Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Phụ nữ và văn chương

Chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8-3
Phụ nữ và văn chương
Chuyên đề này, chúng tôi dành tặng những người phụ nữ mang trên mình nghiệp văn chương. Phụ nữ - chỉ riêng khái niệm ấy đã bao hàm đủ cả những yếu đuối, chênh vênh, những mong manh, nhọc nhằn cùng những thương yêu, nhạy cảm...
Các nhà văn nữ ở Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX.
Phụ nữ cầm bút thì dường như những điều ấy lại càng tràn đầy trong mỗi con người. Phụ nữ cầm bút, có mấy ai không đa đoan, trắc trở. Dường như cái sự viết, những đa đoan phận người đã đánh đắm họ trong bể dâu cuộc đời như một lẽ thường của đàn bà làm nghề viết.

Có nhà văn đã so sánh giữa đàn ông cầm bút và đàn bà cầm bút: "Đàn ông có thể coi văn chương như một thứ say mê, tạo kỳ đài. Còn đàn bà viết văn xưa nay phần nhiều là để trải lòng. Viết cho mình. Viết bằng thứ bản năng mách bảo thần thánh nhiều hơn là viết bằng trí khôn. Thế nên, đàn ông viết văn nhiều khi viết bằng cái thông minh lồng lộng, còn đàn bà thường viết bằng tình yêu, bằng trái tim giàu trắc ẩn". Điều đó hẳn là không sai khi đọc những trang viết mà tác giả là những người phụ nữ. Dù họ đề cập tới những vấn đề vĩ mô hay nhỏ bé, xa xôi hay gần gụi thì vẫn bộc lộ sự tinh tế, đằm sâu, những góc nhìn riêng của đặc trưng giới tính.

Với phụ nữ, khi họ chọn đi đường dài với văn chương thì cũng có nghĩa ở một khía cạnh nào đó họ chấp nhận những hi sinh, thiệt thòi. Có thể là hy sinh một cuộc hôn nhân khi không nhận được sự cảm thông của người đồng hành hoặc đôi khi là chấp nhận một cuộc sống ít nhẹ nhàng (trong tâm tưởng), một hạnh phúc theo nghĩa thông thường như những người phụ nữ làm nghề khác. Tuy nhiên, một điều đặc biệt là ngay từ những mất mát, thiệt thòi ấy, những trang văn của họ vẫn chan chứa yêu thương, thắm xanh hy vọng.

Đàn bà viết văn thường đa đoan. Bởi họ quá nhạy cảm. Mà nhạy cảm thường đi đôi với những chênh vênh, khó nắm bắt như một nhà thơ đã kết luận: "Nhạy cảm quá đôi khi thành nghiệt ngã". Thật khó có thể tin một phụ nữ sống hời hợt, nhạt nhẽo lại có thể viết được những đoạn văn, những câu thơ chạm tới tận đáy sâu trái tim bạn đọc.

Có thể tùy tính cách, tùy hoàn cảnh sống, những người phụ nữ ấy quan tâm hơn tới điều này điều kia hoặc đơn giản chỉ là cách biểu hiện bên ngoài. Còn trước trang giấy, những người đàn bà cầm bút luôn trung thực với trái tim của mình. Họ viết về những đau đớn, những mất mát, những dằn vặt nhưng chưa bao giờ thôi khát khao về một cuộc sống đầy ắp tin yêu.

Không ít nữ nhà văn đã chia sẻ rằng, bên cạnh những giây phút bận rộn, vất vả lo toan như bao người phụ nữ khác thì khi ngồi trước trang giấy là họ được sống thật với mình nhất. Tác phẩm chính là cách họ trò chuyện với chính mình, với cuộc sống. Là cách họ khoác lên tâm hồn mình đôi cánh để phiêu du trong trí tưởng tượng và những đắm say...

Chưa bao giờ nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng thiếu vắng những người phụ nữ tài hoa. Lịch sử văn học Việt Nam đã lưu danh những nữ tác giả kỳ tài: Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan... Sau này là những cây bút ngập tràn nữ tính: Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét