Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

"Ở dưới nước em cảm thấy mình mạnh mẽ"

"Ở dưới nước em cảm thấy mình mạnh mẽ"
Deborah Basckin - Tiếng còi đanh, ngắn vang lên và cô xuất phát, sải tay quạt nước để lại những chiếc bong bóng trên đường bơi của mình. Cô bơi như vậy có lúc hai tiếng liền, ngẩng đầu lên chỉ để nghe chỉ dẫn của huấn luyện viên rồi lại chìm mình trong làn nước xanh. Đó là một ngày tập luyện của vận động viên Paralymic Việt Nam, Trịnh Thị Bích Như. "Khi em ở bên ngoài bể bơi em là một người yếu đuối... nhưng khi em dưới nước em có thể đến những nơi mình muốn... em cảm thấy mình mạnh mẽ."
Bể bơi, huấn luyện viên và bè bạn bơi cùng cô, thậm chí cả chiếc xe máy mà cô dùng để đi tới những buổi tập - tất cả gần như đã không thể có được, cô nói, nếu như cô không được giới thiệu đến với môn thể thao đã làm thay đổi cuộc đời cô.

Tuổi thanh niên - 'Em cảm thấy cô đơn'

Năm lên ba tuổi, Như là một cô bé khỏe mạnh nhưng bị đột nhiên bị sốt và khi cha cô tới bệnh viện thì đã quá muộn. Cô bị bại liệt.

"Kể từ đó, sau khi em bị sốt, chân em trông vẫn bình thường nhưng đã không còn cử động được. Mẹ em phải đặt gối cho em ngồi dựa. Em bị kẹt ở một chỗ như vậy. Em không thể cử động."

Hầu như không dùng được đôi chân của mình và thêm vào đó sống tại một làng quê Việt Nam, cuộc sống của cô bó hẹp trong khung trời ấy.

"Ở nông thôn, em nghĩ là ng
ười khuyết tật, em không thể giúp đỡ cha mẹ... Em ở nhà với mẹ giúp mẹ những việc vặt và không thể làm gì hơn. Em cảm thấy cô đơn."

Bước ngoặt - 'Áo bơi khiến em ngại ngùng'

Năm 2010, một người bạn cùng quê đã giới thiệu cô với thầy Cường, một huấn luyện viên bơi lội, ở thành phố Hồ Chí Minh.

"Em nói với thầy là em chỉ muốn bơi cho vui và em sẽ không theo chế độ tập luyện... Áo bơi làm em rất ngại". Cô ngần ngại trước ý tưởng mặc áo bơi mà cô gọi là 'cho người bình thường'.

"Em nghĩ, trời đất, cả đời mình chưa bao giờ mặc cái gì như thế cả." Như không bao giờ để mẹ sờ vào chân mình, cô rất nhạy cảm về hình dáng đôi chân mình và cảm thấy không thể bơi nếu mặc đồ mà cô cho là lộ liễu như vậy.

"Em cảm thấy ngại ngùng, khiếm khuyết và đã ngồi im tới 15 phút liền."

Nhưng người huấn luyện viên đó đã không bỏ cuộc - "thầy nói với em rằng tất cả mọi người ở đây đều là người khuyết tật giống như em" và rồi ông thử bằng cách khác. "Thầy nói 'hãy thử bơi xem nếu em có thể bơi được thì tuyệt mà nếu không thì cũng không sao'."

Sau một chút bơi thử kiểu "bơi chó", "thầy nói là em rất có khả năng."

Và trong vòng một năm cô đoạt một số huy chương.

Thành quả - 'Khi đoạt giải, em cảm thấy như trên mây'.

Kể từ đó cô tham gia cùng đội tuyển quốc gia Việt Nam đi thi đấu tại nhiều nước trên thế giới, thường là ở môn bơi bướm 50 mét, bơi ếch 100 mét và bơi phối hợp 200 mét.

Cô thú nhận là không nhớ đã đoạt bao nhiêu huy chương nhưng một số giải là đáng nhớ với cô. "Em nghĩ giây phút tự hào nhất của mình là khi đoạt huy chương bạc tại Giải vô địch thế giới về bơi lội IPC ở Glasgow (Anh Quốc) năm 2015… Là một người Việt, đến từ một đất nước nhỏ bé, em không dám nghĩ là sẽ đoạt được giải gì."

Niềm vui của Như khi đoạt giải không chỉ từ việc được đại diện đất nước mình và còn là sự tự do mà các giải thưởng đem lại cho cá nhân cô.

Nhờ tiền thưởng đoạt giải, Như đã có thể mua xe máy được chỉnh sửa để đi lại trong thành phố.

Chiếc xe đẩy đưa cô đi những đoạn đường ngắn nhưng cô vẫn thường phải dựa vào bạn bè giúp chở cô đi luyện tập cho thi đấu.

Với tiền thưởng từ những chiếc huy chương đầu tiên, cô đã có thể mua một chiếc xe máy đã được sửa cho phù hợp với cô, giúp cô có thể lái xe trong thành phố hòa cùng dòng người xe đông đúc.

Cô bật cười kể lại nỗi kinh hoàng khi lần đầu tiên lái xe máy ra đường: "Em để xe trong nhà xe suốt một tuần... Em không biết ai sẽ giúp mình ngồi lên xe. Hôm đó, thầy bơi gọi điện và bảo em cần tới tập vì nghỉ lâu không tốt. Thế là em tìm cách ngồi lên xe và bắt đầu lái chầm chậm, chỉ kẽ kéo tay ga một tẹo thôi. Em đã đi rất là chậm."

Thành công của Như cũng là những gì cô đặt tương lai của mình vào đó. Kiếm sống ở Việt Nam khi là một người khuyết tật thật không dễ dàng gì. Trước khi đến với bơi lội, cô đã học may ở một trường dạy nghề cho người khuyết tật nhưng có lẽ thu nhập không đủ sống.

"Nếu em không trở thành vận động viên bơi lội thì chẳng biết mình có thể làm được gì. Vì yếu em không thể kiếm được việc."

Cuộc sống hiện tại

Vào lúc này cô đang thực hiện một chương trình luyện tập vất vả chuẩn bị cho các kỳ thi đấu sắp tới. Một ngày bắt đầu từ sáng sớm với lịch bơi, chương trình thể dục và vật lý trị liệu. Và buổi tối là khi cô xem các đoạn video thần tượng của cô, Michael Phelps, để cố tìm những thủ thuật hay kỹ thuật bơi mà cô có thể học được. Ngoài ra cô còn dành thời gian tập karaoke.

Với Như, thầy Cường không chỉ là huấn luyện viên mà còn "giống như người thầy vậy".

Người lập và theo dõi các chương trình tập luyện cùng các chế độ tập tành của cô vẫn là thầy Cường, người vẫn luôn có mặt bên thành bể bơi chỉ dẫn cho cô từ ngày đầu cô đến với môn thể thao này.

Đây là mối quan hệ gắn kết vượt ra ngoài phạm vi bể bơi. "Ông giống như người thầy của em vậy," Như nói, "ông dạy em nhiều điều về cuộc sống, về cách sống, cách đối xử với bạn bè và mọi người khác."

Cô trân trọng những người xung quanh mình. "Trong quá khứ em tưởng vì là người khuyết tật, chẳng ai yêu em cả". Nay luôn có một nhóm các bạn cùng đội rất thân thiết quanh cô, những vận động viên khuyết tật khác cùng sống, cùng luyện tập và chăm sóc lẫn nhau.
Tương lai

Như nói cô còn có thể thi đấu ít nhất năm năm nữa và với cô còn có thêm một khích lệ nữa trong năm nay: "Em dự định sẽ kết hôn sau Thế vận hội ở Brazil". Còn sau đó? Cô muốn mở một cửa hàng.

Như và những người cùng đội tuyển trở thành chỗ dựa của nhau.

Bước ra khỏi bể bơi và buổi trưa là lúc nghỉ ngơi ăn uống và trò chuyện cùng bè bạn, đó cũng là lúc Trịnh Thị Bích Như và các vận động viên cùng đội với cô ngồi chuyện trò về một ngày tập luyện và bàn kế hoạch cho buổi tối của họ.

Với Như, đoạt giải còn có ý nghĩa vượt ra ngoài việc giành những chiếc huy chương. Từ cảm giác bất lực, vô dụng khi còn bé, bị trêu chọc là gái quê lên thành phố, sợ mặc áo bơi, cô đã đối mặt với những trở ngại đó và nay cô giải thích "bơi lội đã trở thành đam mê của em. Mỗi khi em xuống nước em cảm thấy ... thư thái."

Và còn hơn thế nữa.

"Khi em ở bên ngoài bể bơi em là một người yếu đuối... nhưng khi em dưới nước em có thể đến những nơi mình muốn... em cảm thấy mình mạnh mẽ."

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/03/160304_trinh_thi_bich_nhu_paralympic_swimmer

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét