Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

“Lợi ích nhóm” và sự vô cảm của những kẻ thực thi

Chính sách đất đai bất cập hay là vấn đề “lợi ích nhóm” và sự vô cảm của những kẻ thực thi
Những bất cập liên quan quan đến chính sách đất đai hiện nay trên bình diện vi mô lẫn vĩ mô đã được bàn nhiều. Đã có những kiến nghị điều chỉnh, sửa chữa những bất cập ấy cho phù hợp với tình hình thực tế từ các chuyên gia trong lĩnh vực này lẫn những người trong cuộc (những người trong bộ máy công quyền trực tiếp thực thi). 
Nói cách khác, hiện nay hầu như mọi người đều thừa nhận một cách nôm na rằng “luật đất đai không theo kịp tình hình thực tế”. Điều ấy cũng có nghĩa là, dù muốn dù không những người thực thi chính sách đất đai hiện nay buộc lòng phải căn cứ vào những văn bản luật hiện hành để giải quyết những vấn đề có liên quan. Đây là lẽ đương nhiên. 
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những người đang thực thi hiện nay có thật sự tuân thủ luật hay không? 
Ngoài ra, trong hoàn cảnh mà ai cũng biết “luật đang không theo kịp thực tế” thì trước những vấn đề nảy sinh, “những người có trách nhiệm” đã làm gì để đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân một cách thấu tình đạt lý nhất? 
Và từ góc nhìn tất cả phải đặt lợi ích của dân lên hàng đầu, phải “vì dân mà phục vụ” thì những người đang trực tiếp thực thi chính sách đất đai hiện nay có thật sự là những “công bộc” của dân hay chưa?

Những tiếng súng của Đoàn Văn Vươn hay Đặng Ngọc Viết... liên tiếp nổ ra gần đây cùng hàng ngàn đơn khiếu kiện vượt cấp của nhân dân trên cả nước hiện nay cho chúng ta thấy điều gì?

1. Từ chuyện “lợi ích nhóm”....
Bàn về những vấn đề bất cập của chính sách đất đai hiện nay không ít đại biểu Quốc hội đã phát biểu trên báo giới thời gian qua rằng, chính sách đất đai hiện tại vô tình tạo ra kẽ hỡ cho tham nhũng; là “môi trường thuận lợi” để các “nhóm lợi ích” “đi đêm” với nhau để chèn ép người dân thấp cổ bé miệng. Biểu hiện rõ nhất của vấn đề này là ở các dự án thu hồi đất mà chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư không sử dụng ngân sách Nhà nước nhằm xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, khu thương mại... với danh nghĩa phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Nhà đầu tư trong trường hợp này với đầu óc của một “con buôn” họ sẽ tìm mọi cách để có được dự án từ đó kinh doanh kiếm lời. Và một trong cách làm để kiếm lời nhiều nhất là làm sao giảm thiểu tối đa chi phí giá thành đầu tư của dự án. 

Trong đó đặc biệt nhất là vấn đề làm sao bồi thường, hỗ trợ cho người dân có đất bị thu hồi càng thấp càng tốt. Lúc này, mọi “công cụ” để thực hiện họ đều dựa vào chính quyền địa phương – nơi tiến hành dự án thu hồi đất của dân. Không cần nói ra thì mọi người cũng biết, có “một bộ phận không nhỏ” lãnh đạo địa phương tha hóa, biến chất đã không ngần ngại tiếp tay với họ nhằm ép người dân bằng chính sách hỗ trợ bồi thường mà họ biết rất rõ là đã “lạc hậu so với tình hình thực tế”. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu gây nên những bất đồng về giá cả đền bù hỗ trợ giữa người dân và chính quyền địa phương dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Trong nhiều trường hợp người dân chỉ biết cắn răng kêu trời vì bị “cướp đất một cách có tổ chức”.

Một biểu hiện khác liên quan đến vấn đề “lợi ích nhóm” hiện nay đó là sự thiên vị trong vấn đề hỗ trợ bồi thường dành cho các “anh Hai, anh Ba” – vốn là “lãnh đạo cấp cao” ở địa phương. Tuy đất của “anh Hai, anh Ba” cùng loại với đất của bao người dân khác nhưng lại được ưu ái đền bù với “giá khủng” ngược lại người dân bị đền bù với “giá bèo”; anh Hai, anh Ba được bố trí chỗ tái định cư ở vị trí đắc địa, còn người dân thì phải bốc thăm theo kiểu “hên, xui”...

Cũng có trường hợp ưu ái cho “anh Hai, anh Ba” bằng cách quy hoạch sao cho đất nhà của “anh Hai, anh Ba” từ trong hẻm trở thành mặt tiền; hoặc không thì điều chỉnh dự án, hay “nắn đường” thẳng thành đường vòng sao cho đâm vô nhà của người dân nào đó mà “né” nhà của “anh Hai, anh Ba” đi...

Rõ ràng trong những trường hợp như thế này, vì lợi ích riêng tư, nên giờ đây mọi ý kiến, đơn thư, kiến nghị của người dân liên quan đến chính sách đất đai phần nhiều đều không được những người “có trách nhiệm” lắng nghe hay xem xét giải quyết tường tận, thấu đáu. Đa phần người dân đi khiếu kiện trong trường hợp dự án bị các “nhóm lợi ích” chi phối thường họ sẽ hận được câu trả lời là sự im lặng đến khó hiểu của chính quyền địa phương hoặc không là những quyết định với nội dung “bác đơn” của đương sự với lý do “không có cơ sở để giải quyết”. Bất bình vì quyền lợi chính đáng của mình bị xâm phạm nhưng không ai cứu xét, không ít người dân đã phẫn nộ và trong nhất thời họ đã có những hành động phản kháng tiêu cực âu cũng là một lẽ tất yếu.

2. Đến sự vô cảm...

Có thể nói, hạt sạn lớn nhất trong vấn đề khiếu kiện liên quan đến chính sách đất đai hiện nay gây nên những bất bình và phẫn uất trong nhân dân chủ yếu xoay quanh cơ chế thu hồi và bồi thường hỗ trợ cho người dân do chính quyền địa phương thực hiện mỗi khi có dự án thu hồi đất. Tuy thế, hiện nay khi người dân khiếu kiện về giá cả bồi thường quá thấp và không thỏa đáng thì những người thực thi luôn miệng khẳng định họ đã làm đúng luật và đúng quy trình. Thực tế có đúng như vậy không? Nếu đúng như thế thì tại sao trong thực tế người dân càng ngày càng bức xúc, bất bình nhiều hơn dẫn đến khiếu kiện vượt cấp hay thậm chí là “tự giải quyết” như trường hợp Đoàn Văn Vươn trước đây hay Đặng Ngọc Viết vừa rồi?
Nếu căn cứ vào tinh thần chung của luật đất đai hiện hành thì rõ ràng phần nhiều chính quyền địa phương đang thực thi chính sách về đất đai đã làm không đúng. Bởi lẽ, trước hết tinh thần chung của luật đất đai liên quan đến chính sách hỗ trợ bồi thường thì dù có áp dụng theo cơ chế nào đi chăng nữa cũng phải đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ bồi thường cho người dân từ bằng hoặc hơn giá trị đất và tài sản trên đất để họ đủ điều kiện để tìm chỗ hoặc nơi sinh sống mới ổn định về sau. 

Từ đây chúng ta thử đặt vấn đề; người dân đang sống yên ổn, công việc làm ăn đang thuận lợi, mồ mả ông bà tổ tiên đang yên vị; “đùng một cái” chính quyền quy hoạch công trình, dự án nào đó (nhất là những công trình kêu gọi đầu tư với mục đích kinh doanh thương mại) chính quyền bắt người dân dọn đi chỗ khác để sống nhưng giá bồi thường mà họ đưa ra như ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội gần đây là“1 mét vuông đất không mua được 1 tô phở” thì thử hỏi có vô lý và bất công không; đền bù hỗ trợ cho người dân như thế thì bằng hoặc hơn ở chỗ nào? Như thế thì có khác gì người dân đang sinh sống yên ổn thì chính quyền đến kêu ra... gầm cầu mà ở đi; mồ mả tổ tiên ông bà thì (xin lỗi) hốt lên mang theo? 

Như thế kêu họ làm sao không phẫn uất, không bất bình? Rõ ràng, vấn đề này xét trên cả hai phương diện luật pháp và đạo đức xã hội đều không thể chấp nhận được; ở chỗ này chỉ có thể nói đây là sự vô cảm thậm chí là tội ác của những người thực thi chính sách đất đai trước tình cảnh khốn khó của người dân khi phải tìm chỗ ở mới để an cư lạc nghiệp. Nếu là con người; là lãnh đạo có lương tri không ai làm thế với đồng loại mình, đồng bào mình, nhân dân mình nhất là chính họ chứ không ai khác đã từng cầm lá phiếu bầu chọn cho mình trước đó. Thử hỏi, anh làm chính sách kiểu gì mà khi có vấn đề nảy sinh thì lại đẩy tất cả những rủi ro về phía người dân để họ phải một mình gánh chịu? 

Luật do anh định ra, nhưng bản thân anh cũng nhìn thấy luật đã lạc hậu, không phù hợp với tình hình thực tế thì anh phải là người chịu trách nhiệm chính và trước tiên chứ không phải người dân. Trong trường hợp này, anh không thể máy móc và cứng nhắc bám vào những điều khoản đã lạc hậu (đang chờ cập nhật, sửa đổi, bổ sung) để nói rằng mình đã làm “đúng luật”, “đúng quy trình” mặc người dân có sống chết ra sao cũng không thèm quan tâm, không thèm đối hoài...

Đó là chưa nói, ở đây với tư cách là những người đứng đầu địa phương sau khi đã nhìn thấy những bất cập chính chính sách đất đai so với tình hình thực tế (luật chưa theo kịp thực tế) và trong khi chờ đợi một chính sách tốt hơn trong tương lai thì với chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của mình, anh hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý tham mưu và đề xuất phương án giải quyết tối ưu nhất nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân; một cách “thấu tình đạt lý” nhất. Có như thế thì lòng dân mới an và uy tín của người lãnh đạo, của chính quyền theo đó cũng được tăng thêm.

Đó là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất cho thấy phần nhiều khi triển khai thực hiện chính sách về đất đai, những người có trách nhiệm ít khi nào tuân thủ đúng luật. Sở dĩ có chuyện này là vì thứ nhất, (như đã nói ở phần đầu) vấn đề “lợi ích nhóm”; thứ nữa, trong nhiều trường hợp lợi dụng sự nhẹ dạ của đại bộ phận dân chúng (nhất là nông dân và tầng lớp lao động phổ thông suốt ngày lo bươn chải kiếm sống) không hiểu và nắm rõ luật pháp (những quy định về trình tự thủ tục thu hồi, giao tiền, giao đất, quy định về thời hạn khiếu nại nếu không đồng tình....) nên chủ quan đến khi mọi chuyện đã rồi thì chỉ biết ngậm đắng nuốt cay mà thôi.

Cho nên, vấn đề đặt ra ở đây là, tuy chính sách về đất đai nhìn chung đã lạc hậu so với thực tế nhưng có một vấn đề quan trọng không kém đó là những người đứng đầu địa phương đang trực tiếp thực thi chính sách đất đai hiện nay có thực lòng “vì dân mà phục vụ” hay không? Bởi hơn ai hết họ hiểu rất rõ các vấn đề có liên quan nhưng chuyện họ làm gì để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân lại là chuyện khác. 

Thật đáng tiếc là, nhìn lại các vụ án nổi cộm liên quan đến chính sách đất đai thời gian qua phải thừa nhận hiện nay không có lãnh đạo địa phương nào với chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của mình đứng ra bảo vệ những lợi ích chính đáng của người dân đang bị “đánh cắp” vì lý do “luật không theo kịp thực tế” cả. 

Phải chăng để làm được việc này thì bản thân những “công bộc” của dân phải được trang bị một tinh thần trách nhiệm cao nhất và đặc biệt là trang bị tính lương thiện, lòng nhân ái của con người? Nhưng một khi người lãnh đạo đã vô cảm, đã bị chi phối bởi nhóm lợi ích riêng tư; đã ra quyết định bồi thường cho dân“1 mét vuông đất không mua được 1 tô phở” thì nói làm gì nữa đến trách nhiệm, đến tính lương thiện, lòng nhân ái của con người; nói chi đến tính nhân văn của pháp luật?

Giá như, liên quan đến vấn đề này, ở mỗi địa phương đều có một Kim Ngọc thứ hai (trước những đòi hỏi của thực tế và nhất là trước tình cảnh khốn khó của người dân đã dũng cảm “xé rào” thực hiện “khoán chui” mà lịch sử và nhân dân cuối cùng đã ghi nhận, biết ơn) thì đâu đến nỗi người dân bất bình xông vào “cửa quan” nổ súng giết người rồi sau đó tự kết liễu bản thân?

***

Tóm lại, những bức xúc trong nhân dân liên quan đến chính sách đất đai; việc họ gửi đơn khiếu kiện vượt cấp hay thậm chí có những hành vi phản kháng tiêu cực như trường hợp anh Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình vừa rồi cần phải nghiêm túc nhìn nhận, lý giải một cách thấu đáo để trước mắt tìm giải pháp khắc phục; không để xảy ra những chuyện như thế nữa. 

Đặc biệt cần phải thấy rằng vấn đề “lợi ích nhóm” cùng thái độ vô cảm của những người trực tiếp thực thi chính sách đất đai hiện nay ở tất cả các địa phương trên cả nước là một trong những nguyên nhân chủ yếu đưa đến những phản kháng có khi rất tiêu cực trên của người dân. Cho dù trong tương lai nếu có xây đựng được một cơ chế chính sách liên quan đến đất đai tốt hơn hiện nay đi nữa nhưng nếu những kẻ thực thi chính sách ấy cứ ngày một tha hóa, biến chất... thì chắc chắn những tiếng súng Đặng Ngọc Viết sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Cho nên, lời khuyên ở đây là “những người có trách nhiệm cao nhất” của đất nước không nên có ý nghĩ rằng tiếng súng Đoàn Văn Vươn hay Đặng Ngọc Viết vừa qua chỉ là những trường hợp hiếm hoi, cá biệt. Mà hãy xem đó là những tiếng súng biểu hiện cho tâm lý phản kháng có tính điển hình, tất yếu của người dân hiện nay vì như người xưa nói“con giun xéo lắm cũng oằn” hay “tức nước vỡ bờ”... Ở góc độ nào đó nó rất phù hợp với cách phản ứng của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 mà nhà văn Nguyễn Công Hoan đã viết về nhân vật anh Pha trong tiểu thuyết Bước đường cùng hay nhà văn Nam Cao viết về nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên...

Ngoài ra, “những người có trách nhiệm” hãy thử đặt câu hỏi tại sao người dân phải bỏ công ăn việc làm, bán nhà, bán cửa để đeo đuổi một vụ kiện nào đó có khi lên đến hàng chục năm trời? Với công sức và tiền bạc bỏ ra trong suốt thời gian ấy họ hoàn toàn có thể đầu tư để làm một việc nào đó để có thể sống thoải mái nhưng họ vẫn quyết tâm đeo đuổi tới cùng là vì sao? Rất đơn giản vì họ tin vào sự công tâm, sự công bằng và nhân văn của pháp luật; họ tin một ngày nào đó công lý sẽ được thực thi bởi một người người lãnh đạo có lương tri nào đó (dù họ hiểu rằng lãnh đạo như vậy hiện nay không nhiều lắm) sẽ nhìn thấy và giải quyết cho họ.
Niềm tin ấy của họ là hoàn toàn chính đáng và cần được trân trọng, nuôi dưỡng. Những ai đang cố tình chà đạp lên niềm tin ấy là không xứng đáng làm người!

Cần Thơ, 14/9/2013
Nguyễn Trọng Bình
(viet-studies)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét