Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

"Thiên Nga Hoang Dã" của tác giả Jung Chang

"Thiên Nga Hoang Dã" của tác giả Jung Chang
Một tháng tuyệt vời nhờ bị cấm dùng FB
Như đã viết trên Blog và FB, trong tháng 3 và 10 ngày đầu tháng 4 này, mình dạy học ít trong khi trang Fb cá nhân bị thằng rể T.ầ.u chặn không cho sử dụng nên mình nghĩ ra ba việc chính để giết thời gian mà không tốn kém. Thực tế mình là người ham hoạt động và luôn luôn tự nghĩ ra nhiều việc để làm khi có thời gian rảnh rỗi.

Một là hôm nào cũng đến CLB Ba Đình chơi hàng chục môn thể thao miễn phí. Mình là người thích thể thao nên tháng bị cấm vận cũng là tháng có nhiều thời gian để trở lại thú vui này.

Hai là đến thư viện Hà Nội 
mượn truyện về đọc suốt ngày. Toàn truyện dày cộp. Mình mới đọc lại bộ 3 tập Lộc Đỉnh Ký 2000 trang của Kim Dung và một số bộ tiểu thuyết Nga. Hiện mình đang đọc 2 bộ Đồng Hồ Xương và Bản Đồ Mây của Devid Mitchell, đồng thời đọc Thiên Nga Hoang Dã (Ba người con gái Trung Hoa) của Jung Chang, chúng đều rất hay.

Ba là đi du lịch bụi xung quanh Hà Nội. Mình tuổi cao, có thẻ bus miễn phí nên mỗi tuần mình đến 1-2 điểm di tích - du lịch để vừa đi bộ thể dục vừa leo núi và vừa ngắm phong cảnh. Hà Nội (và Hà Tây) có vô số điểm như thế. Tuần trước mình đi Chùa Hương; trước đó thì vào Hoàng thành Sơn Tây. Hôm 11/4 vừa qua đi thăm Làng Văn Hóa các dân tộc VN... Đến nơi sau khi thăm thú xong nếu còn thời gian thì chọn khu đất hay phiến đá đẹp, rồi ngả lưng giở truyện ra đọc. Quá tuyệt vời.

Thiên Nga Hoang Dã kể câu chuyện về ba thế hệ phụ nữ trong một gia đình Trung Quốc trải suốt thế kỷ 20, một tập hồi ức sống động và bi thương khi số phận của họ gắn liền với những biến cố lịch sử đầy thăng giáng, một hồ sơ hấp dẫn về sự tác động của các yếu nhân đối với Trung Quốc, một cửa sổ bất thường về trải nghiệm của phụ nữ khi tiến vào thế giới hiện đại. 

Và trên hết, một tác phẩm đầy cảm hứng về lòng dũng cảm và tình yêu, đặc biệt là về những người phụ nữ đã sống sót sau mọi khó khăn, thiếu thốn và biến động chính trị mà vẫn giữ nguyên được nhân tính. Thiên Nga Hoang Dã cũng là một câu chuyện về sự sống sót của một gia đình Trung Quốc qua một thế kỷ loạn lạc đầy thảm họa.

Tác giả Jung Chang sinh năm 1952 tại Nghi Tân, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Trong những năm cách mạng văn hóa (1966-1976) bà lao động như một nông dân, rồi làm một “bác sĩ chân đất” ở vùng quê, sau đó bà làm thợ điện trong một nhà máy cho đến khi trở thành sinh viên khoa tiếng Anh tại Đại học Tứ Xuyên.

Năm 1978, bà rời Trung Quốc sang Anh theo một học bổng của nhà nước, sau đó bà được trao một học bổng của trường Đại học York, tại đây bà đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ về Ngôn ngữ học vào năm 1982. Bà là người đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhận được học vị tiến sĩ từ một trường đại học của Anh.

Hiện Jung Chang sống tại London. Bà là đồng tác giả của cuốn tiểu sử gây nhiều tranh cãi Mao: The Unknown Story, được xuất bản năm 2005. Cuốn sách gần đây nhất của bà nằm trong danh sách những cuốn sách bán chạy của The New York Times: Empress Dowager Cixi: The Concubine Who Launched Modern China.

Dưới đây là bài viết của bạn Nguyễn Tuyết Lan đăng ngày 23/09/2021 trên trang www.netabooks.vn về cuốn Thiên Nga Hoang Dã

Một cuốn sách dày khiếp chứa đựng những câu chuyện khủng khiếp! Sách đậm tính phản địa đàng (dystopia) mà không hề giả tưởng.

Cuốn sách này giống như Lều đỏ của Anita Diamant vậy – “viết lại” lịch sử dưới góc nhìn của nữ giới. Trăm năm biến động chính trị-xã hội của Trung Quốc được mô tả gắn với 03 thế hệ phụ nữ trong một gia đình (1870~1978). Những sự kiện lịch sử khô khan trở nên chân thực và chi tiết và đầy bất ngờ trong mắt người đọc: cuộc nội chiến Trung Quốc, chống Nhật, cải cách ruộng đất, Cách mạng Văn hóa và rồi mở cửa hội nhập.

Suốt thời gian đọc cuốn sách này, mình cảm giác như bị cuốn vào một cơn bão. Cơn bão ấy xới tung giá trị bao đời, đảo lộn thế giới quan và chân lý , vùi dập văn hóa nghệ thuật, làm lộ những gì xấu xa nhất của lòng người, tung hê lên trời những lối sống và tư tưởng bệnh hoạn. Người còn chút đạo đức cố giữ mình không bị cuốn theo cơn cuồng loạn, rồi cũng phải phát điên và chết trong uất ức.

Những ngang trái, bất công của xã hội Trung Quốc thời đó để lại dấu ấn đậm nét hơn cả trên cuộc sống của những người phụ nữ. Sách không sử dụng thủ pháp nghệ thuật nào, đơn giản là trần thuật bình bình, nhưng bản thân những sự kiện trong truyện đã đủ để cuốn hút người đọc. Mình đã phải cố gắng vượt qua cảm giác kinh hãi khi chứng kiến số phận đen tối và bi thảm của các nhân vật, để theo đọc đến những trang cuối cùng, với hi vọng có sự đổi thay tốt đẹp nào hơn cho họ không.

Cái chết được nhắc đến liên tục nhưng với giọng kể nhàn nhạt, giống như người vừa tỉnh dậy từ một cơn ác mộng dài, và đến giờ còn không dám đào sâu các chi tiết của ác mộng ấy. Việc viết ra tác phẩm này hẳn cũng là một cách để tác giả tự nhắc nhớ bản thân, để những đau thương của các thế hệ trong gia đình và cả dân tộc không bị vùi lấp trong những trang sử đã được tô hồng.

Cuốn sách đến cho mình những kiến thức đa chiều hơn về một thời kì nhiễu loạn và nhiều tranh cãi. Sách khẳng định một nền giáo dục chất lượng luôn có sức thay đổi số phận con người – cho dù ở bất kì thời kì nào; nhất là việc được tiếp cận tri thức, chân thiện mỹ qua việc đọc sách. Và trên hết là cách nhìn sâu sắc và nhân ái hơn – khi đánh giá những sự kiện chính trị- xã hội, không đơn thuần ảnh hưởng chung của nó trên một quốc gia, mà phải xem xét sức chuyển dời của nó đến từng nhóm người sống trong xã hội đó, nhất là những người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, nông dân mù chữ…

Bài viết của Nguyễn Tuyết Lan trên Nhã Nam
https://www.netabooks.vn/review-sach-thien-nga-hoang-da-cua-tac-gia-jung-chang-bai-viet-cua-nguyen-tuyet-lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét