Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

"HỒ DUY HẢI CUỐI CÙNG SẼ TRẮNG ÁN"

TS. Cù Huy Hà Vũ: TÔI TIN RẰNG HỒ DUY HẢI CUỐI CÙNG SẼ TRẮNG ÁN
HỒ DUY HẢI CHƯA THỂ CHẾT OAN SAU KHI CHÁNH ÁN TANDTC NGUYỄN HÒA BÌNH SẼ TUYÊN GIỮ NGUYÊN ÁN TỬ HÌNH HỒ DUY HẢI VÀO NGÀY 8/5/2020. Tôi tin rằng Hồ Duy Hải cuối cùng sẽ trắng án với điều kiện công luận kiên quyết đấu tranh chống lại án tử hình oan này với các lập luận gỡ tội vững chắc.

7/5/2020 - Thưa Quý Vị, Căn cứ vào cách thức điều hành phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải và các kết luận của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ tọa phiên tòa này trong hai ngày qua, tôi chắc ngày mai, 8/5/2020, Chánh án Nguyễn Hòa Bình sẽ tuyên “Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải” theo Khoản 1 Điều 388 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015. Đơn giản là Chánh án Nguyễn Hòa Bình muốn khẳng định ông ta khi là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đúng khi ra quyết định không kháng nghị bản án phúc thẩm tử hình Hồ Duy Hải vào năm 2011.

Tuy nhiên Hồ Duy Hải chưa thể chết oan (thay cho Nguyễn Văn Nghị) vì còn có “Thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao” quy định tại Chương XXVII Bộ Luật Tố tụng hình sự.

Theo Khoản 3 Điều 404 Bộ Luật Tố tụng hình sự, chỉ cần Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó. Mà như chúng ta đã biết, hiện nay cả Ủy ban tư pháp của Quốc hội lẫn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều khẳng định không đủ căn cứ khách quan để tử hình Hồ Duy Hải và yêu cầu điều tra lại vụ án.

Tôi tin rằng Hồ Duy Hải cuối cùng sẽ trắng án với điều kiện công luận kiên quyết đấu tranh chống lại án tử hình oan này với các lập luận gỡ tội vững chắc.

Cù Huy Hà Vũ
7/5/2020
------------------

CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI LÊN TIẾNG VỀ VỤ ÁN HỒ DUY HẢI


Hình ảnh bà Nguyễn Thị Loan – mẹ Hồ Duy Hải vất vả ngược xuôi từ Nam ra Bắc kêu oan cho con trai ròng rã suốt 12 năm – khiến lòng người rung động. Bà Loan cho biết “bà đã không còn nước mắt để khóc nữa”.

Đại biểu Quốc hội: Vụ Hồ Duy Hải ‘không đủ chứng cứ thì phải thả, không thể xử ép’

Tri thức VN - Thứ sáu, 08/05/2020

ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng vật chứng trong vụ Hồ Duy Hải là cái thớt thì lại được đi mua cái khác giống như vậy. Nếu không đủ chứng cứ thì phải thả ra, tiếp tục theo dõi, thu thập chứng cứ chứ không thể xử ép.

Chiều 7/5, tại buổi tọa đàm “tăng cường chất lượng giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm” do báo Đại biểu nhân dân tổ chức, vụ án Hồ Duy Hải được các đại biểu Quốc hội, luật sư đề cập đến.

Theo giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm diễn biến phức tạp, chưa có xu hướng giảm, thậm chí còn tăng. Trong khi tỷ lệ giải quyết của ngành tòa án mới đạt 51%, chưa đạt chỉ tiêu 60% theo yêu cầu của Nghị quyết số 37 của Quốc hội.

Luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng số đơn giám đốc thẩm tăng, nguyên nhân là do sơ thẩm, phúc thẩm làm chưa tốt. Trong các vụ án hình sự và dân sự, sai trái có thể do điều tra, kiểm sát, hay tòa án; trong đó án dân sự là khủng khiếp.

Về việc vụ Hồ Duy Hải dẫn đến giám đốc thẩm, ông Nghĩa cho hay mấu chốt nhất trong vụ này là vấn đề chứng cứ.

“Vật chứng trong vụ Hồ Duy Hải là cái thớt thì lại được đi mua cái khác giống như vậy. Nếu không đủ chứng cứ thì phải thả ra, tiếp tục theo dõi, thu thập chứng cứ chứ không thể xử ép.

Một nguyên tắc rất cơ bản của pháp luật hình sự của mọi quốc gia văn minh là phải đủ chứng cứ mới buộc tội. Có thể anh nghi ngờ người ghê lắm, nhưng muốn buộc tội người ta thì phải có đủ chứng cứ. Một khi không đủ chứng cứ thì không được buộc tội người ta” – ông Nghĩa nói và cho rằng “đã sai phải sửa, vì nếu sai mà không sửa thì đó là sự méo mó của nền tư pháp”.

Luật sư Phạm Công Hùng – nguyên Thẩm phán TAND Tối cao cho rằng có rất nhiều vụ án gần đây gây “bão” dư luận vì những điều rất sơ đẳng. Trong đó có vụ Hồ Duy Hải khi các chứng cứ chứng minh có rất nhiều vấn đề.

Cũng nhận xét về vụ án Hồ Duy Hải, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – Phó Ban Dân nguyện cho rằng rất may trong vụ này còn bộc lộ một số “lỗ hổng, sơ xuất” mà Ủy ban Tư pháp, dư luận đã phát hiện ra, vì có những trường hợp bị “bịt”, thậm chí “sử dụng dấu của cơ quan điều tra, kiểm sát đóng vào đấy rồi”.

“Chất lượng xét xử hoàn toàn phụ thuộc vào công tác cán bộ. Dùng quyền lực là chính chứ không dùng kiến thức. Người ta vừa nói, anh đã đập bàn, bắt im thì người ta nói làm sao? Mà không có thông tin thì làm sao quyết? Như vậy thì đúng là án bỏ túi rồi. Nhưng có những việc tòa án không phát hiện được, vì quá trình điều tra, quá trình làm hồ sơ, người ta đã làm quá tròn, thậm chí tìm mọi cách để bịt rồi”, ông Nhưỡng cho hay.

“Khi tôi còn là luật sư, đi bào chữa, có những bản án viết như vỡ lòng, rất buồn. Quyền lợi bị xâm phạm, tội phạm bị bỏ lọt thì đương nhiên người ta tiếp tục phải khiếu nại thôi”, ông Nhưỡng nói thêm.


Phạm Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét