Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Tin được không: Kinh tế Việt Nam còn khó ít nhất hai năm nữa

Hoan hô bác Thiên đã dũng cảm nói thẳng; chỉ tiếc là những điều bác nói Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ rồi. Trong bối cảnh nhóm lợi ích tác oai tác quái khắp nơi và cách điều hành đất nước của giới lãnh đạo hiện nay, tôi không tin là "kinh tế Việt Nam còn khó ít nhất hai năm nữa". Đúng là "năm nay là đáy tăng trưởng của 13 năm gần đây", nhưng chắc chắn sẽ còn những đáy nữa, dù có thể chưa xảy ra vào năm tới đây.
Kinh tế Việt Nam còn khó ít nhất hai năm nữa
“Kinh tế Việt Nam còn khó ít nhất hai năm nữa”
TS. Trần Đình Thiên: “Tôi có nói thẳng với các vị lãnh đạo cao cấp là tái cơ cấu tầm chiến lược vẫn chưa diễn ra”… “Theo tôi dự đoán thì kinh tế Việt Nam còn khó ít nhất hai năm nữa”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên nói tại cuộc tọa đàm “Doanh nhân trẻ Việt Nam 20 năm đi lên cùng đất nước”, diễn ra chiều 1/9 tại Hà Nội.
Quả quyết là “không tin năm nay tăng trưởng tốt”, Viện trưởng Thiên nhấn mạnh tình hình ngân sách đang gay go nhưng không có cách gì bù được, vì “doanh nghiệp hy sinh nhiều quá”. “Không biết Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp “chết sớm”, còn cả nước trong 6 tháng đầu năm 2013 có 25 nghìn doanh nghiệp đã đóng cửa”, ông Thiên thông tin.


Phân tích tình hình doanh nghiệp trong ba năm gần đây, ông Thiên cho rằng, “năm 2011 khoảng 50 nghìn doanh nghiệp chết cũng tiếc, nhưng tiếc vừa vừa thì đó là những anh quá yếu. Năm 2012 có 51 nghìn doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh tương tự, nhưng cũng chỉ khóc thương một lúc. Còn đến nửa năm nay 25 nghìn doanh nghiệp ra đi thật sự là tổn thất to lớn vì đó là số đã cầm cự được đến tận bây giờ. Và từ giờ đến cuối năm có thể chỉ 15 – 20 nghìn doanh nghiệp tiếp tục rời thị trường nhưng đó là những doanh nghiệp có chất lượng”.

“Doanh nghiệp “đi” nhiều thế lấy đâu ra tăng trưởng GDP”, ông Thiên nói.

Nhìn lại quá trình 20 năm – bằng số tuổi của phong trào doanh nhân trẻ, Viện trưởng Trần Đình Thiên nhấn mạnh sự say sưa trong tăng trưởng đã dẫn đến sự chậm trễ nhìn ra những vấn đề cơ cấu của nền kinh tế.

Và từ năm 2007 đến nay, sau khi gia nhập WTO, hội nhập sâu rộng thì nền kinh tế sinh chuyện ngay lập tức với bất ổn liên tục, và đến nay vẫn chưa thể gượng dậy được.

Trong bối cảnh đó, ông Thiên cho rằng cách thức điều hành vĩ mô là một nguyên nhân, khi chủ yếu vẫn trong khuôn khổ hành chính ngắn hạn. Ba năm nay, tuyên ngôn tái cơ cấu nền kinh tế được đưa ra rất nhiều, nhưng kết quả chưa có bao nhiêu.

“Tôi có nói thẳng với các vị lãnh đạo cao cấp là tái cơ cấu tầm chiến lược vẫn chưa diễn ra”, ông Thiên chia sẻ.

Năm nay là đáy tăng trưởng của 13 năm gần đây, chưa bao giờ nền kinh tế khó khăn như bây giờ kể từ khi đổi mới, đây là thời điểm mang tính thách thức rất lớn, việc tái cơ cấu nền kinh tế không thể chậm hơn được nữa.

Điểm tên các doanh nhân trẻ thành đạt đang có mặt tại buổi tọa đạm như Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải Trần Bá Dương…, Viện trưởng Thiên cho rằng, vinh quang của doanh nhân trẻ thế hệ đầu tiên chưa đủ đưa kinh tế đất nước đến vinh quang. Và doanh nhân cần làm gì cho đất nước là chủ đề mà theo ông Thiên cần được thảo luận.

“Với tất cả năng lực và phẩm chất của doanh nghiệp Việt bây giờ, có chiến đấu được trong môi trường hội nhập hay không, có đủ năng lực cạnh tranh hay không, tầm nhìn có đủ cho cạnh tranh toàn cầu hay không, là những vấn đề chúng tôi cũng phải nghiên cứu mà không cần Nhà nước đặt hàng”, ông Thiên chia sẻ.

Mong muốn doanh nhân trẻ sẽ tiên phong cho các định hướng để tạo ra những doanh nghiệp thật lớn, ông Thiên nói thêm rằng, có thể khi doanh nghiệp lớn thì doanh nhân không còn trẻ, nhưng vẫn phải tiến tới mục tiêu đó, còn nếu không chỉ là vai phụ.

“Tôi chúc doanh nhân trẻ bay lên và chuẩn bị tư thế đàng hoàng để tiến lên, còn lúc tiến về phía trước thì ngoảnh lại ít thôi”, Viện trưởng Trần Đình Thiên nói.

THEO VNECONOMY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét