Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Những bài hát bất tử về lễ hội mùa xuân

Những bài hát về lễ hội mùa xuân
Đối với người Việt, tháng Giêng là tháng ăn chơi, là tháng của lễ hội. Ở Việt Nam, thời gian sau Tết Nguyên Đán, dân Việt vẫn du xuân, tận hưởng không khí lễ hội mùa xuân. Điều này cũng được ghi lại qua nhiều ca khúc.


Ở Việt Nam, có lẽ không ai là không biết đến Chùa Hương, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng ngang hàng với Vịnh Hạ Long, Cố Đô Huế… Tháng Giêng là tháng mà dân Miền Bắc đi viếng cảnh Chùa Hương đông nhất. Tập tục này đã trở thành bất tử với bài thơ Chùa Hương, của nhà thơ tiền chiến Nguyễn Nhược Pháp. Hầu như người yêu thi ca ở Việt Nam nào cũng thuộc ít nhiều một vài câu của bài thơ này. Chùa Hương kể lại câu chuyện tình lãng mạn tuyệt đẹp của một cô gái, chỉ mới 15 tuổi, mà đã yêu trộm một chàng trai, nhân một chuyến đi Chùa Hương cùng thầy me:


…Hôm nay đi Chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương

…Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng
Khen tươi như trăng rằm…

Đọc bài thơ, nhiều người nói rằng con gái Bắc ngày xưa lãng mạn quá. Chỉ mới 15 tuổi mà đã biết yêu! Và cũng khen rằng người xưa yêu nhau sao mà thi vị, nhẹ nhàng làm sao…

Ít có người biết rằng cố nhạc sĩ Trần Văn Khê đã phổ nhạc bài thơ tuyệt tác này. Thực ra, Trần Văn Khê nổi tiếng như một nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền của Việt Nam. Kiến thức của ông về nền dân nhạc Việt Nam là một kho tàng khổng lồ cho dân tộc Việt. Tuy nhiên, ông lại sáng tác không nhiều, và ca khúc Đi Chùa Hương là một trong những sáng tác hiếm hoi đó. Đặc điểm của bài Đi Chùa Hương là nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ nhạc gần như nguyên vẹn bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp, biến nó thành một dạng truyện ca thật nhẹ nhàng, đầy thi vị cũng giống như bài thơ gốc vậy.

Thật đáng tiếc, khi ngày nay lễ hội Chùa Hương đã trở nên quá xô bồ, biến thành một nơi buôn thần bán thánh, sặc mùi thương mại, làm phiền du khách, không còn giữ được bao nhiêu nét thi vị của những ngày xưa. Ngày nay, đã biết bao người thất vọng khi đến thăm Chùa Hương. Không phải vì cảnh, mà là bởi thế thái nhân tình. May mà thi nhạc đã lưu lại nét đẹp truyền thống của Chùa Hương, cho đời sau thưởng thức.

Cũng đi chùa vào mùa Xuân, nhưng bài thơ Thoáng Hương Qua của cố thi sĩ Phạm Thiên Thư không có kết thúc có hậu. Bài thơ này được biết đến nhiều hơn khi được cố nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc trong ca khúc có tựa đề Em Lễ Chùa Này. Câu chuyện về một đôi tình nhân đi lễ chùa vào ngày đầu xuân. Nhưng rồi cô gái đã từ giã cõi đời vào mùa đông năm ấy, và thân xác được gởi lại ngay tại ngôi chùa mà đôi tình nhân đã từng cùng viếng:

Ðầu mùa Xuân cùng em đi lễ
Lễ chùa này vườn nắng tung bay
Và ngàn lau vàng mầu khép nép
Bãi sông bay một con bướm đẹp.


Tàn mùa Ðông vào chùa bỡ ngỡ
Tiễn đưa em trong áo quan này
Từng cội hoa trầm lặng thương nhớ
Tóc em xưa tơ óng như mây

Vườn chùa đây vào nằm trong đất
Nép bên hoa đây những hoa vàng
Vườn đào thơm chập chờn cánh bướm
Bướm quơ râu ngơ ngác bay ngang…

Ca khúc này là một trong sự kết hợp tuyệt vời giữa thơ Phạm Thiên Thư và nhạc Phạm Duy. Trước 1975, những ca khúc Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư đã trở nên quá quen thuộc đối với những người yêu nhạc: Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Ngày Xưa Hoàng Thị, Em Lễ Chùa Này, 10 bài Đạo Ca, Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu… Những lời thơ nhẹ nhàng, đơn giản nhưng thâm trầm của Phạm Thiên Thư tưởng như hòa làm một trong những giai điệu quyến rũ của Phạm Duy.


(nghe Thái Thanh hát Em Lễ Chùa Này: https://www.youtube.com/watch?v=dPFRQZXBrr4

Một trong những lễ hội mùa Xuân nổi tiếng khác ở Miền Bắc chính là Hội Lim ở huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Hàng năm, lễ hội này bắt đầu từ ngày 13 tháng Giêng Âm Lịch, thu hút rất đông du khách khắp nơi đổ về. Đây cũng chính là nơi mà mọi người được thưởng thức một trong những làn điệu dân ca đặc sắc nhất của Việt Nam: dân ca Quan Họ Bắc Ninh. Nhiều bài dân ca Miền Bắc quen thuộc đều xuất phát từ Bắc Ninh: Trống Cơm, Hoa Thơm Bướm Lượn, Bèo Dạt mây Trôi… Trong Hội Lim, những cặp “Liền Anh, Liền Chị” sánh đôi, hát đối đáp những câu Quan Họ, là một trong những nét đẹp văn hóa rất riêng của Việt Nam. Một trong những bài dân ca Quan Họ rất quen thuộc là bài Người Ơi Người Ở Đừng Về, thường được hát trong lễ hội này. Đây là lời tiễn đưa của những “Liền Anh, Liền Chị”, khi lễ hội đã kết thúc, nhưng vẫn còn lưu luyến nhau:

Người ơi! Người ở đừng về,
Người về em vẫn (í i ì í i í i i) có mấy trông (i ì) theo,
Trông (ì í a a) nước tình (a) chung là như nước chảy,
Mà này cũng có a trông bèo, trông bèo là bèo trôi.
Người ơi người ở đừng về…




Nét đẹp độc đáo của dân ca Quan Họ Bắc Ninh chính là ở giai điệu và cách luyến láy của thang âm ngũ cung. Mỗi ca sĩ ngân nga, “lẩy” Quan Họ theo kiểu của mình. Kiểu hát này rất khó để những ca sĩ Âu Mỹ bắt chước được. Đó là đặc điểm riêng của tiếng Việt. Đó cũng là vì lý do tại sao, dù đi xa cách mấy, người Việt mình vẫn không thể quên được những khúc dân ca của ba miền…

Cung Mi / SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/giai-tri-doi-song/nhung-bai-hat-ve-le-hoi-mua-xuan.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét