Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

Giấc mơ ô tô Việt: Thay vì ưu đãi FDI...

Giấc mơ ô tô Việt: Thay vì ưu đãi FDI...
(Thị trường) - Thay vì giảm thuế, phí, Nhà nước thúc đẩy tạo ra sản phẩm từ công nhiệp phụ trợ, đóng góp vào công nghiệp ô tô thì cơ hội giảm giá nhiều hơn.Khi báo cáo gửi Chính phủ của Bộ Công thương tiếp tục nhắc lại thực tế không mấy thay đổi của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực thì đề xuất nhằm thúc đẩy sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước của Bộ này cũng gây nhiều tranh cãi.

Theo đó, Bộ Công thương đề nghị giảm 50% phí trước bạ và ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, thế nhưng sau đó Bộ Tài chính đã "bác" đề xuất này vì vi phạm cam kết về không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ở góc độ chuyên gia, cũng không ít ý kiến đặt vấn đề: ưu đãi dành cho ai khi thị trường ô tô Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp FDI?

Trong khi đó, trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Honda Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty khó có thể khôi phục lại sản xuất như kế hoạch đề ra dẫn đến việc Honda Việt Nam có khả năng chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sản xuất sang nhập khẩu.

Trao đổi với Đất Việt, GS.TS Nguyễn Khắc Trai, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thời gian qua nổi lên câu chuyện sản xuất ô tô trong thời kỳ khó khăn, cụ thể là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Nếu cứ ưu đãi tràn lan thì FDI được lợi, và ông tin rằng họ cũng không mặn mà lắm trong việc giảm thuế, phí. Cái FDI cần là nâng doanh thu, lợi nhuận để có lợi cho họ, đó là chưa kể đến khả năng doanh nghiệp FDI sẽ tìm cách chuyển giá.

Trước thực tế đó, làm thế nào để công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển khác với một vài quốc gia lân cận trong ASEAN? Đó là vấn đề mấu chốt mà theo GS Trai cần phải trả lời.

Chỉ ra thực tế thời gian qua các doanh nghiệp ô tô nhập khẩu linh kiện đều gặp khó khăn và ghi nhận các doanh nghiệp đã rất cố gắng, song vị GS lưu ý, trong ngành công nghiệp nói chung, để giảm sự lệ thuộc vào nước ngoài thì phải phát triển công nghiệp phụ trợ. Công nghiệp phụ trợ cần được ưu đãi chính là công nghiệp phụ trợ ở khu vực đóng vai trò then chốt để tạo nên sản phẩm, hay còn gọi là sản phẩm mang tính chất "linh hồn". Ví dụ, điện thoại thì các con chip là phần linh hồn, then chốt tạo nên sản phẩm điện thoại thông minh.

Đối với ô tô, đó là các sản phẩm của khu vực hệ thống truyền lực, động cơ, không phải là các linh phụ kiện nhỏ như nhựa hoặc săm lốp...

"Do đó, theo tôi, Nhà nước nên khuyến khích đưa các ưu đãi cho ngành công nghiệp phụ trợ mang tính chất then chốt, linh hồn của một sản phẩm cao cấp thì mới có thể giải quyết được hai vấn đề: giảm giá thành và ít phụ thuộc hơn nếu có biến động bên ngoài, vì công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp toàn cầu", GS.TS Nguyễn Khắc Trai nhấn mạnh.

Hiện tại, theo vị chuyên gia được biết, có doanh nghiệp sản xuất ô tô nổi tiếng của Việt Nam nhưng phần luyện kim lại không đáp ứng được. Những chi tiết của động cơ và hệ thống truyền lực đòi hỏi các hợp kim đặc biệt (hợp kim dùng trong chế tạo máy và chịu nhiệt), cho nên phải chú ý phát triển công nghiệp phụ trợ cấp 3 hoặc cấp 4.

Lý giải cụ thể điểm này, GS Trai cho hay, chiếc ô tô tạo nên được lắp ráp bởi hệ thống phụ trợ cấp 1 (linh kiện ở dạng tổng thành). Hệ thống phụ trợ cấp 2 phục vụ cho hệ thống phụ trợ cấp 1, là sản xuất ra các chi tiết để cho một hệ thống lắp thành cụm, đưa lên ô tô.

Hệ thống phụ trợ cấp 3 là công nghiệp luyện kim - cấp nguyên vật liệu sắt thép cho hệ thống phụ trợ cấp 2, để cấp 2 đưa lên cấp 1, sau đó chuyển sang lắp ráp.

Vì thế, phải ưu tiên các chi tiết then chốt của ô tô (động cơ, hệ thống truyền lực), còn hệ thống điện có thể phát triển sau. Nếu đã phát triển hệ thống điện phục vụ tự động hóa thì tất cả các vấn đề tiếp theo không quá khó, không đòi hỏi phải đầu tư quá lớn, có thể đầu tư về chất xám nhưng không phải đầu tư vật chất quá nhiều.

Từ những phân tích trên, GS.TS Nguyễn Khắc Trai cho rằng, khi một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn của Việt Nam tạo nên một số ngành công nghiệp phụ trợ hoặc các công nghiệp ở phía bên ngoài muốn tham gia công nghiệp phụ trợ của ô tô cũng bắt đầu quan tâm thì Nhà nước nên hỗ trợ cho khu vực đó.

"Ở đây không phải là hỗ trợ tràn lan, mà hỗ trợ cho phần công nghiệp phụ trợ then chốt để dựng nên chiếc ô tô, với hai mục tiêu đã nói ở trên: giảm giá thành và ít phụ thuộc vào bên ngoài", vị chuyên gia lưu ý và cho rằng, Nhà nước phải thúc đẩy công nghiệp phụ trợ then chốt sao cho giá thành thấp, đến khi có biến động như dịch bệnh, quan hệ kinh tế với các nước trục trặc...thì ít phụ thuộc vào thế giới và chủ động được sản phẩm của mình.

Còn nếu doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào ngành ô tô Việt Nam thì cũng phải thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ nói trên và Nhà nước cũng chỉ ưu đãi cho phần công nghiệp phụ trợ đó mà thôi. Dĩ nhiên, Nhà nước phải có điều kiện để ràng buộc FDI.

"Người tiêu dùng chính là thị trường, Nhà nước khuyến khích thị trường bằng cách giảm thuế nhưng cái này không đáng kể.

Việc căn bản phải giải quyết là tạo nên được sản phẩm từ công nhiệp phụ trợ để đóng góp vào công nghiệp ô tô, khi ấy sẽ có nhiều khả năng để giảm giá thành ô tô. Tôi nghĩ Nhà nước khuyến khích giảm thuế, phí thì chỉ một số ít người mừng, còn về tổng thể, không gì tự hào bằng việc Việt Nam có một hệ thống công nghiệp ô tô", GS.TS Nguyễn Khắc Trai nói.

Thành Luân
https://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/giac-mo-o-to-viet-thay-vi-uu-dai-fdi-3401912/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét