Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Vài suy nghĩ về tượng đài và quảng trường

Vài suy nghĩ về tượng đài và quảng trường 
13.8.2020 fb DODUYNGOC - Hiện nay ở nước ta phần lớn tượng đài được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Nhưng ngân sách nhà nước cũng từ nguồn thuế của dân. Dân đang đói ăn, các ông lại bày trò để tiêu hàng trăm tỷ cho việc làm chưa cần thiết. Tượng đài mọc lên, bát cơm của dân lại vơi đi, tủ sắt của nhiều người lại đầy lên, như vậy có cần phải xây không? Trong cơn đại dịch như thế này mà bỏ ra hàng trăm tỷ để xây tượng đài là có tội với dân đấy, các ngài ạ! 

Chiều 7.8, Sở VH-TT tỉnh Kiên Giang phối hợp UBND H.Phú Quốc tổ chức lễ công bố đồ án quy hoạch chi tiết quảng trường trung tâm và tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh tại TT.Dương Đông, tỷ lệ 1/500, quy mô 8,29 ha, sức chứa 20.000 người với kinh phí dự trù là 353 tỷ đồng.

Gần hai chục năm nay, ở Việt Nam rộ lên phong trào xây quãng trường và tượng đài. Kinh phí cho mỗi dự án thường vài chục tỷ đến vài trăm tỷ. Có công trình lên đến hàng ngàn tỷ. Thành phố, tỉnh, cho đến huyện các dự án tượng đài thi nhau mọc lên. Có tỉnh bảo tỉnh không xây được tượng đài là thiệt thòi cho nhân dân. Tượng đài càng ngày càng to, càng ngày càng hoành tráng, anh làm sau phải lớn hơn anh trước, phải đồ sộ và tốn kém hơn anh làm trước.

Cho đến nay, Cục Mỹ thuật Bộ Văn Hoá chưa thống kê được nước ta có bao nhiêu tượng đài, nhưng ước tính là hơn 400. Nếu chia đều cho 63 tỉnh thành thì con số đó suy cho cùng cũng chưa gọi là nhiều. Tuy nhiên Việt Nam vốn không có truyền thống làm tượng đài, mà chỉ có tượng thờ trong đền, chùa, đình, miếu. Chính đó là phong cách đặc biệt của truyền thống Việt Nam. Vua chúa có công lớn với đất nước cũng chỉ là pho tượng nhỏ ở chùa, đình. Ngày xưa không có chuyện phô trương.

Sau 1954, để tuyên truyền và ca ngợi chiến công, tượng đài bắt đầu mọc lên bắt chước tượng đài của Liên Xô và Trung Quốc. Và do thế, về mặt cấu trúc và tiêu chí mỹ thuật đa số cũng bị ảnh hưởng của họ. Do vậy tương đài của ta thiếu tính sáng tạo, khô cứng và cũng có nhiều tượng thiếu tính nhân văn, thiếu thuyết phục, xơ cứng cảm xúc.

Sau 1975 và đặc biệt gần đây, tượng đài thi nhau mọc, đa số dều na ná nhau. Nhiều nhất là tượng Hồ Chí Minh, còn lại là quần tượng chiến sĩ, nam nữ du kích cầm súng, cầm bom chĩa thẳng vào người đối diện. Gương mặt lúc nào cũng đằng đằng sát khí, đầy thù hận, chất chứa căm thù. Có quần tượng đông người là cuộc hành quân hay một trận đánh, không khí cũng thế. Thế nên không gây cảm xúc nhân văn.

Tượng đài là loại hình nghệ thuật điêu khắc, nó có tác dụng biểu đạt đến quần chúng rất lớn và giá trị tuyên truyền cao. Do vậy nó phải mang tính nghệ thuật và biểu hiện tác động đến người chứng kiến. Tượng đài của ta thi nhau mọc lên nhưng chẳng có bao nhiêu tượng được gọi là tác phẩm có giá trị nghệ thuật, giá trị văn hoá, có sức biểu cảm để tuyên truyền và tạo thẩm mỹ cho đô thị hay khu vực dựng tượng đài.

Việt Nam hiếm người nghệ sĩ chuyên môn về tượng đài, điều đó là sự thật. Bên cạnh đó, tượng đài phải gắn với cảnh quan chung quanh mà đô thị của ta thì không gian thường chật hẹp nên không phát huy tác dụng của tượng đài. Xây dựng quãng trường thì nhiều nơi hoàn thành xong lại biến thành tụ điểm của xã hội đen, tệ nạn xã hội hay là nơi tiêm chích ma tuý..

Bên cạnh đó, các dự án xây dựng quãng trường, tượng đài cũng là dịp để tham nhũng, chia chác lợi lộc của những người có trách nhiệm liên quan. Do đó chất lượng rất kém bởi thi công ẩu, rút bớt vật tư, gian dối trong thi công để bòn rút. Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đài ở Quảng Ninh là chứng minh tiêu biểu.

Trong khi cuộc sống của người dân càng ngày càng khó khăn, kinh tế vươn lên không nổi, càng lúc càng bế tắc, gần đây lại đại dịch Virus Vũ Hán khiến cho đời sống của đại bộ phận nhân dân lâm vào cảnh cùng khốn, ngay các công ty, doanh nghiệp lớn cũng gặp không ít khó khăn. Việc bỏ ra hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng quãng trường hay tượng đài là việc làm thiếu nhân tâm. Trước đây dự án tháp Thái Bình (cao 126m, vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng), Cổng tỉnh Quảng Ninh bằng thép (cao từ 38 - 43m, vốn đầu tư 198 tỷ), dự án xây dựng tượng đài có vốn đề nghị lên tới 1.400 tỷ của tỉnh Sơn La đã khiến dân tình xôn xao và cảm thấy chẳng thiết thực cho cuộc sống. Ngay tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam được xây dựng với tổng vốn đầu tư lên tới 411 tỷ đồng, cũng gây không ít bất bình khi đời sống của hàng trăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam và trên cả nước còn lắm khó khăn, sống trong thiếu thốn và cô quạnh một năm chỉ được quan tâm một lần ngày Thương binh Liệt sĩ. Báo chí và dư luận đã bất bình hàng loạt tượng đài trị giá hàng trăm tỷ đồng nhưng xuống cấp mau chóng sau khi khánh thành: tượng Lý Thái Tổ (Hà Nội), nữ tướng Lê Chân (Hải Phòng), Điện Biên Phủ (Điện Biên), Trần Hưng Đạo (Nam Định)...

Các tượng đài đầu tư rất nhiều tiền như vậy nhưng nhiều nơi tượng đài khi khánh thành xong là trở thành hoang phế. Bởi chúng được dựng lên không phải vì mục đích hoa mỹ mà những người đẻ nó đưa ra. Tượng đài Đinh Tiên Hoàng là một ví dụ. Chi phí hết hơn 1500 tỉ ngay trung tâm của tỉnh Ninh Bình nhưng bức tượng trên diện tích gần 10ha trở thành bãi cỏ hoang cho dân nghiện hút và tệ nạn xã hội. Chuyện xây dựng tượng đài, quãng trường thật ra cũng chỉ là cái bình phong, cái cớ để rút tiền chia chác nhau.

Hiện nay ở nước ta phần lớn tượng đài được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Nhưng ngân sách nhà nước cũng từ nguồn thuế của dân. Dân đang đói ăn, các ông lại bày trò để tiêu hàng trăm tỷ cho việc làm chưa cần thiết. Tượng đài mọc lên, bát cơm của dân lại vơi đi, tủ sắt của nhiều người lại đầy lên, như vậy có cần phải xây không? Trong cơn đại dịch như thế này mà bỏ ra hàng trăm tỷ để xây tượng đài là có tội với dân đấy, các ngài ạ! 

Dân cần trường học, nhà thương, cầu cống, đường sá để giao thương. Những đứa trẻ vùng cao không phải lạnh cóng khi đông về mà không có áo, không thiếu ăn đến độ bắt chuột, nhái để sống. Dân cần thuốc men để chữa bệnh, cần ngôi nhà để ở, cần có một cuộc sống tối thiểu để gọi là con người, không còn cảnh lội bì bõm khi mưa xuống hay phải sống tạm bợ ở gầm cầu, mom sông. Những thứ ấy cần thiết và cấp thiết hơn tượng đài. Chúng ta là nước nghèo, có cần phải xây tường đài hoành tráng tốn kém đến thế không?






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét