Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Thảm họa dùng đũa một lần

Thảm họa dùng đũa một lần
Khoảng 18 ngàn đồng một gói 50 đôi đũa dùng một lần để đảm bảo vệ sinh dù không có bất kỳ một hóa chất nào tồn dư trên đó (như hoá chất có gốc lưu huỳnh sulfure dioxide thường dùng để sấy chống mốc) cũng không hẳn là thứ "hiện đại và tiện dụng”, khi đây là thói quen nguy hiểm với môi trường. Một số người lớn có thể biết điều này vì báo chí đã cảnh báo. Nhưng rất nhiều học sinh chưa biết.
Rừng và sức khỏe có thể lâm nguy vì đũa sử dụng một lần
Chuyến đi tham quan do trường của cháu tôi tổ chức mới đây, cháu kể lại một ấn tượng được xem là xa xỉ, khi đến bữa cô giáo phát cho mỗi bạn một hộp cơm thức ăn và một đôi đũa dùng xong bỏ đi luôn. Tôi hỏi cháu có quan sát hiện trường sau bữa ăn buổi tham quan Ao Vua hôm đó, cháu mô tả hồn nhiên: Những đống hộp đồ ăn vứt đầy dẫy dọc theo các đường đi. Những bao ni lông mắc lủng lẳng trên bụi cây và những đôi đũa vứt ngổn ngang khắp nơi trên mặt đất.

Vậy liệu có liên hệ gì không, giữa những đôi đũa dùng một lần với những trận lụt có mức tàn phá nặng nề xảy ra những năm gần đây - tôi hỏi. Cháu ớ ra. Thực ra nguyên nhân bị quy kết là nạn phá rừng lấy gỗ bừa bãi, và điều này không thể không liên quan đến những đôi đũa ăn một lần rồi bỏ. Dù nó có làm từ tre, hay gỗ, thì mãi rồi màu xanh trên mặt đất cũng bị tàn phá dần, thậm chí bị đốn trụi để làm đũa ăn rồi bỏ.

Được biết ở nước láng giềng là Trung Quốc nhiều năm trước đã có hàng trăm nhà hàng quốc doanh cam kết tham gia chiến dịch "giữ Trái Đất xanh tươi” bằng cách rửa và tái sử dụng đũa. Tại Hàn Quốc, đũa nhôm được sử dụng rộng rãi vì nước này đã cấm sử dụng đũa dùng một lần tại các tiệm ăn. Học sinh, sinh viên ở đâu cũng cần được học bài học môi sinh từ những "chuyện nhỏ” như thế, thay vì những giảng giải chung chung vĩ mô, như nước ta "rừng vàng biển bạc”, hay các kịch bản biến đổi khí hậu, đến người lớn cũng còn khó hình dung hết.

Trước khi tổ chức cho học sinh đi tham quan, du lịch, nếu không nhắc nhở các em không được vứt bừa bãi giấy gói, bao bì thức ăn, chai lọ, vỏ đồ hộp, thì tham quan sẽ lợi bất cập hại. Chỉ cần trong một buổi tham quan, cô giáo dặn học sinh hãy mang đôi đũa cá nhân theo bên mình cho vào túi vải nhỏ, ăn xong rửa sạch lại cất vào dùng lâu dài, đã là một bài học hay về bảo vệ môi trường .

Không ai trông đợi một cuộc chiến chống đũa dùng một lần sẽ giải quyết được vấn đề môi trường nước ta, nhưng một khi giới trẻ có nhận thức rằng thói quen tiêu thụ của mình có ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường đất nước, thì đó là một khởi điểm hay. Bạn bè tôi có lý sự rằng loại đũa dùng một lần ở ta phổ biến là "hàng nhập” chứ không phải lấy tre, gỗ ở nước mình đâu. Vâng, điều đó không sai nhưng chúng ta đang sống trong mái nhà chung là Trái Đất.

Đêm qua 1-12 theo giờ Việt Nam, tại thủ đô Lima của Peru đã khai mạc Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 20 (COP20), một hội nghị được mong chờ sẽ đưa ra những giải pháp ngăn chặn tình trạng nóng lên của Trái Đất. Rừng ở đâu lâm nguy vì những đôi đũa dùng một lần, thì rốt cuộc chúng ta cũng sẽ bị liên lụy.

Cứu các khu rừng bằng cách giảm số lượng đũa dùng một lần vì thế chắc chắn không chỉ là chuyện của học sinh, hay chuyện một quốc gia.

Thanh Như
http://daidoanket.vn/Index.aspx?Menu=1420&chitiet=94990&Style=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét