Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Lao động Việt tại Thái, Lào, Cam mùa dịch COVID-19

Lao động Việt tại Thái, Lào, Campuchia mùa dịch COVID-19
Thanh Trúc 2021-01-02 - 
“Bên Lào thì có vẻ dễ thở hơn Campuchia và Thái Lan. Đợt vừa rồi của Tết 2020 công nhân Việt Nam tại Lào về nước ăn Tết. Một số đã không trở lại vì dịch COVID-19. Nhưng kiếm tiền ở Việt Nam rất khó và bây giờ người ta muốn trở qua thì Lào không cho nhập vô”... “Nhưng mà do kiếm tiền bên Việt Nam khó hơn kiếm tiền ở Lào cho nên người Việt Nam mình vẫn trốn, có một con đường để người ta trốn qua Lào để tiếp tục làm ăn. Đại đa số đó nam thì làm xây dựng, nữ thì ban đầu qua cũng vất vả lắm, họ làm nghề gội đầu hay đi làm móng tay dạo. Nhưng mà làm một thời gian tự họ tìm thuê nhà để mở tiệm, một số người bung ra buôn bán. Nói chung thì bên đây kiếm tiền dễ nên mọi người qua đây đều thành công hết”.
Người thiểu số Việt Nam tị nạn tại Thái Lan năm 2019
Từ trung tuần tháng 11/2020, vào khi COVID-19 có dấu hiệu tái phát nhanh chóng tại Myanmar, rồi sang Thái Lan và nước khác, công ăn việc làm và cuộc sống của lao động Việt nhập cư ở Thái, Campuchia, Lào tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.

Bản tin Reuters ngày 29/12, dẫn nguồn từ Bộ Nội Vụ Thái Lan, cho hay để ngăn chặn đà lây lan đang vượt tầm kiểm soát đợt này, chính phủ Thái đã chấp thuận một chương trình hợp pháp hóa giai đoạn, gọi là cấp phép làm việc tạm thời cho lao động nhập cư không có giấy tờ từ Lào, Campuchia và Myanmar vào Thái Lan.

Đây là những thành phần nhập cư bất hợp pháp đang lao động kiếm sống trôi nỗi ở Bangkok cũng như các tỉnh thành khác của Thái Lan. Biện pháp cấp giấy phép làm việc tạm thời cho họ, theo chính phủ Thái, sẽ giúp những lao động không có giấy tờ như thế dễ dàng được xét nghiệm xem có bị nhiễm COVID-19 hay không.

Bản tin Reuters đã không nêu tên Việt Nam, nơi rất nhiều lao động nhập cư không giấy tờ vào Thái Lan để làm những công việc như xây cất, bán thực phẩm, bán hàng rong ban đêm, phụ việc trong các quán ăn chẳng hạn.

Một nhân viên đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok, yêu cầu RFA không nên tên cũng như không thu tiếng, cho biết tuy tòa đại sứ chỉ có trách nhiệm đối với lao động Việt nhập cảnh hợp pháp vào Thái Lan thế nhưng gần đây đã liên lạc với cơ quan hữu trách Bangkok liên quan đến những đối tượng nhập cư để kiếm việc mà không có giấy tờ.

Vẫn theo người này, đây là cách cộng tác giúp chính phủ sở tại kiểm soát, ngăn chận làn sóng COVID-19 lần thứ hai.

Cô Grace Bùi, đang sinh sống và làm việc trong một NGO ở Bangkok, cho biết tình hình thực tế :

“Bắt đầu từ tỉnh Samut Sakhon là chỗ bán đồ biển. Tỉnh Samut Sakhon gần 1.000 người bị. Chính phủ Thái nói những người Miến Điện qua đây làm việc bất hợp pháp, họ bị nhiễm và bị chủ bỏ rơi. Vì không có chỗ ở nên họ ngủ ngoài đường, đó là tại sao tỉnh này bị nhiễm rất nặng”

“Lao động Việt Nam qua Thái Lan cũng rất là đông, hợp pháp cũng có mà bất hợp pháp cũng có. Tin cách đây mấy hôm là có một người Việt Nam khoảng 25 tuổi ở Ban Yai, mỗi ngày ngồi cùng xe với một người khác đi chợ bán đồ biển Samut Sakhon. Người Việt Nam này bị lây bệnh từ người ngồi kế anh ta”.

Hình minh hoạ. Người Việt tại cửa khẩu giữa Thái Lan và Lào

Đó là người Việt Nam đầu tiên mà cô Grace biết bị nhiễm ở Ban Yai. Về tin chính phủ Thái Lan thuận cấp giấy phép làm việc tạm thời cho lao động nhập cư không có giấy tờ, cô Grace nói cô nghe biết tin này từ trước:

“Nhưng không biết có thật hay không, cũng không biết có xảy ra hay không, vì mà chính phủ Thái Lan đã dừng lại tất cả mọi dự định. Bất hợp pháp nhiều nhất là người Miến Điện, sau đó là người Việt Nam qua Campuchia rồi vượt qua Thái Lan vì nó rất gần”.

Anh Đông, từ Việt Nam qua Thái Lan theo con đường vừa nói, cho biết nơi anh đang làm việc, tỉnh Pathum Thani, đã có 5 người Thái Lan dính COVID-19:

“Họ cấm chợ từ hôm 18 đến nay, mùng 4/12/2021 mới mở lại. Khu vực tôi ở tương đối đông người Việt, căn bản là gần một trường Đại Học có khoảng 2.000 sinh viên thì trong đó hơn 300 là du học sinh người Việt và cũng có nhiều lao động Việt Nam”

“Cũng có một số người đã về nước hồi đợt dịch trước, nhưng đợt bùng phát lần này thì người ở lại khá là căng bởi lẽ chợ búa hay đi bán hàng rong thì đều bị ngăm cấm, cho nên chuyện đi kiếm sống thì cực kỳ là khó khăn. Hầu như mọi người không có việc làm mà chính phủ Thái chỉ hỗ trợ cho công nhân người Thái thôi chứ còn người nhập cư hoặc người nước ngoài thì hầu như không có sự hỗ trợ gì cả”

Đã có nhiều du học sinh người Việt tìm cách trở về bằng đường bay chính thức sau một thời gian chờ đợi, anh Đông cho biết tiếp, còn lao động Việt hầu như phải tự xoay sở lấy:

“Tôi có biết tòa đại sứ Việt Nam ở Bangkok và chính phủ Việt Nam có liên hệ với chính phủ Thái Lan để giải cứu công dân Việt ở Thái Lan. Đã rất nhiều chuyến bay giải cứu nhưng thực tế là giá rất cao mới có vé để về”

“Đại đa số người Việt mình sang Thái Lan theo kiểu đường chui đường bô, lao động là số đông. Những đối tượng này hoàn toàn không được chính phủ Thái Lan hay chính phủ Việt Nam hỗ trợ”.

Chị Thanh, làm việc trong một công xưởng ở Bangkok, xác nhận đời sống của lao động Việt ở Thái lúc này rất chật vật:

“Đã không có việc làm mà quay trở về thì cũng không về được. Sau đợt dịch đầu tiên nhiều người phải về nước, sau đó họ tìm cách trở lại vì tại Việt Nam cũng không có việc làm cho họ. Người qua đây rồi thì đành phải chấp nhận bởi vì nếu bị bắt thì không có cơ hội quay trở lại nữa. Cuộc sống thực sự không an toàn về mặt pháp lý nhưng không còn cách nào khác”.

Đại đa số người Việt mình sang Thái Lan theo kiểu đường chui đường bô, lao động là số đông. Những đối tượng này hoàn toàn không được chính phủ Thái Lan hay chính phủ Việt Nam hỗ trợ.

Campuchia cũng là điểm lựa chọn của nhiều người Việt không có công ăn việc làm trong nước. Tin xấu về đợt bùng phát COVID-19 lần thứ hai từ tháng 11/2020 khiến cuộc sống của lao động Việt ở Xứ Chùa Tháp đã khó càng khó hơn.

Anh Giàu, sang Campuchia làm việc và đã tự túc lập một cơ sở dịch vụ du lịch tại Phnom Penh, cho hay trừ những người Việt Nam ở Phnom Penh lâu năm và buôn bán căn cơ, còn thì lao động Việt lao đao cả năm 2020 này vì con vi rút Sars CoV2:

“Dịch bệnh ảnh hưởng ngành du lịch nên em không làm nữa . Hiện tại em chuyển sang làm bên nhà hàng với mức độ cầm cự qua ngày. Chắc chắn một điều dịch này ảnh hưởng 98% ngành du lịch. Tất cả những cửa khẩu từ Campuchia về Việt Nam và từ Việt Nam qua Campuchia hầu như bị siết chặt 100%.”

“Trong dịch ở Campuchia thì công nhân Việt Nam ai cũng như nhau hết. Công nhân Việt Nam trước dịch thì làm được 10 đồng nhưng nay thấp xuống còn 6, 7 đồng, trong lúc công việc vẫn tương đối ổn định so với các ngành khác như du lịch hay dịch vụ”.

Cuộc sống của lao động Việt Nam tại Lào xem ra ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhất. Chị Ngọc Yến, một cư dân miền Tây Nam Bộ, sang Lào làm việc mấy năm nay, cho biết đến lúc này mọi sinh hoạt ở Vientiane vẫn bình thường chứ không có vẻ gì là khẩn trương cả:

“Bên Lào thì có vẻ dễ thở hơn Campuchia và Thái Lan. Đợt vừa rồi của Tết 2020 công nhân Việt Nam tại Lào về nước ăn Tết. Một số đã không trở lại vì dịch COVID-19. Nhưng kiếm tiền ở Việt Nam rất khó và bây giờ người ta muốn trở qua thì Lào không cho nhập vô”

“Nhưng mà do kiếm tiền bên Việt Nam khó hơn kiếm tiền ở Lào cho nên người Việt Nam mình vẫn trốn, có một con đường để người ta trốn qua Lào để tiếp tục làm ăn. Đại đa số đó nam thì làm xây dựng, nữ thì ban đầu qua cũng vất vả lắm, họ làm nghề gội đầu hay đi làm móng tay dạo. Nhưng mà làm một thời gian tự họ tìm thuê nhà để mở tiệm, một số người bung ra buôn bán. Nói chung thì bên đây kiếm tiền dễ nên mọi người qua đây đều thành công hết”.

Việt Nam ra lịnh tăng cường kiểm tra các cửa khẩu qua lại giữa Trung Quốc và Campuchia, với lý do những người từ bên ngoài về là nguồn lây nhiễm Sars Cov2 cho người trong nước.

Đại dịch COVID-19 khiến người lao động Việt muốn đi cũng không được mà muốn trở về cũng không xong.

Trong khi đó, trả lời phóng viên RFA sáng 30/12/2020 vừa qua, một viên chức không muốn nêu tên trong Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước, Bộ Lao Động-Thương Bình-Xã Hội Việt Nam, cho biết Việt Nam vẫn duy trì chính sách xuất khẩu lao động, thế nhưng với tình hình dịch bệnh phức tạp tại Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước phương Tây thì không biết bao giờ các chương trình đưa người đi làm việc chính thức này mới có thể tái tục trở lại.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/viet-labors-in-neighboring-countries-grapple-with-covid-19-01022021093258.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét