Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

(1) Ngày và đêm ở phố Tây: Những ngõ hẻm đầy Tây

Ngày và đêm ở phố Tây
Kỳ 1: Những ngõ hẻm đầy Tây
TT - Ở Sài Gòn từ lâu đã có một khu phố Tây. Và phố Tây nay đã lan vào tận các ngõ hẻm. Từ Đề Thám rẽ vào bất cứ con hẻm nào, loanh quanh lòng vòng thể nào cũng lại ra Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, thậm chí là Đỗ Quang Đẩu.
Hầu như tất cả hẻm ở phố Tây đều thông nhau, và luôn có bóng dáng các chàng trai cô gái mắt xanh tóc vàng vác balô vào ra liên tục.
Hẻm ở đây cũng ồn ào, xô bồ như bất cứ hẻm lao động nào ở Sài Gòn, có điều đặc sản tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp... trộn vào nhau “tả pín lù” thì không đâu có được.
Gõ cửa lúc 0 giờ
Bề ngang chưa đến 1,5m, dài khoảng 200m nhưng hẻm 104 Bùi Viện có hơn 20 nhà nghỉ guest house nằm sát nhau. Ban đêm, vừa đặt chân vào con hẻm này, khách bộ hành ngay lập tức ngợp với hàng chục bảng hiệu nhấp nháy xanh đỏ chào mời.

Khác với những con hẻm ở Sài Gòn thường tĩnh lặng nửa đêm về sáng, hẻm phố Tây đặc biệt nhộn nhịp vào thời điểm này.

Lý do là dân du lịch bụi thường chọn đi vé giá rẻ và giờ đáp máy bay loại vé này luôn vào khoảng nửa đêm. 0g30 đêm đầu tháng 6, Anmada Taylor, người Mỹ, vác balô cao lêu nghêu bước xuống taxi, lanh lẹ bước thẳng vào hẻm, đến nhà nghỉ anh đã đặt sẵn trên mạng Agoda. “Đây là lần đầu tiên tôi tới VN và tôi không nghĩ con đường này lại bé đến thế.

Tuy nhiên, tôi thấy ngoài kia (đường Bùi Viện - PV) người ta còn đang uống bia với nhau ồn ào nên cũng không lo lắng nhiều”, Anmada cho biết. Phía sau anh là một tốp khách người Hàn Quốc cũng kéo vali lạch cạch trên con hẻm gồ ghề, ngó nghiêng bàn bạc, chọn lựa nhà nghỉ.

Bên trong các nhà nghỉ không ai có vẻ ngái ngủ. Vài lon bia, đĩa đậu phộng, Edward Davis (người Scotland) đang cùng vài ba người bạn mới quen dạo đàn guitar hát ề à những bản nhạc đồng quê xứ sương mù, mặc cho những vị khách vác balô ra vào tấp nập.

“Tôi ở đây được một tháng và rất thích không khí ở đây, gần gũi, thân thiện. Tôi nghĩ VN là một nơi dễ sống”, Edward hào hứng.

Trầm lắng hơn, vài vị khách khác ngồi kiểm tra email, lướt Facebook hoặc chụm đầu vào nhau tìm chỗ đi chơi. Cứ thế, phải đến chừng 3 giờ sáng không khí của dãy nhà nghỉ này mới yên tĩnh đôi phần.

Ở đây còn có dạng phòng tập thể (dorm room) với mức giá thấp hơn, khách sẽ ở trong những căn phòng tối đa sáu người xa lạ với diện tích chừng 9m2, kê khoảng ba giường tầng và tất nhiên tài sản mạnh ai nấy giữ.
“Lẩu thập cẩm” hẻm

Khu vực này được phân chia khá rõ ràng: đường Đề Thám, Phạm Ngũ Lão là nơi tập trung hầu hết các công ty, dịch vụ du lịch (đặt tour, đặt xe).

Đường Bùi Viện chuyên về phòng trọ, hàng quán ăn uống. Đường Đỗ Quang Đẩu là bar, quán cà phê và các quán ăn lề đường.

Tại Bùi Viện, nếu như hẻm 104 trứ danh với vô số nhà nghỉ và chỉ cần bước ra đầu hẻm là dãy quán bia đông đúc thì hẻm 40 Bùi Viện là một không khí hoàn toàn khác.

Hẻm ở đây yên tĩnh với khá nhiều nhà hàng nhỏ nhắn, thậm chí còn có sân vườn. Tối thứ bảy, những nhà hàng VN ở đây khá đông khách, người nước ngoài đi theo từng tốp 10, 20 người.

Bà Melida (người Úc) cho biết: “Các nhà hàng ở đây giá cả cũng không đắt đỏ, chúng tôi lại có thể kê bàn ăn chung tạo không khí gia đình, món ăn VN lại ngon”.

Xích lên một chút, hẻm 175 Phạm Ngũ Lão lại là địa điểm thu hút đông đảo người Việt đi chơi phố Tây. Mỗi tối lượng khách Việt vào ra khu vực này chiếm đến hơn 2/3, tiếng Việt ở đây nhiều hơn hẳn tiếng Anh, dù đang ở trung tâm phố Tây.

Từ các pub (quán rượu) trẻ trung, quán ăn Tây bình dân, đến những quán bar tụ họp dân mê bóng đá tứ phương, đủ các đội bóng, từ M.U đến Chelsea, Barcelona, Real Madrid.

Ở đây đến chừng 4 giờ sáng, sau khi hò reo khản cổ theo từng trận cầu thì chỉ còn toàn những bản rock ballad thập niên 1970 và những người già ngồi ôn lại ký ức xưa cũ của các đội bóng...

Trái ngược với khu vực đầu đường khá sang trọng này là những hẻm nhỏ tăm tối, mờ ảo trong ánh đèn neon cuối đường Bùi Viện giao Đỗ Quang Đẩu.

Khu vực này tập trung khá nhiều quán bar, quán cà phê, nhạc mở thâu đêm suốt sáng. Các dịch vụ như xăm (tattoo), massage, spa cũng tập trung chủ yếu ở đây. Không khí đặc quánh mùi khói thuốc, bia rượu của các tay chơi và cả các “cánh bướm đêm”.

Phòng trọ ở đây thường được thuê theo kiểu “mì ăn liền”, vài giờ là trả, không ở lâu dài như đoạn trên nên giá có phần mềm hơn, chỉ dao động từ 140.000 - 250.000 đồng/đêm.


Ở hẻm với Tây

“Nhập gia tùy tục”, khách du lịch khi đã ở trong những con hẻm thì cũng bắt đầu làm quen với cuộc sống hẻm nơi đô thị nhộn nhịp này.

Dù là người nước ngoài nhưng ai nấy cũng áo thun ba lỗ, quần soọc, dép lê loẹt quẹt đi từ đầu hẻm đến cuối hẻm, vui vẻ chào hỏi như bất kỳ người VN nào ở đây, chỉ số ít người Tây đi dạy tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ là “đóng bộ” đàng hoàng.

Sáng, ngồi lẫn trong hơn chục người đang xì xụp ăn hủ tiếu, uống cà phê ở quán cóc đầu hẻm, không khó để nhận thấy những chàng trai, cô gái lần đầu lóng ngóng cầm đũa, săm soi ly cà phê cóc nhỏ xíu. Tối, Tây cũng ra đường, bày bàn ghế, mồi nhậu, rộn ràng tận khuya.

Phần lớn người nước ngoài đến phố Tây chỉ trong hai, ba ngày, như một điểm luân chuyển để đi Campuchia hoặc đi miền Tây, ra miền Trung...

Tuy nhiên cũng có không ít người ở đây lâu, thuê phòng mức giá 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, thường là phục vụ công việc kinh doanh, sáng tác nghệ thuật (chụp ảnh, viết sách) hoặc đi dạy.

James Arthur (người Úc) đã ở khu này suốt 10 tháng qua cho biết: “Cuộc sống ở đây mỗi ngày luôn có nhiều cái mới, dịch vụ giặt ủi, ăn uống, xe cộ đi lại đều rất dễ dàng và tôi đã quen hết với những người trong khu này nên tôi nghĩ có thể mình sẽ ở đây thêm 1, 2 năm nữa”.

Người Việt trong hẻm cũng trở nên quen thuộc với khách Tây, gọi nhau, nói chuyện như hàng xóm, dù nhiều khi chỉ là tiếng Anh bồi kèm theo huơ chân múa tay.

Mùa mưa đường ngập, cả xóm Tây ta đều hô hào nhau tát nước, lội bì bõm trong nước. Những người bán hàng ở đây ít ai chào mời bằng tiếng Việt, kể cả các tiệm tạp hóa bán chai nước, hộp sữa.

Bà Trần Thị Ba (chủ một tiệm tạp hóa nhỏ) cho biết: “Khách Tây balô trả giá dữ lắm, có mấy cửa hàng tiện lợi ở ngoài kia mà họ đâu có mua, vô đây mua để cò kè giảm được đồng nào hay đồng đó!”.

“Đừng tưởng Tây là phải giàu! Lắm khi tôi thấy họ còn... nghèo hơn người Việt mình nữa. Đặc biệt là những Tây ở chơi VN lâu, hết tiền, ban đầu thuê phòng đẹp giá cao, sau chuyển sang phòng giá còn bằng một phần ba”, bà Hoàng Lan, một chủ phòng cho thuê, cho biết.

Còn bà Ngọc Minh, chủ nhà có ngăn phòng chia khách nước ngoài, nói thêm: “Lừa, quỵt tiền là chuyện không hiếm ở đây. Ở được chừng một tuần họ nói lịch trình thay đổi, phải mua vé máy bay gấp nên xin lại hộ chiếu rồi đi thẳng luôn. Đến khi mình kiểm tra phòng có mấy bộ quần áo vứt lại, coi như mất trắng tiền phòng!”.

ĐOÀN BẢO CHÂU - YẾN TRINH
Giá phòng ở khu phố Tây trung bình 12USD/đêm/người (khoảng 260.000 đồng). Nếu khách sạn được giới thiệu trên các trang du lịch nước ngoài (Trip Advisor) thì mức giá có thể đẩy lên 22 USD/đêm/người. Tuy nhiên đến mùa thấp điểm thì mức giá này có thể chạm đáy 140.000 đồng/người.
Vào mùa cao điểm của khách Tây (chủ yếu từ các nước nói tiếng Anh như Mỹ, Úc, Anh) là từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau để tránh mùa đông, giá phòng ở khu này được đẩy lên và thường xuyên hết phòng vào ngày cuối tuần.
Trong khi đó khách du lịch Nhật, Hàn, Trung Quốc lại thường đến nhiều vào khoảng tháng 2 đến tháng 4. Và theo các chủ khách sạn, từ năm 2011 trở lại đây, lượng khách đến từ các nước Đông Nam Á cũng bắt đầu đông hơn nên việc kinh doanh dịch vụ khách sạn tương đối đồng đều giữa các mùa.
___________

Kỳ tới: Theo chân Tây balô

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét