Phía sau những “hiện tượng văn hóa kỳ dị”
Làm sao không khỏi khiến mỗi người dân thường ít nhiều chạnh lòng, “tâm tư” trong khi cái nghèo thiếu còn hiển hiện rõ rệt ngay trong bữa cơm, chiếc cặp đi học của hàng vạn con em và người dân Thủ đô sống ở bên ngoài cái phồn hoa trung tâm thị thành… Con số 35 công trình tượng đài trong một đề án làm đẹp Thủ đô mới đây lại làm dấy lên trong dư luận nhiều băn khoăn về ý nghĩa thực sự và lâu bền của chúng với đời sống tinh thần của người dân.Đua nhau dựng tượng
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi đất nước bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế và đời sống xã hội, nhiều nghệ sĩ mỹ thuật Việt Nam đã lên tiếng về chất lượng của tượng đài ở Việt Nam nói chung, đồng thời cho rằng, sứ mệnh lịch sử của loại hình nghệ thuật công cộng này đã hoàn thành.
Nghệ thuật tượng đài- đài tưởng niệm ở Việt Nam cần phải được nhìn nhận theo một chiều hướng khác. Tỉ dụ như hướng tới phục vụ thiết thực nhu cầu giải trí và nâng cao thẩm mỹ của nhân dân, thay vì tính chất "kỷ niệm" và tuyên truyền mà thực ra, từ lâu đã bị một số người lợi dụng, để biến các công trình tượng đài, đài tưởng niệm thành …. dự án để dễ bề rút ruột.
Nhiều năm qua, chuyện khắp các tỉnh đua nhau xây dựng tượng đài cuối cùng đã dẫn đến nhiều hậu quả đau xót về cả nghệ thuật lẫn kinh tế. Đỉnh điểm là các vụ việc tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2004); hay những tai tiếng về giá trị nghệ thuật của tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội), tượng đài Công nhân (Hà Nội).
Có lẽ, nguyên do căn cốt chính là lòng tự trọng của một số nhà điêu khắc, hoặc là muốn tham gia hoặc là không dám rút ra khỏi "dự án kinh tế".
Vốn dĩ, mục đích nguyên thủy của việc xây dựng tượng đài là để tạo nên các công trình tưởng niệm mang giá trị nghệ thuật đặc biệt xứng đáng được lưu giữ cho hậu thế. Tượng đài, đài tưởng niệm được đặt trong một không gian thoáng đãng, hợp lý sẽ là nơi dừng chân của công chúng, để ngắm nhìn, thưởng lãm vẻ đẹp nghệ thuật của công trình, cảm nhận và suy nghĩ về ý nghĩa lịch sử- xã hội- văn hóa của công trình đó. Đây cũng chính là giá trị đương thời của một công trình nghệ thuật công cộng.
Nhưng bao nhiêu phần trăm công trình đạt mục đích trên?
Với người Thủ đô, trong số 05 công trình thuộc dạng tượng và tượng đài các nhân vật nổi tiếng trong truyền thuyết và lịch sử thành văn, gồm tượng đài Lý Tự Trọng (tại vườn hoa cùng tên bên Hồ Tây), tượng đài tại công viên Lênin, đường Điện Biên Phủ, tượng đài Quang Trung (khu vực Gò Đống Đa), tượng đài Lý Thái Tổ (vườn hoa Lý Thái Tổ, bên hồ Hoàn Kiếm), tượng đài hai bác tại công viên Thống Nhất, tượng Thánh Gióng (Sóc Sơn), duy nhất có tượng Lênin và không gian bao quanh đó thực sự trở thành một tụ điểm công cộng có giá trị cao về thẩm mỹ.
Nhưng toàn bộ công trình này do các nhà điêu khắc, KTS, chỉ đạo kỹ thuật của Liên Xô thực hiện và là món quà mà Đảng CS Liên Xô tặng Đảng CS Việt Nam trong dịp đoàn đại biểu Đảng CS Liên Xô sang Việt Nam dự Đại hội Đảng lần thứ năm, tháng 3 - 1982. Các công trình còn lại do chúng ta tự làm, tự thiết kế thì đều vướng phải những vấn đề cả nhận thức lẫn giá trị thẩm mỹ.
Hiện tượng kỳ dị?
Có thể coi một tượng đài vừa là công trình nghệ thuật công cộng, bày ra giữa mưa nắng, gió bụi thiên nhiên, lại vừa là một tượng thờ, với những nghi lễ hô thần nhập tượng cung kính và hàng năm đều có lễ dâng hương? Hay cùng là tượng một nhân vật nhưng ở mỗi địa phương, diện mạo, thần thái của nhân vật đó lại khác nhau hoàn toàn. Nói vui như một nhà nghiên cứu mỹ thuật lão thành là “không biết đâu là thật, đâu là giả, đâu là anh, đâu là em?”. Họa sĩ Nguyễn Quân từng phải thốt lên rằng, tượng đài là một “hiện tượng văn hóa kỳ dị” của Việt Nam.
Bên cạnh đó, dạng tượng đài để tưởng niệm sự kiện lịch sử (hoàn toàn về chiến tranh), gồm có 04 công trình: Khâm Thiên khắc sâu căm thù (đầu phố Khâm Thiên), cụm đài tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng nhà tù Hỏa Lò, bên trong khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh (khu vực đền Bà Kiệu, hồ Hoàn Kiếm) và… Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh (vườn hoa phố Hàng Đậu). Hai công trình cuối chẳng khác gì nhau mấy.
Nhìn vào hiện trạng, để thấy dự kiến 35 tượng đài mới, hay mỗi quận huyện một tượng đài mới có trị giá từ 20 tỉ đồng trở lên,… làm sao không khỏi khiến mỗi người dân thường ít nhiều chạnh lòng, “tâm tư” trong khi cái nghèo thiếu còn hiển hiện rõ rệt ngay trong bữa cơm, chiếc cặp đi học của hàng vạn con em và người dân sống Thủ đô ở bên ngoài cái phồn hoa trung tâm thị thành…
Tất nhiên, việc làm đẹp diện mạo đô thị thì không nên chờ cho đến khi ta giàu có thực sự mới làm, nhưng việc đó cũng nên được cân nhắc cẩn trọng để hợp lòng dân.
Theo Đề án Quy hoạch của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia đề xuất, hiện nay, Hà Nội mới chỉ có 28 tượng đài. Từ nay đến năm 2030, Hà Nội cần xây thêm 35 tượng đài mới, được phân bố đều ở tất cả các quận, huyện. Giai đoạn 2015 - 2020, sẽ ưu tiên xây 11 tượng đài với nguồn vốn 550 tỉ đồng. (Theo vtv.vn)Đào Dục Tú
(VNN)
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/211372/phia-sau-nhung--hien-tuong-van-hoa-ky-di-.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét