Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

Sa thải cô giáo Thơ là đi ngược sự tiến bộ xã hội

Tôi rất đồng tình với tác giả bài này. Việc bảo vệ cô giáo Thơ không phải là sự bảo vệ một cá nhân hay là sự bao che bởi mối quan hệ riêng tư, hay do cách ứng xử trọng tình của người Việt, mà hơn hết, đó là bảo vệ nhân cách, giá trị của giảng viên đứng trên bục giảng khi mà họ có quyền nói lên suy nghĩ và bộc lộ những cảm xúc chân thật. Việc sa thải này sẽ tạo nên những tiền lệ hết sức nguy hiểm đối với sự tiến bộ của đất nước. Đó là sự bóp nghẹt các tiếng nói phản biện xã hội; hạ thấp giá trị, vị trí của những người làm thầy; giết chết cảm xúc và lòng trắc ẩn của những tiếng nói lương tri...
Sa thải cô giáo Thơ là tiền lệ nguy hiểm, đi ngược sự tiến bộ xã hội
FB Nguyễn Thanh Huy - 12-8-2021 - Sự việc cô giáo phát ngôn trong giờ dạy trực tuyến, nói về công tác chống dịch, dẫn đến kết quả là công an đã mời cô lên làm việc và sau đó là trường Đại học Duy Tân đã sa thải cô với lý do “có phát ngôn phiến diện, sai lệch về công tác chống dịch”. Cần thấy rằng, mỗi một phát ngôn trước hết là quan điểm mang tính cá nhân về nhân sinh quan và thế giới quan. Cho nên nó luôn tồn tại tính khách quan và chủ quan.
Thứ nhất, nếu nói cô giáo sai, phiến diện thì chẳng qua là cô so sánh giữa nước ta với những nước khác. Rõ ràng điều kiện đất nước ta không thể bằng. Nhưng ai có thể vỗ ngực khoe khoang rằng trong đợt chống dịch này chúng ta không lúng túng, không có những hạn chế? Nếu cho rằng chúng ta đã làm rất tốt, làm hoàn hảo thì chỉ có vô tri hoặc là giả ngu, giả mù mà nịnh hót.

Thứ hai, nếu chỉ vì phát ngôn của cô trong giờ dạy một môn không liên quan, tức sai chỗ, không đúng không gian. Vậy thì bổn phận của người làm thầy, làm cô chỉ như một con robot được lập trình thôi hay sao? Hay tệ hơn chỉ là một cái máy biết thu và biết phát.

Nếu chỉ như vậy thì cái tiếng “thầy” trong xã hội Việt Nam thật rẻ rúng. Và như thế chúng ta đừng bao giờ ngợi ca những người thầy trong quá khứ đã từng dám lên tiếng trước bất công, trước cường quyền và những vấn nạn khác bởi chính quyền đương thời. Mà ở đó là hàng loạt tấm gương như Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tất Thành…

Suy cho cùng những phát ngôn ấy nếu không phù hợp trong tình cảnh đất nước chịu dịch dã và chính phủ đã nhiều cố gắng thì cũng chỉ nên dừng lại ở việc nhắc nhở sao cho có tình có lý.

Lẽ ra, Đại học Duy Tân – nơi có không ít đồng nghiệp với cái danh là “trí thức” phải đứng ra bảo vệ cô, cho dù có chịu nhiều sức ép từ các cơ quan quản lý khác.

Việc bảo vệ cô giáo không phải là sự bảo vệ một cá nhân hay là sự bao che bởi mối quan hệ riêng tư, hay do cách ứng xử trọng tình của người Việt, mà hơn hết, đó là bảo vệ nhân cách, giá trị của giảng viên đứng trên bục giảng khi mà họ có quyền nói lên suy nghĩ và bộc lộ những cảm xúc chân thật.

Việc sa thải này sẽ tạo nên những tiền lệ hết sức nguy hiểm đối với sự tiến bộ của đất nước. Đó là sự bóp nghẹt các tiếng nói phản biện xã hội; hạ thấp giá trị, vị trí của những người làm thầy; giết chết cảm xúc và lòng trắc ẩn của những tiếng nói lương tri (khi họ còn sợ hãi hoặc vì miếng cơm manh áo).

Đồng thời tạo ra cho các cấp quản lý quyền lực vô hạn, vượt qua các thiết định của luật pháp. Khi đó ranh giới giữa quyền hạn và quyền lực sẽ không còn.

Nhưng tôi dám chắc, hành động đơn phương của Đại học Duy Tân chỉ có thể khiến cô giáo mất việc – mà không việc này thì cô cũng sẽ có việc khác – chứ không thể dập tắt được ý chí cá nhân cũng như suy nghĩ và sự phản ứng của công luận. Mà không chừng nó sẽ phản tác dụng, như một đốm lửa được thổi bùng lên.

Lại nhớ đến lời cảnh tỉnh của Lê Quý Đôn:

1. Trẻ không kính già (vì già không đáng kính)

2. Trò không trọng thầy (vì thầy không ra thầy)

3. Binh kiêu tướng thoái (vì chẳng bao giờ đánh trận)

4. Tham nhũng tràn lan (vì không ăn cũng uổng)

5. Sĩ phu ngoảnh mặt (vì nói chẳng ai nghe)

Là lúc đất nước lâm nguy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét