Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Bịp bợm: VN thay TQ thành Trung tâm công nghiệp thế giới

Mình biết bác Thành đã 25 năm, đã từng làm quân của bác mấy tháng sau khi học TS ở nước ngoài về trong khi đợi chỗ làm việc mới. Hồi đó mỗi khi họp hành, nghe bác Thành phát biểu, mình thường không ngửi được nên nhiều khi buộc phải phát biểu phản bác. Lạ là trong khi đối với người khác bác không coi ra gì, nhưng mỗi khi bị mình phản bác, bác đều im lặng hoặc cười xuê xoa. Có lần bác và chuyên gia dự án DTZ trình bày báo cáo tại hội trường lớn CIEM, mọi người đề nghị mình phát biểu đầu tiên. Mình tuy không muốn nhưng đành phát biểu vài lời phê phán. Bác Thành chân thành nhận thiếu sót, nhưng đổ lỗi cho chuyên gia Đức không nắm được thực tế Việt Nam. Sau đó không có bất cứ ai phát biểu nên buổi báo cáo kết quả tan sớm... Sau này chứng kiến bác trình bày báo cáo ở các nơi, mình rất thất vọng, chủ yếu vì bác không nghiên cứu, làm việc đến nơi đến chốn, tùy tiện phát biểu vung mạng, lúc đúng lúc sai, mâu thuẫn tùm lum. Lần nghe bác gần đây nhất, mình thấy khi trình bày 2 chương của báo cáo Việt Nam 2035, bác chẳng chuẩn bị gì, phát biểu lung tung; lúc nghỉ giải lao nhiều người nói với mình họ rất không hài lòng về sự chuẩn bị của bác nhưng họ không muốn phát biểu ra. Đáng tiếc là lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cứ để yên cho bác phát biểu; nếu mình ở địa vị ông lãnh đạo này, chắc chắn mình sẽ giải tán ngay cuộc họp, yêu cầu bác về chuẩn bị lại tử tế rồi hẵng ra trình bày. Với thể chế và cách quản lý hiện này, chưa có dấu hiệu sẽ thay đổi trong tương lai, thì bác hô hào "VN có thể thay TQ trở thành trung tâm công nghiệp thế giới" chỉ là bịp bợm đúng theo ý đồ của tầng lớp thống trị. Tiếc thay một người có tài, thông minh mà sống theo kiểu chụp giật, vội vã nên bác biết cái gì cũng không đến nơi đến chốn; do đó không thể trở thành một nhà khoa học chân chính đáng được xã hội trân trọng. Xem thêm: TẠI SAO THÁI ĐỘ QUAN TRỌNG HƠN THÔNG MINH
VN có thể thay thế TQ để trở thành Trung tâm công nghiệp của thế giới
Đưa ra quan điểm tại Diễn đàn “Hiệp định TPP – Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm công nghiệp của thế giới.


TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế
Việt Nam có thể trở thành trung tâm công nghiệp và những sản xuất như dệt may, da giày… sẽ là những ngành được hưởng lợi trong chuỗi sản xuất toàn cầu khi TPP có hiệu lực. Theo TS. Thành, các hiệp định tự do thế hệ mới (FTAs) đặc biệt là TPP đã mang lại nhiều cơ hội mới trong đầu tư của nhiều ngành của Việt Nam.


Nhìn vào quá trình phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa, TS. Thành chỉ ra ba thay đổi lớn của Việt Nam: trước hết, từ nền kinh tế hoàn toàn dựa vào nông nghiệp đã chuyển dần sang công nghiệp, dịch vụ; từ kinh tế khép kín sang kinh tế hội nhập và mở cửa với nhiều nước; từ nền kinh tế dựa chủ yếu vào kinh tế Nhà nước sang dựa chủ yếu hơn vào doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài.

Đặt trong bối cảnh các nước trên thế giới đang thiết lập những luật chơi và sân chơi mới, khiến cho vai trò của Nhà nước thu hẹp dần và đặt ra những yêu cầu mới đặt ra trong sản xuất kinh doanh. Theo đó, thế giới sẽ vẫn bị chi phối bởi hàng trăm doanh nghiệp đa quốc gia và các định hướng phát triển của các doanh nghiệp cũng sẽ chịu tác động của luật chơi mới này.

Câu hỏi đặt ra: Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc để có thể trở thành trung tâm công nghiệp lớn của thế giới, hình thành nên một cứ điểm trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu từ các tập đoàn đa quốc gia?

Theo TS. Võ Trí Thành, với hiệp định thương mại TPP, quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa sẽ giúp cho các ngành điển hình về mạng sản xuất và giá trị toàn cầu như dệt may, da giày… sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

“Điều này tạo sự dịch chuyển và cơ hội chưa từng có để cải tổ ngành công nghiệp Việt Nam” – TS. Võ Trí Thành nhận định.

Lý giải về điều này, TS. Thành cho rằng cùng với TPP, việc tham gia FTA với EU sẽ tạo ra hai hiệp định cao nhất về chất lượng. Đây là hai hiệp định có ý nghĩa lớn để phát triển mạng lưới, gắn với đó là công nghệ, tiêu chuẩn giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển là trung tâm công nghiệp.

Tuy nhiên, TS. Thành lại bày tỏ lo ngại: “Liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội theo nghĩa hiện đại hóa khi mà doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được? Bởi trước khi doanh nghiệp lớn lên được thì đã có xu hướng cá thể hoá, li ti hoá”.

Khi đã giải quyết được bài toán này, thì với việc tham gia các FTA thế hệ mới, gần như tất cả các đối tác thương mại và các nhà đầu tư chủ chốt đều tham gia, đã mở ra nhiều cơ hội. Dẫn chứng là kể từ năm 2013 nhiều tỷ USD đã được đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các ngành điện tử, dệt may… bước đầu hình thành nên mạng lưới sản xuất. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam và doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập mới:

Theo đó, các ngành sẽ có hiều cơ hội mới cho đầu tư được TS. Thành chỉ ra bao gồm:

- Xuất khẩu các ngành có lợi thế so sánh như dệt may, da giày, nội thất, gạo, cà phê, thủy sản…

- Hàng hóa tiêu dùng như phân phối, dược phẩm, du lịch và giải trí

- Cơ sở hạ tầng và phát triển bất động sản

- Logistics

- Đồng thời, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tham gia mạng lưới sản xuất/cụm công nghiệp do các công ty xuyên quốc gia dẫn dắt, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các dịch vụ kết nối kinh doanh.

- Sự nổi lên công nghiệp xanh, công nghệ thông tin thông minh, thương mại điện tử và công nghiệp sáng tạo.

Theo TS. Thành, Việt Nam đang trong thời điểm quyết định để chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách thiết lập nên nền tảng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải có một lực đẩy mới cho cải cách và hiện thực hóa các tiềm năng của người dân, cải cách thể chế và thúc đẩy đổi mới….

An Ngọc
Theo Trí thức trẻ

http://cafef.vn/vi-mo-dau-tu/viet-nam-co-the-thay-the-trung-quoc-de-tro-thanh-trung-tam-cong-nghiep-cua-the-gioi-20160301114512151.chn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét