Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Số liệu ngành thống kê và du lịch có chính xác?

Số liệu ngành thống kê và du lịch có chính xác?
Trung Hiếu (TBKTSG Online) - Sự chênh lệch trong số liệu về lượng khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam mà các cơ quan quản lý nhà nước như Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thống kê, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh... đưa ra không chỉ làm dư luận thắc mắc mà nghiêm trọng hơn là gây khó khăn cho các cơ quan Nhà nước trong công tác đánh giá, hoạch định chính sách cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. 
Khách du lịch quốc tế tại Khách sạn Grand, TPHCM - Ảnh: Đào Loan
Ngày 30-12 vừa qua Tổng cục Du lịch đã họp báo công bố kết quả công tác ngành năm 2014. Đáng chú ý là số liệu công bố về lượng khách du lịch đến Việt Nam năm 2014, theo đó “năm 2014 ngành du lịch Việt Nam đã đón được 7,87 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 4% so với 2013, phục vụ 38,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 10% so với 2013, tổng thu từ khách du lịch đạt 230 ngàn tỉ đồng, tăng 15% so với 2013”.

Có lẽ số liệu này là cơ sở cung cấp cho ngành thống kê, nên số liệu của Tổng cục Thống kê trong thông cáo báo chí về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 (phát hành ngày 27-12 trên website của Tổng cục Thống kê) cũng công bố “số liệu về khách quốc tế đến VN năm 2014 ước đạt 7,8743 triệu lượt khách, tăng 4% so với năm 2013, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,6% của năm 2013 do ảnh hưởng của tình hình biển Đông; khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 4,7625 triệu lượt người, tăng 2,6%, đến vì công việc là 1,3219 triệu lượt người, tăng 4,3%, thăm thân nhân đạt 1,3471 nghìn lượt người, tăng 6,9%”.

Điều tôi thấy thắc mắc là không biết Tổng cục Du lịch tính toán số liệu khách du lịch này từ cơ sở nào, với phương pháp tính nào, thời điểm thống kê trong năm tính từ khi nào và thời điểm nào được coi là kết thúc của năm thống kê?

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (cơ quan duy nhất giúp Bộ Công an thống nhất thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh) cho thấy năm 2014 (tính từ 1/11/2013 đến 31/10/2014) chỉ có 6,971 triệu lượt người nước ngoài, người Việt định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, tăng 5,7% so với năm 2013. Trong số này, nhập cảnh qua đường hàng không là 5,544 triệu lượt người, nhập cảnh qua đường bộ là 1,403 triệu lượt, qua đường sắt và đường biển là gần 24 ngàn lượt người.

Đây là số liệu thống nhất được cung cấp bởi cả Bộ Quốc phòng (quản lý các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển) và là con số chính xác tuyệt đối đến số lẻ vài người, thông qua các phương kiện kiểm soát, thống kê bằng máy móc hiện đại, chính xác.

Nếu thời điểm tính toán thống kê của Tổng cục Du lịch có thể khác số liệu của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh thì cũng chỉ trong một năm, không thể tạo ra sự chênh nhau được do tính gối đầu của dòng khách trong các tháng với nhau, nhìn chung có sự đồng đều trong các tháng.

Sự vênh nhau này đã cho thấy mấy vấn đề:

Thứ nhất, số liệu ngành du lịch tổng hợp cho thấy toàn bộ 7,87 triệu lượt là khách du lịch, trong khi tổng lượng khách đến Việt Nam năm 2014 chỉ cho con số 6,971 triệu lượt khách gồm cả các mục đích khác nhau (ngoại giao, thương mại, du lịch, thăm thân, lao động…). Như thế, nếu theo cách tính của ngành du lịch thì tổng lượt người đến Việt Nam năm 2014 sẽ không chỉ dừng ở con số 7,87 triệu (?!).

Việc phân loại mục đích đến Việt Nam của người nước ngoài mà Tổng cục Thống kê đưa ra nêu trên có độ chính xác đến mức nào? Theo nguồn thông tin nào? Trong khi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (là cơ quan duy nhất có thể quản lý chặt chẽ mục đích nhập cảnh theo chức năng được giao) có chỉ số phân loại mục đích nhập cảnh không như các yếu tố trên, con số cũng cho kết quả khác, chẳng hạn như du lịch chỉ có 2,8 triệu lượt người, việc riêng 0,525 triệu lượt... (không có mục đích thăm thân như Tổng cục Thống kê)...

Thứ hai, việc thống kê số liệu cho thấy các cơ quan có sự khác biệt nhau, nhất là khác nhau về thời gian thống kê số liệu và căn cứ thống kê sẽ cho những kết quả không đồng nhất, sẽ gây khó khăn cho các cơ quan Nhà nước trong công tác đánh giá, hoạch định chính sách cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, gây những thắc mắc trong dư luận.

Điển hình gần đây nhất là chuyện thống kê lượng khách qua sân bay Tân Sơn Nhất của Cục Thống kê TP.HCM công bố được nhiều cơ quan, cá nhân sử dụng khi bàn về dự án sân bay Long Thành đã gây ra những ý kiến trái chiều về tính chính xác của số liệu này.

Đọc thêm:
Số liệu hành khách sân bay Tân Sơn Nhất: Ai đúng?

http://www.thesaigontimes.vn/125630/So-lieu-nganh-thong-ke-va-du-lich-co-chinh-xac.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét