Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022

TP.HCM bị lún nhiều gấp 4 lần Jakarta

Sợ thật, các thành phố ven biển ở Đông Nam Á đang lún với tốc độ nhanh nhất thế giới. Riêng TP.HCM bị lún nhiều gấp 4 lần Jakarta của Indonesia. Điều này cũng có nghĩa là đồng bằng sông Cửu Long rồi sẽ chìm dưới biển. Từ đầu những năm 1990, sau khi đi thực tập, làm nghiên cứu sinh và tham gia hội thảo ở một số nước trên thế giới, chúng tôi đã thấy ở các nước có đồng bằng, trung du và miền núi, người ta luôn luôn xây các thành phố ở trung du và miền núi; có như vậy mới dễ dàng xây nhà cao tầng (mà họ cũng chỉ xây đến khoảng 10 tầng thôi), làm tầu điện ngầm phát triển đô thị... và nhất là hạn chế bị lũ lụt. Nước VN ta có sự lãnh đạo sáng suốt thì làm hoàn toàn ngược lại, cứ lấy đất đồng bằng làm đô thị, xây nhà cao tầng 20-30 tầng khắp các đô thị lớn ở đồng bằng và ven biển, rồi dồn dân cư về đó, mật độ dân cư dày đặc. Các vùng khác thì chỉ vài người sinh sống, mật độ dân cư thưa thớt. Hậu quả bây giờ đã nhãn tiền: Không chỉ khủng hoảng kinh tế và xã hội triền miên mà cả đất đai cũng chìm dần trong nước biển. Thế mới thấy, khi người lãnh đạo không có tầm nhìn và không có tâm thì không mất nước kiểu này thì cũng mất nước kiểu khác. Không thể hình dung được đến cuối thế kỷ này dăm chục triệu dân đô thị nước ta phải gồng gánh nhau lên núi ở thì cuộc sống của họ sẽ ra sao.
TP.HCM bị lún nhiều gấp 4 lần Jakarta
20/09/2022 TTO - Nghiên cứu của Đại học công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore cho thấy các thành phố ven biển ở Đông Nam Á đang lún với tốc độ nhanh nhất thế giới. TP.HCM bị lún nhiều gấp 4 lần Jakarta của Indonesia. 
Theo dự báo mới nhất, TP.HCM có thể chìm trước năm 2030, ít nhất là khu vực phía đông nằm cạnh sông Sài Gòn và khu Thủ Thiêm vốn là đầm lầy trũng thấp. Thậm chí nếu thành phố không bị chìm, nhiều khu vực có thể trở nên khó sinh sống do nhiều yếu tố như lũ lụt và bão.

Người dân ở thủ đô Jakarta của Indonesia lội nước trong đợt ngập nghiêm trọng năm 2020 - Ảnh: USA TODAY

Ngày 20-9, báo Straits Times dẫn lời bà Cheryl Tay, một tác giả của nghiên cứu, nói rằng sự phát triển và đô thị hóa nhanh chóng của các thành phố ven biển làm tăng việc lấy nước ngầm để phục vụ nhu cầu về nguồn nước.

Việc này góp phần khiến các thành phố bị lún nhanh chóng. Trong bối cảnh mực nước biển dâng đang là mối đe dọa toàn cầu, việc các thành phố bị lún càng khiến vấn đề thêm trầm trọng.

Nghiên cứu của NTU có sự hợp tác của Đại học New Mexico, ETH Zurich, Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA do Viện Công nghệ California (Mỹ) quản lý và đăng trên tạp chí Nature Sustainability.

Nghiên cứu theo dõi 48 thành phố qua hình ảnh vệ tinh trong giai đoạn từ 2014 đến 2020 cho thấy mức lún trung bình là 16,2mm mỗi năm, trong đó một số thành phố lún đến 43mm.

Hiện tại, nước biển trên toàn cầu dâng 3,7mm mỗi năm.

Các nhà nghiên cứu so sánh các thành phố ven biển trên toàn thế giới và nhận thấy tốc độ sụt lún nhanh nhất là ở châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á.

Theo nghiên cứu, TP.HCM của Việt Nam lún với tốc độ 16,2mm mỗi năm, trong khi thủ đô Jakarta của Indonesia lún 4,4mm/năm. Việc lấy nước ngầm là nguyên nhân lớn nhất gây lún tại hai thành phố này, trong khi tại TP.HCM việc nhiều tòa nhà tập trung tại những khu vực có nền yếu cũng góp phần gây lún.

Tại Singapore, mực nước biển trung bình đang tăng với tốc độ từ 3-4mm mỗi năm. Dữ liệu từ Cơ quan Khí tượng Singapore vào năm 2020 cho thấy mực nước biển ở đây đã tăng 14cm so với mức trước năm 1970.

Bà Tay nhận định sự sụt lún kết hợp với nước biển dâng có thể khiến tình trạng ngập tại các thành phố ven biển diễn ra thường xuyên, nghiêm trọng và kéo dài hơn trong những năm tới.

"Ngập lụt có thể làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh và làm hư hại tài sản, cơ sở hạ tầng. Trong những trường hợp nghiêm trọng, lũ lụt kéo dài có thể ảnh hưởng đến sinh kế khi làm hư hại đất nông nghiệp và buộc người dân phải chuyển đi nơi khác", bà nói.

https://tuoitre.vn/tp-hcm-bi-lun-nhieu-gap-4-lan-jakarta-20220920221713516.htm


Nước biển dâng đe dọa nhấn chìm khu đông TP.HCM trước năm 2030

TTO - Dự báo mới của tổ chức Climate Central (Mỹ) cho thấy hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ đến sớm hơn dự báo. Thế giới hầu như không còn thời gian "thong thả" để hành động.


Khu đông TP.HCM là vùng trũng dễ bị chìm nhất khi nước biển dâng - Ảnh: Lonely Planet

Nhiều thành phố ven biển trên khắp thế giới, bao gồm TP.HCM, có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm sớm hơn dự báo trước đây. Nguyên nhân là biến đổi khí hậu khiến băng ở hai cực tan với tốc độ báo động.

Trong lúc các nhà lãnh đạo thế giới tập họp ở Hội nghị khí hậu COP26 bàn cách ứng phó, cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra ngày càng nhanh hơn.

Trong báo cáo mới nhất, tổ chức Climate Central (Mỹ) lập ra bản đồ những nơi trên thế giới có thể bị nước biển nhấn chìm trước năm 2030 dựa trên dữ liệu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc.

Có 6 thành phố nằm trong diện nguy cơ lớn gồm:

1. Amsterdam (Hà Lan)



Amsterdam nằm trên vùng trũng cùng với các thành phố như Rotterdam và The Hague. Mặc dù người Hà Lan nổi tiếng là các chuyên gia về chống lụt, Amsterdam có lẽ sẽ không tránh được số phận bị chìm trong thập kỷ này.

2. Basra (Iraq)



Đây là thành phố cảng chính của Iraq. Basra nằm cạnh dòng sông Shatt al-Arab chảy vào vịnh Ba Tư. Do xung quanh toàn là đầm lầy trũng thấp, Basra có thể bị nhấn chìm toàn bộ hoặc một phần vào cuối thập kỷ.

3. New Orleans (Mỹ)



Biến đổi khí hậu không phân biệt quốc gia giàu hay nghèo, điểm khác biệt chỉ là nơi nào chuẩn bị tốt hơn. Thành phố New Orleans nổi tiếng có hệ thống đê bảo vệ trước lũ lụt, nhưng trong 10 năm tới nếu không làm gì hơn vẫn sẽ bị chìm.

4. Venice (Ý)


Venice không xa lạ gì với lũ lụt. Không tính nước biển dâng thì thành phố này đang lún với tốc độ 2mm mỗi năm. Mặc dù đã có các biện pháp đề phòng, người ta cần làm nhiều hơn nếu không muốn Venice chìm hẳn dưới biển.

5. Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam)



Theo dự báo mới nhất, TP.HCM có thể chìm trước năm 2030, ít nhất là khu vực phía đông nằm cạnh sông Sài Gòn và khu Thủ Thiêm vốn là đầm lầy trũng thấp.

Thậm chí nếu thành phố không bị chìm, nhiều khu vực có thể trở nên khó sinh sống do nhiều yếu tố như lũ lụt và bão.

6. Kolkata, Ấn Độ



Phần lớn thành phố Kolkata - thủ phủ bang Tây Bengal của Ấn Độ - có thể chìm trước năm 2030. Nếu thành phố này muốn giữ được lịch sử và văn hóa của mình thì cần hành động ngay từ bây giờ.

https://tuoitre.vn/nuoc-bien-dang-de-doa-nhan-chim-khu-dong-tp-hcm-truoc-nam-2030-20211107160724335.htm

1 nhận xét:

  1. Toan nhung nghien cuu cua bon ngoi ban giay voi nhung hinh anh mo mo ao ao cua ve tinh va su tinh toan cua computer.

    Trả lờiXóa