LS Đặng Đình Mạnh: 'Khả năng Hồ Duy Hải được ân xá là 50/50'
Mỹ Hằng 9 tháng 5 2020 - Luật sư Đặng Đình Mạnh: Tôi giả thiết, nếu ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao không giữ vị trí là đảng viên cao cấp, và 16 vị thẩm phán còn lại trong hội đồng thẩm phán không phải là đảng viên, tòa án hoạt động bảo đảm nguyên tắc độc lập, thì chúng ta sẽ không có một quyết định đáng buồn như đã có vào ngày 8/5.
17 thẩm phán giơ tay biểu quyết bác kháng nghị điều tra
lại vụ án của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hôm 8/5/2020
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải,
gào khóc sau phán quyết của tòa hôm 8/5
Phán quyết của hội đồng thẩm phán trong phiên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải chiều 8/5 đã làm dấy lên nhiều ý kiến phản đối trong cộng đồng mạng.Sau ba ngày làm việc, hội đồng thẩm phán bác kháng nghị điều tra lại của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, khẳng định Hồ Duy Hải là hung thủ duy nhất giết hại và cướp tài sản hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi cách đây 12 năm. Và rằng việc tuyên án Hồ Duy Hải tử hình là "có căn cứ, đúng pháp luật, không oan".
Trong khi đó, dư luận trên mạng xã hội cho rằng phán quyết này đến từ biểu quyết giơ tay đồng tình của 17 vị thẩm phán đã đi ngược lại kỳ vọng của người dân, dựa trên một quy trình tố tụng đầy sai phạm mà chính các điều tra viên trong cuộc đã thừa nhận.
Bên cạnh những bàn luận về quy trình tố tụng, câu hỏi đặt ra ở đây là phải chăng số phận Hồ Huy Hải đã khép lại hoàn toàn?
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt quanh vấn đề này hôm 9/5, luật sư Đặng Đình Mạnh từ TP Hồ Chí Minh nói:
"Tôi cho rằng phán quyết của Hội đồng thẩm phán thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao hôm qua ngày 8/5 là hoàn toàn bất xứng và bất công."
"Hồ sơ vụ án với những chứng cứ kết tội hết sức phi lý, đầy rẫy khuất tất mà vẫn được hội đồng này sử dụng để kết tội, thậm chí, tuyên hình phạt đến mức cao nhất là tử hình."
Tôi chân thành khuyên gia đình Hồ Duy Hải cứ bình tĩnh và hy vọng, vì theo quy định tố tụng hình sự, vẫn còn những cánh cửa cần phải gõ. Bây giờ chưa phải lúc tuyệt vọng. "Còn nước còn tát". Luật sư Đặng Đình Mạnh
BBC:Theo quy định của pháp luật, còn khả năng nào để kháng nghị lại quyết định giám đốc thẩm hay không?
Luật sư Đặng Đình Mạnh: Bộ luật tố tụng hình sự có dự liệu điều 404 quy định trường hợp cần phải xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
Thẩm quyền như sau: Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao kiến nghị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
Theo đó, đối với vụ án này, tôi tin những cơ quan có thẩm quyền vừa nêu cần kích hoạt điều 404 để yêu cầu hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao xem xét lại quyết định của mình.
BBC: Ông nhìn nhận như thế nào về khả năng ân giảm án tử hình cho Hồ Duy Hải đến từ ông Nguyễn Phú Trọng?
Luật sư Đặng Đình Mạnh: Với chức vụ chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng có thẩm quyền ân xá hình phạt tử hình và đổi thành án tù chung thân đối với Hồ Duy Hải.
Nhưng với cách làm hiện nay, thì trước khi quyết định việc ân xá, chủ tịch nước thường có văn bản tham khảo ý kiến của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tôi cao và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
Với tương quan như hiện nay, thì tôi cho rằng khả năng ân xá là 50/50.
BBC: Kể cả khi được ân giảm thì việc này được cho là vô cùng khác với việc được tuyên vô tội hay được điều tra lại. Ông có thể nói rõ hơn về điều này? Việc này nói lên điều gì về thực trạng ngành tư pháp Việt Nam?
Quả đúng là việc xin ân giảm khác biệt hoàn toàn với việc được tuyên vô tội. Vì lẽ, được tuyên vô tội tức là Hồ Duy Hải không phạm tội, Hải được trả tự do và được bồi thường về các tổn thất.
Điều này nếu được thực hiện, sẽ kéo theo hậu quả phải xem xét truy cứu trách nhiệm một loạt các cơ quan tố tụng cũng như các cán bộ có liên quan đến vụ án từ trước cho đến nay.
Trong khi đó, xin ân xá được hiểu là Hồ Duy Hải đã thừa nhận tội trạng của mình là không oan ức và xin giảm nhẹ hình phạt.
BBC:Sau phán quyết hôm 8/5 của tòa, ông có lời tư vấn gì cho gia đình Hồ Duy Hải?
Luật sư Đặng Đình Mạnh: Với gia đình Hồ Duy Hải, tôi thật sự kinh ngạc về sự tranh đấu phi thường của người mẹ là bà Nguyễn Thị Loan.
Tôi thành tâm khuyên họ cứ bình tĩnh và hy vọng, vì theo quy định tố tụng hình sự, vẫn còn những cánh cửa cần phải gõ, Bây giờ chưa phải lúc tuyệt vọng, "Còn nước còn tát".
BBC: Ông có lời tư vấn hay nhắn nhủ nào tới ngành tư pháp Việt Nam sau phán quyết này?
Luật sư Đặng Đình Mạnh: Với ngành tư pháp Việt Nam, tôi chỉ có thể nói rằng: Quyết định của hội đồng thẩm phán đã không thuyết phục được công chúng về sự chính đáng và hợp pháp.
Có vẻ như họ đã dễ dàng đạt được một bản án tử hình, nhưng họ sẽ không bao giờ đong đếm đủ sự mất mát của xã hội và của ngành tư pháp là mất trọn nhân tâm.
BBC: Vụ việc này - mà dư luận cho rằng 17 người của hội đồng thẩm phán quyết định số phận của một con người dựa trên một quy trình tố tụng đầy lỗi - nói lên điều gì về thực trạng chính trị, xã hội của Việt Nam hiện nay? Nó có thể ảnh hưởng như thế nào tới niềm tin của công chúng vào chính quyền và đánh giá của thế giới về Việt Nam?
Luật sư Đặng Đình Mạnh: Tôi giả thiết, nếu ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao không giữ vị trí là đảng viên cao cấp, và 16 vị thẩm phán còn lại trong hội đồng thẩm phán không phải là đảng viên, tòa án hoạt động bảo đảm nguyên tắc độc lập, thì chúng ta sẽ không có một quyết định đáng buồn như đã có vào ngày 8/5.
Sự nhập nhằng giữa vai trò chính trị và chức nghiệp đã làm hạn chế tính độc lập của thẩm phán trong việc đưa ra các phán quyết của mình. Hậu quả có thể nhìn thấy trước, nó đang kéo lùi niềm tin của công chúng vào hệ thống pháp đình đến mức không còn giới hạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét