Thứ Ba, 11 tháng 8, 2020

Về hay ở - muôn nẻo mịt mờ

Đọc đoạn này thấy buồn quá nhưng đúng thực tế: "Nghệ An quê em, người dân phản ứng gay gắt hơn: “Về sống không yên đâu anh. Ở quê mà nghe ai ở Đà Nẵng về là chửi ghê lắm”." Hôm chủ nhật vừa rồi, có việc nên mình định về quê vợ ở Phúc Thọ (Hà Tây cũ). Cẩn thận nên mình gọi điện trước khi về. Vừa nhận được điện thoại, bà cô vợ đã kêu toáng lên: Không về được đâu, về là bị bắt ngay. Làng trên vừa có người mắc COVID, bị công an bắt đi rồi". Nghe khiếp quá. Gì mà mắc COVID là "bị công an bắt đi rồi". Rất mong cộng đồng thông cảm, sẻ chia với người mắc Covid, người từ Đà Nẵng về. Họ đâu có biết mình mắc Covid; trong giai đoạn đầu thậm chí y tế Hà Nội cũng không yêu cầu họ tự cách ly mà chỉ dặn thường xuyên theo dõi sức khỏe, có vấn đề gì thì báo cáo ngay cho y tế.
Về hay ở - muôn nẻo mịt mờ
Đại Lộ, 8/8/2020 (TBKTSG) - Chỉ một ngày sau khi Đà Nẵng công bố ca nhiễm đầu tiên sau hơn ba tháng “an toàn”, nhân viên quán tôi đã lần lượt xin nghỉ về quê tránh dịch. Khi đó, thành phố đang khẩn trương “di tản” du khách khỏi Đà Nẵng, thông qua việc tăng tối đa số chuyến bay trong hai ngày cuối tuần 25 và 26-7. Là quán bán kem, tôi chủ yếu tuyển dụng sinh viên làm bán thời gian (part time) nên cùng với thông báo nghỉ học của các trường, số nhân viên xin tạm nghỉ tăng dần.
Khu vực cách ly ở Bệnh viện C Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Một số trường hợp xin tạm nghỉ khi đó là do gia đình yêu cầu về quê, bất kể mong muốn cá nhân của các em. Có lẽ, đối với phần lớn người Việt, nhất là người lớn, chỉ khi người thân ở trong tầm mắt thì mới an tâm.

Tuy nhiên, phần lớn các bạn quyết định về quê vì một lý do thiết thực hơn: gánh nặng cơm áo. Lúc xin tạm nghỉ, một bạn nhân viên đã chia sẻ: “Nếu không phải đi học, thu nhập từ công việc bán thời gian là không đủ để em trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, vì thế nếu trường cho nghỉ thì em xin phép về quê”. Khi quán hoạt động bình thường còn vậy, huống hồ khi dịch bệnh bùng phát, khả năng quán phải tạm đóng cửa là rất lớn. Về cơ bản, các bạn làm thêm hầu hết nằm trong nhóm gia đình có điều kiện kinh tế không tốt, nên việc thiếu đi “một miếng khi đói” sẽ nghiêm trọng hơn hẳn so với bình thường.

Ở lại thành phố thời dịch, khó khăn khi duy trì sinh hoạt hàng ngày mà các bạn phải đương đầu lớn gấp bội người dân tại chỗ. Hạn chế đi lại hay thiếu đi các phương tiện giải trí chỉ là chuyện nhỏ. Hôm nay ăn gì mới là vấn đề. Vì điều kiện tiền bạc, phần lớn các bạn chọn phòng trọ với các tiện nghi tối giản, đôi khi là không có cả bếp ăn. Ngày thường thì dễ giải quyết, nhưng khi hàng quán đều đóng cửa, nhất là khi dừng cả việc bán mang về theo yêu cầu của thành phố kể từ ngày 30-7, các bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài đồ khô.

Người có thể tự nấu thì lại... không muốn. Chỗ trọ không có tủ lạnh, tích trữ đồ tươi là chuyện không thể. Cho nên muốn tự nấu ăn, các bạn phải đi chợ hàng ngày, việc mà không ai muốn làm vào thời điểm này. Theo quan sát cá nhân, chợ và siêu thị ở Đà Nẵng vẫn mở cửa, vẫn còn hàng nhưng hoàn toàn không có biện pháp giãn cách nào. Một lần đi chợ như một lần may rủi, không thiếu trường hợp sau khi đi mua đồ về thì thành F1, như việc bệnh nhân 444 đi mua đồ ở BigC ngày 26-7 trước khi xác nhận dương tính vào ngày 28-7.

Hơn nữa, làm sao tích trữ khi không có tiền? Với đại đa số người lao động tự do, tiền để dành hàng tháng là bất khả thi. Ở Đà Nẵng có rất nhiều hội nhóm tổ chức cứu trợ mùa dịch, nhưng đối tượng hướng đến phần lớn là bệnh viện, khu cách ly và sinh viên. Ít ai để ý đến người lao động phổ thông ngoại tỉnh, nhất là nhóm lao động tự do trong các ngành nghề xây dựng, dịch vụ. Khi tôi gửi thông tin về một số điểm phát quà hỗ trợ dịch, một bạn nhân viên quán nhắn lại “em không có thẻ sinh viên, nên không được nhận anh ơi”. Em ấy đã thôi học, đi làm tự kiếm sống từ hai năm nay. Đợt dịch trước, em chọn ở lại Đà Nẵng, gắng gượng vượt qua một tháng không có việc làm. Ba tháng cố gắng “bình thường mới” cùng quán, vừa trả xong các khoản vay để sinh hoạt hồi tháng 4, thì lại giãn cách. Khi nghe em đùa “năm nay khỏi dành dụm gì cả”, tôi cũng ngậm ngùi. Ăn còn không đủ nữa là!

Trước những khó khăn đó, hoàn toàn có thể hiểu được tại sao rất nhiều người cố gắng về quê, kể cả sau khi chính quyền Đà Nẵng ban hành công văn 4930/UBND-SYT, thực hiện yêu cầu “nội bất xuất - ngoại bất nhập” từ 28-7.

Đến nay, không phải ai cũng được chào đón khi về đến nhà. Khi số ca dương tính với Covid-19 tăng dần ở các địa phương khác, chủ yếu từ những người từng ghé Đà Nẵng trong tháng 7 vừa qua, phản ứng của người dân các tỉnh cũng cực đoan dần. Nếu như trước ngày 26-7, những bạn nhân viên quán về quê chỉ cần tự cách ly tại nhà thì hiện tại, người dân một số nơi đã tự tổ chức giám sát người từ nơi khác về. Ở huyện Điện Bàn - Quảng Nam, một nhân viên quán, về quê từ 24-7, cho hay khi nghe tin về ca nghi nhiễm ngày 27-7, người dân tự tiến hành “phong tỏa” khu vực gần nhà bệnh nhân. Cũng vì lý do này mà bạn nhân viên lao động tự do quyết định ở lại thành phố. Nghệ An quê em, người dân phản ứng gay gắt hơn: “Về sống không yên đâu anh. Ở quê mà nghe ai ở Đà Nẵng về là chửi ghê lắm”.

Dịch còn diễn tiến phức tạp. Các trường hợp như nhóm nhân viên quán tôi sẽ còn tăng thêm nhiều. Thời gian giãn cách càng dài, đồng nghĩa với tiền tiết kiệm càng ít, duy trì sinh hoạt cơ bản càng khó khăn hơn. Thiết nghĩ, khi Đà Nẵng đã phải căng mình chống dịch suốt hơn tuần qua và có nguy cơ quá tải, nếu thời gian giãn cách phải kéo dài thêm, các địa phương khác nên chia sẻ gánh nặng với Đà Nẵng thông qua việc tiếp nhận người dân trở về quê, trên cơ sở đảm bảo việc cách ly và kiểm tra sức khỏe theo đúng các yêu cầu phòng dịch. Ít nhất, chính quyền thành phố nên chú ý hỗ trợ nhóm người này, nếu không, chẳng biết họ sẽ làm sao để vượt qua đợt dịch này. Một khi cạn kiệt sức chịu đựng, không ai có thể chấp hành “ai ở nơi nào, ở yên chỗ đó”.

https://www.thesaigontimes.vn/306765/ve-hay-o--muon-neo-mit-mo.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét