Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Di sản của 3X: Những nghìn tỉ thành sắt vụn

GS Trần Hữu Dũng đổi tên bài này thành: "Di sản của 3X: Những nhà máy nghìn tỉ có nguy cơ thành sắt vụn (TN 3-3-16)", tôi hết sức tán thành. Từ sau đổi mới 1986 đến hết thời cầm quyền của Thủ tướng Phan Văn Khải, lãnh đạo cấp cao, dù có mặt này mặt khác chưa tốt, nhưng đều cố gắng để đất nước phát triển; chỉ từ khi 3X lên nắm quyền, đất nước như đồ chơi trong tay ông ta, được tung hứng đến tan nát. Ông lại có một đệ tử đầu rỗng nhất mực trung thành, răm rắp nghe lệnh trong suốt 2 nhiệm kỳ, đó là ngài Bộ trưởng Bộ Công thương, chủ nhân của những nhà máy nghìn tỷ (nếu kể cả vinashin... thì tới hàng trăm nghìn tỷ). Không hiểu khi buộc phải nghỉ tay tung hứng, bị về hưu, có thời gian tĩnh tâm nhìn lại thực trạng đất nước như nồi nước lẩu, các ông có thấy ân hận, xót xa cho đất nước không ? có dám học tấm gương của cựu tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun không ?
Những nhà máy nghìn tỉ có nguy cơ thành sắt vụn
Bộ GTVT đang 'cầu cứu' Bộ Công thương tìm đối tác trong ngành để chuyển nhượng hai nhà máy thép và điện với mức đầu tư gần 2.500 tỉ đồng từ thời Vinashin đã bỏ hoang nhiều năm qua.

Nhà máy điện Cái Lân hoang tàn - Ảnh: Ngân Hiếu
Nguội lạnh nhà máy cán thép
Trong số này, xót xa nhất là cụm công trình Nhà máy cán thép Cái Lân (gồm nhà máy thép và nhà máy điện) đầu tư dở dang với số tiền giải ngân đã lên đến 2.100 tỉ trên tổng mức hơn 2.430 tỉ đồng. Nhà máy cán nóng thép tấm 500.000 tấn/năm - hạt nhân của cụm công trình này hiện không khác một “ngôi nhà ma” với lau lách bao quanh um tùm. Những lốc máy hàng chục tấn nằm nguội lạnh dưới một lớp bụi dày.

Dẫn chúng tôi đi một vòng nhà xưởng, Vương Văn Thủy, bảo vệ nhà máy, kể đã 6 năm qua, sau lần vận hành thử cho mẻ thép cán đầu tiên hồi giữa năm 2010, máy móc chưa một lần chạy lại dù các hạng mục chính đã hoàn thành khoảng 95%. “Tiếng máy duy nhất anh có thể nghe là của chiếc bơm dưới tầng hầm để tránh nước ngập vào thân máy”, anh Thủy chua chát.


Từng là kỹ sư vận hành chính của nhà máy với mức lương cả chục triệu, nhưng hiện Thủy đành chấp nhận làm bảo vệ hưởng lương 3 triệu đồng. Thủy thú nhận rằng: “Giờ không thể đánh giá nổi tình trạng của các thiết bị vì ngay cả hoạt động chạy không tải để kiểm tra sức khỏe của nhà máy là điều xa xỉ do không thu xếp được kinh phí”. 

Vừa lấy tay phủi một lớp bụi dày, Phó giám đốc Vũ Văn Bình chỉ cho chúng tôi xem năm và xuất xứ của dây chuyền cán thép. Theo ông Bình, dù thiết bị là “made in China” song dây chuyền này thuộc dạng hiện đại nhất vào những năm 2009, khi xây dựng nhà máy.

“Thực tế, trong 5.000 tấn thép đã ra lò khi chạy thử, chất lượng được quốc tế công nhận với phương pháp thử ASTM của Mỹ. Trong số này có 3.000 tấn được xuất khẩu, đạt các tiêu chuẩn của những tổ chức đăng kiểm tàu biển quốc tế của Na Uy, Anh, Mỹ”, ông Hoàng Việt Văn, Giám đốc nhà máy nhớ lại. Theo báo cáo của Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC), dự án Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân với công suất 500.000 tấn/năm có mức đầu tư gần 1.360 tỉ đồng. Đến nay, giá trị thực hiện vào khoảng 1.160 tỉ.
“Dự án vẫn trong tình trạng thực hiện dở dang, chưa được quyết toán, kiểm toán”, báo cáo của SBIC thừa nhận.

Hoang tàn nhà máy điện

Cách đó không xa là công trình Nhà máy điện Cái Lân với mức đầu tư hơn 800 tỉ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Được hoàn thành từ tháng 4.2007 với mục đích chính là cấp điện cho nhà máy thép song thời điểm đó nhà máy thép chưa xong nên toàn bộ sản lượng điện đều được bán cho Tập đoàn điện lực VN (EVN) để hòa lưới quốc gia.

Ông Văn kể, dù có đến 6 tổ máy (mỗi tổ 6,5 MW) nhưng do thiếu phụ tùng thay thế nên trong quá trình sản xuất, các lò phải luân phiên sử dụng thiết bị của nhau vì vậy thực tế chỉ có 3 tổ máy hoạt động. Đến năm 2009, với lý do thiếu phụ tùng lẫn thiếu vốn lưu động, nhà máy điện chính thức ngừng hoạt động. Trạm biến áp 110 KV có giá hơn 200 tỉ thì gắng gượng thêm được 2 năm bằng cách mua điện của EVN rồi bán cho các nhà xưởng trong cụm công nghiệp.

Hiện nay, nhà máy điện cũng đã ngắt kết nối với lưới điện bên ngoài. Các ổ khóa của trạm phủ một màu vàng của sắt gỉ mà có khóa cũng chưa chắc mở được.

Theo đánh giá của bộ chủ quản, hiện các nhà máy điện và thép “đã xuất hiện rõ những hư hỏng, xuống cấp”, doanh nghiệp không thể tiếp tục hoàn thiện, khai thác và có nguy cơ tiếp tục thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Theo đề xuất của SBIC, doanh nghiệp sẽ thuê tư vấn để định giá các nhà máy, từ đó có cơ sở lên phương án xử lý.

“Bán sắt vụn cũng không xong”

Ông Hoàng Việt Văn, Giám đốc nhà máy thép đồng thời là Phó tổng giám đốc Công ty công nghiệp tàu thủy Cái Lân thông tin thêm, trong 3 năm qua, Tổng công ty SBIC đã từng giới thiệu nhiều đối tác ngoại đến từ Nga, Nhật Bản làm việc với công ty để tìm cơ hội hợp tác với nhà máy thép. “Tuy nhiên, phương án bán sắt vụn đã được bàn tới mà đối tác cũng không ngã giá. Kịch bản cán thép thuê cho một vài công ty nội cũng đã được đưa ra nhưng rồi cũng gián đoạn vô thời hạn”, ông Văn nói.

Với nhà máy điện, theo ông Văn, doanh nghiệp đã từng chào giá bán nguyên khối nhưng không ai mua, còn bán sắt vụn cũng không xong vì các chủ nợ không đồng ý. “Trong khi đó, chỉ riêng tiền thuê đất thì hai nhà máy đã nợ lên đến hàng chục tỉ đồng”, ông Văn thở dài.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng việc thuê tư vấn định giá trong hoàn cảnh chưa tìm kiếm được đối tác có khả năng tiếp quản, vận hành nhà máy sẽ làm phát sinh thêm chi phí, càng thêm gánh nặng cho ngân sách và doanh nghiệp. Ông Công cho biết, theo quyết định tái cơ cấu Vinashin năm 2013 thì các dự án kể trên của Công ty công nghiệp tàu thủy Cái Lân thuộc diện bán, chuyển nhượng chứ không trong danh mục giữ lại của SBIC. Bên cạnh đó, tại đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty được ban hành năm 2012 Thủ tướng đã chỉ đạo tái cơ cấu theo ngành, lĩnh vực mà không phân biệt cấp quản lý. 

“Ngành thép và điện thuộc quản lý của Bộ Công thương. Do đó, tại dự thảo quyết định của Thủ tướng về xử lý tồn tại của các nhà máy này, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ có ngành nghề sản xuất kinh doanh phù hợp nghiên cứu dự án để tiếp nhận vận hành, quản lý”, ông Công nói. Ông Công khẳng định, sau khi Bộ Công thương lựa chọn được đối tác tiếp nhận dự án, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo SBIC tổ chức thuê tư vấn xác định giá trị thực tế của hai nhà máy để làm căn cứ bàn giao.

“Những đề xuất này của chúng tôi đã nhận được sự đồng tình của các bộ. Hy vọng nhà máy sẽ sớm tìm được đối tác để có hướng ra thích hợp”, ông Công lạc quan.

Ngân Hiếu - Nguyên An
http://thanhnien.vn/kinh-doanh/nhung-nha-may-nghin-ti-co-nguy-co-thanh-sat-vun-672976.html
-----------------

Roh Moo-hyun hay No Mu-hyeon (Tiếng Triều Tiên: 노무현/ 盧武鉉 *; gọi theo tiếng Việt: Rô Mu Hiên[3]) (1 tháng 9 năm 1946 - 23 tháng 5 năm 2009), là Tổng thống của Đại Hàn Dân Quốc nhiệm kỳ 2003-2008. Người kế nhiệm ông là Lee Myung-bak.

Roh đã tự vẫn vào ngày 23/5/2009 bằng cách nhảy từ một mỏm núi xuống, để lại một tờ ghi nội dung từ biệt.[4]Cảnh sát đã xác nhận vụ tự vẫn này.[5]


Đội ngũ các công tố viên và cách thức thẩm vấn, truy cứu đến cùng của họ được xem là mang động cơ chính trị chứ không vì công lý đã khiến vị cựu Tổng thống cảm thấy nhục nhã. Đây có thể là một trong những lý do chính khiến ông Roh tìm đến cái chết vì ông cảm thấy bất lực.

Thứ năm, 28 Tháng 5 2009 21:47



Cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun, người lên cầm quyền với danh hiệu là nhà chống tham nhũng nhưng sau đó bị nhiều tai tiếng của các vụ tố cáo hối lộ có liên quan đến gia đình và những người thân cận với ông. Vụ tự sát đầu tiên của một cựu tổng thống ở Hàn Quốc (theo khẳng định của nhiều nguồn tin phi chính thức), đã làm cả quốc gia này bàng hoàng.

Sau khi để lại thư tuyệt mệnh cho gia đình, ông Roh đã nhảy xuống vực tự tử vào lúc 6h40' sáng ngày 23/5, theo lời luật sư Moon Jae-in, cựu Chánh văn phòng của ông Roh, tại thành phố cảng Busan. Còn theo Hãng tin AFP của Pháp, Cảnh sát Hàn Quốc vẫn chưa chính thức xác nhận hành động dẫn đến cái chết của ông Roh hôm 23/5 là tự sát, nhưng dư luận chắc chắn rằng ông đã chọn giải pháp này vì bị sức ép của báo chí và nhất là của ngành tư pháp đè nặng lên gia đình ông.

"Tôi mang nợ với quá nhiều người. Họ đang phải chịu thống khổ vì tôi. Đừng thương tiếc tôi, đừng phiền trách ai khác. Đó chỉ là định mệnh" - ông Roh Moo-hyun viết trong lá thư tuyệt mệnh mà người ta tìm thấy trong máy tính cá nhân của ông vài giờ sau đó. Trong thư, ông yêu cầu được thiêu xác và đặt một tấm bia mộ nhỏ trong làng cũ của mình. Cuối thư, ông khẳng định: "Tôi hoàn toàn trong sạch. Lịch sử sẽ phán xét".

Ông Roh luôn hãnh diện là một chính trị gia trong sạch ở một quốc gia từ lâu vẫn bị tệ nạn tham nhũng hoành hành. Các lời tố cáo mới đây cho rằng ông nhận 6 triệu USD tiền hối lộ từ một doanh nhân ở Seoul đã gây thương tổn nặng nề cho vị cựu tổng thống này. Ông Roh bác bỏ các lời tố cáo nhắm vào ông trong cuộc thẩm vấn hôm 30/4 và 1/5 vừa qua, theo lời phát ngôn viên Viện Công tố Cho Eun-sok.

"Tôi không còn mặt mũi nào nhìn thấy người khác. Tôi xin lỗi là đã làm cho mọi người thất vọng" - ông Roh Moo-hyun tuyên bố trong sự xúc động khi đến trình diện trước cơ quan luật pháp để bị thẩm vấn trong suốt 13 tiếng đồng hồ về những cáo buộc này. Những người ủng hộ ông nói rằng cuộc điều tra này là do thành phần bảo thủ chống đối ông gây ra.

Ông Roh thừa nhận là nhà doanh nhân ngành giày da Park Yeon-cha đã đưa cho vợ ông 1 triệu USD nhưng nói rằng đây không phải là tiền hối lộ. Ông cũng nói rằng ông biết Park đã đưa 5 triệu USD cho một người thân khác nhưng ông nghĩ rằng đó là tiền đầu tư. Các công tố viên nghi ngờ số tiền 6 triệu USD này sau cùng được chuyển tới ông Roh.

Một số cựu phụ tá và người quen với ông Roh cũng bị thẩm vấn trong cuộc điều tra ông Park, người bị truy tố hồi tháng 12/2008 trong một vụ hối lộ khác cũng như tội trốn thuế. Người anh của ông Roh đã bị tuyên án 4 năm tù giam hồi tuần trước trong một vụ tai tiếng tham nhũng.

Sinh năm 1946, tại một vùng quê gần thành phố Gimhae ở vùng đông nam bán đảo Triều Tiên, Roh Moo-hyun bỏ học rất sớm vì gia đình nghèo. Là một người có chí lớn, với quyết tâm tiến thân bằng học vấn, cậu thiếu niên họ Roh đi làm ban ngày để có tiền đi học ban đêm. Lên đại học, Roh Moo-hyun chọn luật khoa và tốt nghiệp luật sư. Nhưng sau đó, ông nhận ra rằng con đường hiệu quả nhất để bênh vực kẻ yếu, chống lại bất công là phải làm chính trị đấu tranh chống chế độ độc tài quân sự cai trị Hàn Quốc trong thập niên 70-80.

Năm 1981, cuộc đời vị luật sư trẻ tuổi bước vào một ngã rẽ mới khi có cơ hội tiếp xúc và bảo vệ một nhóm sinh viên đối lập bị bắt và tra tấn. Từ đó, ông dấn thân vào con đường tranh đấu trực diện với Chính phủ của tướng Chun Doo-hwan. Năm 1987, ông bị bắt và bỏ tù, bị cấm hành nghề luật sư vì tham gia hậu thuẫn phong trào đình công của công nhân ngành đóng tàu, một trong những ngành công nghệ chiến lược của Hàn Quốc. Phong trào đòi dân chủ lan rộng, Seoul chấp nhận cải cách chính trị, ông Roh Moo-hyun trở thành một nhà chính trị thực sự.

Năm 1988, ông đắc cử dân biểu qua cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên và bắt đầu nổi bật trên chính trường quốc gia với nỗ lực chống tham nhũng và truy tố những lãnh đạo cũ, trong đó có nhà cựu độc tài Chun Doo-hwan.

Với cương lĩnh trong sạch hóa đất nước, ông Roh Moo-hyun được cử tri tín nhiệm bầu vào ghế Tổng thống năm 2002. Khi tuyên thệ nhậm chức vào năm 2003, ông tuyên bố tận dụng 6 năm nhiệm kỳ để đưa Hàn Quốc lên hàng đại cường quốc kinh tế và công nghệ tại Bắc Á.

Về đối ngoại, ông chủ trương "quân bình quan hệ", thoát dần ảnh hưởng độc tôn của Mỹ. Về xã hội, ông thực thi một chính sách cải cách phân chia lợi nhuận một cách đồng đều hơn cho mọi tầng lớp dân chúng và tự xưng là "hiệp sĩ bảo vệ thành phần không được ưu đãi trong xã hội".

Tổng thống Roh Moo-hyun cũng cố gắng chặt đứt những quan hệ truyền thống giữa các thế lực tài chính - chính trị bằng cách giảm bớt thế lực của các tập đoàn công nghệ và truyền thông bảo thủ. Tuy nhiên, chính những hành động và lời lẽ thẳng thắn đôi khi "khiêu khích" của ông đã tạo ra nhiều hận thù.

Hậu quả là ông trở thành vị Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc bị Quốc hội tìm cách truất phế. Được công luận ủng hộ, ông thoát nạn và chuyển bại thành thắng: đảng trung tả của ông giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử 2004. Nhưng kinh tế Hàn Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm sau nhiều năm luôn ở đỉnh cao, vật giá leo thang, uy tín của ông Roh từ từ đi xuống. Vào cuối nhiệm kỳ, điểm tín nhiệm của ông chỉ còn 29% so với tỉ lệ 70% khi vừa lên nhậm chức.

Vài giờ sau cái chết của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, dường như cảm nhận được mũi dùi công luận sẽ hướng thẳng về phía mình, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc, Kim Kyung-han, tuyên bố khép lại cuộc điều tra các cáo buộc tham nhũng đối với gia đình người quá cố.

Đội ngũ các công tố viên và cách thức thẩm vấn, truy cứu đến cùng của họ được xem là mang động cơ chính trị chứ không vì công lý đã khiến vị cựu Tổng thống cảm thấy nhục nhã. Đây có thể là một trong những lý do chính khiến ông Roh tìm đến cái chết vì ông cảm thấy bất lực.

Khi anh trai của ông là Roh Gun-pyong bị bắt năm 2008 vì tội tham nhũng, ông Roh giữ im lặng hoặc chỉ bình luận vắn tắt. Ông chỉ công khai phản ứng khi Viện Công tố biến vụ án Park Yeon-cha, Chủ tịch Công ty Taekwang Industrial trốn thuế thành vụ án hối lộ và vận động hành lang trái phép chính phủ của ông Roh. Sau đó lần lượt những người nhà của ông Roh và những người thân cận của ông lần lượt bị thẩm vấn. Bản thân ông cũng bị thẩm vấn hơn 10 giờ đồng hồ.

Chính phủ Hàn Quốc quyết định tổ chức quốc tang cho cố Tổng thống Roh Moo-hyun. Hàng nghìn người Hàn Quốc, trong nỗi xúc động, đã xếp hàng trước nhà riêng của cố Tổng thống họ Roh để bày tỏ lòng tôn kính sau cùng. Nhân vật lãnh đạo có tiếng trong sạch này, qua bức thư tuyệt mệnh, dường như ông đã chọn cái chết để rũ sạch nợ trần.

Nhiều lễ hội tại Hàn Quốc trong tuần này bị đình hoãn. Khắp nơi trong nước, người ta dựng bàn thờ để mọi người có thể thắp hương tưởng niệm. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Taro Aso, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã gửi điện chia buồn với người dân Hàn Quốc và gia đình cựu Tổng thống Roh Moo-hyun.

Tuy vậy, trong dư luận cũng có người trách ông là thiếu can đảm. Bài xã luận trên nhật báo Dong-A Ilbo của Hàn Quốc cho rằng hành động tự sát của một vị cựu tổng thống, xuất thân là một luật sư, sẽ gây tác hại cho hình ảnh quốc gia và có hệ quả tiêu cực cho giới trẻ

http://www.nguoivietkharkov.com/index.php?option=com_content&view=article&id=3032:visaotongthong&catid=39:thoisuquoc-te&Itemid=504

1 nhận xét:

  1. Noi gương ông này thì lấy ai ra mà làm cho nên đảng ta vô cùng sáng suốt đã đề ra hình thức kỷ luật òa rút kinh nghiệm sâu xắc

    Trả lờiXóa