Nhân – Quả
Thơ của Thái Bá Tân
Cuối thế kỷ mười chín
Ở Scôt-len, nước Anh,
Có bác nông dân nọ
Chăm chỉ và hiền lành.
Một hôm, đang làm ruộng,
Bỗng có người kêu to.
Thì ra một cậu bé
Bác nhảy xuống cứu cậu.
Một việc làm thường tình.
Rồi thản nhiên quay lại
Với công việc của mình.
Hôm sau, vừa đúng lúc
Trở về từ cánh đồng,
Có chiếc xe tam mã
Dừng trước cửa nhà ông.
Đó là bố cậu bé
Được bác cứu dưới hồ.
Một quí tộc giàu có,
Cũng là một quan to.
Sau mấy lời cảm tạ,
Nhà quí tộc hỏi ông:
“Tôi muốn giúp đỡ bác.
Bác có cần gì không?”
“Suốt đời tôi làm ruộng.
Vất vả nhưng đủ ăn.
Giờ tạm thời sống ổn.
Cảm ơn, tôi không cần.
Mà rồi cái chuyện ấy,
Chuyện cứu con trai ngài,
Bình thường và nghĩa vụ
Đối với bất kỳ ai”.
Giữa lúc ông quí tộc
Chẳng biết phải làm sao,
Thì có một cậu bé
Khoảng mười tuổi, bước bào.
“Đây là con trai bác?”
“Vâng, tất nhiên, con tôi.
Nó thông minh, chịu khó.
Một thằng bé không tồi”.
Ông quí tộc hỏi nó:
“Lớn lên cháu muốn gì?
Chắc cháu có dự định.
Vậy cho bác biết đi.”
Cậu bé khiêm tốn đáp:
“Là con nhà nông dân,
Thì cháu, cũng như bố,
Làm ruộng để kiếm ăn.”
“Không lẽ cháu không có
Mong ước lớn hơn sao?”
“Nhưng nhà cháu nghèo thế
Còn biết làm thế nào?”
“Tốt, nhưng nếu cháu có
Một chiếc đũa thần kỳ,
Muốn ước gì được ấy.
Vậy cháu sẽ ước gì?”
“Cháu muốn được đi học,
Học thật giỏi, và rồi
Thành một bác sĩ giỏi
Chữa bệnh cho mọi người”.
Liền quay sang người bố,
Ông quí tộc nói ngay:
“Thưa bác, tôi xin có
Một đề nghị thế này:
Bác cho tôi chu cấp
Việc con bác học hành,
Như tôi đã và sẽ
Lo cho con trai mình”.
Bác nông dân đồng ý.
Chẳng còn gì tốt hơn.
Và rồi con trai bác
Được gửi đến London.
Học ở trường tốt nhất,
Trường y Saint – Marie.
Cậu học rất chăm chỉ,
Đứng đầu các kỳ thi.
Nhờ hoài bão to lớn,
Tận tụy và nhiệt tình,
Cậu trở thành bác sĩ
Alexander Fleming.
Người được cả thế giới
Mang ơn và tôn vinh
Năm Một Chín Hai Bảy,
Chế ra thuốc kháng sinh.
Nó – đặc trị diệt khuẩn,
Một loại thuốc diệu kỳ,
Một bước ngoặt vĩ đại
Trong ngành dược, ngành y.
Vài năm sau, cậu bé
Suýt chết đuối dưới hồ
Mắc bệnh viêm phổi nặng,
Lên cơn sốt và ho.
May nhờ loại thuốc mới,
Thuốc pénicilline,
Cậu nhanh chóng khỏi bệnh.
Cậu – Winston Churchill.
Cậu, nhiều năm sau đó
Thành con người lừng danh,
Một nhân vật vĩ đại,
Là thủ tướng nước Anh.
Họ, một người bác sĩ.
Một người chính trị gia,
Thành đôi bạn thân thiết
Cho đến tận tuổi già.
*
Lại thêm một thí dụ
Về nhân quả ở đời,
Về quan hệ tương hỗ
Giữa người sống với người.
Thái Bá Tân vốn là nhà giáo, dịch giả, và nhà thơ nổi tiếng với kiểu thơ 05 chữ. Không cầu kỳ, mà câu chữ giản dị của ông luôn đi vào lòng người, thấm thía, sâu sắc, nhân ái. Đây là bài thơ mới của ông
Alexander Fleming (6 tháng 8 năm 1881 – 11 tháng 3 năm 1955) là một bác sĩ, nhà sinh học và đồng thời là một nhà dược lý học người Scotland. Ông được coi là người mở ra kỉ nguyên sử dụng kháng sinh trong y học. Ông đã được trao Giải thưởng Nobel về y học năm 1945 cùng với Ernst Boris Chain và Howard Walter Florey về việc tìm ra và phân tách được penicilin – được coi là loại kháng sinh đầu tiên trong việc điều trị những bệnh nhiễm trùng.
Mặc dù được tạo điều kiện làm việc tốt ở Đại học Luân Đôn, nhưng Fleming và trợ lý của mình vẫn thực hiện những nghiên cứu của mình tại phòng thí nghiệm cũ của Học viện Saint Mary. Trong một thời gian dài, ông đã thực hiện các thí nghiệm nuôi cấy liên cầu khuẩn. Nhưng vì điều kiện dụng cụ, thiết bị lúc đó còn thô sơ nên việc tránh sự tạp nhiễm của các loại vi khuẩn, nấm mốc khác vào các hộp petri nuôi cấy là rất khó khăn.
Vào ngày 28 tháng 9 năm 1928, khi người phụ tá của Fleming mở một đĩa petri đã cấy vi khuẩn để lấy vi khuẩn đi nghiên cứu thì anh phát hiện thấy trong đĩa petri ấy xuất hiện một loại nấm màu xanh nhạt. Báo cáo với Fleming về điều này, sau đó anh đem đổ đĩa petri ấy vào một cái đĩa khác, lúc ấy trên đĩa petri cũ còn lưu lại những đường vân xanh của loại nấm màu xanh lam ấy. Fleming thấy vậy, ông nghĩ rằng đó là dấu vết lưu lại của những vi khuẩn đã chết, ông bèn lấy một giọt dịch của đĩa petri bỏ đi ấy đem quan sát dưới kính hiển vi, thật ngạc nhiên khi ông phát hiện rằng không hề có dấu vết của liên cầu khuẩn trong đó.
Điều này đã khiến Fleming cho rằng loại nấm xanh đó đã tiết ra một chất có khả năng ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn, vì thế ông đã chuyển sang nuôi cấy loại nấm đó. Sau đó ông cho sợi nấm vào các dung dịch chứa vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn lị, phế cầu khuẩn, não mô cầu... Kết quả cho thấy các loại vi khuẩn thương hàn, lị... vẫn phát triển mạnh bình thường, còn các loại cầu khuẩn kia lại chết hết toàn bộ. Lúc này, Alexander Fleming tin rằng phán đoán của mình là chính xác.
Giáo sư Fleming đã đem phát hiện của mình ra công bố vào năm 1929, đồng thời ông cũng nói rằng vào lúc đó ông chưa thể chiết tách được penicilin từ nấm Penicilin. Trong 10 năm sau đó, ông âm thầm làm các công việc khác trong khi vẫn tìm cách chiết tách penicilin, còn báo cáo của ông về penicilin dần rơi vào quên lãng khi giới y học lúc đó cho rằng nấm chỉ đem lại bệnh tật, chứ không thể chữa bệnh được.
Năm 1938, Fleming nhận được thư của hai nhà khoa học từ trường Đại học Oxford là Ernst Boris Chain và Howard Walter Florey, với lời đề nghị được hợp tác với ông để tiếp tục thực hiện công trình nghiên cứu về penicilin. Và sự hợp tác đã mang lại thành công, tháng 8 năm 1940, báo cáo kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tập san khoa học Lancet.
Năm 1941, nhóm đã chọn được loại nấm penicilin ưu việt nhất là chủng Penicilin Chrysogenium, chế ra loại penicilin có hoạt tính cao hơn cả triệu lần penicilin do Fleming tìm thấy lần đầu năm 1928.
Trong Thế chiến thứ hai, thương binh cần nhiều kháng sinh, lúc này penicilin trở nên cần thiết, và từ năm 1943 Anh và Mỹ đã sản xuất penicilin với quy mô công nghiệp, để chữa trị các bệnh nhiễm trùng trên phạm vi rộng.
Lúc này, phát minh của Fleming đã được cả thế giới công nhận. Vì vậy, năm 1945, giáo sư Alexander Fleming được tặng giải thưởng Nobel về y học, cùng với Ernst Boris Chain và Howard Walter Florey.
Alexander Fleming còn là hội viên Hội Khoa học Hoàng gia Luân Đôn, là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Paris (Pháp), và từng làm Chủ tịch Hội Vi sinh vật Anh, làm hiệu trưởng trường Đại học Edinburgh từ năm 1951 đến năm 1954, là viện sĩ danh dự của nhiều viện hàn lâm khoa học trên thế giới, và ông được Hoàng gia Anh phong tước hiệp sĩ năm 1944.
Alexander Fleming qua đời năm 1955, khi ông 74 tuổi. Một lễ tang đơn giản đã được tiến hành tại nghĩa trang của nhà thờ Thánh Paul, Luân Đôn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét