Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Nhiều thủ tục làm ‘nản lòng’ nhà đầu tư nước ngoài

Nhiều thủ tục làm ‘nản lòng’ nhà đầu tư nước ngoài
(DĐDN) - Góp ý kiến tại VBF 2014 sáng 2/12, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp từ Hoa Kỳ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Canada và các nhóm công tác cũng bày tỏ quan ngại những bất cập trong thủ tục đầu tư, thuế, đất đai…
VBF 2014 diễn ra sáng 2/12 đã thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài tới tham dự
Ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, các nhóm công tác của Diễn đàn đều đánh giá cao những thành tựu gần đây của Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh song cũng còn tồn tại không ít những trở ngại.

Phát biểu tại Diễn đàn, các thành viên AmCham cho biết họ thường xuyên bị cản trở bởi sự chậm trễ trong việc đưa ra quyết định đối với các dự án và chính sách quan trọng. Một số ví dụ như chậm trễ trong thực thi quy định đối với các Luật và Nghị định quan trọng, trong tiến độ xúc tiến các dự án cơ sở hạ tầng chủ chốt, trong tổ chức hợp lý hóa thủ tục hành chính…

“Việc thiếu lộ trình rõ ràng làm nhụt chí các nhà đầu tư và tăng khả năng họ phải cân nhắc đến các kế hoạch lựa chọn các nước khác trong khu vực Châu Á” – đại diện AmCham chia sẻ - “Sự bất ổn gây ra bởi sự thiếu minh bạch, tham nhũng tiếp tục là thách thức lớn nhất trong kinh doanh đối với các thành viên AmCham”.

Nhóm công tác đầu tư và thương mại của VBF đã bày tỏ quan ngại đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và thương mại của Việt Nam. Theo đó, trở ngại đầu tiên làm nản lòng nhà đầu tư nước ngoài là yêu cầu phải có Giấy chứng nhận đầu tư khi doanh nghiệp Việt Nam bán 1 cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhóm công tác đề nghị chỉ yêu cầu Giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện hoặc trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua từ 51% cổ phần.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài rất e ngại với thời hạn ngắn từ 5 đến 10 năm của Giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại. Trong trường hợp này nhà đầu tư phải đối mặt với rủi ro phải thành lý khoản đầu tư trong trường hợp Giấy chứng nhận đầu tư không được gia hạn.

Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư khi có nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn cũng còn quá phức tạp, mất nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ và giải trình bổ sung những thông tin không cần thiết. Thời gian cấp phép cũng kéo dài vì những quy trình xin ý kiến lòng vòng giữa Sở Kế hoạch và đầu tư và Văn phòng UBND hoặc giữa Sở Kế hoạch và đầu tư với các bộ ngành. Có trường hợp Sở Kế hoạch và đầu tư không xử lý hồ sơ tới 2, 3 tháng vì chưa nhận được chỉ đạo...

Thời gian cấp phép còn bị kéo dài vì những quy trình xin ý kiến lòng vòng giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Uỷ ban Nhân dân hoặc giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư với các bộ ngành. Có những trường hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư không xử lý hồ sơ tới 2-3 tháng vì chưa nhận được ý kiến phản hồi từ các bộ liên quan.

Có trường hợp đăng ký chuyển nhượng cổ phần, cơ quan cấp phép yêu cầu giải trình về việc tuân thủ nghĩa vụ thuế hoặc yêu cầu phải có văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Trong một số trường hợp, cơ quan cấp phép còn xem xét, đưa ra ý kiến liên quan tới thỏa thuận thanh toán hoặc mức giá chuyển nhượng vốn theo giá thị trường.

“Chúng tôi hiểu rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những nỗ lực rất lớn trong việc đơn giản hóa qui trình đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp thông qua việc sửa đổi các Luật Đầu Tư và Luật Doanh Nghiệp. Tuy nhiên, quan ngại lớn vẫn là việc triển khai thực hiện trên thực tế. Với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp, chúng tôi rất hy vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ có biện pháp chỉ đạo mạnh mẽ để có thể cắt giảm 30% đến 50% thủ tục hành chính hiện hành” – nhóm công tác bày tỏ.

Nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo chia sẻ về những vấn đề liên quan đến Nghị định 73/2012/ND-CP về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đại học. Nhóm cho biết, về điều kiện thành lập, trên lý thuyết, việc thành lập một trung tâm ngoại ngữ sẽ dễ dàng hơn một cơ sở giáo dục thông thường (ví dụ trường tiểu học) hoặc một cơ sở giáo dục bậc đại học, nhưng Nghị định 73 lại yêu cầu thủ tục và hồ sơ đăng kí tương tự nhau cho tất cả các loại hình cơ sở giáo dục này. Ngay cả yêu cầu về kinh nghiệm làm việc cho giáo viên ngoại ngữ và giảng viên đại học là như nhau – 5 năm kinh nghiệm. Luật cần xem xét bản chất của các cơ sở giáo dục đào tạo để đưa ra các quy định phù hợp.

Về thủ tục pháp lý, trước đây, quá trình thành lập một cơ sở giáo dục đào tạo chỉ yêu cầu giấy phép đầu tư và giấy phép hoạt động (hai loại giấy phép), nhưng Nghị định 73 lại yêu cầu ba loại giấy phép với thủ tục pháp lý và hồ sơ xin cấp phép tương tự nhau. Điều này dẫn đến việc thanh kiểm tra ba lần với cùng một cơ sở giáo dục bởi bởi ba cơ quan chức năng khác nhau.

Bên cạnh đó, các thủ tục pháp lý để cấp giấy phép cho các dự án đầu tư mới cũng giống như các thủ tục pháp lý của dự án tái đầu tư. Ví dụ, nếu một trường đại học uy tín mong muốn mở rộng khuôn viên ở một địa điểm mới thì phải trải qua quá trình tương tự với quá trình làm hồ sơ đầu tư hoàn toàn mới. Điều này cũng áp dụng đối với các các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn như trung tâm ngoại ngữ, các trung tâm đào tạo nghề, vv.

Nhóm công tác đất đai chia sẻ theo Luật Nhà Ở hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài muốn tiến hành phát triển nhà ở thương mại lần đầu tiên thì phải có Giấy Chứng Nhận Đầu Tư theo quy định của Luật Đầu tư. Tương tự, theo Luật kinh doanh bất động sản, một nhà đầu tư nước ngoài muốn nhận chuyển nhượng dự án cũng cần phải có được giấy chứng nhận đầu tư.

Theo Luật Đầu tư, nhà đầu tư phải có dự án thì mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án bất động sản. Nhóm công tác bày tỏ không rõ vì sao luật lại quy định như vậy khi mà các cơ quan cấp phép sẽ kiểm tra năng lực của nhà đầu tư khi thẩm định đề nghị xin cấp giấy chứng nhận đầu tư của nhà đầu tư. Quy định này đơn thuần chỉ đặt ra thêm các thủ tục không cần thiết làm cản trở các nhà đầu tư phát triển bất động sản và gây lúng túng cho các cơ quan cấp phép.

Và đưa ra đề nghị bỏ quy định yêu cầu nhà đầu tư phải có giấy chứng nhận đầu tư trước khi được phép thực hiện dự án nhà ở thương mại và nhận chuyển nhượng dự án...

Những bất cập trong thủ tục đầu tư, thuế, hải quan, đất đai…đều là những lĩnh vực đang được Chính phủ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến phát biểu thẳng thắn xây dựng và thiết thực của các đại diện có mặt. Những ý kiến đó sẽ giúp Chính phủ Việt Nam tiếp thu, sửa đổi hoàn thiện thể chế luật pháp, cơ chế chính sách trong quản lý điều hành của Chính phủ sát với thực tế hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong và ngoài nước phát triển hơn, nền kinh tế có sự phát triển bền vững hơn, hội nhập sâu rộng hơn.

N.Phương

http://dddn.com.vn/dau-tu/nhieu-thu-tuc-lam-nan-long-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-20141203122012436.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét