Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Sự khác biệt giữa tục ngữ và thành ngữ

Sự khác biệt giữa tục ngữ và thành ngữ
(LĐ) - Số 21 - Thứ sáu 20/09/2013 10:40
Đâu là chỗ khác biệt giữa thành ngữ (ThN) và tục ngữ (TN)? Và có cách nào để phân biệt hai thứ đơn vị đó cho rạch ròi? Mục đích chính của bài này là cố lý giải thật thoả đáng cho hai thắc mắc vừa nhắc.
1. Như đã nói, nếu ThN mới chỉ là những cụm từ thì mọi đơn vị TN, theo học giả Vũ Ngọc Phan, dù ngắn đến đâu, cũng phải là câu. Và nếu đã thế thì phần việc cần làm tiếp theo chỉ còn là duyệt lại xem các biểu thức (expression) ngôn từ nào do dân gian sáng tạo nên chưa phải là câu để loại bớt khỏi kho TN (bởi đó chính là ThN!). 
Ngoài ra, khi tiến hành công việc ấy, ta cũng nhớ loại luôn cả các biểu thức đã thành câu, nhưng được ghi lại dưới dạng lục bát/song thất lục (như Thế gian dại lắm, chưa khôn / Sống mặc áo rách, chết chôn áo lành; Gái chê chồng đến Bông trở lại / Trai chê vợ đến Bái trở về), kể cả lục bát biến thể/song thất lục bát biến thể (như Nhà làm cạnh đàng / Kẻ rằng dùng dắng, người rằng kéo co; Rễ si đâm ra trắng xoá / Mưa to gió lớn hẳn là tới nơi, v.v. và v.v...), bởi đó là ca dao! 


Công việc này, chẳng những giúp loại bớt ThN và ca dao ra khỏi kho TN, mà còn cho phép chúng ta rút ra hai thông tin hệ trọng:

(a) không tận dụng các thành quả mà nhà ngữ học Cao Xuân Hạo gặt hái được khi tìm hiểu cấu trúc của câu tiếng Việt e khó lòng nhận biết được một cách mau lẹ và hiệu quả các đơn vị TN, bởi lẽ TN chưa bao giờ “mặc” vừa chiếc áo Chủ-Vị, thứ ngữ pháp vẫn được giảng dạy chính thức trong nhà trường từ tiểu học tới đại học cho tới tận giờ, mà được tổ chức theo khuôn Đề-Thuyết [Đ-T], như Cao Xuân Hạo đã đưa ra và gây được tiếng vang lớn cả trong giới nghiên cứu lẫn giới giảng dạy không chỉ tại TP. Hồ Chí Minh; và (b) cấu trúc của các kiểu câu trong TN hầu như chẳng khác gì bao nhiêu so với cấu trúc của các kiểu câu vẫn gặp trong lời ăn tiếng nói hằng ngày.

2. Tiếp theo đây, chúng tôi xin lần lượt kể ra từng kiểu câu hay gặp trong kho TN Việt để minh hoạ cho những gì vừa nói.

(a) Kiểu đầu tiên cần kể đến là những câu có đủ cả hai phần Đ và T. Đây là kiểu hay gặp nhất (chiếm tới hơn 95% trong tổng số gần 7 nghìn đơn vị TN) và cũng là kiểu dễ nhận biết nhất, vì giữa hai phần Đ và T bao giờ cũng được (/có thể được) tách riêng ra nhờ ba từ định biên thì, là và mà (Năng nhặt [thì] chặt bị/ Nhất [là] bì; nhì [là] cốt/ Ăn mày [mà] đòi xôi gấc; ăn chực [mà] đòi bánh chưng…

Gần 5% số câu còn lại được chia ra (không đồng đều) cho hai kiểu kế tiếp.

(b) Kiểu thứ hai gồm những câu chỉ có phần Đ trên bề mặt và chỉ chiếm chưa tới 1,5% (trong số 5% câu còn lại). Đây là kiểu vừa ít ỏi về số lượng, vừa khó nhận biết hơn kiểu đầu (do không thể dùng ba từ định biên đã nêu để kiểm định). Tuy vậy, nếu để ý quan sát, ta vẫn có thể dễ dàng nhận ra diện mạo của nó vì nhóm này thường được mở đầu (/có thể mở đầu) bởi các từ như chớ/ đừng và nên (chẳng hạn: Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo/ Đừng tham ăn nhiều mà nuốt khó trôi/ [[Chớ] múa rìu qua mắt thợ /[Nên] bán anh em xa [đi để] mua [lấy] láng giềng gần…).

(c) Kiểu thứ ba gồm những câu khuyết hẳn phần T, nên trên bề mặt ta chỉ còn gặp có phần Đ. Kiểu này chiếm tỉ lệ cao hơn kiểu thứ hai chút ít (vào khoảng 3,5% trong số 5% các câu còn lại), và phần Đ trong các câu thuộc nhóm này thường được biểu thị bởi (a) hoặc một ngữ danh từ (như: Chim; thu; nhụ; đé/ Ruồi vàng; bọ chó; gió Than Uyên v.v...), hoặc một ngữ vị từ (như Đau đẻ; ngứa ghẻ; hờn ghen v.v...); và bởi một tiểu cú [tức câu bị giáng cấp để chỉ làm phần Đ/phần T], như: Gái thở dài; trai nằm sấp/ Lợn chuồng chái; gái cửa buồng/ Cơm chín tới; cải ngồng non; gái một con; gà gại ổ…).

(d) Để bức tranh thật hoàn chỉnh, có lẽ cần đưa thêm vào danh mục kiểu thứ tư là câu ngoại đề - như Cao Xuân Hạo từng gọi. Đây là loại câu bên cạnh phần Đ bình thường, còn có thêm một phần Đ nữa (xin xem các phần được gạch chân trong hai dẫn chứng sau), như Ráng mỡ gà, ai có nhà thì chống/ Cơm hàng, cháo chợ, ai lỡ thì ăn. Tiếc thay, trong kho TN Việt, hiện chúng tôi chỉ mới tìm thấy có dăm bảy đơn vị mà thôi, nên ta cũng có thể tạm để ra ngoài.

***

Nói tóm lại, ThN và TN tuy giống nhau ở vẻ ngoài, nhưng lại là hai thứ đơn vị ngôn từ khác nhau về chất, nên rất cần (và có thể) phân biệt rõ để tránh được mọi ngộ nhận không đáng mắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét