Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

Chuyện nước Mỹ - Trong Hẻm

Nhiều chỗ ở Mỹ cũng nghèo và bẩn lắm, xem chuyện này để biết. Ở Thụy Sĩ và Pháp thì không như vậy.
Trong Hẻm
Tác Giả: Thảo Trường
Tôi không thể ngờ rằng ở nước Mỹ lại có một con đường hẻm như con đường hẻm gia đình tôi đang cư ngụ.
Chúng tôi là một gia đình tị nạn cộng sản vì mất nước và bị tù đày nên phải lưu vong sang đây. Trên danh nghĩa là di cư đoàn tụ nhưng lại chính thức khởi đầu của một thời ly tán.
Đậu xe trước nhà và những 'cuộc chiến' giữa hàng xóm láng giềng ...
Tôi và anh con trai út còn độc thân dọn đến cái xóm Mỹ lạ lùng này, ở trong một phòng thuê lại của một gia đình đồng hương nghèo tốt bụng.
Nếu không tình cờ gặp người đồng hương cắt cỏ thì chúng tôi đã không biết tới cái xóm nhỏ này và đã không trở thành cư dân ở đây.

Gia đình tôi xuất cảnh sang Mỹ vì tôi là sĩ quan QLVNCH bị cầm tù trong các nhà giam của cộng sản sau khi chế độ cộng hòa bị bàn giao cho chế độ cộng sản.
Đáng lẽ tôi thuộc diện tị nạn chính trị có trợ cấp và bảo hiểm y tế, nhưng sau khi phỏng vấn, chính phủ Mỹ đã “hạch toán kinh tế” rất thực dụng, “bàn giao” tôi cho con gái và con rể tôi là những người đã bảo lãnh.

Và tôi trở thành diện đoàn tụ trong tinh thần nhân đạo. Bao nhiêu phí tổn di chuyển từ Việt Nam qua và tái định cư tại Mỹ trong tinh thần nhân đạo ấy cho gia đình tôi, đều do con gái và con rể tôi đài thọ.

Trong chiến tranh Việt Nam, để chống lại làn sóng bành trướng của cộng sản chỉ có các quân nhân QLVNCH chiến đấu và hình như đồng minh Mỹ tham dự, con gái và con rể tôi hồi đó còn bé tí, bây giờ, họ chịu trách nhiệm cho các lệnh hành quân ấy vì chúng tôi là những tù binh vô thừa nhận.

Có người nói rằng hậu quả di hại của cuộc chiến là lâu dài, có lẽ, ít ra, cũng đúng trong những trường hợp như thế này.
Hồi tôi nằm trong trại tù cộng sản, ở nhà vợ tôi đã tìm cách cho đàn con vượt biên, nhưng thất bại thì nhiều, chỉ may mắn có được một người con gái lớn đi thoát trong một chuyến cùng với một gia đình bà con trong họ.
Con gái tôi nay đã có gia đình ba đứa con, vợ chồng nó đều có việc làm. Chúng đang hòa hợp với nhau để xây dựng một mái ấm gia đình với những đứa con đầy triển vọng.

Khi đón bố mẹ và thằng em út sang để ở tạm trong nhà, tôi thấy đó đã là một sự hy sinh lớn của vợ chồng nó.
Rồi thì phải giúp cho bố mẹ làm thủ tục giấy tờ, giúp cho đứa em trai đi học và đi làm giờ, giúp cho cả nhà làm quen với xã hội Mỹ... rồi thỉnh thoảng còn phải gửi về Việt Nam chút ít tiền giúp bốn đứa em còn ở lại vì chúng đã có gia đình và trên hai mươi tuổi.

Bà vợ già của tôi coi sóc mấy đứa cháu ngoại cũng được vợ chồng nó trả cho mỗi tháng mấy trăm. Có lần đứa cháu ngoại ba tuổi ngô ngọng nói:
– Ngoại ơi, tháng này Mom đã trả lương cho ngoại chưa?
Nghe con trẻ ngây thơ hỏi, ngoại suýt bật khóc.
Hồi còn ở Việt Nam có lần bà đi thăm ông trong tù cũng dắt theo một đứa cháu nội, lần đầu tiên ông cháu gặp nhau, ông bồng cháu cho ngồi trên đùi mà rung, nói chuyện với bà, thằng cu vểnh tai nghe ông bà nó rù rì bèn thắc mắc:
– Nội ơi, sao ông nội lại gọi bà nội là... em?

Bây giờ vợ chồng già ở đây, con trai con gái đứa thì ở trong nước đứa thì ở ngoài nước, đàn cháu nội cháu ngoại mớ thì ở ngoài nước mớ thì ở trong nước.

“Trời có điều chi buồn mà trời mưa mãi thế? Cây cỏ có chi buồn mà cỏ cây đẫm lệ!” Đó là thơ của thi sĩ Hà Thượng Nhân.

Vợ có việc giữ trẻ, anh con út có việc nhặt banh ở sân golf, còn tôi đi lượm ve chai.
Và cũng vì thế mà gặp được ông đồng hương làm nghề cắt cỏ. Hai kẻ đồng cảnh chuyện trò với nhau mới vỡ lẽ ra hồi trước ông ta là hạ sĩ quan có thời gian đã là thuộc quyền của tôi.

Năm 1975 đơn vị tan vỡ, ông không biết chạy đi đâu vì không có ai chỉ huy bỏ chạy, ông nói kinh nghiệm chiến trường của ông cho ông biết là chỉ có chỉ huy khi xung phong tấn công, không có chỉ huy khi tháo chạy.
Rồi ông cứ theo đoàn người di tản đến Mỹ lúc nào không hay. Ông đã làm nhiều nghề và nay thì ông đã thành một người Mỹ chính cống.

Không muốn thay đổi gì nữa, ông làm chủ một cái xe truck, mướn một hai người Mễ, nhận mối đi cắt cỏ.
Ông hạ sĩ quan ngày nào nghe tâm sự và biết hoàn cảnh của ông sĩ quan xếp cũ của mình bèn dẫn về nhà ở và cho đi theo phụ cắt cỏ.
Trên, dưới, thời chiến xưa, bây giờ đã có phần thay đổi. Dù muốn dù không thì người thuê mướn và người làm công cũng vẫn có những khoảng cách và những dị biệt.

Cho dù tinh thần bình đẳng, tính cách xuề xoà và quyền tự do dân chủ có cao đến mấy đi chăng nữa thì vẫn có lúc giao công việc và lúc phát lương.
Lương cũng tạm được, trừ hai trăm tiền phòng hai bố con ở, chi phí ăn uống rồi mỗi tháng còn mấy trăm cũng có đồng ra đồng vô.

Hai bố con tôi dọn về ở trong khu xóm này để trả lại cái phòng khách cho anh con rể. Bà ngoại thì vẫn tá túc trong căn phòng đứa cháu mà bà phải trông coi. Cuối tuần thì hoặc là tôi lên thăm cháu ngoại, hoặc là mẹ đi thăm anh con trai út.

Xóm nhỏ là một con ngõ cụt, gồm hơn mười căn nhà gỗ đã quá cũ chia thành hai dãy hai bên.
Chính giữa là đường xe vô ra. Bên trong cùng ngõ là một bãi cỏ hoang đã bị ngăn cách bởi một hàng rào gỗ.

Cư dân trong xóm chỉ có một lối ra ngoài con đường lớn mà ở đầu ngõ hai bên là hai cửa tiệm.
Một bán bàn ghế tủ giường và bên kia là tiệm sửa chữa video.

Vỏn vẹn chín căn nhà ở hai dãy hai bên nhìn sang nhau. Khu nhà chín căn nhưng chỉ có hai chỗ để xe bỏ trống hoang tàn dột nát.
Cư dân trong xóm thoải mái đậu xe ngay trước cửa nhà, thậm chí có thể đậu xe ngay lên lề cỏ đã không còn cọng nào nguyên thuỷ sống sót.

Trên lề trồng cỏ bây giờ là cỏ dại và rác rưởi. Những chiếc xe hơi của các gia chủ trong xóm thì không còn chiếc xe nào lành lặn.
Mỗi xe móp méo một kiểu khác nhau và nghe tiếng máy cũng có thể biết xe của căn nhà số mấy.
Như đã nói, đường vào trong xóm là ngõ cụt, cho nên vào lối nào thì phải ra lối ấy.

Thỉnh thoảng có chiếc xe lạ của ai đó chạy vào tính đi xuyên qua, gặp hàng rào cuối ngõ đành phải lắc đầu ngao ngán lùi ra.
Chín gia đình ở trong xóm hình như đều lãnh trợ cấp xã hội. Ngày ngày ăn rồi ở không, hút thuốc, uống rượu, hôn nhau và chửi tục.

Trong những gia đình của xóm ngõ cụt có hai gia đình người Á Châu, một làm nghề hàn xì sản xuất những khung giường ghế bàn tủ bằng kim loại ngay tại nhà không cần phép tắc gì cả và xóm giềng cũng không ai phàn nàn kêu ca phản đối.

Một nữa là ông chủ của bố con tôi chuyên nghề cắt cỏ mướn, đậu chình ình chiếc xe truck đầy nhóc máy móc bao bị cuốc xẻng cào chổi... trước cửa nhà.
Các gia đình còn lại có một gia đình Mỹ da đen. Không thấy sắc dân khác, và hình như sống rất hoà thuận với nhau.

Theo ông chủ của tôi thì qua nhiều năm sống ở xóm này ông chưa thấy có chuyện cãi vã hay xích mích xóm giềng.
Nhà nào sống theo nhà ấy, không ai can dự vào chuyện của người khác.

Nghe ông chủ nói thì tôi thấy hình như nơi xóm nhỏ này là một thế giới tự do. Các nhà đều không đóng cửa vì cũng không có gì đáng để mất.
Nhà này có thể mượn của nhà kia những đồ dùng lặt vặt mà không cần hỏi trước. Mọi người sống thoải mái, ít thấy ai đi làm ngọai trừ hai gia đình gốc Á Châu thì làm hùng hục suốt tuần.

Cũng ít thấy nấu ăn vì thường ăn đồ ăn làm sẵn ở tiệm ngoài đường cái, ngoại trừ hai gia đình gốc... Á Châu ngày nào cũng nấu xào kho nướng mùi gia vị xông toả khắp đó đây.

Trong nhà ngoài ngõ cũng ít quét dọn, thậm chí còn thấy những bao cao su ngừa thai vứt rải rác khắp nơi trong khi các cô gái tuổi vị thành niên nhưng cao lớn to khoẻ của xóm thì đã đều lần lượt mang bầu.

Rác rưởi tùm lum thoải mái, nếu có ai siêng thì đem bỏ vào cái thùng rác chung bằng sắt to tướng có bánh xe để trước căn đầu dãy, cứ chiều thứ năm người thuê căn đầu đó và cũng là người quản lý cả xóm sẽ lái chiếc xe móp méo của ông ta đẩy từ từ cái thùng rác có bánh xe lăn ấy ra ngoài đường chính để sáng hôm sau xe rác thành phố sẽ đi ngang lấy đi.

Hôm đầu tiên nhìn thấy ông Mỹ trắng dùng xe hơi của mình đẩy thùng rác tôi cho là lạ nhưng sau thì tôi thấy cũng tự nhiên thôi vì ở đây người ta sống theo một lối tiện đâu làm đó.

Ông quản lý này chỉ phải trả nửa tiền nhà mỗi tháng, còn một nửa được chủ bớt là để trả công cho ông làm manager cư xá.

Ông quản lý ở với ba đứa con đều chưa tới mười bảy tuổi có được trợ cấp của chính phủ. Hai đứa lớn đã bỏ học ở trường trung học nhưng đứa con trai mới vừa xong một khóa của cảnh sát dành cho thiếu nhi phạm pháp và cô con gái mới mười lăm đang mang bầu, bà mẹ vị thành niên này sẽ lại được hưởng trợ cấp con nhỏ như là bà mẹ của cô đã thành niên từ lâu rồi vậy.

Đứa con trai thứ ba của ông thì còn theo học ở trường tiểu học gần nhà, nó chạy qua chạy lại hoặc ở nhà bố hoặc sang với mẹ gần đó.
Bố mẹ nó đã bỏ nhau, bố nó vẫn ở căn nhà đầu dãy, làm manager và hút thuốc uống rượu. Mẹ nó ở với một thằng bạn lớn tuổi của thằng con lớn, hai người đã lại có một đứa con với nhau.

Đứa con trai thứ ba sáng đi học, trưa nhà trường cho ăn, chiều về nếu lục ở nhà bố không có gì nó sẽ chạy sang nhà mẹ, nói “hi” với người bạn trai của mẹ, xong lục tìm thức ăn, nếu mẹ nó và anh bạn trai của bà bận gì đó trong phòng thì nó cứ tuỳ tiện kiếm chác.

Nếu hôm nào không kiếm được gì ở cả hai nhà thì nó chạy sang tiệm furniture đầu ngõ, nói “hi” với người chủ cũng gốc Á Châu, rồi cầm cái chổi lông gà đi quét bụi trên các bộ bàn ghế, xong nó vỗ bụng kêu đói, bao giờ nó cũng được ăn hoặc cho mấy đồng.

Đứa bé này rất thương mẹ nó, nếu có mấy đồng thì nó chạy một mạch về nhà mẹ, đập cửa rầm rầm, mẹ nó thò đầu ra, nó dúi vào tay mẹ mấy đồng tiền mới kiếm được rồi lại ù té chạy đi.

Lát sau cư dân trong xóm sẽ lại thấy mẹ nó ở trần chỉ mang nịt vú và quần xoọc, miệng phì phèo điếu thuốc, đẩy chiếc xe trẻ con đi dạo vòng trong vòng ngoài trong ngõ ngoài đường ngoài đường trong ngõ.

Thỉnh thoảng có gặp ông chồng cũ đang hành xử công việc quản lý cư xá thì hai người cũng “hi” nhau lịch sự. Hai vợ chồng người này rất tâm đầu ý hợp với nhau, họ cùng ghiền một thứ thuốc lá, cùng thích uống một loại bia.
Hai người bỏ nhau có lẽ vì ông chồng đã quá yếu sức, thỉnh thoảng lại ốm đau, và có lẽ cũng còn vì họ quen thuộc nhàm chán nhau quá sức đến độ bực bội cãi vã gây gỗ cuối cùng phải bỏ nhau.

Người tình mới của bà vợ ông quản lý thì gầy gò nhưng rất dẻo dai, có lần anh ta một mình cởi trần dọn hết một đống rác khổng lồ của tiệm furniture dưới trời nắng chang chang mà không nghỉ phút nào.
Nhưng anh ta lại rất hiền lành, thường bị bà tình nhân đánh đập chửi bới chớ hề kêu ca. Có lần anh ta bị bà ấy đánh chảy máu trán phải chạy ra đầu ngõ đứng nhìn vào cả buổi chiều không dám về, gần tối người đàn bà sau một giấc ngủ ngày thức dậy, đẩy chiếc xe trẻ con ra đầu ngõ, lau đầu máu cho người yêu, châm thuốc lá gắn vào môi cho người tình, vuốt ve dỗ dành, đu cổ anh ta xuống mà hôn.

Còn anh thanh niên thì nước mắt ròng ròng sung sướng! Hầu hết cư dân trong xóm đều sống bằng trợ cấp xã hội của bầy trẻ và rất thiếu thốn vì ai cũng hút thuốc và uống bia.
Anh thanh niên có xin việc làm ở mấy cửa tiệm ngoài phố, anh ta rất chăm chỉ, cần tiền để hai người uống bia hút thuốc nhưng anh hay ngủ gục trong giờ làm việc nên tiệm nào mướn một thời gian rồi cũng phải cho anh nghỉ.

Có những ngày thèm thuốc quá, bà mẹ phải đi tìm thằng cu thứ ba ở trường học về bảo nó xin lau bàn ghế giường tủ kiếm mấy đồng cho bà mua thuốc hút. Trong lúc thằng cu vừa cầm cái chổi lông gà phẩy phẩy trên các tủ giường vừa tán tỉnh uncle chủ tiệm cho xin tiền mặt thì mẹ nó đã đứng chờ ở ngoài cửa.

Đứa con mới đẻ của bà nằm ngủ trên chiếc xe đẩy có lúc bú mớ, có lúc cười mớ! Nhưng thằng con trai lớn thì có lần lại đấm mẹ nó sưng mặt rồi chạy vào núp trong kho hàng furniture.
Hỏi ra vì nó đã bị mẹ mắng về tội ngu không biết cách ngừa thai cho đứa bạn gái của nó cũng trong xóm ấy.
Thế là người đàn bà mang nịt vú mặc quần xoọc, hút thuốc lá, uống bia, đẩy xe con nít và có chồng trẻ ấy sắp có cả cháu nội lẫn cháu ngoại.

Ông chồng quản lý cư xá của bà thì không có ý kiến gì về tất cả các vấn đề đó. Vì ông đang lên cơn đau bao tử và vừa mới bị người chủ hàn xì sản xuất đồ kim loại trong cư xá của ông đuổi việc.
Việc làm thì ông không lo vì chỉ vài ngày sau sang xin làm là người Mỹ gốc Á Châu này lại cho làm thôi.
Đã làm, đã bị đuổi, rồi làm lại, cả mấy chục lần rồi có sao đâu.
Chỉ có cái bệnh đau bao tử là khó trị và nó đã làm khổ ông nhiều rồi, sức khoẻ suy yếu, ông mất vợ cũng vì nó.

Bố con tôi đến ở trong căn nhà của ông đồng hương tốt bụng mà chẳng cần đăng ký ở phường khóm và cũng chẳng cần phải trình diện ông quản lý cư xá như luật lệ ở quê nhà Việt Nam.
Ở đây ai đến ai đi, mặc. Không người nào thắc mắc người nào. Sự có mặt của người khác ở chỗ này chỗ nọ không phải là điều đáng quan tâm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét