Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Nghệ sĩ tự ứng cử: QH không có chỗ cho chiêu trò

Nghệ sĩ tự ứng cử: Quốc hội không có chỗ cho chiêu trò, scandal
Xung quanh việc liên tiếp nhiều nghệ sĩ tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội, rất ý kiến ủng hộ cho rằng đó sẽ là vinh dự và giúp giới nghệ sĩ đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Họ cần trau dồi về vốn sống, cách giao tiếp, phát ngôn, phải thể hiện xứng đáng mình trên cương vị là đại biểu của giới văn nghệ sĩ, đại biểu của nhân dân. Không phát ngôn tuy tiện theo cá tính, hành động không đúng với pháp luật khi đã trúng cử vì Quốc hội và showbiz hoàn toàn khác nhau. Quốc hội không có đất cho các chiêu trò, gây scandal để đánh bóng tên tuổi. Dân Việt đã trò chuyện với các nghệ sĩ về vấn đề này.

Ca sĩ Mai Khôi và nghệ sĩ hài Vượng Râu là hai nghệ sĩ
của showbiz tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14
Tùng Dương: Chính trị được chia đều cho tất cả mọi người!
Quan điểm của Tùng Dương khi nghệ sĩ tự tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội cũng là lẽ đương nhiên và thuận lợi. Bởi trên thế giới vai trò của người nghệ sĩ ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau, và với các chính trị gia thì họ cũng cần sự song hành của người nghệ sĩ để cùng nhau phát triển đất nước.

Chúng ta đang sống trong một xã hội công bằng, bình đẳng, mọi ngành nghề đều có quyền nói lên những ước vọng, mong muốn một cuộc sống tốt hơn. Đặc biệt với người nghệ sĩ thì không chỉ đóng góp trong lĩnh vực riêng về nghệ thuật mà họ cần có tầm nhìn xa hơn về văn hóa. Chính vì vậy, Tùng Dương rất ủng hộ việc nghệ sĩ ứng cử Đại biểu Quốc hội.


Tuy nhiên theo Tùng Dương, khi ứng cử, nghệ sĩ đó cần phải biết mình là ai, hình ảnh từ trước đến nay phải không có scandal, không tạo chiêu trò, và những đóng góp của mình trong nghệ thuật như thế nào, sức ảnh hưởng của mình với xã hội, dư luận tới đâu thì việc ứng cử sẽ thuận lợi hơn.

Còn với những người nghệ sĩ có nhiều scandal ví dụ như vi phạm pháp luật, lùm xum về đạo đức, bị phạt hành chính vì ăn mặc hở hang…trong khi lại đóng góp ít cho nghệ thuật mà cũng tự ứng cử thì họ sẽ tự làm hình ảnh của mình trở nên buồn cười và lố bịch. Đương nhiên như thế khán giả sẽ nghĩ nghệ sĩ đó chỉ cố tình mượn chuyện chính trị để đánh bóng tên tuổi của mình.

Chính trị không chỉ bó hẹp trong một tầng lớp, môi trường nào, mà vai trò này chia đều cho tất cả mọi người, vì vậy Tùng Dương hoàn toàn ủng hộ người nghệ sĩ tự ứng cử Đại biểu Quốc hội, miễn là người nghệ sĩ đó có quá khứ tốt, hình ảnh đẹp, có sự tin yêu của công chúng và đặc biệt đã có nhiều đóng góp cho nghệ thuật.

MC Phan Anh: Nếu tâm sáng sẽ không sợ dư luận trái chiều!

Tôi ủng hộ tinh thần tự ứng cử của tất cả mọi người, đặc biệt là những người trẻ, và càng mừng hơn nữa nếu đó là nghệ sĩ. Vì nghệ sĩ cũng là một thành phần thường xuyên tiếp xúc với khán giả, với nhân dân nhất. Họ chắc chắn sẽ có điều kiện để chia sẻ, hiểu và ít khoảng cách với dân hơn cả.


Trong xu thế gần đây, các nghệ sĩ cũng bắt đầu đưa ra quan điểm của mình về các vấn đề mang tính chính trị, xã hội nhiều hơn, điều đó thể hiện sự quan tâm của hơn tới sự phát triển của nước nhà, cũng như là những vấn đề rộng hơn mang tính cộng đồng. Chắc chắn bằng ảnh hưởng của mình, với những nhận thức đúng đắn, tiếng nói của họ sẽ dễ dàng được quần chúng ghi nhận.

Nếu ai tham gia ứng cử cũng với mục đích để đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước thì tôi nghĩ không phải lo sợ những phản ứng trái chiều, vì cái tâm sáng sẽ được thời gian và xã hội ghi nhận.

Cho đến thời điểm này, việc tự ứng cử vẫn còn có sự e dè, vẫn chưa phải là hành động phổ biến, một số người vẫn thấy nó hơi khác thường nên tôi rất ủng hộ những người dám nghĩ, dám làm. Việc tự ứng cử theo tôi cũng là một hình thức phát huy dân chủ rõ rệt cần phải nhân rộng. Bản thân tôi, nếu thu xếp được tôi cũng sẵn sàng ra tranh cử.

Chuyện được mất nếu ra tranh cử ư? Tôi nghĩ theo chiều tích cực thì không có gì là mất. Đó là việc được sống với lý tưởng của mình, đó là việc thực hiện trách nhiệm của công dân đóng góp cho đất nước… Vinh dự chứ có gì đâu mà mất. Tất nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng đến thời gian cho sự nghiệp, cho gia đình, nhưng một khi đã lựa chọn thì phải biết sắp xếp.

Đạo diễn Lê Tuấn Cường: Biết mình là ai, đang đứng ở vị trí nào

Đứng trong hàng ngũ đại biểu Quốc hội, đại diện cho tiếng nói luật pháp, là người đưa ra những phát biểu trước nhân dân là một vinh dự, vì vậy, ứng viên khi tự mình ứng cử cần phải xem lại bản thân mình ai.


Tôi nghĩ yêu cầu đối với 1 vị đại biểu quốc hội đòi hỏi cao hơn. Họ phải có hiểu biết, nghiên cứu sâu rộng, thực tế về văn hóa Việt Nam nói chung. Tôi không phản ứng quá gay gắt về việc nên hay không ra ứng cử đại biểu Quốc hội đối với nghệ sĩ, ca sĩ vì tất nhiên chuyện ứng cử không ai cấm.

Họ có quyền bình đẳng, tự do đưa ra những ý kiến của mình, quan điểm của mình trong mọi lĩnh vực và trong đó có cả việc đứng trong tham gia Quốc hội. Song quan trọng là nhận thức, hiểu biết của người ra ứng cử tự nhìn nhận lại xem các bạn đó đủ tâm và tầm để đứng lên đại diện cho tiếng nói của ngành mình hay chưa.

NSND Nguyễn Thị Tâm Chính: Quốc hội không giống showbiz

Việc nghệ sĩ ứng cử đại biểu Quốc hội cho thấy thế hệ trẻ đang ngày càng khẳng định được vị trí của mình không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật mà rộng hơn là được đóng góp tiếng nói, ý kiến của mình xây dựng nước nhà.


Đây là một niềm vui chung trong giới văn nghệ sĩ. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người dễ dàng nhận thấy nhiều khóa quốc hội có rất ít nghệ sĩ tham gia. Tuy nhiên, với thế hệ các nghệ sĩ sẽ tự ứng cử ngoài sự hiểu biết về ngành nghề nghệ thuật của mình, các bạn cần phải thấu đáo, có hiểu biết về pháp luật, các chủ chương, đường lối, chính sách của Đảng.

Họ cũng cần trau dồi về vốn sống, cách giao tiếp, phát ngôn, phải thể hiện xứng đáng mình trên cương vị là đại biểu của giới văn nghệ sĩ, đại biểu của nhân dân. Không phát ngôn tuy tiện theo cá tính, hành động không đúng với pháp luật khi đã trúng cử vì Quốc hội và showbiz hoàn toàn khác nhau. Quốc hội không có đất cho các chiêu trò, gây scandal để đánh bóng tên tuổi.

Theo Thanh Hà - Mỵ Lương/Dân Viêt
(Thanh Tra)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét