Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Người giàu thời nào cũng... bị ghét?

Người giàu thời nào cũng... bị ghét?
Không ai ủng hộ cách tiêu tiền quá lố của nhiều người nhưng đó là quy luật của nhà giàu mới nổi. Nhưng GIÀU và LỐ đều không phải tội lỗi, có thể bị chê cười nhưng không đáng bị căm ghét. Lý giải nguyên nhân nền kinh tế chưa bắt kịp các nước tiên tiến, lâu nay ta vẫn thường quy cho chiến tranh, phương thức sản xuất lạc hậu… nhưng phải chăng còn nguyên nhân sâu xa khác?


Những nghệ sĩ, người mẫu có cuộc sống xa xỉ trở thành mục tiêu công kích
Người giàu bị ghét?
Ca dao tục ngữ đầy những câu như “Tham thì Thâm”, “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Chuyện cổ tích thì người giàu luôn ở vai phản diện. Tâm lý kỳ thị người giàu càng nặng nề trong suốt thời bao cấp, cho đến thời mở cửa, doanh nhân được chính thức công nhận là một nghề thì giàu có mới trở thành điều đáng mơ ước. Tuy nhiên, làm giàu không dễ và tâm lý kỳ thị người giàu ăn sâu bén rễ, rất khó triệt tiêu!

Tình cờ tôi đọc được một bài trên Facebook với tiêu đề “Những kẻ có tài, có tiền nhưng không có liêm sỉ”. Tác giả liệt kê tên một loạt ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu nổi tiếng và viết:

“Khoe khoang biệt thự triệu đô, xe hơi hàng chục tỷ đồng, túi xách hàng tỷ đồng, quần áo hàng trăm triệu, những cuộc du hý nước ngoài, những đám cưới vung vãi tiền bạc, khoe thân thể, khoe người yêu, khoe con cái.... Đó là thứ khoe khoang của những ca sĩ, diễn viên, chân dài, người nổi tiếng và cả lúc này. Thật đau lòng khi nó tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng cùng với những tin tức trẻ em nghèo không có phương tiện đến trường, các cụ già còm cõi bán vé số, những người bệnh chờ chết vì không có tiền chữa bệnh, những ngôi nhà như những cái lều ổ chuột của bao người dân....”

Người viết có vẻ là một người nhiệt huyết, quan tâm đến xã hội nhưng thật khó có thể tưởng tượng ở thế kỷ 21, thời kinh tế thị trường, còn có những quan điểm như vậy, và ngạc nhiên hơn nữa các lượt like, chia sẻ, kèm hàng trăm bình luận hầu hết đều đồng tình với góc nhìn của tác giả... Hiếm người nhận ra sự hẹp hòi, vi phạm luật pháp và vi phạm quyền con người trong quan điểm nói trên.

Trước hết, những người mà tác giả chê bai không làm gì vi phạm luật pháp. Họ kiếm tiền và chi tiêu hợp pháp, không ai có quyền can thiệp.

Tác giả rất sai lầm khi quy kết những thông tin trên báo lá cải, vốn truyền thông điệp theo kiểu giật tít câu view, với thực tế đời sống.

Mà kể cả họ có chi tiêu như vậy thì đó là quyền cá nhân, vì có thị trường tiêu thụ như vậy, người lao động mới có công ăn việc làm, thoát khỏi đói nghèo.

Nghệ sĩ cũng là một nghề đặc thù, vất vả, tuổi nghề không cao nên không thể đem chuẩn mực của người thường để so sánh. Họ sống bằng danh tiếng nên cần có nhu cầu quảng bá khác với những nghề khác, những nhận xét của tác giả chứng tỏ sự kém hiểu biết và hẹp hòi.

Sẽ là lệch lạc khi buộc tội người giàu chi tiêu xa xỉ trong khi đất nước còn quá nhiều người nghèo. Nhưng nếu người giàu không chi tiêu, người nghèo có bớt nghèo không hay sẽ nghèo hơn vì hàng hoá không bán được nên bị thất nghiệp?

Nếu người giàu đem số tiền mình có chia cho người nghèo có làm xã hội bình đẳng và thịnh vượng hơn không? Thực tế phát triển xã hội đã cho thấy, của cải nhận được nhờ từ thiện chỉ giải quyết những khó khăn ngắn hạn như ốm đau, thiếu tiền học… còn muốn giàu bền vững chỉ có được nhờ lao động.

Thực ra người nghèo mới nên xấu hổ vì trừ những người không may, quá nhiều người nghèo là do lười biếng, kém cỏi. Vì sao người giàu khoe khoang thì bị chê bai, xói móc? Phải chăng vì những người chê đang ghen tị với sự giàu có của số người kia? Và liệu có ai tìm hiểu, những người giàu mà họ đang chê bai kia với những người tỏ ra đạo đức này, ai đang thực sự đóng góp từ thiện, tạo công ăn việc làm cho xã hội.

Mở lòng ra để... thoát nghèo

Những ai trải qua thời ấu thơ chiến tranh hẳn luôn ám ảnh câu chuyện bần hàn, cơm không có ăn, áo không đủ mặc. Nhiều cảnh tượng nhếch nhác, tiêu điều... Nhưng tất cả đều là hệ quả tất yếu của bối cảnh lịch sử đặc thù.

Nhìn nhận lại những biến cố đã qua dẫn đến thay đổi bức tranh kinh tế, xã hội của đất nước, có thể thấy, chính sự tiêu pha của người giàu sẽ giúp người nghèo có công ăn việc làm, qua đó phát triển kinh tế. Học thuyết kinh tế hiện đại đã cho thấy, chính sự tiêu dùng chứ không phải tiết kiệm mới là động lực cho kinh tế phát triển.

Để xóa khoảng cách bất bình đẳng giàu nghèo mà phải dùng đến giải pháp cào bằng cũng không giúp cho người nghèo… giàu lên. Vì trong hoàn cảnh của họ, họ không biết cách làm đồng tiền sinh lời. Trong khi đó, lại làm triệt tiêu động lực phát triển của các cá nhân…

Trở lại câu chuyện ở trên. Rõ ràng, không ai ủng hộ cách tiêu tiền quá lố nhưng đó là quy luật của nhà giàu mới nổi. Tục ngữ xưa có câu: "Học chữ chỉ cần 1 đời, học ăn phải 2 đời còn học chơi phải 3 đời", với lịch sử hơn 200 năm là một nước nghèo, lại sai lầm là kỳ thị người giàu suốt hơn nửa thế kỷ thì người giàu mới nổi chưa biết tiêu tiền cho đẹp là đương nhiên. Nhưng GIÀU và LỐ đều không phải tội lỗi, có thể bị chê cười nhưng không đáng bị căm ghét.

Một quốc gia chỉ có thể giàu mạnh khi những người dân giàu có. Nhưng không ai muốn / dám làm giàu khi bị xã hội xoi mói, kỳ thị.

Khi nâng cao nhận thức cho công chúng về cách chi tiêu đẹp thì đồng thời hãy loại bỏ ngay tư tưởng kỳ thị hay căm ghét người giàu.

Nguyễn Hoàng Ánh
(Tuần Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét