Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

(5) Việt kiều về thăm quê: Cuộc Sống Xã Hội

Nguyên Chân
Cuộc Sống Xã Hội
 
Hồi thời kỳ "chống Mỹ cứu nước", cứ "ra ngõ là gặp anh hùng", còn bây giờ đến quán cà phê, vô tiệm phở hay lúc đến thăm người quen, đều nghe người ta nói về những tỷ phú!
Hầu hết là chuyện nhà cửa đất đai, nào là giá một mét vuông đất từ một triệu vọt lên năm triệu, mà có người sở hữu đến dăm ngàn mét vuông; lại nghe ông kia mua một miếng đất năm bảy chục ngàn cách đây mấy năm, bây giờ nếu bán cũng được ít nhất hai ba tỷ!
Tôi đang ngồi ở quán cà phê, một anh cò đất xề tới gạ:
– Bên kia có miếng đất 3 ngàn mét, nếu anh trả chừng 500 ngàn một mét (một tỷ rưỡi) nó bán ngay, bảo đảm với anh, chỉ tháng sau là anh sẽ bán được 3 tỷ, nếu không dô mánh như vậy, thằng này xin làm con anh.


Trời ơi, nhìn cặp mắt láo liên của nó, tôi đã ngán rồi, nó lại còn xin làm con tôi nữa thì xin chạy mất dép.
Cứ chỉ nghe nói không thôi, thì tiền ở VN sao dễ kiếm quá.

Vậy mà hễ cứ “giúp vốn” cho đứa cháu nào, thì cứ y như rằng năm sau cụt vốn, nó nói “Làm ăn ở VN bây giờ khó lắm chú ơi ! Chú ở xa không biết …” 

Tôi quát lên:
- Làm ăn ở đâu không khó ? Chỉ có nằm ngửa ăn sẵn mới dễ thôi.

 


Hôm tôi lại nhà người thân, anh đã đặt cọc để mua một miếng đất 40 ngàn đô, thì có một anh bá vơ chạy xe tới đưa cho coi một bản đồ qui hoạch, mà trong đó chỉ rõ miếng đất kia đã bị qui hoạch làm công viên và nhà thể thao. Anh ta nói:
– Thấy anh tính mua thì thương mà báo cho biết vậy, mai mốt có mất đất thì đừng trách là thằng em không báo trước.

Trời ạ, bây giờ còn biết tin ai ? Lên hỏi Địa Chính thì họ cũng trả lời mờ ớ. Hay là thằng cò kia nói thế để mình nản, đi mua miếng đất của nó ở chỗ khác (?).

Bên cạnh những người nói chuyện tiền tỷ, thì lại có những cảnh lầm than quá sức.

Gia đình tôi có làm bữa tiệc đãi bà con họ hàng lối xóm nhân dịp chúc thọ mẹ tôi được 90 tuổi. Sau bữa tiệc, có một số lon bia bán ve chai. Tôi thấy con cháu gọi chị mua đồ nhôm vô, hai người nói gì đó rồi chị ta tất tả ra đi, và khoảng hai giờ sau trở lại. Chị nhờ tôi phụ đếm số lon bia đã uống hết, chứa trong mấy cái thùng giấy. 

Tôi hỏi:
– Chị tính đếm từng lon hay sao?
– Dạ, vì mỗi lon giá đến 200, nếu lộn thì lỗ.
Tôi nhìn đống lon bên trong chứa lẫn lộn tàn thuốc lá lẫn xương gà.
– Con cháu tôi nói với chị là bao nhiêu lon?
– Dạ cô nói là 24 két, mỗi két 24 lon, nhưng chắc không còn đủ vì có nhiều người uống rồi lấy luôn lon.
– Hồi nãy thấy chị vô rồi đi luôn, tưởng chị không mua.
– Dạ không có, tại không đủ tiền nên phải về vựa vay thêm.
– Vựa ở đâu? Vay như thế nào?
- Dạ cũng gần, cách đây 5 cây số, đi xe ôm có ba ngàn đồng hà, vay rồi chiều về bán lại, trả họ tiền lời.
– Sao hồi sáng chị không đem về bán cho họ rồi mai đem tiền vô trả?
– Dạ sợ cô nhỏ không chịu.

 


Tôi thấy chán đời cho cô quá, tính ra số tiền chưa tới trăm ngàn, nếu không ngồi đếm với cô thì có vẻ bất nhẫn, mà ngồi đếm đống lon hôi rình đó thì tôi chẳng hào hứng tí nào. Tôi nói:
– Thôi, khỏi đếm nữa, cô cứ đưa cho con nhỏ 20 ngàn thôi, thiếu bao nhiêu tôi bù.
Cô ngước lên nhìn tôi rồi ứa nước mắt nói nhỏ:
– Cám ơn anh.
Vừa lúc đó mẹ tôi bước ra hàng hiên vì có tiếng người đàn bà la chói lói ở phía trước bờ sông, rồi một người chạy như bay vô sân:
– Cứu mạng! Cứu mạng! Bà ngoại ơi, ngoại có thuốc gì cho đứa con của con mấy viên, không thôi nó chết.
Mẹ tôi hỏi:
– Con chị bị đau gì mà đến nỗi chết? Mà tôi đâu biết thuốc gì mà cho.
– Dạ, nó đang giựt đùng đùng dưới ghe kìa, hông có thuốc chắc nó chết.
Tôi xen vào:
– Ở nhà chỉ có thuốc cảm thôi chứ có thuốc gì mà cho, sao chị không đưa nó lại Trạm Y tế coi.
– Dạ thuốc cảm cũng được chú Hai, ở Trạm Y Tế họ đâu có cho cái gì đâu.
– Tôi chỉ có thuốc cảm người lớn thôi chứ không có thuốc con nít.
– Dạ chú Hai cho con đi, con dìa bẻ làm hai cho thằng nhỏ uống cũng được mà.


Tôi vô lục túi lấy chai thuốc Tylenol đưa cho chị nhưng vẫn ngần ngại nói: 
– Thuốc này là thuốc người lớn, tôi sợ con chị uống không hạp.
Chị ta sợ tôi đổi ý nên chụp vội chai thuốc trên tay tôi rồi nói: 
– Dạ không sao đâu, con cho nó uống mỗi lần nửa viên.

Những người thợ gặt mướn tạm trú bên bờ kinh, hay ngủ dưới ghe, họ ra ruộng từ khi còn tối trời, mang theo cả đứa con mới sanh chưa đầy tháng, thằng bé nằm chổng chân ngọ ngoạy trong cái thúng, phơi nắng cả ngày mặc dù có tấm mủ cao su che phất phơ trên đầu, chắc là đang tập làm Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ ngày xưa. Thỉnh thoảng nó khóc ré lên thì bà mẹ chép miệng:
– Chắc thằng nhỏ bị kiến lửa chích!

Cô em gái tôi kể một chuyện khó tin nhưng có thật: 
– Thằng bé mười ba tuổi vào nhà bà ngoại với chiếc giỏ đeo toòng teng trên ghi đông xe. Bà già hỏi:
– Mày có cái gì đem vô cho tao đó Tèo?
– Dạ không có gì cho ngoại hết, má con nói đem em con vô nhờ ngoại chôn giùm!
Thì ra má nó nghèo quá không có đất chôn con, nên mới bỏ đứa nhỏ vô cái bị cói, kêu nó đem vô nhờ bà ngoại chôn.

Nguyên Chân
http://baomai.blogspot.ch/2013/09/viet-kieu-ve-tham-que.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét