Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Người nước ngoài mua hết nhà cửa tại Việt Nam?

Tôi đồng tình với bác Hiệu Minh trong bài này. Người dân ở nước giàu không phải ai cũng thừa tiền, kiếm được bao nhiêu chi tiêu cũng gần hết; số người có tiền tiết kiệm trên triệu đô la (21 tỷ đồng VN) rất ít. Do đó hy vọng họ ào ào đổ tiền vào VN mua nhà thì không có đâu, nhất là do giá nhà Việt Nam không hề rẻ và môi trường sống đầy rủi ro. Còn bảo họ mua để cho thuê, kinh doanh... thì càng khó. Tuy nhiên nghe bác HM kể mấy lần mua bán nhà đều thất bại, mình không tin lắm, hoặc do bác quá tham mua rẻ gặp phải của ôi nên mới thế. Kể cả khi bác ấy mua bên Mỹ, mới sang, kiếm được tý tiền đã vội vàng vay ngân hàng mua nhà định kiếm lời, nhưng rồi cũng tham rẻ vớ phải của ôi và không gặp thời nên thất bại. Đời là vậy, tham thì thâm; đừng thấy người khác làm được mà nghĩ mình cũng làm được. Đời cũng có số đấy. Nhiều người khuyên mình mua nhà ở Thụy Sĩ, mình tính thấy không lợi nên nhất định không mua. Sống tạm ở nước ngoài, dùng nhà thuê là rẻ nhất, an toàn nhất, cơ động nhất. Cuộc đời nay đây mai đó, con cái đã lớn sắp tới sẽ mỗi đứa đi một phương. Thậm chí vợ thích sống bên này, mình thì kiên quyết muốn về nước ở. È cổ chịu gánh nặng mua nhà rồi cũng phải bán để chia cho các con. Lãi trả ngân hàng, thuế mua bán cao (4% nếu mua để ở, 16% nếu mua để kinh doanh, cho thuê)... chắc chắn khi bán sẽ lỗ.
Có sợ người nước ngoài mua hết nhà cửa tại Việt Nam?
Infornet và nhiều tờ báo đưa tin, trong kỳ họp thứ 8 vừa rồi, Quốc hội VN đã thông qua Luật Nhà ở sửa đổi với điểm mới đáng chú ý là cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.

Giấc mơ Mỹ khoảng 1 triệu đô gần Cua Times. Ảnh: HM 
Luật sửa đổi mới cho phép nới lỏng các điều kiện đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, giúp đối tượng này có đầy đủ quyền sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Cụ thể cho phép người nước ngoài có quyền thuê và sở hữu tối đa 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư hoặc tối đa 250 biệt thự/nhà liền kề. Việc sửa đổi cũng cho phép cung cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu có thời hạn đăng ký là 50 năm. Những quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. (Trích từ Infornet)


Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam có dễ như ta tưởng?

Nhiều người hy vọng, nếu người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam, sẽ giúp thị trường bớt ảm đạm. Nhưng có người sợ rằng, người nước ngoài giầu có, nhiều đô la, họ sẽ thao túng, mua hết nhà cửa của người Việt, và lũng đoạn thị trường. Chưa kể các chiêu trốn thuế, lách luật… Người nghèo VN khó có cơ hội được sở hữu nhà.

Tôi không thạo về kinh tế nên bàn mua bán nhà thì bàn chuyện này như thầy mù xem voi. Chuyện hay dở, có lẽ phải hỏi cụ Alan Phan, người có thâm niên buôn bán đất đai khắp thế giới. Bây giờ cụ giải nghệ, viết blog miễn phí cho bà con xem, chắc có nhiều ý kiến hay. :roll:

Tôi không rõ người nước ngoài có nhiều người giầu có để mua đứt một khu chung cư hay không, nhưng với từng cá nhân, nếu mua nhà để ở, thì số này cũng không cao. Buôn nhà đất tại VN thì chắc phải nghĩ tới nghĩ lui hàng trăm lần, đôi lúc giá lên trời nhưng hôm sau bỗng tụt xuống đáy. Dân ta buôn theo tin đồn, dân tây buôn theo dữ liệu tin học. Hai anh đầu nậu này ngồi với nhau chắc khó chơi.

Theo Tổng cục Thống kê Hoa Kỳ, từ năm 1995 tới nay, chỉ khoảng từ 60-70% các gia đình sở hữu ngôi nhà riêng, tương đương với khoảng 120 triệu căn hộ/ngôi nhà. Cụ thể, trong hai năm 2013 và 2014, tỷ lệ này khoảng gần 65%. Số gia đình, cá nhân còn lại là đi thuê, và số rất ít thuộc về vô gia cư.

Năm 2014 được cho là năm có tỷ lệ (64%) sở hữu nhà thấp nhất trong 19 năm qua. Lý do công việc không ổn định, kinh tế ảm đạm, không ai muốn làm chủ một ngôi nhà mà nợ ngân hàng…đầm đìa.

Trong số 60-70% mang tiếng sở hữu nhà riêng, chỉ có khoảng 30-35% thực sự sở hữu, nghĩa là họ đã trả hết tiền vay ngân hàng, không phải trả tiền nhà hàng tháng bao gồm gốc và lãi.

Bên Mỹ, gần như 100% dân chúng mua nhà bằng tiền vay ngân hàng, rồi trả gốc và lãi có khi tới 30 năm. Nghĩa là khi về hưu, may mắn trời cho, tiền nhà mới trả hết. Số 65-75% kia trả tiền nhà cho ngân hàng sau khi hưu, đôi khi lúc ra nghĩa địa vẫn còn nợ ngân hàng.


Có nhà nhưng không sở hữu nhà – Nhà ở Atlanta. Ảnh: HM

Dài dòng thế để biết, người bình thường đang có nhà cửa bên Mỹ, khó ai có thể về Việt Nam mua tiếp một ngôi nhà khác, trừ phi họ kinh doanh rất giầu có, thừa tiền mới sang nước khác đầu tư. Số còn lại, tiền lương để trả ngôi nhà đang sở hữu bằng tiền vay ngân hàng đã vét cạn, làm sao dư tiền để về Việt Nam mua tiếp.

Ví dụ, một nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, lương 120.000 USD/năm. Vì lương cao ở nhà đẹp để xứng tầm và có vai vế. Vì thế ngân hàng sẵn sàng cho anh ta vay để mua 1 ngôi nhà, căn hộ mà trả tiền gốc và lãi khoảng 1/3 số tiền lương trên, tương đương với 40.000USD/năm. Chia cho 12 tháng, khoảng trên 3000USD/tháng. Ngôi nhà đó khoảng 600-700K.

Ngân hàng tính rất kỹ và an toàn, vì 1/3 số lương cho nhà cửa là một con số khả thi. 2/3 lương còn lại phải chi cho ăn uống, đi lại, xe hơi, bảo hiểm và hàng trăm thứ bill trời ơi đất hỡi.

Nếu vào nhà ai đó, bạn nhớ địa chỉ, lên google mà tìm, sẽ thấy giá ngôi nhà đó và từ số tiền mà tính ra lương của lão chủ, dù lão ấy giấu như mèo giấu…chó.

Đương nhiên có thể vay ngân hàng để mua, nhưng chứng minh với ngân hàng là ngôi nhà đó ở Việt Nam rất ổn định, không có nguy cơ cao bị phá sản, không hề dễ. Ngân hàng lớn rất cẩn thận cho khách hàng vay, “không sờ tận tay, day tận tóc” món hàng thì khó nói chuyện họ mở hầu bao.

Trong blog Cua Times có nhiều bạn đọc đang ở nước ngoài. Phần đông chắc cũng sở hữu nhà nhưng bằng tiền vay ngân hàng sở tại, trừ vài bà con có tiền hàng núi trong nước gửi sang do “lao động thối tay”. Tôi tin những bạn đọc bình thường này khó có cơ hội mua nhà tại Việt Nam.

Nếu kèm theo kiểu mua bán nhà của người Việt, cò mồi, và rừng luật chồng chéo, anh nước ngoài nào mà ôm vào, chắc lúc ra, chỉ còn cách ôm người tình mà nhảy sông vì phá sản.

Vài kinh nghiệm xương máu

Kinh nghiệm mua bán bất động sản của tôi rất chi là xương máu. Năm 1994, nghe theo ông anh họ, mua miếng đất 50m2 ngay cạnh nhà bác ý với giá 6 chỉ vàng (hồi đó to lắm). Năm 2001, xây nhà mới, sau gần 10 năm, phải bán miếng đất này, cũng được…6 chỉ.

Năm 2005 mua miếng đất 300m2 ở quê. Định khi nào về hưu, mở quán “Hiệu Minh – chuyên viết blog miễn phí, sửa chữa máy tính vặt, kiêm bán thịt chó”. Giá lúc đó là 50 ngàn đô, bây giờ có người trả 1 tỷ, không thèm mặc cả. Cả hai lần đều không bị lỗ vốn, may ơi là may.

Quá tam ba bận, lần sau không thoát. Cái nhà ở Vienna (Virginia) lúc mua (2007) với giá trên trời 465.000USD vì đang đỉnh sốt, toàn tiền vay Ngân hàng. Lúc bán (2010) chầy chật được 410.000USD, bỏ không vài tháng, ngân hàng trừ đầu trừ đuôi, cộng trừ số tiền bỏ ra, thiệt hại khoảng gần 100.000 USD. Bao năm làm cho Mỹ coi như công toi, lại thêm một chút vay nóng mới hết hạn nhà cửa và giấc mơ Mỹ. Số tiền bán đất định làm quán “Văn – tin – kèm thịt chó” đủ bù 1/2 cho gia sản đã mất bên xứ cờ hoa :cry:

Một người có lịch sử mua bán nhà như thế mà có bạn lại email, Cua ơi, mua nhà ở Việt Nam đi, họ cho phép đấy.

Mình biết có tay Xôi Thịt buôn bán nhà bên xứ Kangaroo. Y định mua cả sa mạc để nuôi đà điểu và rắn độc. Nhưng qua vài lần mua đi bán lại, chắc chắn hắn rút ra một điều đơn giản “Mua được nhà là một hạnh phúc, nhưng bán được nhà là hạnh phúc vô biên”. Không tin các bạn cứ thử hỏi hắn mà xem vì y chuyển từ Sydney về xưa Brisban hay đâu đó rồi. Nghe nói vợ y đang xui mua đảo ở Nam Thái Bình Dương :razz:

Tôi viết vui để các bạn cho ý kiến, Việt Nam có sợ người nước ngoài mua hết bất động sản tại VN hay không?

Nếu không có chuyện gì để kể, các cụ cứ lôi chuyện buôn đất bán nhà của chính mình để tâm sự cho đỡ buồn.

HM. 1-12-2014
(Blog Hiệu Minh)

1 nhận xét:

  1. Mua rồi thì chết đứng, nhà nước XHCN muốn lấy lại nhà bao giờ chẳng được, luật rừng .

    Trả lờiXóa