Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Nhật cần LĐ chân tay, VN khó xuất khẩu GS.TS

Nhật cần lao động chân tay, VN khó xuất khẩu GS.TS
Nhật đang thiếu khoảng 150.000 lao động xây dựng để phục vụ sự kiện Olympic mùa hè 2020. Trao đổi với báo chí, ông Toshiyuki Iwasaki, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nohara - Nhật Bản khẳng định về mối quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây giữa hai nước. Xuất khẩu giáo sư, tiến sĩ: 'Cứ xuất cho đỡ phí !'

Nhật Bản vẫn cần nhiều lao động VN
Bên cạnh đó, ông cho hay: "Hiện vẫn đang có nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản có xu hướng tuyển lao động Việt Nam để thay thế lao động các nước khác. Bên cạnh đó, Nhật đang thiếu khoảng 150.000 lao động xây dựng để phục vụ sự kiện Olympic mùa hè 2020. Việt Nam hoàn toàn có thể tăng số lượng lao động sang Nhật trong năm nay".

Hơn nữa, tập đoàn xây dựng lớn của Nhật Bản Nohara đã hợp tác với Công ty CP Xây lắp Công nghiệp và Thương mại Hà Tĩnh (Haindeco) để tuyển khoảng 1.000 lao động xây dựng. Hiện nay, đã bước đầu mở được vài khóa đào tạo thực tập sinh lĩnh vực trang trí nội thất ở TP.HCM.

Giải thích về lý do Nhật cần nhiều lao động nước ngoài trong năm 2014, ông Toshiyuki Iwasaki phân tích, đó là do chính phủ Nhật Bản đang tập trung toàn lực cho việc triển khai các công trình thể thao trọng điểm để kịp tiến độ tổ chức Olympic mùa hè 2020. Do nguồn nhân công trong nước quá thiếu hụt nên buộc các nhà thầu, DN cần đến một số lượng lớn lao động nước ngoài. Nhật đặc biệt quan tâm đến lao động Việt Nam.

Cụ thể, việc tuyển nhiều lao động nước ngoài là để phục vụ cho việc thi công các công trình phục vụ Olympic mùa hè. Khi kết thúc công trình này, để phục vụ cho công cuộc tái kiến thiết đất nước, người lao động (NLĐ) tiếp tục được bố trí ở những công trình khác, không lo thiếu việc làm.

Nhận xét về lao động VN, ông Toshiyuki Iwasaki cho hay: "NLĐ Việt Nam cần cù, chịu khó, sáng tạo. Trở ngại lớn nhất của họ là khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật. Trong khuôn khổ hợp tác giữa chúng tôi với Haindeco, việc học tiếng Nhật, học giao tiếp, ứng xử, văn hóa Nhật Bản rất được chú trọng".

Để thấy, Nhật vẫn đang rất cần nguồn nhân lực từ nước ngoài, đặc biệt là VN, nhưng chủ yếu là lao động chân tay.

Trong khi đó, theo một số liệu thống kê năm 2013 – 2014, cả nước có khoảng 9.000 giáo sư và 24.300 tiến sĩ. Bởi số giáo sư, tiến sĩ Việt Nam "nhiều nhất Đông Nam Á" như chia sẻ của Phó Tổng thư ký liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Phạm Bích San nên có nhiều ý kiến đề xuất rằng nên "xuất khẩu" một phần đội ngũ này ra nước ngoài học tập và làm việc.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cũng cho rằng: "Ở Việt Nam cứ nói rất hay, rồng bay phượng múa về chính sách sử dụng nguồn nhân lực nhưng làm lại rất dở vì nó không hề cụ thể, cứ nói nguyên tắc, nguyên lý thế thôi".

Nên theo ông Nam, nếu xuất khẩu được GS, TS thì cứ xuất, ai có khả năng chuyên môn mà nước ngoài sử dụng được thì nên tạo điều kiện cho họ đi. Đi làm cũng là đi học, để họ ra nước ngoài là giúp họ phát huy năng lực, tạo ra thu nhập tốt hơn, từ đó có tác động trở lại đối với các cơ quan quản lý trong nước, để cơ quan quản lý thấy rằng họ cầm vàng trong tay mà không biết là vàng, từ đó phải thay đổi chính sách.

Đồng quan điểm với ông Nam, PGS. TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính Học viện Hành chính quốc gia cũng cho rằng, di chuyển nhân lực là một xu thế tất yếu trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.

"Bởi thế, để các GS, TS Việt Nam tham gia vào môi trường làm việc quốc tế là điều cần thiết, tất nhiên cách làm cụ thể thế nào cần phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Nó cũng là điều kiện để nâng cao trình độ cán bộ khoa học Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới", ông Tri nói.

Thế nhưng, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp VN (VCCI) lại chỉ ra thực trạng, VN thừa giáo sư, tiến sĩ chỉ là một cách nói, còn xét trên lĩnh vực khoa học công nghệ so với yêu cầu của nền kinh tế tỉ lệ người làm khoa học thực sự không phải là nhiều.

Việc này, cũng được ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nhận định: "Không phải mình cứ có là xuất, mà quan trọng là nhu cầu nước nhập khẩu như thế nào, cần bao nhiêu, VN có đáp ứng được không.

Ví dụ họ cần ngành B mình lại thừa ngành A. Hơn nữa, chất lượng giáo sư, tiến sĩ hiện nay không phải đào tạo 10 người là 10 người đều tốt, đều giỏi. Khi ra nước ngoài giáo sư, tiến sĩ sẽ phải hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bằng năng lực thực sự".

Thái Linh (Tổng hợp)
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nhat-can-lao-dong-chan-tay-vn-kho-xuat-khau-gsts-3227037/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét