"Quả bom" lơ lửng trên đồng bằng sông Cửu Long
-Còn rất nhiều nguy cơ đang đe dọa những cây dừa Bến Tre, quả bưởi Năm Roi đất Vĩnh Long, con cá Basa An Giang và những đàn cá Linh mùa nước nổi xứ Đồng Tháp Mười.
Nuôi cá trên sông Mekong |
LTS: Những câu chuyện về đập thủy điện, đặc biệt những dự án thủy điện được xây dựng trên các con sông đa quốc gia như Mekong, luôn là vấn đề đặc biệt nhạy cảm, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến không chỉ những cộng đồng dân cư rộng lớn, mà còn đến quan hệ giữa các quốc gia liên quan. Việc xây dựng đập Don Sahong trên dòng chính sông Mekong do chính phủ Lào đề xuất đang ở giai đoạn tham vấn ý kiến. Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của tác giả Trần Văn Tuấn về câu chuyện này.
Với chiều dài khoảng 4.909 km (MRC), sông Mekong chảy qua các nước Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Trên lãnh thổ Việt Nam, Mekong, đã ban tặng cho con người một đồng bằng châu thổ trù phú & tươi đẹp - là vựa lúa và vựa cá lớn nhất trên đất nước chúng ta. Vùng đồng bằng có tên gọi Cửu Long này, mỗi năm được bồi đắp bởi một lượng lớn phù sa trong tổng số hơn 150 triệu tấn hòa cùng 475 tỷ mét khối nước chảy qua trước khi đổ ra biển bằng 9 cửa sông. Hiện nay cửa Ba Thắc trên sông Hậu đã bị mất do bồi lấp. Cửa Ba Lai trên sông Tiền bị đóng do cống thủy lợi nên sông Cửu Long thực tế chỉ còn 7 cửa.
Hạ lưu Mekong (thuộc Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam ) với diện tích vào khoảng 606.000 km2 là nơi "Sông mẹ" cung cấp nơi ở và sinh kế cho khoảng 60 triệu người với nguồn tài nguyên nước dồi dào cùng hệ sinh thái vô cùng đặc hữu và phong phú.
Đầu xuôi, đuôi có lọt?
Với nguồn tài nguyên nước dồi dào cùng cấu tạo địa chất đặc thù, lưu vực Mekong là nơi lý tưởng cho phát triển thủy điện trên cả dòng nhánh và dòng chính. Ước tính tổng công suất thủy điện của khu vực hạ lưu vào khoảng 29.760 MW, trong đó 2,612 MW đang được khai thác và khoảng 3,574 MW đang được triển khai lắp đặt.
Trong số hơn 120 dự án thủy điện đã, đang và sẽ triển khai, 70% dự án nằm trên lãnh thổ Lào, 10% của Campuchia, còn lại thuộc VN.
Do nhu cầu phát triển kinh tế và an toàn năng lượng, bất chấp các cảnh báo về mất cân bằng sinh thái và các biến động môi trường do thủy điện trên dòng nhánh gây ra. Các nước ven sông vẫn khẩn trương khai thác nguồn năng lượng "sạch" với việc 71 con đập lớn nhỏ trên các dòng nhánh đã và đang được xây dựng. Cùng với đó là việc hầu hết các địa điểm còn lại có tính khả thi cho đặt nhà máy thủy điện trên dòng nhánh Mekong cũng đã được các nước quy hoạch hết
Do đa phần các dòng nhánh thường nằm gọn trong lãnh thổ một Quốc gia, nên rất khó cho các tổ chức Quốc tế hay khu vực có thể lên tiếng khi có thêm một con đập trên dòng nhánh được xây mới..
Khi chúng ta đang còn tự hào rằng Mekong, cùng với sông Amazon là hai con sông hiếm hoi còn lại trên TG vẫn giữ được dòng chảy tự nhiên trên dòng chính (tại hạ lưu), thì cũng là lúc các nước thành viên bắt đầu quan tâm đến tiềm năng thủy điện trên dòng chính này.
Thời điểm đập Xayaburi được CP Lào đưa ra tham vấn với các nước thành viên của Ủy hội sông Mekong (MRC) vào năm 2011, đã có rất nhiều ý kiến lo ngại về những tác động tiêu cực mà con đập này có thể gây ra cho dòng sông cùng HST của nó, đặc biệt về phía hạ lưu, trong đó có ĐBSCL của chúng ta. Khi đó nhà đầu tư đã giải thích rằng sẽ không quá lo ngại cho vùng Đồng bằng châu thổ của VN khi con đập này được thiết kế theo dạng đập tràn và hơn nữa vị trí của nó nằm khá xa, 1930 km so với cửa sông Cửu Long (theo đường cá bơi)
Tính chất ngoại giao đầy nhạy cảm giữa các QGTV của MRC đã tạo điều kiện cho Lào vượt qua dư luận và các lo ngài của cộng đồng ven sông để tiếp tục triển khai dự án. Kết quả là con đập này đã xuất hiện.
Nếu như một con đập Xayaburi không quá đe dọa vựa lúa của chúng ta thì cái mà mọi người lâu nay lo ngại và cũng đã dự báo trước - nguyên tắc "đầu xuôi đuôi lọt" đã thực sự bắt đầu với việc CP Lào đang lấy ý kiến tham vấn về việc xây dựng con đập thứ hai trên dòng chính - đập Don Sahong (nằm sát BG Camphuchia và khá gần VN). Sau Don Sahong sẽ là đập nào trong tổng số 9 con đập còn lại.
Như vậy, các nguy cơ đe dọa đến ĐBSCL của chúng ta đang ngày càng hiện hữu và lần này nếu đập Don Sahong vẫn tiếp tục được triển khai, thì trong tương lai gần, về cơ bản ĐBSCL sẽ gánh chịu rất nhiều ảnh hưởng bất lợi, trong đó bao gồm các ảnh hưởng sau:
Thứ nhất các con đập sẽ làm cho mùa nước nổi của ĐBLCL ngắn lại, gây tổn thất đáng kể đến năng suất mùa vụ cũng như thủy sản. Khi tích nước các con đập sẽ khiến chế độ thủy văn bị "trễ làm ảnh hưởng đến việc thau chua, rửa mặn, ém phèn, đồng thời góp phần thay đổi cơ cấu mùa vụ..
Thứ hai, theo Peter Adamson (2009). Sau khi hoàn thành cả 8 con đập tại Trung Quốc, 90% tổng lượng phù sa khu vực này đóng góp cho Mekong sẽ bị chặn lại. Cộng với 11 con đập tại hạ lưu, có thể nói vùng ĐBSCL của chúng ta sẽ bị mất khoảng 90% tổng lượng phù sa nhận được so với trước kia.
Thiếu phù sa sẽ khiến nhiều nơi tại ĐBSCL bị cát bồi lấp và mất đất canh tác hay giảm độ màu mỡ của đồng ruộng. Phù sa giảm cũng đồng nghĩa với việc giảm năng suất sinh học sơ cấp và từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến nghề cá do sản lượng cá sụt giảm - ảnh hưởng đến an ninh lương thực của khu vực và sinh kế của hàng triệu người.
Thứ ba, các con đập cũng tạo nên những bức tường nhân tạo ngăn cản các loài cá di cư sinh sản hoặc làm thay đổi HST dòng sông và sinh cảnh của nhiều loài cá hoặc bồi lấp những vực sâu của sông nơi từng là môi trường sống lý tưởng cho nhiều loài cá. Đặc biệt, sự mất mát về dinh dưỡng sẽ khiến cho khu vực bờ biển ven ĐBSCL bị giảm mạnh về sản lượng thủy sản. Còn rất nhiều ảnh hưởng khác như giao thông thủy, du lịch, chất lượng nước và môi trường và xã hội mà tôi không thể liệt kê hết được trong một bài viết.
Cái gì đang chờ đợi chúng ta?
Còn nhiều, nhiều nữa nguy cơ đang đe dọa những cây dừa Bến Tre, quả bưởi Năm Roi đất Vĩnh Long, con cá Basa An Giang và những đàn cá Linh mùa nước nổi xứ Đồng Tháp Mười.
Những ảnh hưởng về xã hội, kinh tế rồi cũng có thể giải quyết được bằng các cơ chế hợp tác sâu rộng và phù hợp hơn thông qua ý chí và thiện chí của các quốc gia.
Cái khó giải quyết nhất đó là xây đập thì dễ, phá đập thật khó hơn nhiều. Hãy hành động khi chưa quá muộn không chỉ để cứu một dòng sông, một vựa lúa mà để con cháu chúng ta không phải thiệt thòi vì ông cha chúng đã không làm tròn bổn phận khiến cho một dòng sông phải chết.
Hơn hết, cái mà tôi lo ngại nhất đó là một ngày không xa tiếng Đàn ca tài tử sẽ không còn vang lên trên bến Ninh Kiều, và những người lái phà sông Hậu đất Sóc Trăng sẽ phải định kỳ nghỉ việc do các dòng sông cạn nước.
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/210979/-qua-bom--lo-lung-tren-dong-bang-song-cuu-long.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét