Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

Tại sao nợ công VN lên tới 2,7 triệu tỉ đồng?

Ông Thái này chỉ cách đây vài ba năm đã viết nhiều bài ca ngợi Thủ tướng Dũng đến tận mây xanh, giờ sao lại đột nhiện lên tiếng chê bai di sản vĩ đại của Thủ tướng như vậy ?
Tại sao nợ công VN lên tới 2,7 triệu tỉ đồng?
10/03/2016 TT - Nợ Chính phủ vượt ngưỡng giới hạn nhưng cũng chưa đáng lo bằng tốc độ tăng nợ công quá nhanh, tăng gấp hơn hai lần sau năm năm. “Cứ giữ tốc độ này thì nguy. Chi tiêu phải nhìn vào túi tiền, không thể cứ cần là chi”. Đó là chia sẻ của GS.TSKH NGUYỄN QUANG THÁI, phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế VN, về số liệu nợ Chính phủ vượt ngưỡng 0,3% theo báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây.


Ông Nguyễn Quang Thái - Ảnh: Việt Dũng
Ông Thái cho biết: Theo số liệu mà Chính phủ công bố, đến năm 2015 nợ công VN đã lên tới 2,7 triệu tỉ đồng, tăng gấp hơn hai lần so với con số 1,3 triệu tỉ đồng vào năm 2011. Như vậy, tốc độ tăng nợ công đang rất nhanh, bình quân khoảng 20%/năm trong năm năm qua và đây mới là vấn đề đáng quan tâm nhất về nợ công.


Nhà ga vành đai 3 thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ do các nhà thầu phụ bị tổng thầu nợ tiền thi công - Ảnh: Nguyễn Khánh



* Nhưng con số này chưa tính cả nợ trái phiếu Chính phủ?
- Do cách định nghĩa của chúng ta, nhiều khoản chi không trong cân đối, trong đó trái phiếu chưa được tính vào cân đối chung. Trong khi đây cũng chính là nguồn đi vay của dân để đầu tư, thậm chí có khi một phần nhỏ còn dùng cho cả chi tiêu.
Cũng phải nhìn thẳng thực tế rằng mấy năm vừa rồi chi tiêu công tăng và nợ đầu tư xây dựng cơ bản rất nhiều, mà tất cả đều được phép của Quốc hội cả. Do đó Quốc hội phải kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu. Không thể cứ định nhu cầu chi tách rời khả năng cân đối nguồn thu của ngân sách, thiếu lại vay và vay.
Theo tôi, về lâu dài VN nên theo thông lệ quốc tế, đưa tất cả khoản thu chi vào cân đối chung: không nên khi dự toán chỉ trong cân đối, khi quyết toán lại tính tất cả thu chi, thành ra vượt dự toán đến 25-30%.
Rồi kỷ luật ngân sách của một số địa phương cũng chưa nghiêm, tỉ lệ 1% dành cho môi trường, 2% dành cho khoa học công nghệ cũng chưa được tôn trọng...
Tạm vay nhưng không lùi xây trụ sở, mua sắm ôtô... là những việc cần kiểm soát chặt. Nguồn vốn có được nên chú trọng thanh toán nợ xây dựng cơ bản đã kéo dài lâu nay...
* Nhiều quốc gia cũng có nợ công khá lớn, vấn đề quan trọng nhất khi vay là khả năng trả thế nào, thưa ông?
- Giai đoạn 5-10 năm vừa qua tốc độ tăng chi tiêu công của VN quá lớn trong khi nguồn thu ngân sách lại không tăng tương ứng, thành ra phải vay bù đắp, nợ công tăng rất nhanh. Điều đáng lo ngại là quy mô nợ của VN rất lớn so với năng lực trả nợ.
Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước hiện không đủ chi thường xuyên cộng trả nợ, trong khi tỉ lệ trả nợ đã vượt 25% tổng thu ngân sách và dự kiến tỉ lệ này từ năm 2019-2020 sẽ là 30%. Số còn lại chi cho tất cả nhu cầu, sẽ không đơn giản để cân đối chung và dành phần cho đầu tư phát triển.
Do đó muốn đầu tư phát triển lại phải đi vay, rồi phải liên tục đảo nợ, nhưng không cải thiện nhiều tình hình vì tổng số nợ vẫn như cũ. Gánh nặng nợ nần tiếp tục dồn lên nhiệm kỳ sau, thế hệ sau.
* Theo ông, giải pháp nào để cân đối thu - chi trong tình hình ngân sách ngày càng khó khăn?
- Trong nhiều năm nay, ngân sách chi được xác định trước nhưng không cân đối với khả năng của nguồn thu, nhất là khi tỉ lệ thu từ tài nguyên và thuế xuất nhập khẩu giảm mạnh. Nếu cân đối với thu chi không đủ thì ta đi vay. Đó là cách tiếp cận chưa khoa học, khiến ngân sách “không có tích lũy” ngay từ khi thiết kế ngân sách.
Do đó, theo tôi, phải tái cơ cấu toàn bộ thu chi, đặc biệt là cách chi tiêu. Cần xem nguồn thu cơ bản là gì, được bao nhiêu.
Từ đó Quốc hội mới làm kế hoạch đầu tư trung hạn. Việc đồng loạt cắt giảm 10% chi thường xuyên cũng chỉ là giải pháp tình thế. Cần tiết kiệm chi thường xuyên nhưng không đánh đồng mọi đối tượng.
Cái nào cần thì nhiều cũng đầu tư, chấp nhận vay. Cái nào không cần, chẳng hạn như xây thêm trụ sở mới hoành tráng, mua xe mới... thì ít cũng không cấp ngân sách.
Phải nhìn vào túi mình xem có bao nhiêu rồi tính toán cân đối chi. Phải tính toán trung hạn, cuốn chiếu cả kế hoạch tài chính và đầu tư công như thông lệ ở nhiều nước mới cân đối được thu - chi ngân sách.
* Đầu tư công dàn trải, nhiều dự án không hiệu quả hoặc chưa thật sự cần thiết là một trong những yếu tố làm nợ công VN ngày càng tăng nhanh, thưa ông?
- Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh từng cho rằng lãng phí hàng đầu là lãng phí trong chủ trương đầu tư. Bởi với cái chưa cần nhưng anh đã đầu tư, hoặc đầu tư quá mức cần thiết là một sự lãng phí rất lớn. Chẳng hạn, đất nước ta có quá nhiều cầu dây văng, trong khi các chuyên gia khẳng định làm cầu bình thường sẽ tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng.
Do đó siết chặt và tăng cường quản lý đầu tư công là đúng. Đồng thời phải kết hợp các nguồn vốn của cả xã hội, trong và ngoài nước để thực hiện quy hoạch phát triển đã đề ra cho từng vùng và cả nước. Cố gắng tránh quy hoạch chia cắt theo từng tỉnh, huyện không có phần nối kết. Rồi còn nối kết VN với thế giới. Nếu làm đồng bộ thì chi phí có thể giảm rất nhiều, gánh nặng ngân sách, nợ công... và nguồn lực của quốc gia nói chung.
* Nhiều ý kiến cho rằng cần tinh giản biên chế bộ máy hành chính quá cồng kềnh hiện nay để tiết kiệm ngân sách, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Việc giảm biên chế đã được đề cập từ rất lâu rồi, nhưng việc thực hiện nó đòi hỏi quyết tâm của rất nhiều cấp, chấp nhận làm việc khó, thậm chí “đau” mới đạt hiệu quả trên thực tế.
Chẳng hạn các hội, đoàn thể hoạt động dựa vào ngân sách cần được xem lại, có thể xã hội hóa để giảm gánh nặng cho ngân sách. Khu vực hành chính sự nghiệp cũng nên cho tự chủ, tăng cường vai trò thực hiện các dịch vụ công của các tổ chức xã hội thay vì chỉ tăng bộ máy nhà nước.
Trừ trường hợp an toàn cho lãnh đạo cấp cao, còn các cấp thừa hành nên kiên quyết khoán chi, sử dụng giao thông công cộng. Nợ của chúng ta đã cao rồi, nên chỉ tăng chi cho đầu tư tương lai một cách cẩn trọng, có quy hoạch, còn rất hạn chế chi tiêu thường xuyên, chi cho lễ tết quá lớn...
Cũng cần có những cải cách để tránh thất thoát, tình trạng “cưa”, “ăn vặt” như lãnh đạo ngành tài chính từng nói, bởi “ăn vặt” nhưng cộng lại không nhỏ đâu, mà còn trở thành thói xấu của đội ngũ công chức. Rồi thu cái gì phải kích thích sản xuất chứ không thể dựa mãi vào tăng bán đất, thuế nhập khẩu khi ta đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tóm lại, đã đến lúc VN cần cải cách thể chế, tinh giản bộ máy, cắt giảm chi tiêu, cơ cấu lại thu, hạn chế vay thêm... để phát triển bền vững.
“Các hội, đoàn thể hoạt động dựa vào ngân sách cần được xem lại, có thể xã hội hóa để giảm gánh nặng cho ngân sách... Nếu để tình trạng thu không đủ chi, làm không đủ nuôi miệng ăn của bộ máy tiếp diễn, gánh nặng nợ công sẽ ngày càng tăng nhanh
Đừng để gánh nặng nợ nần cho thế hệ mai sau
Theo GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, giải pháp lâu dài phải cải cách thể chế, tăng cường kỷ cương nhà nước, coi trọng khu vực tư nhân... như kiến nghị trong Báo cáo VN 2035 đã được công bố. Theo đó, thể chế chúng ta phải thích ứng với kinh tế thị trường, việc phân bổ nguồn lực phải theo tín hiệu thị trường hiện đại.
Dần dần tăng cường sự giám sát của dân, tăng cường dân chủ trực tiếp, từ đó tăng trách nhiệm giải trình của cơ quan chức năng, của các cán bộ trước dân. Rồi phải bảo đảm công bằng và dành những ưu đãi thích đáng cho lớp người “yếu thế” (nghèo, khuyết tật, dân tộc thiểu số...). Những mục tiêu đặt ra phải có lộ trình hoàn thành và gắn việc không hoàn thành với chế tài cụ thể.
“Tôi rất tán thành với phát biểu của ông Nguyễn Sinh Hùng về kế hoạch tài chính trung hạn và báo cáo thẩm định. Nếu làm không cẩn thận, đại biểu Quốc hội trong phiên họp cuối này không thể chắc tay bấm nút khi thông qua kế hoạch tài chính và đầu tư công bởi nhiều yếu tố còn chưa thật vững chắc, gây nguy cơ để lại gánh nặng cho thế hệ mai sau” - ông Thái nói.
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160310/tai-sao-no-cong-vn-len-toi-27-trieu-ti-dong/1064617.html

C.V.KÌNH - LÊ THANH thực hiện

  • Sương 09:37 10/03/2016
    Nghe nợ mà lo!
  • lê khoa 12:10 10/03/2016
    Hưởng (thụ) thì ... riêng, nợ thì ... công.
  • Lan hương 10:56 10/03/2016
    Trời, mỗi người dân đang nợ 30tr đồng, và đang không ngừng tăng lên. Tội cho đứa con mới ra đời chưa ăn gì đã nợ 30tr đồng. Hic
  • lê khoa 11:17 10/03/2016
    Nói thiệt ở địa phương tôi mấy ông quan huyện tiệc tùng thường xuyên mà toàn là cao lương mỹ vị. Cuối năm tranh thủ tổ chức du lịch nước ngoài hoặc một nơi đắt đỏ
  • Vĩnh Lộc (ĐHNH) 09:55 10/03/2016
    Giải pháp đã đủ rồi đó. Vấn đề là với mỗi giải pháp các cơ quan quản lý nhà nước phải làm như thế nào để đạt được hiệu quả. Phải cụ thể bằng các chương trình kế hoạch nghị quyết nghị định thông tư quyết định từ cấp chính phủ thì mới hy vọng giải quyết được bài toán kiềm chế nợ công trong thời gian tới.
  • Phú Sanh 10:31 10/03/2016
    Đọc chưa hết bài phỏng vấn, tôi cảm thấy rối...não! Nợ như chúa chổm mà lại xài sang quá xá! Cái gì cũng muốn xây cho to đẹp, xài xe xịn mới đúng chuẩn...Ai có trách nhiệm...trả nợ sau này!
  • khanh 10:56 10/03/2016
    nhà máy xây thì bỏ hoang, đóng tàu thì mua đồ cũ về vứt bỏ. Cty nhà nước phá sản tùm lum, xăng, điện nước thì độc quyền tăng giá
  • Mai huỳnh 15:33 10/03/2016
    Trong báo cáo mới đầu năm nay có câu "Nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo qui định của pháp luật", rồi tăng trưởng được duy trì ở mức hợp lý, GDP tăng bình quân 5,8%/năm, bình quân đầu người 2.200USD, năng suất lao động tăng, vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả v.v..cái gì cũng tốt, bây giờ nợ tăng gấp đôi?
  • Bình vũ 12:07 10/03/2016
    Cứ rút kinh nghiệm mà không có sa thải thì đừng bao giờ hi vọng thoát được nợ.
  • tongson 10:29 10/03/2016
    mạnh ai nấy xài thả ga thì làm sao nợ công ko tăng mạnh.
  • T.Trung 10:30 10/03/2016
    Tôi kinh doanh hộ gia đình và tôi khẳng định là tại thời điểm này tôi không nợ ai (không phải lo trả nợ)
  • việt dũng 11:50 10/03/2016
    phải đầu tư thì mới phát triển nhưng chính do sự thiếu tầm nhìn mà cái giá cho những công trình tăng gấp đôi gấp 3. Chúng ta phải trả tiền cho sự thiếu suy nghĩ. Tại sao lại có những con đường đắt nhất hành tinh, trong khi với số tiền đó ta có thể xây 10 con đường như thế.
  • Hà Minh 10:22 10/03/2016
    Vay lắm tiêu nhiều thì nợ thôi chứ còn tại sao cái nỗi gì?
  • phamthanh 12:44 10/03/2016
    Chỉ cần nêu tên cơ quan, đơn vị chi tiêu thâm hụt ngân sách để cho nhân dân biết, rồi sau đó quy trách nhiệm, làm không được thì cho nghỉ để người khác làm.
  • tranngocan 12:34 10/03/2016
    Câu hỏi hay Kính mong Quốc hội cho lời đáp ...!!!!
  •  10:38 10/03/2016
    Tại bác.
  • Huy Hoàng 11:13 10/03/2016
    Bởi vậy dù hai vợ chồng tôi lấy nhau đã lâu nhưng không dám đẻ. Tội nghiệp con mình, chúng có tội tình gì đâu mà mới sinh ra đã mắc nợ! Rồi lớn lên lại còng lưng lo làm việc để đóng thuế trả nợ nữa!
  • Phạm Hiển 10:41 10/03/2016
    Các nước vay nợ công họ có kế hoạch chi tiêu đúng chỗ, đúng dự án công trình họ đề ra, đó là những mục tiêu hữu ích, con cháu sau này không nề hà vui vẻ trả nợ. Còn ta vài nơi tham nhũng tràn lan, doanh nghiệp nhà nước làm ăn thất thoát, lỗ vốn,nước nghèo mà xài sang, xây dựng nhiều dự án không khả thi khi người dân còn đói nghèo ...
  • duc dien 09:50 10/03/2016
    Vay nợ có vốn để đấu tư sinh lợi, làm giàu. Quan trọng là vốn vay về có đầu tư hiệu quả hay không?, mang lại lợi ích kinh tế không? ...
  • phannguyentan2006_2007 11:00 10/03/2016
    thật khủng khiếp
Xem tiếp bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét