Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Công hữu, tư hữu, và thân hữu

Công hữu, tư hữu, và thân hữu
TS. Vũ Thành Tự Anh . (TBKTSG) - Nếu như trong thời kỳ đầu đổi mới, đa số doanh nghiệp đi lên bằng cách xây dựng năng lực và phát triển thị trường thì bây giờ doanh nghiệp chú trọng đầu tư vào việc tìm kiếm đặc quyền, đặc lợi và xây dựng quan hệ với các nhà chính trị, quan chức chính phủ và doanh nghiệp nhà nước.
Với sự hỗ trợ to lớn của Nhà nước, các tập đoàn kinh tế nhà nước nhanh chóng được thổi lên quy mô rất lớn, được phép hoạt động đa ngành, đã bành trướng sang nhiều lĩnh vực có tính đầu cơ như bất động sản, ngân hàng, đầu tư tài chính và chứng khoán. Ảnh: Tuệ Doanh

Như đã thảo luận trong bài Quan hệ Nhà nước - doanh nghiệp và tăng trưởng công nghiệp ở Việt Nam (TBKTSG số ra ngày 8-1-2015, khi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn được chọn làm các “đỉnh cao chỉ huy” của nền kinh tế nhưng lại thiếu kỷ cương của Nhà nước và kỷ luật của thị trường, đồng thời được ban phát quá nhiều đặc quyền đặc lợi thì có nguy cơ mối quan hệ giữa Nhà nước và các doanh nghiệp này bị biến thành mối quan hệ thân hữu và tham nhũng.

Kể từ giữa thập niên 2000, một loạt chính sách kinh tế quan trọng góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Đầu tiên phải kể đến sự thay thế chủ trương phát triển tập đoàn kinh tế có tính thí điểm bằng chính sách mở rộng mô hình này một cách ào ạt.

Với sự hỗ trợ to lớn của Nhà nước, các tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) nhanh chóng được thổi lên quy mô rất lớn, được phép hoạt động đa ngành. Đồng thời, với quyền tự chủ lớn hơn trước nhiều, các TĐKTNN - nay được phép kinh doanh đa ngành - đã bành trướng sang nhiều lĩnh vực có tính đầu cơ như bất động sản, ngân hàng, đầu tư tài chính, và chứng khoán.

Một khi được trực tiếp sở hữu ngân hàng, các TĐKTNN trở nên ít phụ thuộc hơn vào nguồn vốn rót từ ngân sách mà có thể dùng chính những ngân hàng mà các tập đoàn này sở hữu để tài trợ cho các dự án đầu tư của mình.

Vốn có ưu thế tuyệt đối về tiếp cận đất đai - mà theo Hiến pháp thuộc quyền sở hữu toàn dân nhưng do Nhà nước quản lý, nay được phép kinh doanh bất động sản, các TĐKTNN đua nhau tìm kiếm đất đai ở những vị trí vàng, qua đó góp phần làm nóng thêm thị trường bất động sản vốn đang trong tình trạng bong bóng. Tương tự như vậy đối với các hoạt động đầu tư tài chính và kinh doanh chứng khoán.

Chính sách đem đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng tiếp theo là việc “đô thị hóa” các ngân hàng nông thôn.

Là các ngân hàng nhỏ với vốn điều lệ có khi chỉ vẻn vẹn vài chục tỉ đồng nhưng khi trở thành ngân hàng đô thị với yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỉ đồng, các ngân hàng này buộc phải huy động thêm vốn từ bên ngoài, dẫn tới làn sóng doanh nghiệp, đặc biệt là TĐKTNN, sở hữu ngân hàng và gây nên tình trạng sở hữu chồng chéo trong hệ thống ngân hàng như đã được mổ xẻ rất nhiều trong mấy năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, với chiến lược đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng trong khi năng lực quản trị yếu kém, các ngân hàng này góp phần quan trọng vào việc gia tăng nợ xấu với những hệ lụy mà đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Chính sách quan trọng thứ ba là tăng cường phân cấp kinh tế của chính quyền trung ương cho địa phương về quản lý đầu tư phát triển, ngân sách nhà nước, đất đai - tài nguyên.


Hệ quả đầu tiên của phân cấp tài khóa là chính quyền cấp tỉnh nay phải tìm cách huy động thêm ngân sách để hoàn thành nghĩa vụ chi tiêu cao hơn nhiều trong khi cấu trúc chia sẻ ngân sách với chính quyền trung ương hầu như không thay đổi và chuyển giao ngân sách từ trung ương giảm sút.

Vì ngân sách của địa phương phụ thuộc nhiều vào sự sôi động của khu vực doanh nghiệp nên chính sách phân cấp tài khóa góp phần khuyến khích một số tỉnh trở nên năng động hơn trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh nhằm thu hút doanh nghiệp, nhờ đó giúp tăng thu ngân sách. Nhưng đồng thời, chính sách phân cấp cũng làm trầm trọng thêm tình trạng doanh nghiệp tìm kiếm đặc quyền đặc lợi và xây dựng quan hệ thân hữu giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Đối với các địa phương, trong ngắn hạn, nguồn thu lớn nhất, đồng thời nhanh và đơn giản nhất, đến từ đất đai và tài nguyên tự nhiên.

Chẳng hạn như để tăng nguồn thu từ thuế chuyển quyền sử dụng đất, chỉ cần bằng một quyết định hành chính, UBND tỉnh có thể chuyển đổi mục đích sử dụng cả trăm héc ta đất từ nông nghiệp sang công nghiệp hay đô thị, sau đó chuyển quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư với giá trị lớn hơn nhiều lần. Chính nguồn “địa tô” khổng lồ được tạo ra một cách dễ dàng và nhanh chóng là nguồn gốc lớn nhất của tham nhũng ở cấp địa phương.
Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2003-2010, có tới hơn 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo được gửi đến các cơ quan hành chính các cấp, trong đó khoảng 70% liên quan đến đất đai. Còn theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chỉ trong vòng ba năm, từ năm 2004 - khi Luật Đất đai 2003 bắt đầu có hiệu lực - cho tới năm 2007, số lượng đơn thư khiếu kiện đất đai tăng lên tới ba lần.

Ở nhiều địa phương, sức ép của phân cấp khiến chính quyền địa phương thấy có thêm nhu cầu gây dựng một số doanh nghiệp quốc doanh chủ chốt ở địa phương trở thành cánh tay phải trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và huy động vốn cho mình. Những công ty này có thể hoặc tìm kiếm đặc lợi, hoặc giúp cải thiện phúc lợi hoặc cả hai, và điều này phụ thuộc rất nhiều vào cam kết phát triển kinh tế của lãnh đạo chính quyền địa phương.

Một số địa phương thậm chí còn nuôi dưỡng một số doanh nghiệp tư nhân thân hữu trở thành trợ thủ đắc lực trong việc huy động nguồn lực từ trung ương. Trên danh nghĩa, những doanh nghiệp này được chính quyền địa phương ủy quyền trong việc huy động vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm của tỉnh. Với sự ủy quyền này, họ tiến hành “chạy dự án”, có thể bằng cách trước hết tìm cách đưa dự án của tỉnh vào trong quy hoạch của trung ương, sau đó đem quy hoạch này sang Bộ Tài chính để xin giải ngân.

Một cách khác là với danh nghĩa huy động vốn cho phát triển kinh tế địa phương, doanh nghiệp có thể “chạy” trực tiếp tới Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các ngân hàng thương mại, hay các quỹ kích cầu để vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Ví dụ như trong giai đoạn kinh tế đình trệ, trợ cấp từ trung ương cho một số địa phương trong năm 2009 tăng đáng kể, thậm chí có thể tăng gấp đôi so với năm 2008, nhờ vào sự “năng động” của một vài doanh nghiệp tư nhân địa phương có quan hệ thân thiết với chính quyền.

Như vậy, sự suy thoái của môi trường thể chế và kinh doanh có những tác hại nghiêm trọng đối với sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. Nếu như trong thời kỳ đầu đổi mới, đa số doanh nghiệp đi lên bằng cách xây dựng năng lực và phát triển thị trường thì bây giờ doanh nghiệp chú trọng đầu tư vào việc tìm kiếm đặc quyền, đặc lợi và xây dựng quan hệ với các nhà chính trị, quan chức chính phủ và doanh nghiệp nhà nước như được minh chứng trong một số “vụ án kinh tế” gây xôn xao dư luận gần đây.

Trong Báo cáo 2013 về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi hơn 8.000 doanh nghiệp tư nhân ở 63 tỉnh, thành phố được hỏi liệu họ có đồng ý với nhận định cho rằng “hợp đồng, đất đai và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh”, kết quả không quá ngạc nhiên: tỷ lệ số người được hỏi đồng ý với nhận định này ở tỉnh trung vị là 96,6%!

http://www.thesaigontimes.vn/125370/Cong-huu-tu-huu-va-than-huu.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét