Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Bia cỏ và món nợ của ông Nguyễn Đức Chung

Ngày 4.3.2017 Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung hỏi "Bí thư quận, Chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan với tôi là các điểm trông giữ xe dưới phường không có người nhà không?!”, và tự trả lời “Tôi xin nói các đồng chí có cả”. 21/11/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói "có ông không chỉ 1 sân sau mà còn 2-3 sân sau, thậm chí là 12-13, 13-14 sân sau. Có ông có đầy đủ bao nhiêu sân sau buôn bán nguyên vật liệu. Tôi khẳng định không phải là Thủ tướng không biết đâu”. Ông Chung thì chỉ thẳng tay vào đám Bí thư quận, Chủ tịch quận ngồi dưới, còn ông Phúc thì không biết ông định nói tới ai ? Vì ông nói tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty, nên có thể là ông nói tới các sếp DNNN, nhưng cũng có thể là đám Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố như ông Chung.
Bia cỏ và món nợ của ông Nguyễn Đức Chung
LĐO | 12/08/2020 - 
Tôi đã thống kê, hơn 180 quán bia vỉa hè thì có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau. Hay có Bí thư quận, Chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan với tôi là các điểm trông giữ xe dưới phường không có người nhà không?!”. Ngoặc kép là phát ngôn “gây bão” của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ngày 4.3.2017. “Gây bão”, vì phát ngôn quá thẳng, quá thật. Vì không một chữ “lợi ích nhóm”, không nói chuyện “chống lưng” nào nhưng trúng và đúng luôn vào bản chất của câu chuyện lấn chiếm vỉa hè - một vấn nạn mà dù có tới 30 các thể loại chiến dịch từ năm 2000 đến thời điểm đó, nhưng rồi đâu cũng lại vào đó.
Ông Nguyễn Đức Chung, Anh hùng lực lượng vũ trang, đang được đề xuất tặng huân chương chống COVID-19.

Hôm ấy, Hà Nội tổ chức hội nghị về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị với đầy đủ văn võ bá quan quận huyện phường xã... nhưng không ai trả lời câu hỏi của ông Chung cả.

Và chính Chủ tịch Chung tự trả lời: “Tôi xin nói các đồng chí có cả”.

“Các đồng chí phải quán triệt, về bảo người nhà thôi thì sẽ đỡ đi rất nhiều rồi. Còn nếu lần này không làm, tôi sẽ chỉ rõ, chỗ nào Bí thư quận nào, chỗ nào Chủ tịch, chỗ nào Trưởng phường, kể cả lãnh đạo sở cũng có!

Đối với việc đòi lại vỉa hè cho dân, Chủ tịch Chung nói: Chúng ta làm cương quyết, bền vững nhưng không ồn ào. Các đồng chí cứ ồn ào, ra quân, không khéo xuống lại làm ùn tắc thêm đường

Thế rồi Hà Nội ra quân

Thế rồi đâu lại vào đó.

Tháng 11 năm đó, báo Lao động ghi nhận sau những trống rong cờ mở, vỉa hè khắp nơi bị lấn chiếm giống như thể ra quân chỉ để...làm báo cáo.

Ngay đây thôi, báo Hà Nội Mới cũng liên tục có những phản ánh về chuyện vỉa hè bị lấn chiếm khắp nơi.

Và lời tuyên chiến của Chủ tịch Chung, và 150/180 quán bia được chống lưng, và lợi ích nhóm vỉa hè cũng như sự thảm hại của chiến dịch đòi vỉa hè cho dân giờ đây chỉ được nhắc lại khi... “có chuyện” thực sự đã trở thành di sản thừa kế không ai muốn nhận cả.

Người ta không thể chống lợi ích nhóm bằng cách nói xong bỏ đó, hoặc tệ hơn, thay nhóm này bằng một nhóm khác.

Hôm nay, tràn ngập khắp nơi là những chuyện cũ: Cắt cỏ đại lộ Thăng Long hết 53 tỉ đồng, trồng 1 triệu cây xanh, cho đến chuyện nhập xe quét rác và tất nhiên, cả việc làm sạch sông Tô Lịch bằng hoá chất nhập độc quyền.

Cái gì làm được cho dân, dân đều biết cả. Cái gì là món nợ thì vẫn là món nợ. Cũng như cái gì sai thì phải chịu trách nhiệm. Đó là lẽ công bằng

Chỉ mong những câu chuyện đại loại quán bia không trở thành bia miệng vì những gì phía sau.

ANH ĐÀO


--------------------

'Đừng tưởng Thủ tướng không biết ông nào có 13-14 sân sau'

21/11/2018 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê phán tình trạng yếu kém, sân trước sân sau tại DNNN. Ông cho biết có doanh nghiệp sở hữu 13-14 sân sau và Thủ tướng biết rõ.

Sáng nay 21/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty.
Vai trò cầm trịch

Thủ tướng nhấn mạnh đây là hội nghị rất quan trọng, liên quan đến lực lượng doanh nghiệp đang nắm giữ tài sản 3 triệu tỷ đồng; lượng vốn 1,5 triệu tỷ đồng. Đây là số lượng vốn và tài sản rất lớn, bởi GDP của cả nền kinh tế mới đạt hơn 5 triệu tỷ đồng.

Ông cũng khẳng định lực lượng DNNN rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước, vì thế không thể “giải tán” vai trò của DNNN.

“Vai trò của DNNN rất quan trọng. Lực lượng này làm những điều mà tư nhân không làm được. DNNN phải khai phá, đi đầu trong phát triển, cầm trịch nền kinh tế”, ông nói.

Thủ tướng lấy ví dụ Nhà nước đã và đang nắm giữ những vấn đề quan trọng như điện lực, đảm bảo an ninh năng lượng; 4 ngân hàng lớn giúp điều tiết chính sách tiền tệ; doanh nghiệp viễn thông giúp đảm bảo an ninh quốc phòng; các doanh nghiệp lương thực, cao su đều có những nhiệm vụ quan trọng.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh cần phải giữ tinh thần là Nhà nước cần nắm giữ cái gì thì nắm giữ, nếu lĩnh vực nào không cần thiết thì sẽ thoái vốn. Việc cổ phần hóa các DNNN hiệu quả để huy động vốn xã hội vào, nâng cao năng lực quản trị, phòng chống tham nhũng.

Hiện tại đã có 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được bàn giao về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước. Ủy ban này sẽ giúp Chính phủ điều hành tốt hơn các DNNN.

Thủ tướng cũng đánh giá cao thời gian vừa qua việc nâng cao hoạt động quản lý của DNNN đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ngân sách Nhà nước. Số lượng DNNN đã giảm xuống còn khoảng 600. Tính cạnh tranh bình đẳng trong sản xuất kinh doanh ngày càng được nâng cao.

'Không chịu chuyển động'


Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của DNNN trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, hiệu quả đóng góp của DNNN còn thấp, nhất là đầu tư, yếu kém về khoa học công nghê. Tình trạng nợ xấu, thua lỗ vẫn còn ở một số tập đoàn, còn tình trạng thất thoát lớn.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh công tác giám sát, thanh tra nội bộ vẫn còn nhiều tồn tại, để xảy ra thất thoát lớn. Một số doanh nghiệp không chịu công khai minh bạch, quản trị doanh nghiệp còn yếu kém, không chịu học hỏi, bổn cũ chép lại, bình cũ rượu mới, treo đầu dê bán thịt chó, sân trước sân sau…

“Tôi muốn nói là có ông không chỉ 1 sân sau mà còn 2-3 sân sau, thậm chí là 12-13, 13-14 sân sau. Có ông có đầy đủ bao nhiêu sân sau buôn bán nguyên vật liệu. Tôi khẳng định không phải là Thủ tướng không biết đâu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.


Toàn cảnh hội nghị sáng nay (21/11). Ảnh:Quỳnh Trang.

Thủ tướng cũng chỉ ra tiến độ cổ phần hóa giai đoạn 2016-2017 là chậm, đặc biệt là tại TP.HCM. DNNN cũng chưa dẫn đầu, dẫn dắt nền kinh tế, đi đầu trong đổi mới công nghệ. Nhiều tập đoàn trong nhiều năm không đầu tư gì, không có sự chuyển động.

Ông chỉ ra nguyên nhân là tại một số DNNN việc chấp hành chỉ đạo chưa nghiêm, còn tâm lý e ngại, tâm lý sợ mất vị trí, tư tưởng yên vị, kìm hãm tiến độ đổi mới. Vẫn còn tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.

Ngoài ra, việc xử lý các vụ việc khởi tố một số vụ án tại các tập đoàn, tổng công ty ảnh hưởng ít nhiều đến hình hình sản xuất kinh doanh. Nhiều nơi còn có tâm lý e ngại, không thực sự chuyển động. Ông đề nghị doanh nghiệp phải tập trung hơn nữa vào sản xuất kinh doanh.

“Sau một cuộc thanh tra, không ai làm việc gì cả, không chuyển động phục vụ nhân dân. Nếu địa phương A, B có vấn đề không xử lý sẽ tụt hậu, doanh nghiệp không vươn lên sẽ rớt lại. Nếu cứ “im lặng là vàng” thì sao xã hội phát triển được. Tôi xin nhấn mạnh chống tham nhũng là chống, nhưng làm là vẫn phải làm”, ông chia sẻ.

Không để lỗ hổng trong cổ phần hóa

Từ những tồn tại nêu trên, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp phải đẩy nhanh áp dụng công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông yêu cầu phải chọn sản phẩm cạnh tranh, có nhiều tiềm năng để phát triển. Cần đổi mới, nâng cao hiệu quả của DNNN một cách cụ thể, rõ ràng.

Tiếp tục tái cơ cấu lại DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị, bảo toàn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, giữ vững vai trò dẫn dắt, với nền kinh tế. Áp dụng công nghệ trong quản lý, phát triển lực lượng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, bởi không có người giỏi thì không thể thành công.

Phấn đấu đến năm 2020, xử lý xong thoái vốn xong tại các DNNN mà Nhà nước không cần nắm giữ; tập trung xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ. Đảm bảo việc cơ cấu lại không làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Nghiêm túc cổ phần hóa, chấp hành quy định của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ.

Thủ tướng mong các DNNN tập trung đổi mới công nghệ. Ảnh:TT.

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các DNNN đã cổ phần hóa mà không niêm yết trên sàn chứng khoán.

"Không để có những lỗ hổng, vi phạm trong cổ phần hóa xảy ra, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên", Thủ tướng chỉ đạo.

Ông cũng yêu cần cần rà soát chặt chẽ các phương án cổ phần hóa của doanh nghiệp Nhà nước.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu công tác thanh tra, kiểm tra phải chặt chẽ, đúng quy định, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động bình thường. Thanh tra, kiểm tra phải đặt mục tiêu để doanh nghiệp hoàn thiện, phát triển tốt hơn. Trong việc điều tra, khởi tố cần tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội.

Cuối cùng Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ về thể chế để tạo điều kiện cho các thành phần phát triển, trong đó có DNNN. Ông mong rằng lực lượng này sẽ phát huy tốt vai trò đầu tàu của mình, dẫn dắt nền kinh tế, tạo ra nhiều doanh nghiệp lớn mạnh cho Việt Nam.

Nguồn: Zing.vn

https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/dung-tuong-thu-tuong-khong-biet-ong-nao-co-13-14-san-sau-248676.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét