Bản lĩnh nữ trinh sát
TT - Các nữ trinh sát của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an TP.HCM có người nhìn tươi tắn, trong veo như nữ sinh. Có người rất hiền. Vậy nhưng họ lại là lực lượng mũi nhọn làm nên những chiến công thầm lặng.Mai phục
Ngay từ khi vào học Trường trung học Cảnh sát nhân dân 2, Quyên đã được trường phân vào khoa ma túy (gồm những học viên có điểm đầu vào cao).
Học võ cổ truyền, pencak silat, boxing, vovinam từ những năm học THPT và khi về đây, Quyên lại được học thêm taekwondo. Đó là lợi thế lớn của Quyên khi về công tác tại đội 6 (đội trinh sát) của PC47.
“Nhìn mỏng manh vậy chứ liều lắm, có khi vào hang ổ của khu buôn bán ma túy, trinh sát nam vào rất dễ bị phát hiện vì đó là khu vực gần như bất khả xâm phạm, người lạ vào là biết liền. Quyên xung phong vào ngay” - đại úy Mai Huyền, phó đội trưởng đội tham mưu tổng hợp, cho biết.
Hơn bốn năm làm trinh sát, Quyên nói mỗi vụ án là một trải nghiệm khác nhau. Nhưng khi được giao phá vụ án đường dây vận chuyển ma túy từ Philippines về VN cuối năm 2012 là một trải nghiệm rất khó quên, bởi nữ trinh sát trẻ này phải đối diện với tình huống đầy rủi ro.
“Sau khi chúng tôi bắt được một đối tượng nữ người Philippines vận chuyển gần 4kg ma túy về VN và khai sẽ giao vali hàng cho một người khác với địa điểm là một khách sạn ở Q.5, tôi được giao nhiệm vụ hóa trang để giám sát, bắt đối tượng khi nhận hàng” - Lệ Quyên kể.
Quyên nằm trong phòng ở khách sạn cùng với đối tượng nữ chờ đối tượng đến nhận hàng. Nhiệm vụ của cô là giữ đối tượng, quản lý tang vật, phát hiện đồng phạm tới nhận hàng.
Dù đã tính đến nhiều tình huống khác nhau sẽ gặp nhưng cô vẫn cảm thấy hồi hộp và lo lắng.
“Mình không biết đối tượng là người như thế nào, có ai đi cùng không nên cũng hơi hồi hộp dù có trinh sát mai phục trong các phòng bên cạnh hỗ trợ. Rủi đối tượng định “xử” mình mà mấy anh xông vô không kịp thì sao?...Ban chỉ huy đội đấu trí cũng rất căng thẳng, vì nếu đối tượng đi cùng một người đàn ông nữa mang theo súng thì sẽ rất nguy hiểm cho tôi. Các anh dặn: khi đối tượng vừa đụng tới vali là tôi phải mở cửa ngay để các anh xông vào” - trinh sát Quyên kể.
Ở dưới khách sạn đều có camera, các trinh sát vào vai bảo vệ, tiếp tân, phục vụ... thay nhau trực 24/24 giờ. Nếu có đối tượng khả nghi lảng vảng lên khu vực phòng của Quyên thì sẽ gọi điện thoại thông báo hoặc ứng cứu kịp thời.
Một mình Quyên ở trong phòng chờ đợi ròng rã mấy ngày đêm. “Không đêm nào tôi ngủ được. Có khi 3-4g sáng nghe tiếng bước chân, tưởng đối tượng đến nhưng nhìn qua khe tròn nhỏ xíu trên cánh cửa không thấy ai” - Lệ Quyên nhớ lại. Đến buổi tối ngày thứ ba thì đối tượng xuất hiện, là một phụ nữ người Philippines. Khi người này vô nhận vali, Quyên đã kịp thời khống chế bà ta, đồng thời cửa đã bật mở, các trinh sát ở phòng bên cạnh ập vào.
“Tôi ít khi sử dụng vũ khí, chỉ tin tưởng vào đồng đội bên ngoài và khả năng xử lý của mình. Sau này phá án xong, các anh mới cười, bảo không dám ngủ vì lỡ có chuyện gì xảy ra, con Quyên nó chết thì sao” - Lệ Quyên nở nụ cười trong veo kể. Nữ trinh sát này đang theo học tại chức ĐH Cảnh sát và cử nhân tiếng Anh Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM).
Giả trang
Khoảng 8g ngày 21-8-2003, nhân viên của khách sạn Minh Phương (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) nghe một loạt tiếng động ầm ầm ở phòng khách cho thuê.
Khi cánh cửa mở ra thì thấy một nhóm người mặc thường phục khống chế hai người đàn ông to con đi ra. Nhìn kỹ lại, hóa ra tất cả họ là nhóm khách đi xem mặt chú rể Việt kiều đã thuê phòng khách sạn gần một tuần nay.
Hai đối tượng bị bắt tên Trần Văn Lệ (tự Lệ “mập”) và Nguyễn Văn Hải (tự Hải Luận), hai ông trùm trong đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia có tổng số 2.354 bánh heroin bị tịch thu.
Đại úy Nguyễn Thị Tuyết Lan kể khi nhận được thông tin Hải Luận và Lệ “mập” có hai cô bồ nhí là chị em ruột và đang cùng nhau xuống huyện Vũng Liêm thăm nhà bạn gái, ngay lập tức một tổ công tác đặc biệt của PC47 được huy động xuống Vĩnh Long theo dõi để truy bắt đối tượng.
Sau khi xác định thông tin Hải Luận và Lệ “mập” cùng thuê phòng ở khách sạn Minh Phương, tổ công tác chia thành nhiều nhóm khách đến thuê phòng ở đó.
Do cả hai đối tượng này thường xuyên mang súng trong người lại hết sức liều lĩnh nên nhiều phương án tiếp cận đối tượng được đề ra.
Chị Ngăn, một trinh sát lớn tuổi, được phân công làm mẹ của nữ trinh sát Tuyết Lan đóng vai đi gả con cho Việt kiều. Những trinh sát còn lại trong vai người nhà đi xem mặt chú rể, giả khách trọ đi du lịch...
Gần một tuần theo dõi, nhưng Hải Luận và Lệ “mập” vẫn luôn cảnh giác nên rất khó tiếp cận.
“Bắt lúc nào, ở đâu, trong hoàn cảnh nào để đảm bảo bóc gỡ toàn bộ đường dây, giữ an toàn cho lực lượng truy bắt và người dân ở xung quanh hiện trường là vấn đề không đơn giản. Vì hầu hết những tên cầm đầu đều có súng, lựu đạn, rất có thể sẽ chống trả quyết liệt với lực lượng truy bắt vì biết chắc rằng nếu bị bắt sẽ bị kết án tử hình” - đại úy Lan cho biết.
Và thời khắc vàng đã đến.
Sáng 21-8-2003, sau khi theo dõi thấy hai đối tượng về khách sạn, biết được Lệ “mập” đã phê một liều heroin và Hải Luận đang vào phòng vệ sinh, một phương án tác chiến cấp tốc được triển khai.
Năm trinh sát rất giỏi võ đạp cửa xông vào. Lệ “mập” chưa kịp lấy súng thì đã bị các trinh sát khóa chặt trên giường, còn Hải Luận thì bị khống chế ngay trong phòng vệ sinh. Các đối tượng bị giải về TP.HCM ngay trong ngày.
Cùng ngày hôm đó, Công an TP.HCM phối hợp với Công an Đồng Nai đồng loạt triển khai lực lượng cất lưới ở chín điểm khác, bắt sạch các đối tượng còn lại trong đường dây buôn bán cái chết trắng này, kết thúc chuyên án 403H.
“Đó là chuyên án cho tôi nhiều cảm xúc nhất trong cuộc đời làm trinh sát. Lệ “mập” từng là đội trưởng đội cảnh sát chống ma túy, tức là đã hiểu hết thủ thuật, nghiệp vụ của mình. Trong quá trình đánh án, mình chỉ cần sơ suất một chút là phải trả giá ngay” - đại úy Lan nói.
Dãi nắng dầm mưa
“Có khi chúng tôi phải ngồi ngoài nắng mấy tiếng đồng hồ, rồi nằm vật vờ sương gió, bụi bặm, đi đêm đi hôm. Nhưng mà lại thích. Bây giờ bảo ngồi trong phòng máy lạnh làm bàn giấy, tôi không chịu được” - thiếu úy Hồng Linh (24 tuổi) thổ lộ.
Cô từng vào tận nhà của đối tượng tàng trữ vũ khí và vận chuyển ma túy, kết thân với cô vợ của hắn và tìm thấy được cả chỗ để lựu đạn, súng ngắn của đối tượng cất giấu.
“Con gái làm cái nghề này không có giờ giấc ổn định, đang ở nhà, cuối tuần hay nửa đêm, đang đi chơi với người yêu mà sếp gọi là phải đi ngay - thiếu úy Lệ Quyên chia sẻ - Có khi chúng tôi theo án cao điểm, đi từ sáng đến tối, có lúc tới khuya thậm chí đến 2-3g sáng, tùy theo quy luật di chuyển, hoạt động của từng đối tượng”.
Còn với thiếu úy Thanh Tuyền (24 tuổi, tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ TP.HCM), thời sinh viên, 21g30 là giờ giới nghiêm, về trễ chút là có cả chục cuộc điện thoại của gia đình. Từ khi làm trinh sát, giờ giấc thất thường, khi có công tác đột xuất phải đi đến sáng mới về.
“Mẹ tôi lo đến suy nhược nhưng ba chỉ dặn: làm gì thì làm cũng phải cẩn thận, có chuyện gì mẹ xỉu, ba không biết phải làm sao. Tuổi trẻ chỉ có mấy năm thôi, cống hiến được điều gì cho đất nước thì cống hiến” - thiếu úy Tuyền chia sẻ.
“Nhiều người nói làm trinh sát ma túy dễ gặp nguy hiểm nhưng mình thì rất đam mê. Mỗi lần được giao nhiệm vụ là mình lại nhập một vai mới, gặp những đối tượng mới mình phải suy nghĩ ra nhiều cách thức để tiếp cận với đối tượng. Tội phạm ma túy hầu như ai cũng có “hàng nóng” trong người. Nếu mình không cẩn thận, không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà cho cả những đồng đội cùng tham gia” - thiếu úy Nhã Vy chia sẻ.
MY LĂNG - MỸ THƯƠNG
Niềm tự hào của lực lượng
Đại úy Mai Huyền, phó đội trưởng đội tham mưu tổng hợp, cho biết: “Tội phạm hình sự, ma túy rất liều và rất lì. Cho nên nữ trinh sát cũng phải lì, phải nhanh nhạy, lanh lợi. Làm nghề này không lanh là bị đào thải ngay vì sẽ phá việc. Chỉ được phép học việc thời gian đầu, khi đi làm nhiệm vụ không có lãnh đạo đi cùng, phải tự xoay xở. Các em là niềm tự hào của phòng chúng tôi vì đây là lực lượng mũi nhọn, là các trinh sát nữ hiếm hoi của phòng. Em nào cũng rất mạnh mẽ, bản lĩnh, thông minh.
Nhiều khi thấy các em vất vả quá, tôi gợi ý để các em chuyển qua bộ phận khác nhẹ nhàng hơn nhưng họ đều không đồng ý. Họ bảo họ phấn đấu để khẳng định mình và thể hiện yêu ngành chứ không phải vì để được cái này, cái kia”.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét