Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Bất động sản Thái phất lên nhờ Cộng đồng KT ASEAN

Bất động sản Thái phất lên nhờ Cộng đồng Kinh tế ASEAN
CafeLand - Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành trong năm 2015 sẽ giúp Thái Lan phát triển các mảng thị trường khi ngày càng nhiều các công ty nước ngoài “để mắt” tới các đối tác địa phương. Đây là nhận định của các công ty tư vấn bất động sản hàng đầu như CBRE và Collier.
Bangkok về đêm
“Các nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Đông, Hồng Kông và Châu Âu đang rất hào hứng mở rộng đầu tư vào ngành bất động sản tại Thái Lan bằng cách tìm kiếm các đối tác địa phương nhằm liên doanh đầu tư trong các dự án xây dựng chung cư hay khách sạn,” Giám đốc điều hành của CBRE Thái Lan – Aliwassa Pathnadabutr cho biết.

Bà cũng cho biết thêm, với vai trò là trung tâm của khu vực, Thái Lan là nơi rất nhiều công ty nước ngoài hoạt động trong mọi lĩnh vực muốn xây dựng trụ sở nhằm mở rộng kinh doanh tại Đông Nam Á và kéo theo đó, họ cần phải tìm các khu nhà ở phù hợp cho các nhân viên. Điều đó sẽ khiến nhu cầu về văn phòng và nhà ở tăng cao, kết quả là giúp ngành bất động sản phát triển hơn so với năm ngoái.

Theo xu hướng thị trường, các công ty nước ngoài lớn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản – đặc biệt là từ các nước hàng đầu châu Á như Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản – đã cho thấy mong muốn trong việc mở rộng đầu tư tại Thái Lan như xây dựng văn phòng, nhà hàng, khách sạn, nhà ở, vị giám đốc điều hành nói thêm.

“Nhiều nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu chúng tôi cung cấp thông tin và phân công chúng tôi tìm kiếm các đối tác để phát triển các dự án bất động sản”, Giám đốc CBRE Thái Lan cho biết.

Napatr Tienchutima, Phó Giám đốc Collier International Thái Lan “tiết lộ” rằng, ban đầu đã có 10 công ty từ Trung Quốc, Hồng Kông và Trung Đông mạnh dạn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại “xứ sở chùa vàng”.

“Họ cần chúng tôi tư vấn trong việc tìm kiếm đối tác địa phương để phát triển các dự án dân cư tại Thái, đặc biệt là nhà hàng, khách sạn, văn phòng và nhà ở. 5 trong số 10 công ty nói trên đã lên kế hoạch đầu tư vào năm 2015 nếu có thể tìm được đối tác phù hợp” bà nói thêm.

Napatr Tienchutima còn cho rằng việc AEC đi vào hoạt động vào cuối năm nay là lý do chính thúc đẩy các công ty bất động sản từ Nhật Bản đầu tư vào Thái Lan. Có thể thấy một số nhà sản xuất Nhật Bản thuộc các lĩnh vực ô tô, điện tử và một số ngành khác đang lên kế hoạch chuyển “căn cứ” sản xuất từ Nhật Bản đến Thái Lan - cửa ngõ để đến với các quốc gia thuộc khối ASEAN trong kỷ nguyên AEC.

Theo Ban đầu tư Collier, các đặc quyền về thuế dành cho 48 công ty của Nhật có kế hoạch đầu tư vào dự án sản xuất có giá trị 211,34 tỷ Bath đã được thông qua trong 9 tháng đầu năm 2014.

Điều đó có nghĩa là nhu cầu về văn phòng, mặt bằng xây dựng khu công nghiệp và nhà ở sẽ tăng lên khi bắt đầu những hoạt động sản xuất mới, Napatr khẳng định.

Aliwassa chốt lại “AEC thực sự là một “cú hích” cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bất động sản tại Thái Lan, không chỉ nhà ở mà cho mọi lĩnh vực như văn phòng, cơ sở bán lẻ, nhà hàng – khách sạn, khu công nghiệp, kho bãi và các trung tâm phân phối”.

Từ năm 1997, một số công ty bất động sản Singapore và Hồng Kông đã mở rộng đầu tư sang Thái bằng cách thiết lập các liên doanh với các công ty địa phương.

Ví dụ như, Quỹ Đầu tư Quốc gia Singapore (GIC) nắm giữ 14,96% số vốn góp trong công ty Land & Houses (Thái Lan), trong khi Keppel Land có trụ sở tại Singapore đã mua phần lớn cổ phần của Five Start Property vào năm 2003, nay được giới kinh doanh địa phương gọi là Keppel Thai Properties.

Trong lúc đó, tập đoàn CapitaLand của Singapore vào năm 2003 cũng đầu tư vào Thái bằng cách thành lập liên doanh với TCC Land Group do “ông trùm” nước giải khát Charoen Sirivadhanabhakdi làm chủ. Tuy nhiên, CapitaLand đã từng bán cổ phần của mình tại TCC Capital Land cho TCC Land Group.

Fraser and Neave có trụ sở tại Singapore đã nắm giữ 20% cổ phần của Krungthep Land từ năm 2003. Trong khi đó, kể từ năm 2012, phần lớn F&N do tập đoàn TCC của Charoen sở hữu.

Vào năm 2013, các công ty bất động sản Nhật cũng mở rộng đầu tư vào Thái Lan thông qua phương thức liên doanh với các công ty của nước sở tại.

Ví dụ, tập đoàn Misui Fudosan thành lập công ty liên doanh với Ananda Development để phát triển các dự án có giá trị hơn 20,5 tỷ Bath trong hơn hai năm qua.

Mitsubishi Estate Group thiết lập liên doanh với AP (Thái Lan) để thực hiện dự án có giá trị hơn 10,5 tỷ Bath trong năm 2014 và còn tiến xa hơn nữa.

Đồng thời, tập đoàn Prinsiptek được niêm yết tại thị trường chứng khoán Malaysia, cũng đầu tư vào thị trường Thái Lan với giá trị lên đến 900 triệu Bath. Tập đoàn này sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư trong năm nay.

Công ty Tian Cheng International Property của Trung Quốc đã cùng với Worapong Viratmalee thành lập liên doanh có tên Tian Cheng International Property (Thái Lan) nhằm xây dựng chung cư TC Green với giá 4 tỷ Bath tại khu vực Rama IX vào năm ngoái.

Các tập đoàn của Thái Lan không chỉ đa dạng vì có các nhà đầu tư nước ngoài mà còn đa dạng trong phương thức đầu tư.

Ví dụ như “ông trùm” nước giải khát – tập đoàn Singha tiếp quản Rasa Property Development vào giữa năm ngoái với kế hoạch phát triển văn phòng, cơ sở bán lẻ và nhà ở có giá trị lên tới 100 tỷ Bath từ năm 2015 đến 2019.

CP Land, chi nhánh bất động sản của CP Group, lại có một chương trình đầu tư khá năng động lên tới 30 tỷ Bath từ năm 2015 đến 2017 nhằm phát triển nhà ở, văn phòng, khu công nghiệp, khách sạn và trung tâm phân phối khắp cả nước, với mục đích phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc mở rộng hoạt động tại Thái Lan.

Thu Hằng (Nationmultimedia)
http://cafeland.vn/tin-tuc/bat-dong-san-thai-phat-len-nho-cong-dong-kinh-te-asean-51025.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét