ 75 đồng. Thật ra, xứ này đã ghìm lãi suất dưới số âm từ lâu và nay đẩy lãi suất xuống sâu hơn nữa. Điều ấy có nghĩa nôm na là trong cơn bão loạn tài chính của cả Âu Châu, nếu quý vị muốn tìm hầm trú ẩn an toàn cho tài sản của mình thì phải trả tiền, chứ quốc gia nhỏ bé của chúng tôi không thể tốn tiền mình để bảo vệ giá trị tài sản của quý vị!

Vũ Hoàng: Ông vừa nói rằng chính sách lãi suất âm đã có từ lâu, thế thì tại sao Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ lại lấy quyết định kỳ lạ ấy vào lúc này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Dù đã dự đoán là Thụy Sĩ có thể còn hạ lãi suất nữa, người ta chưa biết hết được các lý do, nhất là một tuần trước đó, Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia tức là Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ còn nói chắc rằng sẽ giữ giá đồng bạc ở mức trần ấy và hôm Thứ Hai tuần trước ông Phó Chủ tịch cũng khẳng định như vậy. Khi theo dõi tin tức thì tôi ngờ là một ngày trước đó, khi gặp giới chức của Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB thì họ đã phỏng đoán quyết định sắp tới của khối Euro nên lập tức có biện pháp phòng ngừa!

Tiền đô la và đồng Euro (ảnh minh hoạ)

Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì có vẻ như các ngân hàng trung ương trên thế giới làm việc với nhau theo tinh thần an ninh tình báo nên vừa giữ kẽ vừa phỏng đoán động thái của bên kia để tính chuyện của mình? Có phải vậy không, và tại sao như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ông vừa tóm lược rất chính xác phong cách làm việc của các ngân hàng trung ương, mà điều ấy càng cho thấy tinh thần tôi gọi là "chiến tranh ngoại hối". Các ngân hàng trung ương đều phải lấy quyết định căn cứ trên quyền lợi của quốc gia mình. Giới chức của các định chế này thường xuyên họp hành với nhau, thí dụ như tuần này họ gặp nhau trong diễn đàn kinh tế tại Davos của Thụy Sĩ. Dù ngoài đời có khi là bạn học hay đồng nghiệp nhưng trong nghề thì họ vẫn phải thủ tối đa. Lý do là trong hoàn cảnh tôi cứ gọi là "đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ" thì ai ai cũng phải lo cho mình trước, bất chấp hậu quả cho xứ khác.

Hậu quả


Vũ Hoàng: Bây giờ mới nói đến hậu quả và trước hết là sự thiệt hại của Thụy Sĩ trong trận đánh này. Thưa ông, tình hình đã ra sao và sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi đoán Thụy Sĩ đã thấy trước là Ngân hàng Trung ương Âu châu sẽ khởi sự bơm tiền để cứu đồng Euro theo phương pháp gọi là "quantitative easing", có khi ngay sau hội nghị ngày 22 tới đây, nên phải bứt neo bỏ chạy chứ không ràng giá đồng bạc vào Euro nữa vì nếu đồng bạc Âu Châu còn chìm sâu hơn nữa sau biện pháp bơm tiền sắp tới thì sẽ kéo theo kinh tế Thụy Sĩ. Cho nên họ lấy quyết định trước dù là giới đầu tư có thể bị thiệt hại. Theo ước lượng của các ngân hàng ở bên Mỹ thì trong vụ vừa rồi, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ có thể mất khoảng 70 tỷ đô la, là một con số rất lớn, cũng tương đương như Hoa Kỳ bị mất hai ngàn tám trăm tỷ, hoặc Ngân hàng Nhà nước của Việt Nam mất hơn 20 tỷ đô la vậy!

Vũ Hoàng: Đó là chuyện Thụy Sĩ và các khách hàng của họ, còn hậu quả lâu dài cho cả thế giới thì sẽ là gì thưa ông?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta phải mường tượng ra toàn cảnh của trận chiến ngoại hối này.

Sáu năm về trước, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ và Anh quốc đã tung biện pháp bơm tiền cứu nguy kinh tế và nay đã tạm hồi phục mặc dù khiến Mỹ kim sụt giá rồi tăng giá và gây biến động toàn cầu như ta đang thấy. Các quốc gia khác, đầu tiên là Nhật Bản, cũng ráo riết bơm tiền như Nhật đã thông báo vào cuối Tháng 10, quyết định ấy càng khiến đồng Yen sụt giá và có khi gieo họa cho kinh tế Nam Hàn hoặc Ấn Độ hay Trung Quốc. Vì thế, xứ nào cũng cố lặn tới đáy để hạ tỷ giá đồng bạc làm các xứ khác bị hậu quả lây. Đấy là khung cảnh của trận chiến.

Khi Thụy Sĩ phải bứt neo và thả nổi đồng bạc dù bị mất tiền thì ta thấy ra tình trạng nguy kịch của toàn cầu. Nhìn một cách khác, nếu Việt Nam mà ràng đồng bạc vào tiền Mỹ theo một tỷ giá và biên độ nhất định thì cũng khốn đốn khi đô la lên giá. Đấy là lúc Bắc Kinh lại đề nghị Hà Nội sử dụng đồng Nguyên của họ trong luồng giao dịch thì Việt Nam sẽ chết khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc chìm xuống đáy! Xứ nào cũng ưu tiên lo cho mình, nếu nghe lời đường mật của họ mà ràng số phận của mình vào đồng bạc của họ thì sẽ chết chứ đừng oán!

Vũ Hoàng: Nói về Trung Quốc thì thống kê hôm Thứ Hai vừa qua cho biết là đà tăng trưởng của họ trong năm 2014 có thể là 7,4%, dù có thấp hơn chỉ tiêu thì cũng không đến nỗi tệ. Như vậy, xứ này có bị hề hấn gì không trong cơn biến động ngoại hối hiện nay?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Giới nghiên cứu kinh tế quốc tế cho là cũng có ngày Trung Quốc đứt neo chứ khó ràng giá đồng Nguyên vào tiền Mỹ. Tôi xin giải thích chuyện ấy như thế này:
Bắc Kinh mặc nhiên neo đồng Nguyên vào Mỹ kim nên giá đồng bạc tăng theo tiền Mỹ khi kinh tế vẫn quá lệ thuộc vào xuất khẩu mà chưa kịp chuyển dịch cơ cấu qua tiêu thụ nội địa, là điều không dễ. Bây giờ, sau khi Thụy Sĩ bứt neo và Âu châu sẽ bơm tiền nữa thì đồng Euro càng sụt giá, trong khi đồng Yen của Nhật đã sụt và sẽ còn sụt. Đấy là những sức ép rất nặng cho Trung Quốc vì xứ này cần bán hàng cho Mỹ, Âu và cả Nhật Bản mà lại chẳng làm gì được khác.

Dù kinh tế của họ có tăng 7,4% thì vẫn là đà tăng trưởng thấp nhất từ gần một phần tư thế kỷ và lần này Trung Quốc còn đối mặt với nguy cơ giảm phát như diễn đàn của chúng ta đã nhắc nhở. Mà ta cũng không quên cái núi nợ có thể đã vượt 250% Tổng sản lượng, có khi còn cao hơn nữa. Trong viễn ảnh giảm phát thì khách nợ khó hoàn thành được nghĩa vụ trả nợ vì tiền đắt hơn, và sản xuất lẫn tiêu thụ đều đình đọng vì ai cũng chờ giá thấp hơn. Hậu quả đã thấy tại Trung Quốc là cả tiêu thụ lẫn đầu tư đều đã khựng và sẽ giảm.

Trong hoàn cảnh đó, những kẻ có tiền đều tìm cách đẩy tiền ra ngoài tìm bãi đáp an toàn hơn và điều ấy khiến dự trữ ngoại tệ bị hao hụt. Người ta cứ nói Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, tương đương với khoảng ba ngàn chín trăm tỷ đô la, nhưng đà gia tăng của dự trữ này đã hết mà còn bắt đầu giảm, trong Quý IV vừa qua thì giảm mất gần 50 tỷ. Ta đang thấy hiện tượng tư bản tháo chạy khỏi Trung Quốc trong khi khối tiền tệ lưu hành cũng giảm dần và họ rơi vào cảnh gọi là thiếu thanh khoản.

Vũ Hoàng: Nếu so với hoàn cảnh của Thụy Sĩ thì bài toán hiện nay của Trung Quốc nghĩa là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Là nếu vẫn neo vào tiền Mỹ thì họ phải mất dự trữ ngoại tệ để đánh ngược sóng mà như vậy lại càng thiếu thanh khoản và kinh tế càng sa sút. Để tránh nạn này thì Ngân hàng Trung ương của Bắc Kinh lại phải nới lỏng tiền tệ thì lại chất lên một núi nợ và đẩy thêm nạn tẩu tán tài sản vì tư bản tháo chạy. Ngần ấy vấn đề trong ba cái vòng luẩn quẩn cùng xoắn vào nhau dẫn tới một thực tế khác, là người ta hết tín nhiệm vào đồng Nhân dân tệ!

Trung Quốc cứ mơ cái ngày mà đồng Nguyên của họ trở thành một ngoại tệ phổ biến và chiếm ngôi vị ngoại tệ dự trữ của đồng đô la. Chuyện ấy chưa thể xảy ra, chứ trong trước mắt thì họ sẽ phải bứt neo để đồng Nguyên lên xuống tự do hơn, với nhiều biến động hơn nữa. Năm 2015 này quả thật là ly kỳ và đấy cũng là điều Việt Nam nên theo dõi.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét