Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

Hồi ức 30 năm và nghĩ về tương lai

Hồi ức 30 năm và nghĩ về tương lai
Trần Văn Thọ (*) 31/12/2020 (TBKTSG) - Tôi hân hạnh được cộng tác thường xuyên với TBKTSG từ những ngày đầu. Điểm lại những bài viết của mình, tôi thấy vui và hạnh phúc vì thấy mình đã gắn bó với những bước đi của đất nước và đồng hành với quá trình phát triển của tờ báo này.
GS.TS. Trần Văn Thọ.
Những dấu ấn 30 năm cùng TBKTSG
TBKTSG ra đời đúng lúc Việt Nam sắp ra khỏi khủng hoảng, lạm phát phi mã trên đường được khắc phục, kinh tế bắt đầu vào quỹ đạo tăng trưởng. Đến giữa thập niên 1990, Việt Nam bắt đầu có quan hệ bình thường với nhiều nước tiên tiến và các định chế tài chính quốc tế. Với các điều kiện thuận lợi đó, Việt Nam phải có chiến lược, chính sách như thế nào để bắt đầu một thời đại phát triển nhanh và bền vững?

Thời đó, ý kiến của tôi trên TBKTSG xoay quanh các vấn đề phải tiến hành công nghiệp hóa và các biện pháp, chính sách để thúc đẩy quá trình đó. Hồi đó tư duy của Việt Nam chưa thoát ra khỏi các định kiến đối với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn nước ngoài, cũng như cơ chế, thủ tục hành chánh quá phức tạp đã làm yếu đi các tác nhân quan trọng của công nghiệp hóa là hai loại hình doanh nghiệp ấy. Tôi đã viết bài giới thiệu kinh nghiệm các nước châu Á và đưa ra các đề nghị cải cách.


Chỉ cần dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ khu vực cá thể sang khu vực kinh tế hiện đại, có tổ chức ở quy mô lớn thì năng suất lao động của toàn xã hội sẽ tăng lên cao. Dư địa tăng năng suất qua tái phân bổ nguồn lao động là rất lớn.

Khoảng năm 1995, nhân khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh nguy cơ tụt hậu, cho rằng tụt hậu là nguy cơ lớn nhất trong các nguy cơ, Tổng biên tập Võ Như Lanh có đề nghị tôi phân tích xem Việt Nam đang tụt hậu như thế nào và làm sao để khỏi tụt hậu. Theo phân tích của tôi, Việt Nam đi sau Thái Lan độ 20 năm nhưng tôi chủ trương là Việt Nam không nên chạy theo số lượng, mà nên bảo đảm chất lượng phát triển (phân phối công bằng hơn, bảo đảm môi trường tốt hơn). Rút ngắn khoảng cách phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu, phải bằng cả chiến lược phát triển về lượng và về chất.

Từ cuối thập niên 1990, các bài viết của tôi xoay quanh tác động của hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết với các nước ASEAN (AFTA) và tác động của Trung Quốc đến quá trình công nghiệp hóa. Tôi đề nghị phải có chính sách phát triển công nghiệp tích cực hơn, triển khai nhanh chóng hơn mà mũi đột phá phải là các ngành công nghiệp hỗ trợ. Tôi cũng đưa ra các biện pháp để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này và cơ chế nối kết các công ty FDI với công ty trong nước. Giữa thập niên 2000, nhìn sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp Trung Quốc, tôi vừa tiếc cho Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, vừa lo quá trình công nghiệp hóa của nước ta sẽ bị làn sóng công nghiệp từ Trung Quốc đẩy lùi. Những bài viết Đừng để mất thời cơ lần nữa, Tính chất Bắc Nam trong quan hệ mậu dịch Việt-Trung, Việt Nam trước cái bẫy của trào lưu mậu dịch tự do... của tôi ra đời trong thời gian này và xuất phát từ bối cảnh ấy.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ Mỹ năm 2008, qua bài viết “Đừng quên nền kinh tế thật”, tôi mong Việt Nam sớm xác lập hệ thống ngân hàng, tín dụng hướng vào việc củng cố sản xuất, giúp xí nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn đầu tư, tăng việc làm, tăng xuất khẩu... Đó là quyết sách để trước mắt tránh hoặc làm giảm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và về lâu dài thực hiện được chiến lược phát triển bền vững. Rất tiếc là tình hình thực tế không tiến triển theo hướng đó. Cùng với các chính sách cung cấp tín dụng ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế nhà nước, hệ thống ngân hàng hướng đầu tư vào chứng khoán, bất động sản đã gây những khó khăn trầm trọng trong hệ thống tín dụng, kéo theo bất ổn chung trong nền kinh tế sau đó.

Tuy Việt Nam đã đạt mức phát triển trung bình thấp vào năm 2008 nhưng các nguồn lực sử dụng không hiệu quả. Cùng với nguy cơ về “bẫy trào lưu mậu dịch tự do” nói trên, tôi cảnh báo về khả năng mắc bẫy thu nhập trung bình trên các số báo cuối năm 2010.

Đầu thập niên 2010 là dịp đánh giá 25 năm đổi mới. Tuy Việt Nam đã thoát khỏi giai đoạn nghèo và thu nhập thấp nhưng với cùng thời gian đó các nước đi trước ở châu Á đã đạt những thành quả lớn hơn nhiều. Hình tượng anh hùng trong thời đại phát triển là đề tài của bài tôi viết cho số Xuân 2010, trong đó chủ trương lãnh đạo, quan chức phải là những anh hùng đất nước mới phát triển nhanh. Qua bài Trào lưu kinh tế Á châu: Tại sao không phải Việt Nam? đăng vào tháng 10-2012 tôi đã gói ghém tâm tình về sự tiếc rẻ là kinh tế Việt Nam đã không phát triển mạnh mẽ như mong muốn. Với bài Việt Nam và Trung Quốc trong nền kinh tế thị trường (1-2015) tôi cho rằng tuy cùng một thể chế chính trị nhưng Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn Việt Nam vì đã tận dụng tốt các thời cơ và động viên các nguồn lực vào việc phát triển.

Trên TBKTSG tôi cũng viết nhiều bài nhấn mạnh chất lượng phát triển. Ngoài hai bài Phát triển và hạnh phúc (xuân 2012), Đạo đức và kinh tế thị trường (xuân 2013), bài Đồng thuận Hà Nội (xuân 2017) chủ trương cần theo mô hình phát triển bao trùm, có sự chuyển dịch xã hội cao, có vốn xã hội và vốn thiên nhiên cùng với vốn con người ngày càng được tích lũy.

Trong năm năm gần đây, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, kinh tế Việt Nam phát triển khá cao và ổn định nhưng còn phụ thuộc nhiều vào FDI và chưa tận dụng hết tiềm năng. Trong giai đoạn tới, để kinh tế phát triển nhanh hơn, cần đẩy mạnh công nghiệp hóa và cải cách thị trường vốn, thị trường đất đai, thay đổi hệ thống đào tạo nguồn nhân lực làm tiền đề cho chuyển dịch cơ cấu lao động và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa theo diện rộng, tạo môi trường thông thoáng để doanh nghiệp đầu tư vào những ngành công nghiệp mới, lao động dư thừa ở nông thôn, ở khu vực nông nghiệp sẽ dịch chuyển nhanh chóng sang khu vực công nghiệp, góp phần đưa năng suất toàn xã hội lên cao.

Những tiêu điểm chiến lược cho thập niên 2020

Trong thập niên sắp tới, với tiền đề đại dịch có thể kéo dài hoặc có thể tái phát, kinh tế Việt Nam sẽ phải phát triển với tốc độ chậm hơn dự kiến nhưng còn nhiều dư địa để chuyển dịch cơ cấu, tăng năng suất và kết quả là sẽ phát triển với tốc độ cao hơn nhiều nước khác.

Hai tiêu điểm chiến lược để chuyển dịch cơ cấu là lao động và doanh nghiệp.

Về lao động, tình trạng dư thừa trong nông nghiệp còn rất lớn. Còn tới khoảng 35% lao động làm việc trong nông - lâm - ngư nghiệp là khu vực mà năng suất rất thấp. Trong khi đó, công nghiệp hóa còn ở mức thấp (giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP mới khoảng 16,5% vào năm 2019), hơn nữa cơ cấu công nghiệp còn rất mỏng (lắp ráp là chủ đạo, công nghiệp hỗ trợ yếu, Việt Nam còn ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu). Vì tính chất này, trong thời gian qua, xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam tăng rất nhanh nhưng càng xuất khẩu càng phụ thuộc vào sản phẩm trung gian nhập từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong thời gian tới, lợi dụng dòng thác FDI chuyển dịch nhiều cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, Việt Nam nên đẩy mạnh sản xuất thay thế những mặt hàng trung gian đang nhập khẩu.

Cùng với nỗ lực theo chiều sâu này, công nghiệp hóa cũng cần được đẩy mạnh theo diện rộng (tạo môi trường thông thoáng để doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào những ngành công nghiệp mới), và kết quả là lao động dư thừa ở nông thôn, ở khu vực nông nghiệp sẽ dịch chuyển nhanh chóng sang khu vực công nghiệp, đưa năng suất toàn xã hội lên cao.

Về doanh nghiệp, khu vực phi chính thức (chủ yếu là kinh tế cá thể) còn chiếm tới 30% GDP. Đây là khu vực có năng suất rất thấp. Mặt khác, doanh nghiệp tư nhân (chiếm độ 10% GDP) cũng phần lớn là nhỏ bé, luôn ở vị trí bất lợi trong thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai. Khu vực phi chính thức (hay kinh tế cá thể) và doanh nghiệp tư nhân hầu hết có quy mô quá nhỏ, năng suất thấp vì không có khả năng cách tân công nghệ (vì quá nhỏ nên không có năng lực du nhập công nghệ, không đổi mới thiết bị, không đầu tư lớn), kết quả là không có năng lực kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia.

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô rất nhỏ và siêu nhỏ vì môi trường kinh doanh khó khăn (phí tổn hành chánh quá lớn) và khó tiếp cận với vốn và đất để đầu tư. Cần cải cách hành chánh để giảm xin cho, giảm kiểm tra và hoàn thiện thị trường vốn, thị trường đất đai. Việc này đã được bàn luận nhiều nhưng tiến triển chậm. Nếu có khát vọng phát triển phải khẩn trương cải cách các lĩnh vực này. Ngoài việc hoàn thiện cơ chế thị trường cần các biện pháp chính sách hỗ trợ cụ thể hơn. Bộ máy phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trung ương và địa phương phải phát huy chức năng hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ trong việc vay vốn, tìm đối tác, phương pháp tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ. Các cơ quan này cũng có vai trò giới thiệu các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ liên kết với các doanh nghiệp lớn, với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong thời gian tới, lợi dụng dòng thác FDI chuyển dịch nhiều cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, Việt Nam nên đẩy mạnh sản xuất thay thế những mặt hàng trung gian đang nhập khẩu.

Từ các nhận xét trên, ta thấy rất rõ rằng chỉ cần dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ khu vực cá thể sang khu vực kinh tế hiện đại, có tổ chức ở quy mô lớn thì năng suất lao động của toàn xã hội sẽ tăng lên cao. Dư địa tăng năng suất qua tái phân bổ nguồn lao động là rất lớn.

Cuối cùng là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực theo hướng mới. Theo dự báo mới nhất của Liên hiệp quốc, dân số Việt Nam sẽ đạt 110 triệu và lực lượng lao động sẽ tăng đến 70 triệu vào khoảng năm 2035. Như vậy Việt Nam có một lực lượng lao động phong phú trong một thời gian khá dài trong tương lai. Mấu chốt của chiến lược phát triển ở đây có hai vế.

Một là, toàn dụng lao động để ai cũng có việc làm, không ai bị buộc phải ra nước ngoài tìm việc làm một cách bất đắc dĩ. Trong tương lai, với dịch bệnh có thể kéo dài hoặc tái phát, các nước thiếu lao động sẽ nỗ lực tự động hóa, dùng nhiều robot thay vì nhập khẩu nhiều lao động như trước. Chấm dứt xuất khẩu lao động cũng là chiến lược Việt Nam phải hướng tới vì hiện tượng này phản ảnh trình độ phát triển còn thấp của một nước.

Hai là, dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ khu vực cá thể, phi chính thức sang khu vực tiên tiến với nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn.

Sự tiến bộ kỹ thuật trong công nghiệp ngày càng làm giảm nhu cầu lao động trên một đơn vị sản xuất. Do đó, song song với việc tiến hành công nghiệp hóa vừa sâu vừa rộng, kể cả liên kết với nông ngư nghiệp, phải phát triển các ngành dịch vụ mới tạo nhiều công ăn việc làm. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP ở Việt Nam còn thấp, nhu cầu thực phẩm trên thế giới tăng và nhiều nước phải nhập khẩu là những tiền đề để Việt Nam đẩy mạnh cả công nghiệp hóa và sản xuất lương thực. Hai ngành này phát triển mạnh và với quy mô dân số khá lớn, thị trường nội địa cho dịch vụ cũng sẽ lớn. Phát triển đồng thời ba khu vực nông, công và dịch vụ sẽ dễ đi gần đến toàn dụng lao động và có khả năng chấm dứt xuất khẩu lao động. Đó là viễn cảnh phát triển trong thập niên 2020.

Để quá trình dịch chuyển lao động giữa các khu vực diễn ra xuyên suốt thì phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực.

Trong nước thường nói đến những vấn đề to tát như công nghệ 4.0, kinh tế tri thức... nhưng chưa thấy có triển khai cụ thể, nhất là những vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực. Theo tôi cần có cách tiếp cận thực tế và hiệu quả.

Trong thời đại công nghệ 4.0, nói về người lao động trung cấp trở lên, chỉ cần tạo cho họ có khả năng đọc tiếng Anh, sử dụng máy tính, và quen với việc truy cập Internet. Nhưng đó mới chỉ là năng lực cơ bản. Thêm vào đó cần đào tạo cho họ khả năng suy luận để phân tích, giải quyết vấn đề, và có văn hóa để làm việc có trách nhiệm và ứng xử tốt với người khác. Để tuyệt đại đa số lao động dịch chuyển theo hướng đã phân tích thì ngoài đại học bốn năm, đại học đoản kỳ (hai năm) là hiệu quả nhất, vì có thể nhanh chóng cung cấp đủ nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa và phát triển các ngành dịch vụ. Tại đại học đoản kỳ, sinh viên học một năm văn hóa và một năm chuyên môn như kế toán, quản lý du lịch, cao đẳng kỹ thuật, thư ký văn phòng, quản lý trung gian ở nhà máy... Nhu cầu lao động ở trình độ này rất cao, đào tạo ngắn hạn nên cung cấp ra thị trường nhanh chóng.

Tại Việt Nam hiện nay bậc trung cấp tương đương với đại học đoản kỳ hai năm nhưng vì tên gọi như vậy nên không hấp dẫn người học và trên thực tế bậc học này cũng không được đầu tư đúng mức. Còn cao đẳng thì mất ba năm nên tâm lý người học là muốn vào đại học bốn năm vì chỉ sai biệt có một năm. Theo tôi cần sớm chỉnh lý lại hai loại hình này và thống nhất thành đại học đoản kỳ hai năm, bảo đảm chương trình học tốt và có việc làm ngay khi tốt nghiệp sẽ tạo sự hấp dẫn, giải quyết tình trạng nhiều người muốn vào đại học (bốn năm) nhưng khi ra trường thì thất nghiệp hoặc phải làm những việc ngoài chuyên môn.

Ngoài ra, lập một số trường cấp 3 chuyên nghiệp trong đó học sinh vừa học các môn thông thường như trung học phổ thông (nhưng ít hơn) và dành thời gian học ngay vào chuyên môn. Hệ cấp 3 chuyên nghiệp này có thể kéo dài thành bốn năm, thay vì ba năm như trung học phổ thông. Về nội dung, cần cải tổ chương trình học theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0 (chú trọng dạy công nghệ thông tin và tiếng Anh). Trong tương lai cơ cấu nhu cầu lao động sẽ bị ảnh hưởng bởi tự động hóa và số hóa. Mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực phải theo hướng tạo những người lao động có khả năng tự học, tự thích nghi được với thay đổi của công nghệ và nhu cầu trên thị trường lao động.

Tôi tin là với chiến lược phát triển xoay quanh chuyển dịch cơ cấu lao động và doanh nghiệp, Việt Nam sẽ phát triển với tốc độ cao trong giai đoạn tới. Và, TBKTSG sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy quá trình trình đó, phát huy truyền thống tốt đẹp của 30 năm qua.

(*) Giáo sư Danh dự Đại học Waseda, Tokyo.

https://www.thesaigontimes.vn/312223/hoi-uc-30-nam-va-nghi-ve-tuong-lai.html?fbclid=IwAR2O2Y1U4-ycRptSjENFbrolJrTKaJY54Z-sPp_deM_GHe-CVNPid3lBpdA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét