Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

Kỷ niệm: GS Phan Đình Diệu và Viện Tin học

Lai Tran Mai: Bài này tôi lưu trong Blog năm 2012. Đăng lại hôm nay để các bạn đọc và hiểu hơn về GS Phan Đinh Diệu 'kẻ sĩ chân chính, cương trực' (xem thêm: "Tin buồn: GS Phan Đình Diệu từ trần" và giới khoa học thời trước và đầu đổi mới. Trong những năm 1983-1984, tôi thường xuyên tới Viện Khoa học tính toán và điều khiển chạy nhờ máy tính khi giải các mô hình toán kinh tế (phải trả tiền thuê máy theo giờ, chỗ anh Vũ Duy Mẫn và anh Ngô Trung Việt) và có hợp tác với một số nhà khoa học của Viện để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học... nên có nhiều kỷ niệm với Viện này.

Hiệu Minh có nhắc lại chuyện GSTSKH Phan Đình Diệu và GSVS Nguyễn Văn Hiệu, tôi cũng muốn ghi lại một vài ấn tượng. GS Diệu thì tuyệt vời, anh em trẻ chúng tôi rất quý. Viện sĩ Hiệu thì thường được anh em gắn đôi với Giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Thúc Loan. Lúc đó bác Hiệu nổi tiếng nói nhiều, hứa nhiều nhưng làm chẳng được bao nhiêu; còn bác Loan thì lang thang khắp nơi, phát biểu vung mạng (có trường hợp bạn tôi làm luận án tiến sĩ Toán đã xong, trường tổ chức buổi bảo vệ thử để ít hôm sau làm thật; vô phúc thế nào bác Loan đi qua rẽ vào dự, phát biểu bác bỏ hết cả luận án, chẳng GS, TS nào của trường dám cãi bác, thế là bạn tôi phải làm lại từ đầu, không được làm nghiên cứu sinh bên khoa Toán nữa mà phải chuyển sang làm bên khoa Thống kê, 3-4 năm sau mới hoàn thành bản luận án hoàn toàn mới). Do đó mới có câu bác Hiệu nên nhường dấu nặng cho bác Loan để trở thành bác Hiêu (Hươu Vượn), còn bác Loan thêm dấu nặng để trở thành bác Loạn (Hiệu Minh cũng nhắc tới chuyện Hiêu này). Anh em trẻ đặc biệt chê bác Hiêu làm chính trị nhiều quá, nhất là lại chường mặt ra đọc dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12-1986) để Đại hội biểu quyết thông qua, lúc đó chúng tôi xem trực tiếp trên Tivi, tất cả đều chửi bác Hiệu...

Riêng đối với bác Loan, nhiều người không ưa bác song cá nhân tôi rất quý vì bác thật thà, tốt bụng, chan hòa với bọn trẻ chúng tôi. Bác hay rẽ vào phòng tôi, có gì ăn nấy, sau leo lên bàn làm việc của tôi ngủ rất ngon lành như đứa trẻ (tôi thì xếp 3 cái ghế thành hàng và nằm ngủ bên cạnh). Nghe nói trình độ bác rất siêu, tôi không làm trong lĩnh vực của bác (điều khiển học và thích nghi) nên tôi không rõ. Trên mạng hồ sơ khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (http://hskh.moet.gov.vn) đưa tin bác sinh năm 1940, năm 1969 đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, năm 1973 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học (mới có 33 tuổi), đều tại Nga; đã hướng dẫn thành công 6 luận án Tiến sĩ và 6 luận văn Thạc sĩ, đã giảng dạy cho nhiều khoá sinh viên đại học và cao học của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và ĐH Bách Khoa TPHCM, đã công bố 98 công trình bằng tiếng Nga, Anh, Đức, Việt trên các tạp chí trong và ngoài nước (chủ yếu là công bố ở nước ngoài. Năm 1991 khi gặp bác ở Mockba, bác nói với tôi là đã công bố hơn 200 công trình ở nước ngoài - quá giỏi. Bác cũng viết khá nhiều sách bằng cả tiếng Việt và tiếng Nga. Sau tháng 12 năm 1991 tôi không gặp lại bác, nhưng rất nhớ. Ngày 5.2.2012, khi đọc phần bình luận về bài "Ngô Kiều Oanh – tiếng hót phận hồng nhan" trên Blog Hiệu Minh, thì được 1 bạn đọc người nhà GSTS Nguyễn Thúc Loan cho biết ông đã mất năm 2007 sau một tai biến (xem thêm về GSTS Loan ở cuối bài này). Thật vô cùng thương tiếc GS Loan và xin thắp nén hương tưởng nhớ tới GS.

Vài kỷ niệm với Viện Tin học
Hiệu Minh, Theo blog Hiệu Minh

Phòng lập trình 30 năm (2007)
Hồi về khu Đồi Thông (Liễu Giai – Hà Nội) nhận việc, mình thấy có cái lò gạch bỏ không, nghĩ ngay đến cái nhà của Chí Phèo. Quanh đó trồng chuối, có cái mương nhỏ, thấy như Nam Cao sáng tác truyện đó ở đây.

Năm 1993, sau những sóng gió tại Viện, mình sang UNHCR làm việc. Anh Khiết gọi điện báo “cho về một cục” 1,7 triệu VNĐ sau 17 năm công tác. Chiêu đãi đồng nghiệp hết 1 triệu, còn lại mang biếu bố mẹ.

Mẹ nước mắt ngắn dài, con bỏ nhà nước ra đi thì sau này hưu trí thế nào, vợ con chưa có, mẹ thì già, bố sắp chết, lo lắm con ơi, sao đến nông nỗi này. Mẹ tôi không biết câu chuyện sau đây.

“Vạ miệng”

Hồi mới ra công tác, anh Khôi xem tướng và nói, Tổng Cua có nốt ruồi bên khoé mép, dễ bị “vạ miệng”. Quả là thầy tướng số có hạng.
Tôi mất việc ở IOIT vì chính thói ba hoa và hay chê bai. Hình như dân khoa học nhiễm bệnh “Khoa học VN thật là kinh. Một thằng báo cáo, chín thằng khinh”. Tổng Cua cũng thế thôi.
Năm 1990, bạn Nguyễn Hồng Quang và tôi vô Sài gòn bằng tầu hoả với một đoàn khá đông để triển lãm sản phẩm của IOIT. Có một phần mềm chữ Việt ở Sài Gòn khó sánh với bộ gõ tiếng VIED (còn gọi là VỊT) của Đoàn Anh Tuấn “râu” hiện đang ở UN NY, tôi châm chọc, mục đích nâng “râu cụp” của Tuấn lên.
Quang nhắc “Anh Cua chán bỏ mẹ, hay chê quá. Người ta vốn thích khen hơn”. Sau vụ đó, tôi cẩn thận hơn, nhưng thỉnh thoảng vẫn buột miệng, lỡ mồm, dù đã tẩy cái nốt ruồi.
Năm 1993, trong một cuộc bầu bán “dân chủ đầy hài hước”, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu tuyên bố, các viện bầu thăm dò lãnh đạo, nhưng quyết định vẫn thuộc về ông ấy. Sau này sang Mỹ, mình mới hiểu dân chủ giả cầy có ở khắp nơi.
Viện Tin học thăm dò, Giáo sư Phan Đình Diệu được 58 phiếu, Giáo sư Bạch Hưng Khang ít hơn chục phiếu gì đó. Ai cũng tin là Giáo sư Diệu sẽ được bổ nhiệm vì chính anh là người viết đề cương thành lập viện mới IOIT (Institute of Information and Technology – Viện CNTT), kể cả cái tên. Một người rất có uy tín trong làng khoa học.
Công lao xây nền móng cho IOIT thuộc về Giáo sư Diệu và nhóm cán bộ trẻ nhiệt huyết theo hướng phát triển vi tính tại Việt Nam. Nhờ có những lãnh đạo tâm huyết như Trần Đại Nghĩa hay Phan Đình Diệu, nhiều người đi thực tập bên Pháp, khi về, xách va li đầy chíp cho máy tính, ổ đĩa mềm, đĩa cứng và cả mỏ hàn.
Nhóm làm phần mềm thức trắng đêm, dạy máy tính nghe lời vài lệnh DOS, quên ăn, quên ngủ, dù nhà rất nghèo. Sáng sàng, các bà vợ sáng sáng mấy km lên viện mang cơm cho chồng “mấy đêm rồi, anh Việt nhà em không về nhà”, “Anh Khôi nhà em bỏ đi lên Viện cả tuần nay rồi”. Đạp xe đến văn phòng, không may ngã, cặp lồng cơm đổ ra đường, chỉ thấy muối vừng, mấy cọng rau muống già và quả cà pháo.


Viện Tin học ở Đồi Thông 1990. Ảnh: VDM

Thật đáng tiếc, vào đúng lúc IOIT cần một người lãnh đạo có tâm và có tầm để đưa IOIT sang vị thế mới, thì Viện sỹ Hiệu quyết theo ý thích. Ông chọn anh Khang vì lý do biết làm kinh tế, buôn máy tính, rồi trẻ hơn, như ông tuyên bố trước hàng trăm cán bộ của Viện IOIT năm 1993.

Trong bầu bán, ủng hộ hay không thích ai là hết sức bình thường, mỗi người tìm mối lợi riêng. Người mê anh này, kẻ ủng hộ bác kia, dân ba phải hùa theo đám đông, là hết sức bình thường. Bên Pháp, ở Mỹ, tại UN hay Thuỵ Sỹ cũng thế thôi. Nhưng quan trọng, sau những bất đồng, có ngồi lại với nhau được không.

Tuyên bố của Viện sỹ Hiệu đã làm Giáo sư Diệu giận giữ chưa từng thấy. Ông nói thẳng rằng, bầu bán làm gì khi người kém hơn được bổ nhiệm, quyết định đó là phi dân chủ, phá hoại khoa học, không đưa IOIT đi về đâu và không quên gọi Viện sỹ Hiệu là kẻ “lật lọng”.
Giáo sư Diệu tuyên bố từ chức luôn Viện phó Viện KH VN và ra khỏi biên chế. Kể từ đó, giáo sư là người tự do.

Với tính cách ngang như cua của mình, tôi như một đứa con nít hùa theo. Đại loại tôi nói rằng, chúng tôi là lớp trẻ vào Viện KHVN với tình yêu khoa học và tin vào các bậc đàn anh. Nhưng chứng kiến sự mất dân chủ và quyết định khó hiểu của Viện sỹ Hiệu, tôi biết rằng, lòng tin đã bị đặt nhầm chỗ.

Đây mới là “vạ miệng” của Chí Phèo trước mặt Bá Kiến. Nhưng sau gần 2 thập kỷ nhìn lại, Tổng Cua thấy mình đã nói thật từ đáy lòng và…mất việc rất xứng đáng.
Nhớ hôm bổ nhiệm đó, tiến sỹ Lê Hải Khôi (con trai bác nhà báo Lê Hải Châu thường xuyên khen ta thi toán quốc tế), chủ tịch công đoàn, bỗng lên kêu gọi đoàn viên ủng hộ QĐ của anh Hiệu và được khá đông người hoan hô vì vỗ tay lúc đó rất…an toàn.
Tôi cố hỏi anh Diệu là trước khi tuyên bố chính thức ai làm Viện trưởng thì hai anh (Diệu và Hiệu) có nói chuyện gì không.

Phía sau của quyết định của anh Hiệu là những gì nữa thì khó biết. Có thể Viện sỹ Hiệu đã hứa gì đó nhưng sau đó “lật lọng” như lời giáo sư Diệu nói. Không loại trừ người khác có lý “gấp đôi” khi lên làm viện trưởng.


“Hậu” bầu cử và mất việc

Sau khi yên vị với cái ghế, anh Khang gọi tôi lên, nhờ thiết kế logo mới cho IOIT và biểu tượng cho nhóm Xử lý ảnh. Anh nói thêm “Cụm từ Xử lý ảnh không dấu cũng được”. Không dấu nghĩa là “xử lý anh”. Tôi bắt đầu tìm mẫu đơn xin việc (CV) từ đó.
Thôi thì mình cố làm người bình thường, chấp nhận thực tại. Lúc rỗi việc, tôi hay sang nhóm dự án cho Bộ Tài chính (BTC), lân la debug lập trình C, kiếm cốc chè đỗ đen buổi trưa. Hoặc tán chuyện, cười đùa với mấy em chưa chồng, xem ai để ý đến lão già ế vợ không.


Cán bộ IOIT trên Nghĩa Đô (1992). Ảnh: VDM

Sau vài lần ngó nghiêng trong tư cách người bảo vệ viện, một kỹ sư phần cứng có bộ ria con kiến, là thân cận của anh Trần Bá Thái (NetNam) và thủ trưởng Khang, nói với tôi “Đây không phải là chỗ của ông. Cấm không được lui tới, ảnh hưởng đến nhóm BTC”. Đánh nhau chắc ăn bã mía, tôi lẳng lặng rút lui.
Các bạn trong nhóm BTC, gọi tôi ra quán nước chè bên đường, thì thầm một cách hết sức nghiêm trọng “Anh không nên đến chỗ này, vì đó là miếng cơm manh áo của gia đình chúng em. Lãnh đạo viện cũng nhắc nhở rồi”, dù ngoài đời họ rất thân ái với Tổng Cua.
Tôi chợt nhớ phim “Con hủi” nổi tiếng của Ba Lan. Số phận giống nhau, nhưng con hủi trong phim còn được giới quí tộc đuổi đi. Trộm cướp dốc Bưởi xưa của nhà văn Tô Hoài từng kể là có thật.

Di sản Viện Tin học

Các anh Phan Đình Diệu, Nguyễn Chí Công, Vũ Duy Mẫn và đội ngũ cán bộ trẻ hết lòng vì khoa học đã để lại thương hiệu vi tính cho Việt nam, kể cả châu Á khi đó, và tên tuổi của Viện Tin học suốt một thời gian dài.
Khi thay lãnh đạo và sau mấy chục năm, người ủng hộ, người chống đối hay kẻ ba phải trong cuộc bầu cử 1993 đi phiêu bạt khắp nơi. Chúng tôi giữ một danh sách dài các IOIT kiều dân và có cả một “đài IOIT hải ngoại” cứ năm mới là lên tiếng “Đoàn quân IT đi, chung lòng cứu lấy bản thân mình xa xôi trên đường…”

Viện trưởng kế cận Lê Hải Khôi được đào tạo bài bản từ lúc anh ấy đến nhà riêng dạy kèm cho hai cháu Thuỷ Hà và Hưng Nguyên của Giáo sư Bạch Hưng Khang, cũng không trụ được quá sáu tháng, phải phiêu bạt sang Nam Hàn và hiện ở Singapore.

IOIT chia ra nhiều loại cán bộ. Loại trung kiên thì bám viện đến cùng. Loại “Việt gian” là chân trong chân ngoài, vẫn thuộc biên chế, lĩnh lương, sổ hưu, nhưng làm ngoài là chính. Loại nguy hiểm nhất là “phản động” theo Tây hoàn toàn, thậm chí nhập quốc tịch nước khác.

Viện có em Hường hay đốp chát và vui tính. Thủ trưởng hay đi tuần xem quân có chơi game trong giờ làm việc hay bỏ đi đâu. Găp em Hường ở cầu thang, ông hỏi “Cô này đi đâu”. “Dạ thưa, em đi đái”. Thế là từ đó hết hỏi, và cũng nói lên tầm micro của người quản lý hàn lâm.

Vĩ thanh

Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu đã già, không còn hùng biện như xưa. Có lẽ ông chẳng hối hận vì đã để mấy nghìn các nhà khoa học trẻ uổng phí tài năng sau vài thập kỷ.
Nhìn ông với những huân, huy chương, danh vọng khoa học, đầy trên ngực áo, cũng hiểu rằng, Viện sỹ bằng lòng với những gì ông đã làm cho nền khoa học nước nhà. Như người ta bảo “All that glitters is not gold – lấp lánh chưa phải là vàng”.


Nguyễn Chí Công và PC đầu tiên. Ảnh tư liệu IOIT

Chỉ có người dân è cổ tiếp tục đóng thuế cho các nhà khoa học và giấc mơ hàn lâm của giáo sư Trần Đại Nghĩa mang nỗi đau không lời.
Nhớ về câu chuyện của đất nước mình, từng là hình mẫu cho đấu tranh giải phóng dân tộc, nhiều người đã nhìn VN để noi gương. Tiếc thay, hào quang quá khứ chiến tranh không giúp được nhiều cho hội nhập hôm nay.
Viện Tin học cũng không nằm ngoài qui luật đó. Lật vài trang sử của IOIT cũng đủ hiểu số phận một dân tộc hay một đời người.
IOIT cũng như VKHVN đã an bài như định mệnh. Xuống dốc Bưởi đầy trộm cướp ngày xưa, bạn sẽ thấy toà nhà pyramid, mốc meo với những điều hoà đủ kiểu và kiến trúc pha trộn như mối tình Chí Phèo – Thị Nở, khi tàn bạo trong vườn chuối Liễu Giai, lúc lãng mạn dưới ánh trăng bên sông Tô Lịch bốc mùi.
Tôi có quay một đoạn video và để trên YouTube nhân dự kỷ niệm IOIT 30 năm. Bản nhạc du dương nói hộ nỗi lòng của người yêu tin học ra đi trong ưu tư, phiền muộn.
Trong mấy phút video ấy, giọng lắp bắp của anh Vũ Đức Thi, quyền viện trưởng mấy năm liền, nói về thành tích mà viết từ 20 năm trước vẫn nguyên giá trị.
Đương kim Viện trưởng là anh Thái Quang Vinh, giỏi toán điều khiển, chơi cờ tướng có hạng, thích nằm bàn ngủ trưa và cũng…nói lắp.
Ngày nay, vị thế của Viện Tin học đứng ở đâu thì ai cũng rõ. Dự đoán của Giáo sư Diệu quả không sai dù làng Liếu Giai không còn cái lò gạch cũ của Nam Cao.
Thời gian là thước đo tất cả. Mấy câu thơ của Olga Becgôn chợt đến trong tôi:
“Em mới hiểu bây giờ anh có lý
Dù chuyện xong rồi anh đã xa cách thế
Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa theo".

Hiệu Minh. 27-01-2012

-----------------

Tin thêm về Giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Thúc Loan.

1. Tin trên Blog Hiệu Minh:

phuyen says:
Tôi là người nhà của GS-TS Nguyễn Thúc Loan (không phải Ngô), rất mong bác Cua có vài thông tin về ông trong thời gian còn công tác ở viện. Những năm cuối đời ông như một kẻ bất đắc chí, luôn chê bai các động nghiệp cũ…
Ông đã mất cách nay 5 năm, lặng lẽ sau một cơn tai biến!

Hiệu Minh says:
Chị Kiều Oanh ơi. Chị viết một đoạn về anh Loan một chút đi, thời còn ở Liễu Giai ấy. Em biết hơi ít vì không làm việc cùng. Thanks, chị.

phuyen says:
Thành thật cảm ơn chị Ngô Kiều Oanh cùng anh Hiệu Minh!Nếu có thể, rất mong anh chị giúp gia đình chúng tôi tìm lại những câu chuyện về GS Loan. Nếu không có gì phiền phức xin chị Kiều Oanh địa chỉ email để tiện liên lạc. Một lần nữa xin cảm ơn anh chị thật nhiều !!!
Email : khai108@yahoo.com.vn

ngô kiều Oanh says:
Để chị thu thập thêm tài liệu về đoạn cuối đời của GS Nguyễn ThúcLoan nhé vì chị ruột chị là GS.TS Ngô kiều Nhi nguyên là cán bộ giảng dạy tại Trường Bách khoa TPHCM và hiện nay vẫn là thành viên của Hội đồng chấm GS quốc gia về Cơ học là người mời GS Loan vào giảng dạy ở Trường lúc gần cuối đời và tại đó GS đã có một người vợ nguyên là đồng hương cũ rất giàu có nguyên là giảng viên Hóa nhưng chỉ được một thời gian .Thực ra trong lòng của anh chị em ban điều khiển học cũ dù biết GS Loan là người có tính khí không bình thường nhưng đều quý và xót thương cảnh ngộ vì GS Loan là người thành lập Ban Điều khiển học (BĐKH) và BĐKH mới chính là tiền thân của Viện Máy tính và ĐK sau là Viện công nghệ thông tin .Tập thể BĐKH hình thành từ những ngày trên gác nóc của 39 Trần hưng Đạo năm 1973 sau đó chuyển sang các khu nhà lắp ghép dưới chân tháp nước Kim LIên với các công trình đi thực tế trong nông nghiệp và công nghiệp rất sôi nổi .Nhưng sao lại thất bại chị sẽ có một bài còm sau nhé
Cái chị không đồng ý nhất đối với VS PĐD là sự thiên vị Máy tính mà theo chị MT luôn chỉ là công cụ để thực hiện các định hướng của Lý thuyết ĐKH, xóa nhòa công lao của tập thể BĐKH cũng như không đặt đúng vị trí quan trọng của Ngành ĐKH trong Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong thực tế .Điều này còn tệ hại hơn khi TS Bạch hưng Khang nối quyền GS PDD do mốt thời thượng về CNTT nên thực sự đặt dấu chấm hết
Có thể nói rằng nếu không có lực lượng hùng hậu của BĐKH thì làm sao có thể thành lập Viện Máy tính và Điều khiển được vì khi đó tổ máy tính rất nhỏ và rất ít người .Đó là nỗi đau chính đến cuối đời của GS Loan .Rất tiếc lịch sử tiền thân cốt yếu này không được nhắc trong các dịp kỹ niệm VIện tin học nên thi thoảng anh chị em Ban ĐKH phải tự tổ chức để nhớ lại kỷ niệm cũ .
Hôm qua chị gặp chị Võ hòa Bình con gái của Bác VÕ nguyên GIáp ,hai chị em hàn huyên và chị có khoe Bình blog Hiệu Minh ( con trai chị luôn nhạo chị là mẹ béo gốc hay khoe ), cháu đọc blog của em và tự hào lắm về mẹ nên chị rất cảm động về tình cảm của mọi người trong đó có em đã dành cho chị ) .Đọc bài về GS PĐD Chị Bình có nói một câu :gía như GS VS PĐD có tấm lòng bao dung thoáng đạt hơn thì sẽ thành công hơn .Bao dung thoáng đạt biết thu hút nhân tài mặc dù đó là tướng ra chiến trường xông pha đã bị ngã ngựa phải chăng là tư chất của Thủ lĩnh để đi đến đich của sự nghiệp .
Chị cũng bận quá nên thi thoảng mới còm được vì còn lợn gà dê cỏ rau dưa nuôi con nuôi quân và để tồn tại và phát triển .Cho chị thứ lỗi nhé

Lai Tran Mai says:
Chào anh HM và chị NKO. Tôi là quân của GS Hoàng Tụy, trước tôi cũng hay đến viện KHTT&ĐK chạy thuê máy tính và gặp nhiều anh em ở đó nên cũng có một số kỷ niệm về Viện. Tôi thỉnh thoảng có vào trang này của anh và được đọc một số bài rất thú vị. Tôi cũng đã mạn phép anh lưu lại trong Blog riêng của tôi để thỉnh thoảng đọc lại cho vui. Khi lưu bài “Vài kỷ niệm với Viện Tin học” của anh, tôi có viết bình luận về anh Nguyễn Thúc Loan mà tôi rất quý ( http://toithichdoc.blogspot.com/2012/01/vai-ky-niem-voi-vien-tin-hoc.html ), nhưng từ năm 1991 đến nay tôi không được gặp. Hôm nay đọc tin trên trang này, biết anh Loan đã mất, tôi rất buồn, tưởng nhớ đến anh. Tôi xin bổ sung tin này vào đoạn còm của tôi. Cám ơn anh HM và chị NKO về thông tin này.

2. Tin từ trang http://khungcuanho.blogspot.com/2011/09/gn-hom-no-oc-bai-noi-chuyen-cua-gs-ngo.html

Một người khác kể giai thoại sau trong blog của Bs Ngọc.

Quang Minh Tiến sĩ toán danh tiếng Nguyễn Thúc Loan (người Phú Yên) kể, khi lứa ông tốt nghiệp vào thập niên 60, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp kiến.
Tại buổi tiếp kiến, vì một câu nói thẳng, nói thật, TS Loan suốt đời lận đận.
Thủ tướng căn dặn các cháu trí thức trẻ và đỗ đạt đầu tiên (do Nhà nước cử đi đào tại ở nước ngoài): “VN muốn trở nên giàu có như Nhật Bản, thì dân số phải đạt cỡ 100 triệu trở lên” (hồi đó, Bắc VN có khoảng 17 triệu dân, rất sùng bái câu nói của Mao: “650 triệu người TQ, mỗi người chỉ cần vứt một mẩu đá bằng ngón tay xuống biển, sẽ có ngay một con đường cho xe tăng sang đánh Mỹ. Mỹ chỉ là con hổ giấy”.
TS Loan: “Thưa bác, cháu không nghĩ vậy. Nước nghèo mà đông dân thì mãi mãi nghèo, cần phải kiểm soát đà tăng dân số cho phù hợp với tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng nghe vậy không hài lòng, ra chừng “trứng đòi khôn hơn rận”.
Bậu sậu Thủ tướng nghe vậy, lập báo cáo gửi an ninh (ai ra nước ngoài về cũng vào sổ đen an ninh). Đến 1984, TS Loan vẫn không được vào biên chế, phải kiếm sống bằng dạy học tự do và làm thêm các nghề khác.
Đến đầu thập niên 80, thấy không hãm đà tăng dân số thì kinh tế- xã hội ngày càng lụn bại, Nhà nước cử cả Đại tướng lừng lẫy 5 châu Võ Nguyên Giáp làm Trưởng ban Dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Đời TS Loan coi như chết oan vì sự ngu dốt, hợm hĩnh của các chính trị gia! 

4 nhận xét:

  1. Chào anh Mai. Tôi tin rằng Hiệu Minh Bloge với tinh thần trân trọng các lớp đàn anh đầu đàn đi trước về khoa học sẽ thu thập được ngày càng nhiều các tư liêu không phải để xót thương ,ngậm ngùi và chỉ trích mà còn là một bài học để ngẫm và suy về việc Khoa học chúng ta là ai và đóng góp được những gì đúng như câu trong bài hát :đừng nghĩ Tổ quốc đã làm gì cho ta mà ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay...Và sự không đi được đến đich của các vị tướng đã được cầm trong tay một đội quân tinh chủng như vậy có lẽ không chỉ vì cơ chế chính trị ,mà các nhà trí thức đã rất chủ quan cho là mình là nhà Biết Tuốt và là thượng tầng của xã hội nên không coi trọng Văn hóa ứng xử trong đội ngũ khoa học .Đã có ý kiến của một nhà tâm lý nguyên là TS toán học tốt nghiệp tại trường tổng hợp Lô mô nô xốp hiên là giám đốc trung tâm Tâm Việt phát biểu trên VNNet tết năm nay là tôi rất tiếc là đã học toán mà lý ra phải học về kỹ năng ứng xử ... Kính anh

    Ngô Kiều Oanh, bản gốc trong blog Hieu Minh: http://hieuminh.org/2012/01/31/ngo-kieu-oanh-tieng-hot-phan-hong-nhan/

    http://trangtraidongque.com.vn/

    Trả lờiXóa
  2. Tôi trả lời trên Blog Hieu Minh:
    http://hieuminh.org/2012/01/31/ngo-kieu-oanh-tieng-hot-phan-hong-nhan/

    Lai Tran Mai says:
    February 6, 2012 at 6:20 am

    Cám ơn chị Oanh và anh HM. Tôi là lớp đàn em của các chị nên những năm ấy đến Viện KHTTĐK rất kinh trọng và khâm phục các anh chị ở Viện, nhất là bộ phận ĐK, Tin học…, chỉ không thích mấy về phòng kinh tế của bác Tuân thôi (sau này sang Đôm 5 ở Mockba thấy cả nhà bác Tuân, anh Chí kinh doanh mà thấy khiếp). Khâm phục vì ai cũng miệt mài làm việc và có trình độ chuyên môn rất cao. Nhưng rồi Viện không đi đến đâu nên cũng tiếc, nhất là lĩnh vực ĐKH và Tin học không bị chi phối nhiều bởi chính trị và những người lãnh đạo ở đó như anh Diệu có kiến thức chuyên ngành và xã hội rất cao.
    Do đó tôi rất đồng ý với chị và anh là ngoài chế trính trị, vài trò của vị tướng rất quan trọng. Không chỉ trường hợp anh Diệu, nước ta còn vô khối người lẽ ra nhà nước nên để làm chuyên môn thì hơn là giao cho trách nhiệm làm quản lý. A Diệu quản lý không được tốt, năm 1998, sau khi làm TS ở Pháp về, tình cờ gặp a Diệu, tôi có hỏi anh Diệu là GSTSKH mà tại sao lại nghỉ hưu sớm vậy, anh ậm ừ trả lời không rõ ràng (hay tôi không nhớ lúc đó anh nói gì), sau hỏi một vài anh em khác, họ bảo anh Diệu quản lý chương trình nhà nước về tin học (cùng với GSTS Nguyễn Đình Ngọc) không thu được kết quả gì đáng kể nhưng gây tốn kém, thất thoát nhiều (ví dụ anh ký hợp đồng với các tỉnh phía Nam; họ cứ tiêu tiền nhưng chẳng làm gì, a Diệu không làm gì được nhưng là người chủ trì nên phải gánh chịu trách nhiệm), do đó anh bị cho nghỉ hưu (một số GS khác còn bị kỷ luật, thậm chí có người bị đi tù như trường hợp 1 GSTS trong ngành nông nghiệp)… Không biết chuyện này có đúng không vì tôi sau này ít gặp anh chị em làm toán, tin vì chuyển sang làm kinh tế vĩ mô.
    Tuy nhiên suy cho cùng thì cũng không phải lỗi tại a Diệu hay anh Hiệu. Chính cơ chế chính trị ở nước ta nó buộc các nhà khoa học phải làm quản lý. Người ta vẫn nói ở nước ta không có chức quyền thì không làm gì được. Nếu Viện KHVN hay Viện chị có 1 ông chuyên làm chính trị (Đảng, Đoàn, Mặt trận…) làm LĐ thì còn chết hơn nữa. Tôi làm bên kinh tế có lãnh đạo trên cao như vậy, a Hoàng Tụy là giám đốc của tôi song vẫn dưới lãnh đạo cấp cao (như anh Diệu và anh Hiệu); uy tín như anh Tụy mà hầu như mọi kiến nghị của anh lên đều bị bác bỏ nên sau 3 năm anh chán, xin thôi chức. Đơn giản như anh đề nghị giữ chúng tôi ở HN làm việc, không đưa vào Sài Gòn học quản lý kinh tế cấp cao 5 tháng (do chuyên gia Liên Xô dạy), song Lãnh đạo cấp trên không nghe. A Tụy xin được 2 học bổng đi học dài hạn ở Tây Đức, phân cho tôi và Phan Thiên Thạch (con rể a Tụy, sau này chuyển về Viện Toán làm, nay đang bệnh nặng), nhưng Lãnh đạo trả lời cơ quan ta là cơ quan bảo mật, cán bộ không được phép đi học ở các nước Phương Tây, các nước XHCN thì được. Riêng anh Nguyễn Khoa Sơn (sau này là Phó Giám đốc Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia) được đi Pháp 1 năm nhờ suất đi có được là từ hồi ở Viện toán trước khi về chỗ chúng tôi, rồi nhờ gia thế tiếng tăm của anh Sơn và có ông Tố Hữu đứng sau… Sau này anh Sơn cũng chán và quay lại Viện Toán, tôi thì không sang vì ngại thay đổi…

    Trả lờiXóa
  3. Tiếp bình luận trên:

    Tôi có đọc bài Tiến sĩ toán: ‘Giá đừng học toán thì tốt hơn’ của anh Việt, có viết một số bình luận ( http://toithichdoc.blogspot.com/2012/01/tien-si-toan-gia-ung-hoc-toan-thi-tot.html ). A Việt có bình luận dưới bài này. Tôi cũng đọc bài “Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán: Nhân tài & giấc mơ “thảm đỏ”" và cũng có bình luận ( http://toithichdoc.blogspot.com/2012/01/nhan-tai-giac-mo-tham-o.html )… Chị quan tâm thì xem để biết, coi như có thêm thông tin của người ngoài cuộc (dù không tin đó có thể chưa chính xác).
    Riêng về anh Nguyễn Thúc Loan thì tôi thương lắm, năm 1991-1992 sang Mockba, gặp a Loan tôi cũng có hỏi anh làm gì, anh bảo giảng dạy học sinh (cấp 3 và đại học), nhưng tôi nghe anh em khác nói anh cũng phải tham gia kinh doanh và viết luận án thuê để kiếm sống. Buồn và tiếc cho một nhà khoa học tài năng như thế.
    Bài này dài quá rồi. Tôi dừng nhé. Mong có dịp đén thăm trang trại đồng quê của chị.

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn anh đã cho chúng tôi thêm thông tin về GS Loan.
    phuyen - người nhà của GS Loan.

    Trả lờiXóa