Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Điên rồ: lạm phát 2015 lại phải kích lên 5%?

Bài viết này quá lủng củng, chẳng hiểu gì về kinh tế vĩ mô. Kích thích tăng trưởng kinh tế bằng lạm phát đúng là điên rồ. Lạm phát gây mất ổn định, là một loại thuế đánh vào người dân...; tăng trưởng bằng cách Nhà nước ăn cướp tiền của dân để chi tiêu phung phí thì tăng trưởng có ý nghĩa gì ? Không hiểu sao rất nhiều nhà kinh tế Việt Nam cứ thích dùng giải pháp này. Dự báo giá dầu năm 2015 còn giảm, lẽ ra nhân cơ hội này càng phải tiếp tục ổn định mặt bằng giá cho vững chắc. Đã qua rồi giai đoạn chuyển đổi kinh tế cần điều chỉnh giá khu vực bao cấp và tự do hóa giá cả... làm mặt bằng giá năm nào cũng phải tăng. Từ chục năm nay rất cần ổn định giá, bây giờ mới chập chững đạt được thì TS Ngân lại kêu gào phá bỏ. Ngân hàng không cho vay được là do chất lượng kinh tế quá kém; cần chống nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp, thay đổi môi trường kinh doanh, tự do hóa kinh tế... để kích thích tăng trưởng kinh tế, từ đó kích thích nhu cầu vay vốn; đấy mới là gốc vấn đề chứ không phải cứ thả lỏng tín dụng, cho vay tín dụng bừa bãi để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Quan điểm của tôi là với tình hình thuận lợi hiện nay và dự báo sắp tới, nên cố gắng phấn đấu giữ lạm phát năm 2015 ở mức như năm nay (3%) hoặc thấp hơn càng tốt; nhưng đây chỉ là số dự báo chứ không phải là mục tiêu phải đạt bằng mọi giá. Lạm phát phụ thuộc vào cung tiền tệ, tín dụng trong khi cung tiền tệ, tín dụng phụ thuộc vào nhu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đến lượt mình, nhu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế lại phụ thuộc vào môi trường kinh doanh do chính phủ và thế giới tạo nên. Hai nhân tố cuối (môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế) không ổn định thì không thể cố định cứng nhắc một mục tiêu lạm phát (cũng như cố định 1 mục tiêu tăng trưởng).
Tại sao lạm phát 2015 lại phải kích lên 5%?
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niêm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, dự kiến lạm phát năm nay sẽ dừng ở dưới 3%, song năm tới lạm phát sẽ được kích lên 5% trong tầm kiểm soát để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển. Tại sao lại phải kích lạm phát lên 5%?
Theo PGS.TS.Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM, với mức lạm phát 5% mới kích thích tăng trưởng nền kinh tế. Có nghĩa, vừa kích thích sự tăng trưởng kinh tế, vừa kích thích sản xuất kinh doanh, các nhà tiêu dùng cũng cảm thấy chấp nhận được.

“Cho nên 2015 chúng ta đưa ra mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 5%, đối với tôi chỉ số này là bình thường, do nguyên nhân chính là tác động của giá xăng dầu thế giới. Bởi vậy, tình hình lạm phát thấp không riêng gì Việt Nam mà diễn ra trên thế giới do chỉ số đặc biệt giá dầu thô đang tụt trên 90 USD xuống còn mức 70 USD/thùng, kéo giá cả chung cả thế giới đi xuống, không riêng Việt Nam”, ông Ngân phân tích


Thời gian qua, lạm phát là yếu tố đặc biệt quan tâm trong thời kỳ dài, lạm phát thường gây ra tác hại phụ với nền kinh tế. “Từ 2011 đến nay, chúng ta có mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Đến nay kiềm chế đó có đầy đủ biện pháp để có thể điều hành lạm phát theo ý muốn chủ quan. Tuy nhiên, chúng ta quen với lạm phát cao, khi lạm phát xuống thấp, chúng ta lo lắng”, ông Ngân bình luận.

Về vấn đề này, một chuyên gia tài chính cho rằng lạm phát là vấn đề có thể dự báo sớm. Việc lạm phát đến nay chỉ 2, 6% là điều có thể được báo trước bởi nền kinh tế không hấp thụ được vốn.

“Điều này đã được nói rất nhiều trong thời gian qua. Thực tế là ngân hàng không cho vay được, tín dụng cũng chỉ mới chuyển dịch được có mấy tháng gần đây. Chỉ có điều, lạm phát thấp như thế, tín dụng thấp như thế nhưng tăng trưởng của nền kinh tế vẫn ở mức 5,5%, mức chấp nhận được. Theo đánh giá chung thì mức tăng trưởng như vậy là cao, chứ không phải thấp”, vị này bình luận.

Tuy nhiên lạm phát thấp cũng có những cái khó chịu. Đó là nền sản xuất, nền kinh tế sẽ chịu tác động nhất định, bởi lạm phát thấp một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng của nền kinh tế.

“Nói gì thì nói Việt Nam vẫn phải đi theo con đường tăng trưởng cao. Khi nền kinh tế rơi vào khó khăn thì nhiều chuyên gia cũng nói rất ghê là nền kinh tế của chúng ta nghiện tăng trưởng. Nhưng chúng ta đừng bao giờ bị xúc động bởi cách nói như thế. Nền kinh tế nước ta là nền kinh tế sản xuất, nên phải gắn liền với tăng trưởng là đúng”, vị này bình luận.

Với các nước phát triển như Nhật, châu Âu, Mỹ thì việc tăng trưởng thêm khoảng 0,5% đã là rất tốt vì họ đã có hàng trăm năm phát triển. “Nhưng nền kinh tế của chúng ta thì khác, nền kinh tế của chúng ta còn bé, tính bền vững của lạm phát ở mức thấp. Lạm phát thấp như thế, nó có tác động gì trong quá trình tăng trưởng của nền kinh tế chúng ta? Đó là vấn đề mà những người làm chính sách của chúng ta đã tìm hiểu, cân nhắc”, vị này bình luận.

Theo vị chuyên gia này, với nền kinh tế của Việt Nam, lạm phát tối ưu là 5 – 6%. Vì ở mức này tức là đã có mức tăng giá, có nghĩa người bán hàng có thể tăng giá, việc tăng giá sẽ tạo ra sự chênh lệch giữa giá vốn và giá bán…

“Lạm phát ở mức đó xem nó như một biến số chứ không phải là biến số duy nhất đưa vào phương trình của nền kinh tế và như thế nó kích thích sản xuất, đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài…. Có nghĩa là kích thích cho tổng cầu và từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế”, vị này bình luận.

TRẦN GIANG
http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/tai-sao-lam-phat-2015-lai-phai-kich-len-5-626636.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét