Việt kiều Đức
Karel Phùng - Ở Việt Nam cái tuổi của anh chị con cháu đề huề, gia đình chẳng mấy ai phải lo miếng ăn. Xứ người ở tuổi anh chị vẫn là hai mái đầu bạc trắng, người lo lau bếp, kẻ cọ chảo băm chặt từ sáng tới khuya. Về phép ở Việt Nam anh chị vẫn được người ta gọi là Việt kiều Đức.
Khu thương mại người Việt tại Đức
"Việt Nam mấy năm rồi phát triển nhanh quá" có thể nói đấy là câu cửa miệng của bất kỳ người Việt Nam nào bên này về phép mà tôi gặp qua. Vâng, Việt kiều, vẫn là cách gọi khiến cho rất nhiều người ở Đức thậm chí không dám cả về phép vì không có tiền....Mấy năm trước tôi có làm cho hai vợ chồng người Việt mở quán ăn. Vợ quanh năm suốt tháng gần 20 năm chỉ biết đi lau chùi vệ sinh cho các nhà riêng ở Đức, chỗ này một tiếng, chỗ kia hai tiếng, nơi nhiều hơn vài chục Euro, nơi ít hơn mười Euro. Anh chồng tuổi cũng cao nên ngoài phụ bếp các nơi cũng chẳng biết gì hơn. Thế rồi nơi anh làm phá sản, cả hai quay về ăn xã hội, tuổi ngoài 50 lại chậm chạp chẳng nơi nào nhận.
Hai anh chị liều mình ra mở quán, nấu ăn chỉ được học qua mấy tháng chỗ người bạn, tiếng Đức cả hai không quá được mấy câu chào hỏi. Tôi làm biển quảng cáo, trang trí cửa hàng cho anh chị, thậm chí cả lên thực đơn vì ban đầu anh định làm tới gần 300 món, cả Đức, cả Thổ Nhĩ Kỳ, cả Trung Quốc và cả món Việt Nam. Với một chỗ qui mô nhỏ, tôi rút gọn còn hơn 30 chục món, mượn các quán khác cho vào và đó là điều duy nhất tôi có thể giúp vì bản thân tôi việc quán xá cũng chẳng biết gì hơn.
Năm đầu tiên anh chị được nhà nước hỗ trợ một phần, năm thứ hai trở đi muôn vàn khó khăn. Chủ yếu do hợp đồng thuê chỗ không thể bỏ được vì sẽ bị phạt nặng mà tìm người sang tên cũng chẳng ai dám lấy. Đứa em trong gia đình qua Đức công tác nhìn anh chị tuổi cả hai ngoài 50 lam lũ với cuộc sống xứ người nó khóc. "Ở quê hương mình anh chị đâu đến nỗi khổ như vậy."
Suốt một hai năm đầu được gia đình ở Việt Nam gửi tiền vốn hỗ trợ, giúp cho chi trả tiền thuê chỗ, thỉnh thoảng gửi tiền hỗ trợ mua vé cho hai cháu về thăm quê hương. Về nước hẳn ư? Mấy lần đứa em nó giục.
"Các cháu tuổi này rồi, về Việt Nam việc học hành của các cháu sẽ dang dở. Anh chị vẫn phải cố ở lại cho chúng nó học hành xong đã. Cuộc đời anh chị coi như kết thúc rồi, mình chỉ còn biết sống cho con."
Mỗi lần về phép sang tôi thấy anh chị vui như tết, quên hết những mệt nhọc thường ngày và lúc nào cũng phảng phất không khí quê nhà. "Ở nhà các cháu, các em thậm chí cả bạn bè, đứa nào cũng thành đạt hơn mình. Việt Nam phát triển nhanh lắm, nhiều người có xe hơi, xe máy thì chẳng thiếu gì. Thu nhập so ra đồng Euro dù là người thua mình thì cuộc sống cũng gấp vạn lần so với mình bên này."
Bây giờ cũng gần 10 năm, anh nấu ăn tay nghề cũng khá lên và có lượng khách giúp cho thu nhập ổn định. Tuổi 60, các cháu đã vào đại học, đứa nào nghề nấy, chỉ còn hai tuổi già với nhau. Ở Việt Nam cái tuổi của anh chị con cháu đề huề, gia đình chẳng mấy ai phải lo miếng ăn. Xứ người ở tuổi anh chị vẫn là hai mái đầu bạc trắng, người lo lau bếp, kẻ cọ chảo băm chặt từ sáng tới khuya. Về phép ở Việt Nam anh chị vẫn được người ta gọi là Việt kiều Đức.
Karel Phùng
(FB Karel Phùng)
Can đảm , đứng lên , rời bỏ tất cả ở Đức nếu thấy ở quê nhà khá hơn , đừng
Trả lờiXóathốt lên những lời than bullshit khi sống ở đất nước mà người ta đang cho gia đình mình mọi thứ từ giáo dục đến đời sống , ở đâu cũng có đời sống khó khăn hết phải làm việc cực nhọc mới có ăn , ai sống ở nước ngoài đều là tuổi con trâu , con bò hết đừng có than ván vô ích , hãy can đảm về với quê hương "chum khế ngọt" ,thì sẽ không còn là Việt Kiều Dục nữa.