Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

ÁO ĐỤP RẬN ĐÀN

“Bây giờ nhiễu nhương quá. Cái thời áo đụp rận đàn ông ạ!”
ÁO ĐỤP RẬN ĐÀN
* MINH DIỆN
BVB - Theo báo Pháp Luật và trang mạng Vnconomy, 6 tháng đầu năm 2013, Thanh tra chính phủ đã thực hiện 4.724 cuộc thanh tra hành chính, 89.281cuộc thanh tra chuyên ngành, và 3.745 cuộc thanh tra do bộ, ngành và địa phương thực hiện, tại 283.183 đơn vị, cá nhân trên cả nước.
6 tháng = 180 ngày = 4.320 giờ, tính cả chủ nhật, ngày lễ. Từ đó suy ra, mỗi ngày có 543 đoàn thanh tra, kiểm tra và mỗi giờ thanh tra, kiểm tra được 65 đơn vị, cá nhân. Không biết Thanh tra chính phủ có phép Lão Tôn đi mây về gió và có những phép màu gì nữa mà tài tình thế? 

Cũng theo hai tờ báo trên, thanh tra trung ương đã phát hiện sai phạm 12.225 tỷ đồng, 452 hec-ta đất, thanh tra các địa phương phát hiện 1.447 tỷ, và thanh tra ngân hàng phát hiện 682 tỷ đồng , 562 lượng vàng và 50.000 đô la. Tổng số tiền, vàng ấy quy ra bằng 683 triệu đô la Mỹ.

                  Nếu so với GDP bình quân thu nhập của Việt Nam năm 2012 là 1.407,11  đô la thì số tiền sai phạm, nói trắng ra là tham nhũng  gấp  485.429 lần. Con số báo áo, thống kê ở nước ta về mọi phương diện vẫn là những màn múa rối với những kịch bản theo trường phái trừu tượng! 
                  Trong một bức thư đăng trên mạng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết : “Bạn có tin không, bình quân mỗi tháng người nông dân Hà Đông quê tôi chỉ có thu nhập 40.000 đồng”. Chao ôi, nếu vậy số tiền tham nhũng kia bằng thu nhập một tháng của hơn 34 triệu lần mức thu nhập ngưởi nông dân xứ lụa! Ấy là chưa kể 452 hec ta đất vàng, đất bạc!
               Tại cuộc họp  Uỷ ban tư pháp của Quốc hội ngày 7-9 mới đây, bà Lê Thị Nga nói : “Nạn tham  nhũng đang đe dọa  sự tồn vong của chế độ!”.  Cũng tâm trạng ấy, đại biểu  Lê Như Tiến (Quảng Ninh) nói cụ thể hơn: “Quốc nạn tham nhũng đục khoét ngân khố quốc gia, khuynh đảo chính sách , thao túng quyền lực , tha hóa con người,  làm mất niềm tin và suy kiệt nhựa sống xã hội!”. Đến bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, một người từng lạc quan cho rằng “Chủ nghĩa xã hội của chúng ta tự do dân chủ gấp vạn lần chủ nghĩa tư bản” mà cũng phải thốt lên: “ Ăn của dân không từ một thứ gỉ. Liều vác- xin con con của trẻ em cũng ăn. Ngay tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng còn biển thủ!”…
              Không phải bây giờ tham nhũng mới trầm trọng như vậy. Càng không phài đó là “Mặt trái của kinh tế thị trường”. Đã lâu trong lòng xã hội ta tiểm ẩm mối nguy cơ tham nhũng. Từ năm 1948 đã xuất hiện Trần Dụ Châu, nhưng do chiến tranh, kinh tế quá nghèo nàn lạc hậu, kỷ cương phép nước còn  nghiêm, nên nó chưa bùng phát.
                Sau giải phóng, đặc biệt từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước, tham nhũng đã được báo động là “Quốc nạn” . Vụ “sốt giá xi măng” 1995 và vụ  “Thủy cung Thăng Long” 1998 gây chấn động cả nước,và  phó thủ tướng Ngô Xuân Lộc đã bị miễn nhiệm (11-12-1999). Cứ tưởng biện pháp răn đe ấy làm các quan tham  chùn tay, nào ngờ họ vẫn “liều mình như chẳng có”. Tham  nhũng hối lộ tung tóe  từ trên  xuống, dưới lên,  từ trung ương đến địa phương .
             Đầu năm 2005, trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nói : “ Ngay ở xã tôi , làm cái cống cũng bị xơi mất hơn một nửa. Tôi về thì bà con bảo : Hai trăm triệu mà xơi trăm hai,còn có tám chục. Đấy, mới là công trình nhỏ thôi đấy!”
              Ngày 9-12-2005,  Luật phòng chống tham nhung ra đời , thể hiện quyết tâm  của Đảng , Nhà nước trên mặt trận nóng bỏng.  Người ta nói “Thượng phương bảo kiếm” đã được rút ra khỏi bao và vung lên trừng trị bọn “giặc nội xâm” cứu nguy dân tộc .
              Nhưng “Thượng phương bảo kiếm” ấy chỉ “trảm” được vài quan tham nhãi nhép , những kẻ mũ cao áo dài vẫn ung dung tự tại, và  tham nhũng vẫn  phát huy sức mạnh tiềm tàng của nó.  Vụ PMU 18  chưa kết thúc  thì vụ  đề án 112 xảy ra, rồi vụ tiền polyme  ở công ty Securency Úc, sau đó Vinashin, Vinalines chấn động cà thế giới. Biểu đồ tham nhũng  như  hình loa kèn,càng ngày càng phình to ra và nghiêm trọng hơn .
               Chủ tịch nước Trương Tấn Sang  đứng trước  cử chi thành phố Hồ Chí Minh than : “Trước đây chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều  sâu lắm, nghe mà thấy xấu hổ. Cả một bầy sâu ăn hết phần của dân!” Một người trầm tĩnh như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng “ hết sức sốt ruột”. Ông nói  : “ Tham nhũng tiêu cực nhìn vào đâu cũng có, sờ vào đâu cũng thấy !” và “ Một bộ phân không nhỏ cán bộ đảng viên trong đó có cán bộ lãnh đạo đã suy thoái biến chất,có nguy cơ làm ảnh đến sự tồn vong của chế độ!”
                 Ngày  16-6-2006,Thủ tướng Phan Văn Khải  ngậm ngùi  ngỏ lời xin lỗi nhân dân vì “tình trạng  tham nhũng nghiêm trọng” và xin từ nhiệm trước nhiệm kỳ một năm. Tân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên thay, hăng hái hứa : “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu không chống được tham những tôi xin từ chức ngay!”
                 Tại Hội nghị trung ương  lần thứ 5,  Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng  nhận xét : “Công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu”. Và  ngày 23-11-2012, với 94,9% số phiếu,  Quốc hội khóa XIII, đã biểu quyết thông qua “Luật sửa đổi bổ xung một  số điều  Luật phòng chống tham nhũng” và thành lập “Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng” do đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, thay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời Ban nội chính,   Ban kinh tế trung ương  được tái lập. Phen này Đảng quyết liệt ra tay thực hiện bằng được  mục tiêu : “ Ngăn chặn từng bước, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí , tạo bước chuyển biến rõ rệt, để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân, xây dựng Đảng , Nhà nước trong sạch vững mạnh; đội ngũ cán bộ công chức kỷ cương , liêm chính!”(Nghị quyết TW 4).
                Nhưng vẫn chưa thấy chuyển biến nào rõ rệt cà.Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế  TI (Transparency Iternational) năm 2012, điềm số cùa Việt Nam tăng nhẹ tử 2,9 thang 10 lên 31 thang 100,  nhưng vẫn bị tụt 11 bậc, không những so với quốc gia tiên tiến mà cả với các nước trong khu vực.
Nguyên nhân nào đã khiến việc chống tham nhũng của Việt Nam cam go như vậy?
               Có một công thức như sau: Tham nhũng (Conruption)=Độc quyền+Bưng bít thông tin (Discretion) - Trách nhiệm giải trình (Accounlabity). Độc quyền hay độc tài bao giờ cũng gắn chặt với bưng bít thông tin, và   thiếu minh bạch, đó là mảnh đất mầu mỡ đề tham nhũng sinh sôi phát triển. Phải chăng chúng ta đang sở hữu toàn dân mảnh đất đó?
                 Chủ tịch tổ chức minh bạch quốc tế Peter Eigen phát biểu  trên hẵng tin Routers : “ Tham những lảm giảm hiệu năng hoạt động của chính phủ Việt Nam, bên cạnh các vấn đề như thiếu giải trình,thiếu minh bạch và guồng máy hành chính cồng kềnh, các nhóm đặc quyền , đặc lợi , trong khi chính quyền đặt trọng tâm trong vấn đề an ninh!”
                 Thiếu minh bạch, thiếu giải trình, đặc quyền đặc lợi do đâu sinh ra? Cách đây hai năm, giáo sư Hoàng Tụy đã nói thẳng  là do cơ chế. Ông viết: “  Tham nhũng ở ta là căn bệnh của cơ chế, đã ngấm vào  máu rồi!”. Nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu  đồng ý như vậy và ông cộng thêm vào yếu tố con người. Ông nói “ Tệ nạn tham nhũng ở ta do  cơ chế và con người mà ra!”
                Cái cơ chế ấy như một tấm huân chương, mặt phải thêu dệt lộng lẫy nhưng mặt trái  nham nhở nhiều nút thắt!
                 Thử nhìn vào cơ chế tiền lương và cơ chế cán bộ , công chức xem có đúng là một nguyên nhân gây ra tham nhũng không? Marx viết : “ Tiền công không phải là  giá cả hay giá trị của lao động mà chỉ là hình thái cải trang của giá trị hay giá cả của lao động!” Trên cơ sở triết học đó, nhà nước ta đưa ra một khái niệm rất hay về  tiền lương : “ Đó là một trong những động lực kích thích mọi  người làm việc hăng say, tất cả  đều phụ thuộc vào năng lực , trình độ của người lao động!”
                 Lý thuyết như vậy, nhưng thực  tế  tiền lương ở ta không trả theo năng lực của người lao động, không kích thích mọi người làm việc hăng say, và cán bộ , công chức không được tuyển dụng theo trình độ và công việc của mỗi người.   Thực tế mức lương của  Việt Nam rất thấp, thấp hơn cả những  nước nghèo nhất thế giới hiện nay như Cộng hòa Haiti, Cộng hòa Guinea Xich Đạo, Cộng hòa dân chủ Côngo. Tháng 7 vừa qua nước ta mới nâng  mức lương cơ bản lên 1.150.000 đồng,  tương đương 54, 8 đô la  một tháng, trong khi mức lương cơ bản ở Congo 214 đô la.  
                  Nhưng  cán bộ, công chức Việt Nam hiện nay lại giàu sang, sung sướng hơn công chức  những nước  Thái Lan, Hàn Quốc, và ngay cả Singapore. 
                  Tôi đã tìm hiểu, Singapore lương khởi điểm công chức là 1.300 đô la và lương cấp thứ trưởng 40.000 đô la, nhưng hầu như không ai có biệt thự riêng, xe hơi ngoại sang trọng. Họ ở  chung cư, đi làm bằng xe buýt, ăn uống rất tiết kiệm. Ở Việt Nam,lương khởi điểm 54,8 đô la, lương cấp thứ trưởng 523,5 đô la , mà ông bà nảo cũng nhà cao cửa rộng, có ông bà không chỉ một mà  hai ba căn. Những bữa tiệc chừa mứa rượu ngọn và sơn hào hải vị thường xuyên bày ra trước mắt. Các  vị đầy tớ của dân ấy miệng  leo lẻo kêu  lương bèo,  mà bụng   kễnh ra, măt nung núc nhờn mỡ.
                 Thử hỏi tiền đâu ra?
    Một cô giáo vỡ lòng, lớp một, lương  bét nhất trong ngành giáo dục, một ngành  rên xiết vì nghèo vẫn phây phây vì ăn tiền chạy trường , chạy lớp trái tuyến, và tiền đóng góp của phụ huynh vào cái gọi là “phí tự nguyện”. Một nhân viên bán chuyên làm trật tự đô thị ở phường, chỉ được hưởng trợ cấp 1/2 định suất , khoảng 600.000 đồng một tháng, mà sáng cà phê chiều nhậu, tiền bạc rủng rỉnh vì bóp hầu bóp cổ những người buôn bán nhỏ hè phố . Một thượng sỹ cảnh sát giao thông mỗi tháng  kiếm được  vài  chục triệu tiền mãi lộ... Cán bộ , đảng viên  chức vụ càng to, càng lắm quyền,  càng giàu. Giàu nhờ tham nhũng, hối lộ, đục khoét dân.  Tổ chức minh bạch quốc tế đã tiến hành cuộc điều tra độc lập, hỏi 100 người Việt Nam thì 30 dân người  trả lời phải hối lộ các cấp chính quyền, hỏi 100 doanh nghiệp thì  75  doanh nghiệp trả lời phải bôi trơn cho quan chức. Đó là con số khiêm tốn, thực tế lớn hơn nhiều. Một tờ báo Nhật Bản đã đăng : “ Không hiểu toàn  bộ guồng máy chính quyền Việt Nam sẽ hoạt động thế nào nếu không được bôi trơn bằng hối lộ!”
            Lương ít bổng nhiều, và cơ chế xin cho trong   tuyển chọn , sắp xếp cán bộ , công chức làm cho  nạn mua bán chức quyền phát triển.  Mỗi lần cơ cấu, sắp xếp nhân sự, tuyển công chức là một lần “ Thềm dưới nháo nhào mua bán chức, Ghế  trên  vênh váo mặt quan tham!” Ông Trần Hữu Dực, Chủ nhiêm ủy ban kiểm tra thành ủy Hà Nội, nói giữa cuộc họp Hội đồng nhân dân thành phố : “ Tôi xin mách với các đồng chí lãnh đạo quận huyện, là Trưởng phòng nội vụ quận huyện đang là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và nhận tiền của các thí sinh để được đỗ công chức và số tiền không dưới 100 triệu!”(Nguồn báo Tiền Phong)
                 Một  chức nhân viên quèn  cấp quận, huyện  đã có  giá 100 triệu, thử hỏi các cấp cao hơn là bao nhiêu?  Quan chức đã trở thành một thứ hàng hóa mang tính đặc thù.  Một gã bán đồ bành có thể mua được cái ghế chính khách! Vì mua bán nên không chọn được người tài đức.  Quan chức bán mua nên đâu có toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân.  Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận hiện trạng  30% quan chức làm việc trễ nải,  và 30 % quan chức “sáng cắp ô đi tối cắp về”. Cần phải nói thêm là, họ không  chỉ  “ sáng cắp ô đi, tối cắp về” mà   bày mưu gian , kế ác vơ vét tiền của, phá nước, hại dân.
                  Phạm Thanh Bình, Phạm Chí Dũng  trổ mánh mua   xà lan quá đát của Italia  về biến thành “tàu du lịch  khách sạn 5 sao”, mua  ụ tàu thanh lý sắt vụn cùa Nga về biến thành ụ tàu hiện đại, mua hàng chục con tàu viễn dương già nua về mông má thành tàu mới, và  vung tay quá trán đầu tư chứng khoán, bất động sản  để tham nhũng, dẫn đến hậu quả  phá nát Vinashin, Vinalines.  
                 Trần Xuân Giá dâng “ bảo bối” cho Nguyễn  Đức Kiên  và nhóm lợi ích tài chính lũng đoạn ngân hàng, tham nhũng gần ngàn tỷ.  Đặng Hùng Võ ký bừa cho tập đoàn  Ecopark chiếm đất Văn Giang gây rối loạn kỷ cương. Giám đốc bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Nguyễn Trí Liêm nghĩ ra cách nhân bản xét nghiêm máu để tham ô tiền bảo hiểm y tế. Và  mới đây , Lê Thanh Sơn, Trần Thiện Hà , Trần Trọng Huệ... có sáng kiến ký hợp đồng mùa vụ, thay hợp đồng thường xuyên ăn hớt tiền của hàng trăm người lao động để lĩnh lương khủng  hàng tỷ đồng một năm.
                Cái cơ chế lương bổng và cán bộ công chức còn sinh ra nhiều tiêu cực khác không kể hết, đặc biệt là nạn hối lộ.  Ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra chính phủ nói: “ Có lần họ đã mang đến chỗ tôi cả trăm ngàn đô la!” Trước đó nguyên tổng bí thư Lê Khà Phiêu trả lời báo Tuổi Trẻ :
              “ -Tôi nói thật, có chuyện họ đến biếu tiền, năm ngàn mười ngàn chứ không ít.
               - Năm, mười ngàn đô?
                -Đô chứ. Lúc tôi làm thường trực Bộ chính trị đã có rồi, lúc làm tổng bí thư cũng có!” (Nguổn báo Tuổi Trẻ)
                Tham nhũng, hối lộ, lãng phí tràn lan, nhưng phát hiện khó, xử không nghiêm vì thiếu minh bạch, công khai, và  cơ chế bảo vệ cán bộ , đảng viên. Báo chí là công cụ hữu hiệu  để công khai hóa, minh bạch hóa  bị trói buộc bằng những quy chế  bảo mật, phát ngôn. Đơn  thư tố cáo, khiếu kiện của dân không giải quyết đến nơi đến chốn mà trả về cho đối tượng bị tố cáo, khiều khiện.  Mạng thông tin Internet bị coi là bịa đặt thông tin, là thế lực thù địch lợi dụng  chống phá chế độ. Quan tham ẩn mình trong tháp ngà , được bao bọc , canh gác tử xa.  Tham nhũng, hối lộ đã đến mức báo động đỏ, “ một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đó nhiều người ở vị trí  lãnh đạo đã thoái hóa biến chất có nguy cơ đến sự tồn vong của chế độ ”,  mà năm 2010 chỉ có 19 cán bộ đảng viên bị xử lý hình sự, năm 2011 không có ai, năm 2012 có 9 người ( Nguồn Báo Pháp luật). Sáu tháng đầu năm nay, như bào cáo sơ kết của Thanh tra nhà nước, 283.183 đơn vị cá nhân vi phạm, số tiền lên tới 683 triệu đô la, 452 hec ta đất,  mà chỉ chuyển sang cơ quan công an điều tra 56 vụ gồm 43 đối tượng.
                Điều tra là một chuyện, đưa ra xét xử lại là chuyện khác. Ông Phan Trung Lý , Uỷ viên thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm ủy ban pháp luật cùa quốc hội nhận xét: “ Án an ninh trong quá trình điều tra phát hiện ra tội phạm,  án kinh tế,  tham nhũng lúc đầu rầm rộ, càng điều tra càng teo lại!”
                Điều 25 Bộ luật hình sự miễn truy cứu trách nhiệm  hình sự nếu  đối tượng là cán  bộ tham nhũng, nhận hối lộ  thành phẩn khai  báo và nộp lại tiền tham những hối lộ.  Điều 47 Bộ luật hình sự  lại cho quyết định hình phạt dưới khung  nếu có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ. Cán bộ đảng viên nào mà không có ba, bốn tình tiết giảm nhẹ , vì nhân thân ai cũng  tốt,  huân chương đầy ngực.  Cơ chế bảo vệ nội bộ như thế,lại có tư tưởng chỉ đạo  “ trong tình thương yêu đồng chí, lấy giáo dục răn đe làm chính” thì  dẫu có kiện toàn  bộ máy chống tham nhũng tới đâu, hô hào  cỡ nào cũng khó đẩy lụi được tham nhũng.
               Ông Lê Truyền , nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói: “ Lâu nay phát hiện ra tham nhũng chủ yếu là từ dư luận báo chí, chứ chính bản thân đơn vị , tổ chức có người tham nhũng có phát hiện ra đâu. Người dân biết hết, nhưng phát hiện, tố cáo  mà không xử lý khiến họ xói mòn niền tin!”  Chẳng những không xử lý tham nhũng , mà người chống tham nhũng có khi còn mang vạ. Ông Nguyễn Văn Ch.,  một thiếu tá  cựu chiến binh, người từng nổi tiếng đấu tranh chống tham nhũng mấy năm trước, bị kết tội  gây mất đoàn kết nội bộ,  bị khai trừ khỏi đảng và bị bọn côn đổ đánh gẫy nguyên một hàm răng “cho mày câm miệng lại”, đau xót nói với tôi : “Bây giờ  nhiễu nhương quá. Cái thời  áo đụp rận đàn ông ạ!”.  Vừa qua chị Dương Thu Thủy phát hiện, tố cáo ông Trạm trưởng Nguyễn Đức Đạo tham nhũng, cũng bị de dọa và gây sức ép nên không nhận giải thường.
               Ở Hy Lạp thời cổ đại, người ta đã lấy 2/3 tài sản thu hồi được cùa quan tham  thưởng cho người phát hiện, tố cáo. Vị  quan chức tham nhũng bị tước quyền công dân, hủy bỏ sinh mạng chính trị và bị coi là kẻ ô nhục. Ở Byzanhum , thế kỷ 11, quan chức tham nhũng bị chọc mủ mắt và bị thiến. Ở La Ma bất kể quan chức to đến đâu nếu tham nhũng đều phạt treo cổ.Hiện tại nước Mỹ, Anh, Pháp vẫn giữ hình phạt rất nghiêm khác với quan chức tham nhũng,còn ở ta lại có vẻ nương nhẹ. Ở nước ta thời phong kiến có nhiều triều đại cũng rất nghiêm trị tham nhũng, dù quan chức cỡ nào mà tham nhũng bị phát hiện phải cách chức, tịch thu và truy thu hết gia sản, không cho ở thành thị, quê gốc đâu cho về đó làm thứ dân. Riêng chịu nhục với xóm làng, nơi ai cũng biết ông từng vênh vang ghế này chức nọ, đã là hình phạt nặng nề, sống không bằng chết!
              Tổng bí thư Tập Cận Bình viết trên tờ “Nhân dân nhật báo” của Đảng cộng sản Trung Quốc: “Trong những năm gần đây, một số nước đối mặt với nhiều vấn đề âm ỷ khiến dư luận công chúng sôi sục, gây tình trạng bất ổn về dân sự khiến chính quyền sụp đổ. Trong tất cả những bất ổn này, tham nhũng là một nhân tố quan trọng... Tham nhũng mà tồi tệ hơn thì kết cục duy nhất là dấu chấm hết cho đảng và nhà nước!” .
              Giáo sư Hoàng Tụy viết: “Trong những năm gần đây, ai còn chút liêm sỉ đều coi tham nhũng là quốc nạn. Trong xã hội ta, mọi người đều lên án tham những , nhưng không phài ai cũng tuyên chiến quyết liệt với quốc nạn này!”.
             Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng các luật chống tham nhũng và các biện pháp đưa ra vẫn chỉ là phương pháp cổ điền mà ta đã sử dụng mấy chục năm trước, bây giờ chưa có gì mới.
         “Cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục” như TBT Nguyễn Phú Trọng coi là thực hiện NQTƯ 4 thành công, thực ra chỉ có hiệu quả khi mà đại đa số cán bộ công chức không cần, không muốn, không có điều kiẹn tham nhũng. Còn với hiện trạng bây giờ thì phài thay đồi cơ chế đề giống như Singapore, cán bộ công chức chằng những không muốn, khồng cần mà còn không dám, không thể tham nhũng.
             Cơ chế của ta hiện nay tạo quá nhiều thuận lợi cho tham nhũng lợi dụng, như chiếc áo chắp vá cho loài rận ẩn núp. Phải chăng đã đến lúc thực hiện cơ chế công khai, minh bạch hóa, như ông James Anderson, chuyên viên cao cấp của ngân hàng thế giới khuyến nghị: “Càng công khai minh bạch thì tham nhũng càng ít!” . Hóa ra, nhìn thẳng vào thực tế, các biện pháp và những nỗ lực thực thi xử lý tham nhũng chỉ chắp vá như 'áo đụp' còn cả bầy sâu vẫn nhung nhũc như 'rận đàn'. 
     M D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét