Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

Tư duy "gia tộc hoá" trong cơ quan và lạm dụng tình dục

Tư duy "gia tộc hoá" trong cơ quan và vấn đề lạm dụng tình dục
Việc tưởng tượng cơ quan có thứ bậc như một gia tộc khiến người có vai vế thấp khó lên tiếng trước sự lạm dụng tới từ người có vai vế cao. 
Dựa trên những gì Dạ Thảo Phương lên tiếng về cách xử lý sự vụ của tòa soạn tờ báo mà chị từng công tác 23 năm trước hẳn nhiên chứa đựng một sự khó khăn của chị khi chính những người đã đứng ra xử lý vụ việc cũng như liên đới cách giải quyết hồi đó vẫn được chị gọi bằng “chú”, “anh”, “cô”, “chị” mà không thể là “ông”, “bà”.

Một trong những vấn đề phức tạp nhất khi đi làm ở Việt Nam là xưng hô với đồng nghiệp. Văn hóa giao tiếp ở xã hội nước ta vốn dĩ chú trọng thứ bậc và kéo theo đó là những mối quan hệ nhuốm màu gia trưởng, biến nơi làm việc thành một không gian na ná gia tộc.

Đáng nói hơn nữa, sự lẫn lộn sắc thái quan hệ đồng nghiệp với quan hệ thân mật gây ra những vấn đề trầm trọng trong vạch ra ranh giới quan hệ, đặc biệt liên quan đến yếu tố tình cảm. Trong nhiều trường hợp, các quan hệ dễ bị thao túng từ phía người có vị thế cao hơn.

Ngay cả cách nhìn của xã hội, đến giờ vẫn đề cao sự ổn định của nơi làm việc thông qua bảo vệ trật tự thứ bậc, hơn là cho phép những cuộc phơi bày cho thấy sự bất ổn từ dưới lên. Hệ quả của nó là câu chuyện của Dạ Thảo Phương và vô vàn bi kịch không tên khác vẫn diễn ra hàng ngày trong xã hội.

Khi kẻ thấp cổ bé họng của "gia tộc" lên tiếng

Việc nữ nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo một nam đồng nghiệp ở tờ báo cũ cưỡng hiếp mình cách đây 23 năm, nếu nhìn sâu xa hơn, chính là hành động thách thức sự cố gắng duy trì trật tự nói trên. Theo chị, cơ quan này đã không phân xử công minh, để lái bản chất câu chuyện trở thành sự vụ quan hệ tình ái và "gây lộn xộn ở nơi làm việc."

Cùng là hành vi tố cáo, tại sao tố cáo tham nhũng hay phạm tội khác lại không gây ra phản ứng dội lại cho người tố cáo bằng hành vị tố cáo cưỡng hiếp? Một trong những lý do Dạ Thảo Phương gặp phải sự phản ứng từ không ít người là bởi họ cho rằng, việc cưỡng hiếp không rõ ràng là vì chị cũng có “cơ chế phạm tội”.Cách nhìn của xã hội, đến giờ vẫn đề cao sự ổn định của nơi làm việc thông qua bảo vệ trật tự thứ bậc, hơn là cho phép những cuộc phơi bày cho thấy sự bất ổn từ dưới lên. | Nguồn: Unplash

Tức là, chị có cảm xúc với người đã lạm dụng chị, hay có sự gần gũi ở nơi làm việc. Câu chuyện này khiến chúng ta thấy, văn hóa giao tiếp ở cơ quan của người Việt thực sự có vấn đề.

Người Việt nào từ khi là một đứa trẻ cũng học những bài học giao tế đầu tiên bằng cách xác định rằng, người đối thoại hơn tuổi sẽ cùng vai vế với ông bà, cha mẹ, chú bác, anh chị mình, và ngay lập tức có lối xưng hô tùy theo.

Trong cương vị người đi làm, một người mới chân ướt chân ráo từ trường đại học sẽ phải tìm cách gọi sếp là bác giám đốc, chú giám đốc hay anh giám đốc và xưng là cháu, em hay thậm chí “con”. Rất hiếm nơi mà một cô hay cậu tân cử nhân có thể nói: “Thưa giám đốc, tôi xin báo cáo…”.

Thứ bậc trong xưng hô

Ở miền Nam, điều này còn rõ rệt hơn khi người dân có thói quen gọi một người bằng thứ tự mà người đó được sinh ra trong gia đình, ví dụ “chú Năm giám đốc, anh Hai trưởng phòng, cô Ba kế toán trưởng…”

Đã có những câu chuyện là người ta chỉ gọi tên đầy đủ của đương sự ở những cuộc phê bình, kiểm điểm nội bộ. Lúc đó thì không còn chú bác, anh Hai chị Năm nữa, tất cả đều có vẻ lạnh lẽo với những cái “họ và tên” đầy đủ theo lý lịch cán bộ công nhân viên.

Trong câu chuyện giao tiếp ban đầu, hẳn nhiên một người trẻ tuổi vào cơ quan làm việc sẽ xưng “em” với người đã có thâm niên cao hơn mình. Ở vị thế một người phụ nữ, đại từ “em” gây khó xử bởi lẽ ngoài người thân trong gia đình, nó cũng là từ họ xưng hô với với người yêu hay chồng mình. Tính chất thân mật rất dễ bị lấn vạch.

Có thể kể rất nhiều câu bông đùa cửa miệng đầy ngụ ý về luyến ái công sở, nhất là ngoại hôn, dựa trên những khả năng “lấn vạch” này: Sáng chở cơm đi làm, trưa đưa phở đi ăn cơm; Con thầy, vợ bạn, gái cơ quan, Đi nhà nghỉ buổi trưa, Ngủ trưa thân mật tăng cường hiểu biết chiến lược công sở,...Cho đến khi những sự vụ đau lòng xảy ra, như cưỡng bức tình dục, đổ vỡ hôn nhân, những câu “vô hại” này đặt phụ nữ vào vị thế những kẻ gây phiền toái. | Nguồn: Unplash

Mặc dù vị thế phát ngôn những câu nói này hầu hết được gán cho đàn ông, nhưng người ta mặc nhiên cho rằng phụ nữ ắt phải đồng thuận. Thậm chí một câu đùa ở khung cảnh sư phạm, "Cô giáo em say mê chồng người," dựa trên lỗi sai chính tả của học trò, lại ngầm phô bày rằng việc ngoại tình như một sự tất yếu và có vẻ vui.

Cho đến khi những sự vụ đau lòng xảy ra, như cưỡng bức tình dục, đổ vỡ hôn nhân, những câu “vô hại” này đặt phụ nữ vào vị thế những kẻ gây phiền toái. Phiền toái là bởi những người phán xét cho rằng phụ nữ có xu hướng chồng chéo các vấn đề tâm lý và công việc, không biết tự đặt ra giới hạn ngay từ đầu!

Thậm chí có nữ nhà báo đã chỉ trích rằng, nếu bạn bị xâm hại một lần thì có thể hiểu được, nhưng đến mấy lần thì lỗi là tại bạn.

Nhà báo này quên mất một điều rằng, với môi trường công sở Việt Nam, vô cùng khó khăn để đặt ra giới hạn rạch ròi, khi mà cả tập thể có xu hướng duy trì văn hóa làm việc có tính chất thân mật, duy tình.

Sự bất lực của xưng hô thân mật

Dựa trên những gì Dạ Thảo Phương lên tiếng về cách xử lý sự vụ của tòa soạn tờ báo mà chị từng công tác 23 năm trước hẳn nhiên chứa đựng một sự khó khăn của chị khi chính những người đã đứng ra xử lý vụ việc cũng như liên đới cách giải quyết hồi đó vẫn được chị gọi bằng “chú”, “anh”, “cô”, “chị” mà không thể là “ông”, “bà”.

Cho đến khi sự việc được Dạ Thảo Phương khơi lại và bùng lên gần đây, bằng cách gọi những người đồng nghiệp cũ như vậy, chị vẫn coi họ là những người có thể lắng nghe mình với tư cách giống như người thân. Dĩ nhiên cách họ trả lời mới đây thì không hẳn như vậy.

Điều mà Dạ Thảo Phương cho chúng ta thấy cũng là chuyện con người rất phổ quát: mỗi con người cần được bày tỏ sự rõ ràng về phẩm giá của mình trong sự nhìn nhận của nơi họ đã là thành viên.

Cho đến những phát ngôn gần đây, nữ nhà thơ vẫn cho thấy chị cố gắng khoanh vùng câu chuyện trong đúng tính chất đòi hỏi được công bằng về quan hệ giữa con người với nhau và ứng xử giữa cơ quan với thành viên của nó, mà vốn dĩ vẫn gọi nhau là chú-cháu, anh-em. Câu chuyện xảy ra ở một cơ quan nhà nước cách đây hai thập niên, khi bối cảnh xã hội khác với bây giờ, việc tố cáo tấn công tình dục gần như không có tiền lệ. | Nguồn: Unplash

Vấn đề sự lạm dụng tình dục có đồng thuận hay có sự phản kháng từ người yếu thế hơn có thể khó xác định bởi sự dễ bề “lấn vạch” vì lối giao tiếp đặc thù trên, nhưng hoàn toàn dễ nhận diện khi đặt ra tương quan giữa người có sức mạnh hơn và dễ thao túng hơn.

Ở đây, câu chuyện xảy ra ở một cơ quan nhà nước cách đây hai thập niên, khi bối cảnh xã hội khác với bây giờ, việc tố cáo tấn công tình dục gần như không có tiền lệ.

Tôi có hỏi xem quy tắc làm việc nơi cơ quan ở một số tổ chức nước ngoài thì được biết, họ tuyệt đối tránh việc có quan hệ tình ái ở cơ quan để tránh xung đột lợi ích. Hễ xảy ra mối quan hệ này, dù chưa cần biết hậu quả thế nào, người có vai trò cao hơn, thâm niên lâu hơn thường phải chịu nhiều trách nhiệm hơn. Chẳng hạn supervisor (người giám sát, cấp trên) là người phải chấp nhận rời khỏi vị trí, bởi lẽ anh ta/chị ta có quyền lực hơn người còn lại (supervisee), nghĩa là bất tương xứng quyền lợi.

Dạ Thảo Phương có thể bị chất vấn về việc chị “tận dụng” yếu tố hấp dẫn giới tính của mình. Song về mặt nguyên tắc, bất cứ một đồng nghiệp nam nào tìm cách có quan hệ tình cảm (chưa nói đến tình dục) cũng phải nhận thức rằng, trước tiên đó là một mối quan hệ có khả năng tác động tiêu cực đến lợi ích trong nội bộ cơ quan.

Dường như đồng nghiệp nam giới của chị đã không nhận thức được điều ấy đầy đủ, nhất là khi anh ta đã làm việc ở đó từ trước.

Không tư duy lại về quan hệ "gia tộc", nhân viên sẽ tiếp tục chịu thiệt

Dĩ nhiên, có người sẽ biện luận, xã hội Việt Nam vốn trọng chữ tình, trăm cái lý không bằng một tí cái tình, vả lại cách ứng xử mềm mỏng đã giúp người Việt vượt qua khó khăn nhiều lần. Đồng thời giá trị của những nền tảng triết lý Á Đông cũng có ưu thế so với sự rạch ròi lý tính phương Tây.

Tuy nhiên, cần được nhắc lại rằng chính một trong những giáo điều Nho gia là “nam nữ thụ thụ bất thân” (nam nữ không được gần gũi đụng chạm nhau) và ngoài ra vô số lời khuyên răn khác về lễ nghi. Chúng ta không khuyến khích giáo điều cứng nhắc, song cũng cần nói rõ rằng, mối quan hệ nơi làm việc cần được định hình bằng những tiêu chí minh bạch.

Việc mỗi người có trách nhiệm với hành vi của mình, cũng như sai thì phải sửa, là một trong những điều khiến xã hội đánh giá phẩm cách của người đó cũng như mức độ văn hóa của nơi chốn họ làm việc.

Từ câu chuyện này, câu hỏi đặt ra là, bấy lâu nay nguyên tắc nhân sự ở các cơ quan công sở hay hội đoàn nhà nước đã được vận hành thế nào? Những điều luật về việc xác định phạm vi và trách nhiệm ra sao?

Việc làm cho những nhân viên bị tổn thương, dù ở mức độ nào, cũng là điều gây thất vọng cho đương sự hơn cả sự thiệt hại vốn có của họ. Xã hội Việt Nam, bên cạnh việc đưa ra một hình thức giao tiếp có tính nguyên tắc, thậm chí luật hóa, cho các cơ quan làm việc, cần phải thay đổi tư duy “gia tộc hóa” dễ bề tạo ra sự lạm quyền vô hình ở những vị trí bề trên.

https://vietcetera.com/vn/tu-duy-gia-toc-hoa-trong-co-quan-va-van-de-lam-dung-tinh-duc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét