Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

Ba ngành siêu lợi nhuận của “tư bản đỏ” VN

Mình thích đoạn này: "Ở những dự án lớn béo bở như bất động sản, khu công nghiệp, nhà máy, hầm mỏ… các nhà tư bản đỏ cỡ bự bắt tay với các doanh nghiệp tư nhân, chia chác lợi nhuận, hoặc ôm một cục lớn dưới nhiều hình thức. Họ có thể được hưởng phần trăm lợi nhuận, hoặc góp cổ phần rửa tiền tham nhũng. Cũng có thể lãnh lương từ việc bảo kê cho doanh nghiệp hoạt động… Tư bản đỏ không chừa một thứ gì không làm bởi họ có thể tạo ra luật và có súng trong tay. Gần đây, khi tài nguyên thiên nhiên đã bán hết, giới tư bản đỏ chuyển sang kinh doanh đất của người khác. Đó chính là đất đai mà nhân dân đã nhiều đời khai phá, là công sức của biết bao thế hệ cha ông họ đổ xương máu và mồ hôi. Chỉ bằng một bản quy hoạch vẽ vội và một quyết định, hoặc chẳng bằng gì hết ngoài… súng, họ đã chiếm được hàng ngàn ha đất bán cho doanh nghiệp. Lợi nhuận này không thể đếm được. Cho nên ông tổ của giới tư bản đỏ đã từng nói: “Khi lợi nhuận 100% thì nhiều người sẵn sàng chà đạp lên mọi luật lệ; lợi nhuận 300% thì không còn tội ác nào mà người ta không dám phạm phải, dù có bị đưa lên giá treo cổ, nó vẫn làm”. (Karl Mark).
Ba ngành kinh doanh siêu lợi nhuận của giới “tư bản đỏ”
15/01/2019 Nhân Trần - Ở Việt Nam từ khi chuyển sang nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (Đổi Mới), bộ mặt thật của các quan chức cộng sản dần dần lộ ra một cách rõ rệt. Họ không chỉ là một ông quan phong kiến, mà còn là một nhà tư bản tài tình luôn tìm mọi cách đục khoét ngân sách nhà nước và sách nhiễu nhân dân. Đừng bao giờ nghĩ rằng họ không biết kinh doanh. Họ mới chính là những nhà kinh doanh thứ thiệt trong cái nôi thể chế man rợ này. Sau đây là ba ngành kinh doanh siêu lợi nhuận mà bất kỳ quan chức cộng sản (tức giới tư bản đỏ) nào cũng thuộc nằm lòng và luôn mơ ước được dính máu ăn phần, dù chỉ là một ông quan nhỏ nhoi cấp xã, đến một ông trong Bộ Chính trị ở tận Trung ương.
Không có mô tả ảnh.
Thứ nhất: thuế, phí
Nói thuế, phí là một ngành kinh doanh của tư bản đỏ thì hơi quá, bởi nền tảng thu nhập ngân sách của bất kỳ một quốc gia nào cũng đến từ thuế, phí. Thuế được sử dụng cho việc trả lương công nhân viên chức, xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và chi trả cho tất cả các hoạt động của mọi cấp nhà nước. Vậy nên, bất kỳ các hoạt động nào của quan chức nhà nước từ hội họp, trồng cây, thăm hỏi, đến các xe biển xanh biển đỏ, du lịch hoặc công tác nước ngoài… cũng đều từ tiền thuế của dân đóng góp mà ra. Cho nên chẳng phải tự dưng ai cũng muốn làm quan, bởi vì làm quan thì được tiêu tiền chùa thỏa thích.

Việc định thuế do Quốc hội quy định nên ít có biến động hơn và người dân cũng không mấy quan tâm, Quốc hội bảo sao thì nộp vậy. Nhưng gần như kỳ họp Quốc hội nào cũng nói tới việc tăng thuế, tăng phí, có nghĩa là, có điều gì đó bất ổn trong ngân sách nhà nước và các hoạt động chi tiêu của Chính phủ.

Tuy nhiên, ít có ai đặt câu hỏi, liệu các chi tiêu của nhà nước có hợp lý không? Một số hoạt động có cần thiết không? Và tại sao ngân khố nhà nước lại trống rỗng và nợ công tăng cao như vậy? Nó đồng nghĩa với việc chúng ta phải trả nhiều hơn cho các khoản thuế, gánh thêm nợ cho nhà nước, chúng ta phải tằn tiện chi tiêu, thặng dư tài sản của chúng ta giảm xuống đáng kể… Lẽ ra 5 năm chúng ta mua được một ngôi nhà thì bây giờ lại là 10 năm.

Bên cạnh thuế là phí. Đây mới là điều đáng để bàn tới. Phí ở Việt Nam thay đổi theo cảm xúc của người cầm quyền, lên xuống như nhịp tim của lãnh đạo. Bất cứ khi nào ngân khố cạn kiệt, ngân sách rót về ít thì chúng ta lại được nghe bài ca tăng thuế, tăng phí. Đây là nhịp điệu vô cùng quen thuộc mà mọi người đều nghe, nhưng ít khi được hiểu. Do phí là khoản thu mang tính chất bù đắp chi phí thường xuyên hoặc bất thường bởi các dịch vụ của các cấp nhà nước, nên nên bất kỳ khoản phí nào cũng có thể được điều chỉnh chóng mặt, nay thế này mai thế khác, phí chồng phí… Do đó, chúng ta muốn mua một chiếc ô tô thì phải mua cho nhà nước một chiếc nữa.

Ở Việt Nam, từ cái tăm đến một lô đất cũng dính 10% thuế so với giá trị của nó, gọi là thuế GTGT. Đến ngay cả tiền lương của chúng ta hằng tháng cũng bị trừ vào khoản thuế này. Ngoài ra còn trăm khoản thuế, phí khác trong cùng một mặt hàng, nếu trừ đi thì giá trị thực của mặt hàng đó chỉ còn 1/3 giá trị mà chúng ta sở hữu.

Các khoản thuế phí này, một phần chi tiêu công, một phần bay vào túi của các quan chức bằng kỹ thuật cơ bản gọi là “cân đối ngân sách” theo định kỳ (hàng năm, hằng quý, hằng tháng và từng dự án, đề tài) và nhiều cách khác nữa để rút ruột ngân quỹ mà chỉ những tay tư bản đỏ kỳ cựu mới có thể nghĩ ra.



Thứ hai: ghế

Ghế hay còn gọi là biên chế, viên chức, công chức, người nhà nước hay nói chung là bất kỳ một chức vụ nào có dính dáng đến ngân sách nhà nước trả lương cho họ. Để chạy vào biên chế nhà nước, giống như đánh một ván bài và tỷ lệ may rủi không ai biết được. Thứ tự đó được dân gian xắp xếp thành một câu vè rất chính xác là “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, tư trí tuệ, năm mặc kệ”.

Cho đến tận ngày nay ở Việt Nam vẫn không thoát khỏi chế độ tập quyền “hậu duệ” và “con ông cháu cha”. Những nhân vật này sẽ được xắp xếp ưu tiên số một cho các chiếc ghế quan chức. Bởi thế mà các khái niệm “thái tử đảng” được xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp các mặt báo, sắp trở thành thuật ngữ chính trong tiếng Việt.

Ở trung ương có thái tử trung ương, ở địa phương có thái tử địa phương, ở lĩnh vực nào có thái tử trong lĩnh vực đó. Tuy không được thể hiện trên văn bản, nhưng cơ cấu quy hoạch truyền thống này được ngầm hiểu ở bất kỳ cơ quan nhà nước nào. Bố làm quan to, con sẽ được quy hoạch làm quan to. Đây là truyền thống tập quyền khủng khiếp hơn cả thời kỳ phong kiến. Nhiều người nói đó là cách để bảo vệ chế độ, bảo vệ cái thể chế ai cũng biết là mục nát này và quả thực thì cách làm này cũng rất thông minh với tiêu chí lợi mình, hại người.

Rồi đến những chiếc ghế ít màu mỡ hơn, nhưng hưởng lương đều đều từ nhà nước với lý do nhàn nhã và an toàn dành cho con em dân thường “chân đất mắt toét”. Để chạy vào đó phải qua rất nhiều cửa và những cửa ấy phải được bảo đảm bằng một khoản chi phí đầu tư không nhỏ. Khoản chi phí ấy có thể thu hồi vốn trong 10 năm, 20 năm, hoặc nhanh hơn tùy vào chỗ ngồi có hợp thời vận hay không.

Khi người ta vào được một chức biên chế có nghĩa là họ sẽ không sợ bị đuổi việc, không sợ bị cúp lương và ung dung sống từ đó đến cuối đời bởi nhà nước đã bảo đảm cơm ăn áo mặc cho họ hàng ngày. Họ chỉ còn việc làm giàu ngoài giờ hành chính nữa thôi. Nhiều người sẽ tìm cách leo cao hơn để với được những miếng bánh béo bở hơn từ các dự án, các khoản cân đối ngân sách và có may mắn hơn nữa là làm một cửa trong đường dây biên chế. Mỗi lần leo cao là một lần đầu tư không nhỏ với một ma trận các bài toán khác nhau để có “cửa thông” tốt nhất. Đầu tư của giới tư bản đỏ là như vậy đó. Với những người bình dân, để làm quan giống như đánh một canh bạc cuộc đời vậy.

Thứ ba: dự án


Dự án nói chung là các hoạt động có đóng dấu đỏ của chính quyền bất kể dự án tư nhân hay nhà nước. Các dự án lớn như quy hoạch đất, bất động sản, xây dựng khu công nghiệp, xây dựng nhà máy, cầu cống, đường xá… đến các dự án nhỏ như các phong trào, phát động, hội thảo… được chi từ ngân sách đều là miếng mồi béo bở của giới tư bản đỏ. Không có gì là không nằm trong tầm ngắm của họ cả. Các nhà tư bản đỏ rất nhạy bén với các thông tin này.

Khi ngân khố nhà nước trống rỗng, ngân sách nhà nước rót về giảm đáng kể thì các dự án từ phía chính quyền giảm đi đáng kể. Do đó, để thỏa mái trong việc chi tiêu tiền chùa của giới tư bản đỏ thì họ tạo ra một loạt các khái niệm mới nhằm bao biện cho sự thiếu thốn nguồn lực này như “nguồn vốn xã hội hóa”, “quyên góp”, “gây quỹ”, “ủng hộ”… vừa giữ được thể diện mà lại mang tinh thần cộng đồng.

Ở những dự án lớn béo bở như bất động sản, khu công nghiệp, nhà máy, hầm mỏ… các nhà tư bản đỏ cỡ bự bắt tay với các doanh nghiệp tư nhân, chia chác lợi nhuận, hoặc ôm một cục lớn dưới nhiều hình thức. Họ có thể được hưởng phần trăm lợi nhuận, hoặc góp cổ phần rửa tiền tham nhũng. Cũng có thể lãnh lương từ việc bảo kê cho doanh nghiệp hoạt động… Tư bản đỏ không chừa một thứ gì không làm bởi họ có thể tạo ra luật và có súng trong tay.

Gần đây, khi tài nguyên thiên nhiên đã bán hết, từ những tài nguyên không thể phục hồi như khoáng sản, dầu mỏ; đến tài nguyên có thể phục hồi như rừng, biển. Giới tư bản đỏ chuyển sang kinh doanh đất của người khác. Đó chính là đất đai mà nhân dân đã nhiều đời khai phá, là công sức của biết bao thế hệ cha ông họ đổ xương máu và mồ hôi.

Chỉ bằng một bản quy hoạch vẽ vội và một quyết định, hoặc chẳng bằng gì hết ngoài… súng, họ đã chiếm được hàng ngàn ha đất bán cho doanh nghiệp. Lợi nhuận này không thể đếm được. Cho nên ông tổ của giới tư bản đỏ đã từng nói: “Khi lợi nhuận 100% thì nhiều người sẵn sàng chà đạp lên mọi luật lệ; lợi nhuận 300% thì không còn tội ác nào mà người ta không dám phạm phải, dù có bị đưa lên giá treo cổ, nó vẫn làm”. (Karl Mark).

Trên đây là 3 ngành kinh doanh siêu lợi nhuận của tư bản đỏ, có thể chưa phải là tất cả, có thể chưa thỏa đáng với nhiều người vì đó chỉ là những nhận xét chủ quan của tôi. Tôi chỉ muốn gợi ý cho các bạn một phần bộ mặt của quan chức cộng sản đang nắm quyền tại Việt Nam. Những người mong muốn nắm giữ một chức quan nhỏ nào đó nhằm đục khoét ngân sách hoặc làm giàu bất chính từ chiếc ghế của họ. Họ không phải là toàn bộ quan chức cộng sản, một phần trong số đó có cả những người tôi quen biết, họ vẫn đang cống hiến hết mình cho nhân dân. Đôi khi họ phải chịu những điều tiếng xấu của các “đồng chí” của họ để phụng sự tổ quốc và họ thật sự đáng kính.

Chứng kiến cảnh người dân Thủ Thiêm, vườn rau Lộc Hưng, Dương Nội, Gia Lai, đan viện Thiên An và nhiều nơi khác bị cướp đất, mà không khỏi xót xa cho thân phận những người dân nghèo khổ. Tôi tự nhủ rồi đến khi nào tới lượt mình? Đến khi nào tới lượt chúng ta? Lúc ấy chúng ta sẽ làm gì? Thật khó mà tưởng tượng nổi.

https://baotiengdan.com/2019/01/15/ba-nganh-kinh-doanh-sieu-loi-nhuan-cua-gioi-tu-ban-do/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét