Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

VĂN HÓA TRONG DÒNG CHẢY CỦA ... LỢI NHUẬN

VĂN HÓA TRONG DÒNG CHẢY CỦA CẢM HỨNG VỀ LỢI NHUẬN
ĐỖ MINH TUẤN - Hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đổi mới và hội nhập ở nước ta, đời sống văn hoá Việt Nam có nhiều biểu hiện mang tính suy đồi, nhất là thị trường văn hoá với bao nhiêu biểu hiện lố lăng, đồi truỵ, lai căng, phản nghệ thuật, phản đạo đức, phản dân tộc, phản nhân văn. Người ta dễ bằng lòng với việc đổ lỗi cho các phương tiện công nghệ, các mạng xã hội, các cơ hội tiếp xúc rộng rãi với thông tin và văn hoá có nguồn gốc phương Tây.

Nhưng bản chất vấn đề không nằm ở sự giao lưu văn hoá thiếu kiểm soát mà nằm ở trong cảm hứng về lợi nhuận của thời đổi mới. Cảm hứng vì lợi nhuận không được kiểm soát đã dần dần thay thế cảm hứng nhân văn vì con người, vì đại nghĩa trong phạm vi xã hội, tạo ra một nền tảng cho văn hoá suy đồi, lối sống hưởng thụ, thái độ hư vô, sẵn sàng tách rời danh nghĩa và thực chất để đạt đến các mục tiêu mang tính thực dụng về văn hoá, chính trị và kinh tế. Cảm hứng vì lợi nhuận mặc dù có nguồn gốc từ văn minh văn hoá phương Tây, nhưng phương Tây không thể áp đặt cảm hứng này vào tâm thức của các dân tộc khác.
Khoa học, công nghệ và văn hoá phương Tây
Phương Tây đã hai lần thất bại trong việc bành trướng văn hoá của mình. Thất bại thứ nhất là, cuộc thập tự chinh Trung cổ đã không áp đặt được đức tin Thiên chúa giáo lên văn hoá của người Vizantia và người Hồi giáo, trái lại, còn đem về phương Tây những ảnh hưởng văn hoá của các sắc dân này. Thất bại thứ hai gắn liền với sự tan rã của các đế quốc Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha cuối thế kỷ 16. Sau một thế kỷ được thử thách, các giá trị phương Tây đã không áp đặt được vào đời sống và tâm hồn các dân tộc thuộc địa.
Nguyên nhân thất bại là do tham vọng áp đặt triệt để tất cả những gì mà phương Tây có cho các dân tộc khác, cả thể chế chính trị, cả khoa học công nghệ, cả đức tin tôn giáo và chủ nghĩa cá nhânPhương Tây chỉ thành công trong ý đồ áp đặt văn hoá khi nó biết sử dụng phương án thế tục hoá các giá trị tinh thần, dùng những mũi kim tiêm công nghệ tiên tiến sắc nhọn xọc sâu vào các dân tộc khác và từ từ truyền sang những giá trị tôn giáo, chính trị và văn hoá. Phương án này đã được người Pháp, người Anh và người Hà Lan áp dụng lần đầu tiên vào thế kỷ 17, gặt hái thành công ở Bắc Mỹ, Nam Phi và Australia.
  Những vấn nạn và bức xúc về văn hoá mà Việt Nam đang gặp phải hôm nay  các quốc gia khác cũng đã trải nghiệm từ lâu. Eduardo Portela, nhà triết học Brazin, đã chỉ ra rằng việc bắt văn hoá phải lệ thuộc vào những tiêu chuẩn của thị trường, vào những bất trắc của cung và cầu, vào những cạm bẫy của tính thực dụng và tính khẩn trương có nghĩa là cắt đứt nguồn dưỡng khí của văn hoá, thay thế tính sáng tạo bằng những stress của thị trường. Đúng vậy. Khi không còn tính sáng tạo bắt nguồn trong vô thức cộng đồng, văn hoá dân tộc bị tiêu diệt, trở thành bản sao của các nền văn hoá mạnh.
Tuy nhiên, chính ở thế thượng phong này, ý đồ toàn trị của văn minh phương Tây lại vấp phải những nghịch lý của mối quan hệ phát triển và văn hoá.
Nghịch lý đầu tiên tính hiện đại tuy có cội nguồn là văn hoá phương Tây nhưng hiện đại hoá lại không đồng nhất với phương Tây hoá. Jean Beachler, nhà xã hội học lịch sử Pháp định nghĩa tính hiện đại là môn số học về hiện thực chứ không phải là một lối suy nghĩ về hiện thực [1]. Nghĩa là, mọi dân tộc có cách suy nghĩ về hiện thực khác nhau đều có thể sử dụng tính hiện đại giống như sử dụng các công thức toán học phổ quát. Cái hay của tính hiện đại là khi nó được phương Tây sáng tạo ra thì nó trở thành phổ biến, không cần phải kèm theo cái giá đỡ văn hoá phương Tây. Khi ta sử dụng công thức toán học của Pitago không có nghĩa là ta phải suy nghĩ về hiện thực giống y như cách nghĩ của nhà bác học. Sự mai một bản sắc của Châu Âu trong quá trình toàn cầu hoá, sự trưởng thành vượt bậc của Nhật Bản, Singapor với những truyền thống văn hoá được bảo vệ nghiêm ngặt là những bằng chứng xác nhận rằng hiện đại hoá không đồng nhất với phương Tây hoá.
Nghịch lý thứ hai tế  nhị hơn là, thành công của chiến lược áp đặt văn hoá từ từ theo con đường công nghệ đồng thời cũng dẫn đến một triển vọng thất bại của nền văn hoá mạnh hơn đang mưu toan áp đặt. Toynbee là người suy tư nhiều về nghịch lý này. Ông đã dẫn ra lịch sử văn minh Hy Lạp và La mã để thấy rõ các đế quốc này  đã từng áp đặt được sự thống trị toàn diện trên các dân tộc dã man, nhưng sau đó, chính các dân tộc bị thống trị này đã được khai hoá và vươn lên một trình độ có thể tự mình giành lại độc lập chính trị và văn hoá, trở nên những cường quốc hùng mạnh như  đế quốc Rôm, Vương quốc Ai cập, Siria và Makedon mà đứng trước các cường quốc này Hy Lạp cũng trở nên rất thấp bé.
Pha tạp văn hoá và đối thoại về văn hoá
O.Spengler, nhà triết học văn hoá hịện đại người Ðức đã đưa ra một quan niêm về văn hoá luôn luôn thu hút sự chú ý của các nhà tư tưởng suốt thế kỷ hai mươi. Theo ông, mỗi nền văn hoá lớn đều vốn có một “ngôn ngữ cảm nhận thế giới bí hiểm” mà chỉ có tâm hồn nào thuộc về nền văn hoá đó mới hiểu biết nổi, những nhà tư tưởng lỗi lạc của các nền văn hoá khác nhau là những người mắc bệnh mù màu, không thấy được nhược điểm của mình mà cứ giễu cợt những sai lầm của nhau.
Từ đó, một vấn đề lớn khá nan giải gây nhiều tranh cãi là: Có hay không một khả năng đối thoại, cảm thông giữa các nền văn hoá? Trước thách đố nan giải đó đã xuất hiện những khuynh hướng ứng xử khác nhau.
Khuynh hướng tiêu biểu nhất là kiên trì đối thoại để ngày càng cảm thông và hỉểu biết. D.T.Suzzuki (Nhật) đã khá thành công trong vai trò phiên dịch qua ngôn ngữ duy lý cho người phương Tây hỉểu tầm cao và chiều sâu của văn hoá phương Ðông. Bộ Thiền luận của ông là một tác phẩm sâu sắc, công phu, giúp cho nhiều độc giả Âu Mỹ chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí của Thiền qua tấm gương logic. Người ta cho rằng ông đã dùng phương Tây để “đánh gục” phương Tây.
Khuynh hướng thứ hai là tìm kiếm sự nhất trí trong hành động. Trong cuốn Nghịch lý toàn cầu - một cuốn sách best seller đã xuất bản hơn 80 triệu bản trên thế giới và đã được đánh giá như một cuốn sách “vĩ đại”, John Nasibitt, nhà tương lai học người Mỹ đã viết: “chúng ta càng trở nên quốc tế  hoá thì chúng ta lại càng hành động mang  tính dân tộc hơn...Câu thần chú của thời đại mới “suy nghĩ mang tính toàn cầu, hành động mang tính địa phương” bây giờ sẽ ngược lại. Hiện nay: Nghĩ mang tính địa phương, hành động mang tính toàn cầu, nghĩ mang tính dân tộc, hành động mang tính cộng đồng.” [2]
Khuynh hướng thứ ba là chấp nhận pha tạp về văn hoá. Theo quan niệm của Ê-đu-a Gli-xăng, nhà văn và nhà triết học Pháp, khái niệm “quá trình pha tạp hóa” phù hợp hơn với hoàn cảnh của thế giới hiện nay. Ông cho rằng“Tính pha tạp” đã nâng sự đa ngôn ngữ và đa dân tộc thành giáo lý hoặc hình mẫu.“Chúng ta phải quen với ý nghĩ rằng chúng ta có thể sống trong thế giới mà không cần phải có tham vọng đoán biết hay cai quản nó. Chúng ta cũng phải làm quen với ý nghĩ rằng bản sắc của chúng ta sẽ thay đổi sâu sắc trong mối tiếp xúc với người khác mà không bị biến dạng hay suy yếu trong mối bòng bong của những quan hệ đa văn hóa” [3]
              Bản sắc xuyên quốc gia và sứ mệnh sáng tạo văn hoá mới
Cuộc cách mạng viễn thông là một động lực quan trọng hàng đầu thúc đẩy quá trình quốc tế hoá, nhưng nó có vai trò ra sao với bản sắc các dân tộc? Thomas de Gregory, một nhà kinh tế học xã hội nổi tiếng đã khẳng định rằng  thực tế phát triển của các  nước giàu đã chứng tỏ công nghệ mới sẽ mở ra những chân trời rộng lớn cho sự phát triển bản sắc văn hoá dân tộc. Nhiều học giả cũng khẳng định cuộc cách mạng trong lĩnh vực viễn thông cũng là  một điều kiện mới cho sự tăng trưởng của chủ nghĩa dân tộc, bởi vì nó lan truyền mọi thứ, do đó, mọi người có thể nhìn thấy cái gì đang xảy ra ở bất cứ đâu.
Từ những sự thoả hiệp giữa công nghệ mới với các khái niệm cơ bản của tâm lý học nhân văn và thần thoại, người ta đã đi đến những ý tưởng về một bản sắc xuyên quốc gia. Trong các cuộc hội thảo quốc tế trên chủ đề văn hoá trong phát triển và toàn cầu hoá, người ta  đã thảo luận về sự tồn tại của nền văn hoá pop xuyên quốc gia với tư cách là văn hoá chung của  Châu Á phát triển nhờ công nghệ mới và các liên hệ xã hội trong bối cảnh toàn cầu hoá. Thực tế cho thấy, nhờ toàn cầu hoá và cách mạng viễn thông mà các sản phẩm văn hoá của các dân tộc có cơ hội xâm nhập vào thế giới ở một quy mô lớn.
Nhật Bản đã có những ví dụ về việc đưa nhạc rock sang Âu Mỹ. Phim hoạt hình Doremon của họ  đã tạo nên một biểu tượng của Nhật bản hiện đại, mang bản sắc văn hoá dân tộc Nhật xâm nhập vào các xã hội khác. NhưngDoremon không phải là một bản sắc Nhật thuần tuý, mà còn mang trong nó sự hiểu biết và cảm thông văn hoá vìDoremon tỏ ra hiểu biết rõ những khác biệt của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng ở các nước khác nhau. Từ những thực tế đang phát triển đó, các học giả đặt giới trí thức trước nhiệm vụ vượt lên trên vị thế người quan sát để có thái độ của người sáng tạo văn hoá mới.
Tri thức luận hiện đại đã  đạt đến những thành tựu mới cho phép giác ngộ logic của sự cộng sinh và đối thoại. Lối nhìn qui giản chia cắt theo kiểu lưỡng cực địch/ta, trí thức/quyền lực, hiện đại/truyền thống, dân tộc/ngoại lai không còn phù hợp nữaVì những thành tựu mới mẻ mà những trí thức thiên tài đem đến cho nhân loại đều xuất hiện từ sự đối thoại và cộng sinh văn hoá ở đó không phải nguyên lý phê phán, mà nguyên lý tương đồng, tu chỉnh  là chủ đạo. Có thể nói, nhiều nhà cách tân phương Tây đã thành công nhờ biết lưu vong khỏi truyền thống của mình để khai thác kinh Dịch, Nho giáo, Phật giáo, nghệ thuật phương Ðông, nghệ thuật Phi...tìm ra các cách nghĩ mới, các quan niệm mới về thế giới cũng như các sản phẩm văn hoá, công nghệ mới.
Người trí thức hôm nay sống trong mê hồn trận của quyền lợi, giá trị và phẩm cách, khiến cho những lựa chọn của anh ta cực kỳ phức tạp, khó khăn. Vì thế, phẩm giá và bản lĩnh của người trí thức trong thời đại mới lại càng trở nên một vấn đề xã hội cực kỳ nan giải đòi hỏi được nhìn nhận, giải mã  và xử lý ở tầm văn hoá cao. Nhưng có thể khẳng định rằng, trách nhiệm lớn của người trí thức Việt Nam hôm nay phải là nỗ lực xây dựng văn hoá mới mang bản sắc dân tộc nhưng đáp ứng được nhu cầu văn hoá của lớp trẻ và có khả năng chia sẻ với các dân tộc khác./.
 

[1] Jean Beachler-Le Capitalism (Chủ nghĩa tư bản) Vol.2.Paris Galimard,1995, tr. 429. Dẫn theo tài liệu của Viện thông tin KHXH.
[2]Xem  John Naisbit - Nghịch lý toàn cầu, Tài liệu tham khảo của Viện nghiên cứu tài chính.
[3] Theo  Văn hoá thế giới và quá trình pha tạp hoá, dữ  liệu mạng  FPT, ngày 30-7-2001.

http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/van-hoa-trong-dong-chay-cua-cam-hung-ve-loi-nhuan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét