Trung Quốc sẽ chỉ xả lũ cầm chừng, lấy lệ'
Việt Tường - Chuyên gia biến đổi khí hậu tại miền Tây nhận định việc Trung Quốc cam kết xả lũ để cứu hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ không có nhiều tác dụng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho biết, cho rằng dù đã hứa, nhưng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ chỉ xả lũ một cách cầm chừng cho có lệ, vì nước này cũng cần nước để phát điện cho các tháng mùa khô kế tiếp.“Chưa hết, hơn 4.000 km xuống đồng bằng sông Cửu Long, chẳng lẽ Thái Lan, Lào, Campuchia không hớt trước lượng nước chảy qua lãnh thổ của họ trước khi đến vùng ven biển miền Tây. Các vùng trũng, dòng nhánh, khu đất ngập nước dọc lưu vực sẽ tiếp tục gom các nước còn thừa, dòng chảy đến đồng bằng sông Cửu Long còn được bao nhiêu?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.
Trong khi đó, tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, cũng khẳng định ngay cả trong trường hợp Trung Quốc cho xả khoảng 400 triệu m3 nước thì do dọc đường đi của sông Mekong quá dài, hàng nghìn km.
Như vậy các nước Thái Lan, Lào và Campuchia được hưởng nhiều hơn, đến Biển Hồ lại “nuốt tiếp” theo quy luật điều hòa tự nhiên. Như vậy, lượng nước thực tế về đến ĐBSCL chỉ còn khoảng 3-4% lượng nước xả từ hồ thủy điện.
Ông Tuấn, chuyên gia đầu ngành vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng hầu hết các vùng canh tác lúa và màu hiện nay ở ven biển đã bị thiệt hại gần hết. Nếu đưa nước vào chẳng cứu được bao nhiêu lúa và không còn ý nghĩa nữa. Campuchia cũng nhân dịp này có thể sẽ yêu cầu thủy điện Yaly xả nước xuống cho vùng Đông Bắc của nước này.
“Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa con số yêu cầu Trung Quốc xả nước từ đập Cảnh Hồng (Jinghon) là 2.300 m3/s, xả liên tục 7 ngày liên tiếp từ đợt 1 từ 7-21/3. Đợt 2 từ 5-20/4. Tuy nhiên, hồ chứa thuỷ điện Cảnh Hồng có dung tích hoạt động tối đa là 249 triệu m3 nước, nếu xả theo yêu cầu của Việt nam là tối thiểu 2.300 m3/s thì chỉ sau 30 giờ là cạn hồ”, ông Tuấn giải thích.
“Như vậy chỉ sau hơn một ngày xả là hồ hết nước, vậy lấy đâu ra mà xả tiếp mấy ngày sau? Lưu lượng đến hồ Cảnh Hồng hiện nay rất ít. Vả lại, đập thủy điện Cảnh Hồng là đập điều tiết theo mùa nên không thể vận hành theo ngày được”, ông Tuấn nhận định.
Vì vậy, theo phó giáo sư Tuấn, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc xả lũ để cứu hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long vào thời điểm này là không hiệu quả, lợi ích không bao nhiêu. Và có thể Trung Quốc sẽ lợi dụng yêu cầu này để nói là nhờ công lao làm thủy điện của họ đã cứu cho người dân miền Tây và các nước hạ lưu Mekong.
“Điều đó có thể gây hại cho ngoại giao vì có khi sau đó chúng ta bị lệ thuộc họ”, ông Tuấn cảnh báo.
“Điều chúng ta cần kiến nghị với phía Trung Quốc là để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất trên đồng bằng như thời gian qua và chủ động hơn cho điều hành sản xuất từ nay về sau, họ cần chia sẻ, cung cấp trước các thông tin về kế hoạch vận hành hàng năm tại thủy điện Cảnh Hồng”, tiến sĩ Tô Văn Trường nhấn mạnh.
“Họ cũng phải chia sẻ thông tin cập nhật hàng ngày tại thủy điện cuối bậc thang, Cảnh Hồng (gồm mực nước hạ lưu đập, lưu lượng xả, số tổ máy vận hành) cho cả năm. Mặc dù Trung Quốc không tham gia Ủy ban sông Mekong (MRC) nhưng Hiệp định Mekong 1995 có thể giúp đưa ra qui định và đó là những gì MRC và Ngân hàng Thế giới (WB) đã và đang thực hiện, nhưng chưa hoàn tất”, ông Trường giải thích.
Theo ông Trường, “khai thác sử dụng tài nguyên nước sông Mekong một cách vững bền là thách thức về tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế xã hội ở đồng bằng trong bài toán tổng thể quản lý lưu vực sông quốc tế”.
Theo Zing
http://viettimes.vn/dia-chinh-tri/chau-a-thai-binh-duong/trung-quoc-se-chi-xa-lu-cam-chung-lay-le-44792.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét