Trao hoa xấu hổ cho thanh lịch Hà Nội
(Trái hay phải?) - Đọc bài viết 'Trao hoa xấu hổ cho đường cao tốc Mỹ Đình - Bái Đính ' được đăng trên quý báo tôi thật sự rất ủng hộ ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng nên trao ứng cử viên quốc hoa - hoa xấu hổ cho dự án con đường tâm linh, hay con đường ngắn nhất về với ông bà tổ tiên - cao tốc Mỹ Đình - Bái Đính. Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tôi, có lẽ thứ cần thiết phải trao hoa xấu hổ hơn cả hiện nay chính là văn hóa Thủ đô Hà Nội.
Dù lực lượng an ninh ra sức ngăn cản nhưng
một số người dân vẫn lao vào cướp hoa
Nhắc đến văn hóa Hà Nội người ta vẫn nghĩ ngay đến câu ca dao "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Tất nhiên, chẳng phải tự nhiên mà người xưa đặt “người Tràng An” bên cạnh “hoa nhài”, để cho sự “thơm” dịu mà say lòng người ở loài hoa ấy sánh với nét “thanh lịch” của con người. Từ bao đời nay, hình ảnh người Hà Nội đã luôn nổi bật với lối ứng xử rất đặc biệt.“Thanh lịch”, thanh nhã và lịch sự, là một phẩm chất đáng quý. Người thanh lịch không chỉ có cử chỉ tao nhã, lịch sự mà phải là một người có hiểu biết sâu sắc, có cách ứng xử đúng mực, duyên dáng, đáng yêu, tức là người đó phải hội đủ các yếu tố về nội dung và hình thức.
Người Hà Nội xưa đẹp đẽ, ấn tượng là thế nhưng gần đây mọi thứ dường như đã lụi tàn, nếu không muốn nói là hoàn toàn biến mất, cách ứng xử thiếu văn hóa diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở nơi công cộng, chợ búa và len lỏi vào từng ngõ xóm, gia đình.
Khi những quán bún 'mắng', cháo 'chửi', phở 'văng' đã trở thành thương hiệu của Thủ đô và quen thuộc đến mức người dân chấp nhận sống chung thì những hiện tượng khác vẫn ngày đêm tiếp tục bào mòn cái tiếng thanh lịch thủa nào.
Làm sao mà còn thanh lịch cho được khi người ta có thể trong tư thế sẵn sàng cướp đủ mọi thứ từ to tát như xe cộ, điện thoại đến những thứ đôi khi lại nhỏ bé vô cùng như bông hoa hay chiếc áo mưa?
Năm 2010 có thể là một năm khó quên đối với Thủ đô khi chúng ta có hàng loạt chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nhưng cũng là một năm đáng quên với những người làm văn hóa khi chứng kiến những hành động cướp hoa hỗn loạn trong lễ hội hoa.
Sáng 4/1, Lễ hội Hoa Hà Nội bên Hồ Gươm kết thúc trong cảnh nhốn nháo, hỗn loạn như chợ vỡ. Đến nỗi có vị khách nước ngoài đi qua lắc đầu, buông: Crazy! Trước khu tượng đài Lý Thái Tổ, rất đông người dân xông vào cướp các rọ hoa khi Ban tổ chức Lễ hội phố Hoa Hà Nội đang thu dọn sau lễ bế mạc. Hàng trăm chậu hoa, cây cảnh bị giẫm đạp đổ nát trước sự bất lực của lực lượng an ninh. Thật đáng buồn là những người tham gia cướp hoa lại có cả những cụ ông, cụ bà và nam thanh nữ tú.
Trước đó 2 năm (2008), tại lễ hội hoa anh đào Nhật Bản diễn ra cũng tại Hà Nội, trong khi nhiều người Nhật xếp hàng để vào cổng thì nhiều bạn trẻ Việt Nam công kênh nhau bật tường rào để vào. Rồi cả nam lẫn nữ ào ạt, xô đẩy nhau tranh nhau bứt hoa bẻ cành những cây hoa anh đào mà nước bạn đưa sang Ban tổ chức bất lực nhìn, nhưng những năm sao đó, hoa anh đào thật đã không còn hiện diện trong lễ hội tại Hà Nội nữa.
Hay như mới đây, vào chiều ngày 12/9, chương trình “Đừng để bị ướt mưa!" được tổ chức ở một sân khấu ngoài trời, tại cửa của UBND quận Ba Đình. Nội dung của sự kiện ngày hôm đó bao gồm hoạt động trao tặng 3.000 chiếc áo mưa miễn phí cho người qua đường, người Hà Nội đã để cho những nhà tổ chức phải hoảng sợ khi không ngại ngần xông vào tranh cướp áo mưa.
Theo đó, mở đầu sự kiện, đại diện người Hà Lan có những lời chúc tốt đẹp tới người dân xung quanh đang có mặt tại đó. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau đó, không khí thay đổi nhanh chóng và trở nên hỗn loạn, mọi người tranh giành nhau, ai cũng cố gắng lấy nhiều nhất những món quà thiện chí về tay mình. Có người còn trèo lên cả sân khấu để cướp từ tay các tình nguyện viên và nhân viên đại sứ quán.
Nhiều người hò hét xung quanh khu vực phát áo mưa khiến quang cảnh trước UBND quận Ba Đình trở nên lộn xộn và khó hiểu. Chỉ 35 phút sau khi chương trình bắt đầu, 3.000 chiếc áo mưa đã được lấy sạch. Có tình nguyện viên phát áo mưa còn bị người dân tranh cướp áo mưa cào rách tay, khiến chảy máu.
Trên thực tế, những hành động tranh cướp ấy của người Hà Nội đã khiến không chỉ cộng đồng trong nước mà cả bạn bè quốc tế có những dấu ấn không hề đẹp, thậm chí là sợ hãi về con người thủ đô.
Không chỉ thiếu văn hóa trong những sự kiện hy hữu, hàng ngày ở Hà Nội chúng ta có thể nhìn thấy đầy rẫy những sự kiện chướng tai gai mắt. Buổi sáng trên đường không mấy ngày là không tắc nghẽn vì chen lấn, vượt ẩu. Chỉ một va quệt nhỏ cũng làm họ sửng cồ, to tiếng và thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Cuộc ẩu đả không được ai can ngăn khiến cả đoạn đường đã nghẽn càng tắc cho đến khi có cảnh sát xuất hiện. Ra chợ lỡ miệng trả rẻ là bị lườm nguýt, đốt vía, thậm chí bị chửi bới tục tĩu.
Người ta còn sẵn sàng làm xấu đi hình ảnh của bản thân và cả của Thủ đô, đất nước khi sẵn sàng chặt chém, chèo kéo những du khách nước ngoài du lịch tại Hà Nội. Mà đâu chỉ dừng lại ở đó, những hiện tượng như lừa đảo, cướp của du khách vẫn thường xuyên xảy ra khiến không ít người nước ngoài đã phải ví đi du lịch ở Việt Nam hấp dẫn như du lịch mạo hiểm vì những nguy hiểm luôn rình rập và có thể xuất hiện mọi nơi, mọi lúc.
Thậm chí người ta còn cảnh báo với nhau rằng, nếu muốn tìm một nơi mà văn hóa và vô văn hóa, vô lễ và thanh lịch đan xen, chèn ép nhau dữ dội, hãy ra bờ hồ Hoàn Kiếm. Ở đây, thắng cảnh bị xâm hại bởi bao cảnh trớ trêu, trai gái tỏ tình lộ liễu trên ghế đá ven hồ, rác rưởi bập bềnh trên mặt nước… Du khách từ tây đến Việt hễ rảo bước quanh hồ là bị bao vây bởi đội quân ăn xin, bán hàng lưu niệm với giá trên trời quấy rầy từng bước…
Du khách thường xuyên bị đội quan hàng rong ở Hà nội chèo kéo, làm phiền
Trong hoàn cảnh hỗn loạn như vậy, ấy thế người ta còn luôn nói, luôn tự hào rằng phong cảnh cũng như con người Hà Nội thanh lịch. Thậm chí, một giải thưởng uy tín đã được trao cho ý tưởng Bộ quy tắc ứng xử cho người Hà Nội văn minh, thanh lịch.Theo đó, mặc dù được hứa hẹn có nhiều bất ngờ nhưng sau nhiều năm khởi động, Bộ quy tắc ứng xử Hà Nội thanh lịch, văn minh vẫn chưa thể chính thức cho ra đời nhưng nhóm soạn thảo Đề án Xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã nhận được Giải thưởng Bùi Xuân Phái lần thứ 6 năm 2013 với phần Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội trị giá 5 triệu đồng.
Phải chăng người Hà Nội đã đến lúc cần có những quy định cụ thể về quy tắc ứng xử, cần phải trao giải thưởng cho Bộ quy tắc ứng xử đó vì thanh lịch, văn minh đã vắng bóng ở Hà Nội? Và phải chăng với những nhà quản lý, quy định cách ứng xử bằng văn bản chính là một cách để níu kéo sự thanh lịch, để câu ca dao nồi tiếng “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” không bị hết hạn sử dụng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét